1. Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc ” mang hào khí của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ mùa xuân năm ấy tiến quân ra Bắc, đánh tan quân xâm lược với khí thế thần tốc và giành chiến thắng lẫy lừng vào dựng xây cuộc sống mới hôm nay. Đó là thần tốc vươn lên xây bao công trình, góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước để chào đón mùa xuân, chào năm mới và chào ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc” kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa của các diễn viên tạo không khí hào hùng, vui tươi, phấn khởi trong mùa xuân năm mới.
Biểu diễn:
- Hát: Các nghệ sỹ: Duy Long, Anh Tuấn, Chí Cường, Lê Tuyền, Hồng Diễm, Hồ Điệp.
- Múa: Kim Tiển, Thuý Vân, Trà Giang, Thuý Kiều, Võ Nương, Bích Lĩnh, Nhị Hảo.
2. Đơn ca “ Biển quê ta”
“Biển quê ta càng đẹp lại càng giàu
Giữ mãi biển trời này buông lưới ta câu
No ấm bây giờ và cho cả mai sau”
Đó là những ca từ gần gũi, mượt mà và đầy chất trữ tình, khí khái mà cố nhạc sỹ - NSƯT Hoàng Lê viết về ‘Biển quê ta”.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thiên Nga
3. Múa “Hồn Việt”
Đây là tiết mục múa mang đậm chất dân gian, sử dụng đạo cụ chính là hoa Sen - biểu tượng của sự thanh khiết của người dân Việt Nam, ẩn chứa nét đẹp tinh tuý của người con gái Việt với những phẩm hạnh đáng quý, luôn giữ được giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc ta.
Thông qua các động tác múa mềm mại, nhẹ nhàng tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho người thưởng thức.
Biên đạo: Nghệ sỹ Kim Tiển.
Biểu diễn: Tốp nữ.
4. Biểu diễn võ thuật
4. 1 Thần đồng – Biểu diễn Bảo Nguyên CLB Phạm Thị Lành
Thần đồng là tên bài Võ cổ truyền Việt Nam nổi tiếng lâu đời. Thần đồng có hai loại hình: Thần đồng quyên và Thần đồng côn. Lời thiệu bài Võ cổ truyền làm nên nét văn hoá Việt đặc thù không lai tạp. Có người cho rằng để “hiện đại hoá” Võ cổ truyền thì nên gọi là đánh trái, chém phải, đá trước, đạp sau, gối lên, chỏ xuống…, một, hai, ba, bốn… thay lời thiệu cho dễ tập thì thật là uổng công của người xưa vun đắp và thổi hồn vào thế hệ mai sau. Bởi thế lời thiệu rất hay và ý nghĩa
Thủ bái Thần đồng.
Ngư ông trì thế.
Xổ bộ xuy phong.
Hoành khai tả toạ Thái công.
Phát hồi địa hổ.
Đả song phi chích phụng đơn hành
Đản tả đả tả.
Đản hữu đả hữu.
Phi nhất bộ Thần đồng chắp thủ.
Lương biên lập như tiền.
Bài được đưa biên soạn vào hệ thống thi đấu giải vô địch trẻ và thiếu niên và giải hội khỏe Phù Đổng trong toàn quốc.
4.2 Thái Sơn côn – Biểu diễn Phạm Trường Thịnh
Là một bài roi chiến rất nổi tiếng trong làng võ Tây Sơn Bình Định, bài roi Thái Sơn không hoa mĩ cầu kì, nhưng các thế chiến đấu rất hiệu quả, có lối đánh thực dụng, xứng danh là một bài roi chiến. Sử dụng côn pháp lấy những yếu tố kỷ thuật của một số loài vật làm căn cơ, mô phỏng động tác của Rắn, kỳ Lân, Tê giác, Thỏ, Mèo, Gà, Trâu, Hổ. Đây là những điểm hiếm thấy trong các bài võ cổ truyền Việt Nam.
Thái sơn, đích thủy, địa xà liên
Thương thượng, lộng ky lân, thoái bạch viên
Huy ky, độc giác, trung bình hạ
Thượng thích, đại đăng, tấn thừa thiên
Hồi đầu trực chỉ liên tam thích
Đồng tâm thuận thế giáng vân biên
Tẩu độc thố,trưng sơn, hoành, giáng kiếm
Linh miêu mai phục, tấn thích ngưu
Thừa châu bố địa, khai côn thích
Hồi tiểu, kim kê, đả trung lang
Phi phong, tẩu võ,khai ngưu giác
Tiểu tử tam phiền, giá mã an
Bái tổ lập như tiền.
Tiết mục biểu diễn võ thuật
4.3 Đồng diễn Tứ linh đao – Biểu diễn CLB Phạm Thị Lành
“Hướng đông chấp thủ nghiêm chào
Chụm về tay phải cầm đao loan liền
Lui chân tay kéo lên trên
Chém ngang trái phải vớt liền một phen
Nghiêng mình rùa núp lá sen
Chém ngang phát cỏ bay lên phượng hoàng
Đỡ đâm hình dạng kỳ lân
Chéo chân chém dưới bước lên chẻ đầu”
Có nguồn gốc từ võ phái Tây Sơn Nhạn – Kim Kê do lão võ sư Đặng Vân Anh sáng lập. Bài Tứ Linh đao đựợc tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất năm 1993, làm bài qui định quốc gia. Đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu toàn quốc. Bài Tứ Linh Đao hội đủ các yếu tố kỷ thuật của bốn con vật “Long, Lân, Quy, Phụng”
5. Hoạt cảnh “Đường ra phía trước”
Là hình ảnh cô du kích làm nghề lái đò trên sông Lại Giang với nhiệm vụ đưa bộ đội Cụ Hồ qua sông hàng ngày để tiến về phía trước, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Màn đối đáp, tâm sự giữa anh bộ đội sau khi bị thương đã lỡ chuyến đò cùng động đội và cô lái đò dũng cảm, can trường thật xúc động, ấm áp tình quân dân, tình đồng chí. Mỗi người đều phải gác lại tình riêng để cùng nhau hướng về phía trước, hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Bác, với non sông Việt Nam trong thời khắc lịch sử quan trọng ấy.
Hoạt cảnh “Đường ra phía trước” sự dụng nhiều làn điệu mang âm hưởng của Dân ca khu V như: hò hê, hò khoan… tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc với người xem hôm nay.
Sáng tác: Cố NSƯT Phan Ngạn
Biểu diễn: Các NS: Thành Việt, Hồng Diễm
6. Tam ca nữ: “Buổi sáng trên đồng nội”
“Đồng quê tươi thắm ơi!
Non nước thân yêu ơi!
Ta hiến dâng cả tuổi xuân trong trắng
Quê hương ta đẹp vô ngần
Muôn hoa chi đẹp cho bằng”
Đó là những ca từ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần ngọt ngào, sâu lắng mà nhạc sỹ Trần Tất Toại đã gửi gắm khi miêu tả về vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam trong thời bình.
Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Lê Tuyền - Bạch Lan- Cẩm Hương
Tiết mục tam ca nữ "Buổi sáng trên đồng nội"
7. Biểu diễn võ thuật
7.1 Thái cực quyền - Biểu diễn: Trịnh Văn Lưu
Tại những kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc gần đây, bộ môn võ cổ truyền luôn đóng góp nhiều tấm huy chương quý giá, giúp thể thao Bình Định có được vị trí tương xứng trên bảng xếp hạng chung cuộc. Năm 2022, các VĐV thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tiếp tục phát huy truyền thống đó bằng những thành tích cực kỳ ấn tượng. Ở nội dung đối kháng môn võ cổ truyền, chúng ta tham gia 9 VĐV thì có đến 8 VĐV lọt vào bán kết, giành được 2 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ. Ở nội dung hội thi, chúng ta có 5 VĐV tham gia tranh tài, giành được 4 HCV và 1 HCB. Kết quả này giúp đội tuyển võ cổ truyền Bình Định giành vị trí nhất toàn đoàn. Trong lần đầu tiên môn Taolu – quyền thuật biểu diễn của Ushu Trung Quốc được đoàn Bình Định đưa vào chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc, đã có 1 HCĐ . Đây là kết quả rất tốt, cho thấy tầm nhìn và sự đầu tư đúng hướng của ngành Thể thao trong thời gian qua. Tiếp nối thành công , Văn Lưu thi đấu giải vô địch Ushu tháng 3, năm 2023 tại Vũng Tàu và giành 1 HCB.
7.2 Lôi phong tùy hình kiếm - Biểu diễn: Thảo Hiền
Bài Lôi phong tùy hình kiếm do đô đốc Trần Quang Diệu biên soạn, trong thời gian Ông ở núi Thạch Bì cùng với vợ là Bùi Thị Xuân chọn vùng đất này lập căn cứ chiêu mộ hào kiệt và rèn luyện võ công. Bài Lôi phong tùy hình kiếm có 72 hành pháp liên hoàn theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào ngày 21 tháng 03 năm Kỷ Sửu ( 1769)
“Xuất kiếm thị oai phong, lâm xuân hoa diệp lạc,
Hổ diểu kiếu kinh thiên, lôi phong thinh động địa.
Xung vân kiếm nhi hầu thượng đế, sắc long đao giáng phủ động đình ,
Thị nhựt ư xuất hành đương tiên điển,
Cấp cấp truy bộ thiên lôi chi phủ đạo, trùng tiên nhi đãi sự
tảo ngã tận tích khí tan bồng”
7.3 Đối luyện Không thủ đối kháng song đao - Quốc Thắng, Quốc Huy, Phú Nhân
Các tiết mục đối luyện luôn ẩn chứa những thế đánh có độ nhanh rất cao, mạnh mẽ, uy lực và biến ảo vô cùng. Binh khí trong tay nhập hồn mà tung thế, binh khí kết hợp với tấn pháp vững vàng, thân pháp uyển chuyển, ánh mắt định thần, đầu óc tập trung cao độ. Tay cầm đơn đao tuy luôn ở thế thượng phong, nhưng quyền thuật vẫn công thủ toàn diện để chống trả đối thủ của mình. có thể nói đối luyện trong võ cổ truyền Bình Định là phương pháp tập luyện làm cho chúng ta có phản xạ nhanh nhất, ra thế kịp thời, vận dụng đối luyện người tập võ luôn có sự tập trung giải quyết tình thế cấp bách .
“Hào khí Quang Trung tỏa núi sông
Anh hùng áo vải phất cờ hồng
Giúp dân giữ nước yên bờ cõi
Sự nghiệp trăm năm tạc chữ đồng”
“Con cháu ngày nay rất tự hào
Phát huy truyền thống chí càng cao
Núi sông 1 dải hoa thơm ngát
Bão táp qua rồi đẹp biết bao”
Trích đoạn Ca kịch Bài chòi "Đêm Phú Xuân"
8. Ca kịch Bài chòi “Đêm Phú Xuân”, trích trong vở “Anh hùng với giai nhân”
Từ khi nàng công chúa khuê các xứ Bắc Hà - Ngọc Hân nên duyên cùng người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ và theo chàng vào Phú Xuân định đô. Ở nơi đất khách quê người, bao nỗi nhớ nhung về quê hương, gia đình luôn thường trực trong tim Ngọc Hân. Nhưng nhờ tình yêu chân thành, nồng thắm giữa hai người đã vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, không gian, thân thế và cả âm mưu không trong sáng của những thế lực chính trị thời Lê suy Trịnh nát, để vươn tới sự cao thượng và trở thành thiên diễm tình tuyệt đẹp, tiêu biểu trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Bích Lĩnh trong vai Công chúa Ngọc Hân
Nghệ sỹ Phương Phú trong vai Nguyễn Huệ
Nghệ sỹ Đỗ Xuân trong vai Lê Duy Chí
Nghệ sỹ Duy Long trong vai quân báo