Thân thế và Sự nghiệp Đào Tấn

 
ĐÀO TẤN
(1845 - 1907)

* Thân thế và sự nghiệp:
Đào Tấn tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, khi ông về ẩn trên núi có thêm một tên hiệu nữa là Mai Tăng. Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm ất Tỵ (1845 - Thiệu Trị năm thứ 5) tại làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ Đào Tấn theo học ông Nguyễn Diêu, tức cụ Tú tài Nhơn Ân. Nguyễn Diêu vốn là một nhà soạn tuồng nên Đào Tấn sớm chịu ảnh hưởng ở thầy.
Năm 1867 (Tự Đức thứ 20), Đào Tấn đỗ Cử nhân, lúc đó ông mới 22 tuổi. Bốn năm sau ông được thọ hàm Kiểm tịch sung vào Ban Hiệu thơ ở Huế. Ban Hiệu thơ thực chất là Ban Sáng tác tuồng do chính vua Tự Đức làm chủ.
Năm 1874, ông được thăng Biên tu rồi Tu soạn kiêm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình), sau đó thăng Thừa chỉ rồi Thị độc nội các. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) Đào Tấn được thăng Thị giảng học sĩ - Tham tá các vụ.
Năm 1881 ông được thăng Hồng Lộ tự khanh, lãnh Phủ doãn Thừa Thiên. Sau khi Tự Đức chết, Đào Tấn bỏ quan về nhà nên bị triều đình hạ 4 bậc.
Năm 1886 Đồng Khánh lên ngôi cho triệu Đào Tấn ra làm Tham tá các vụ, năm sau được bổ nhiệm Phủ doãn Thừa Thiên rồi Tham tri Bộ Hộ (1888).
Năm Thành Thái thứ nhất (1889) Đào Tấn được bổ nhiệm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) rồi Thượng thư Bộ Công (1894), Thượng thư Bộ Hình (1896). Năm 1898, Đào Tấn được thăng Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Nam Nghĩa Tổng đốc (Quảng Nam - Quảng Nghĩa) rồi lại làm An Tĩnh Tổng đốc lần thứ hai.
Năm 1902 Đào Tấn trở về Huế lại lãnh Thượng thư Bộ Công.
Năm 1904 vì xảy ra mâu thuẫn với Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Thân nên Đào Tấn về hưu, lúc đó ông vừa tròn 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu,  Đào Tấn dốc toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật hát bội, nuôi đoàn hát; lập “Học bộ đình Vinh Thạnh”; đào tạo, bồi dưỡng lớp học trò tài năng làm rạng danh nghệ thuật hát bội tại quê hương.
Ông mất vào ngày rằm tháng 7 năm 1907 (Thành Thái thứ 19), thọ 63 tuổi. Phần mộ của ông đặt trên núi Hoàng Mai tại quê nhà, đúng như nguyện vọng của ông lúc sinh thời: “Mai sơn tha nhật tàng Mai cốt/ Ưng hữu Mai hoa tác mộng hồn.” (Núi Mai một ngày nào giữ xương Mai/ Ưng có hoa Mai dệt mộng hồn).
Về tác phẩm, Đào Tấn đã để lại gần 40 vở tuồng bao gồm cả những vở sáng tác chung và cải biên, chỉnh lý. Đáng kể là “Quần trân hiến thụy” và “Vạn bửu trình tường”, phụng sắc vua Tự Đức, ông cùng Ban hiệu thư soạn mỗi vở dài 100 hồi, diễn 100 đêm. Các vở tuồng do Đào Tấn sáng tác có giá trị về tư tưởng cũng như văn học như: Trầm Hương Các,  Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Cổ Thành, Diễn võ đình... đặc biệt là vở “Hộ sanh đàn” được liệt kê vào 100 kiệt tác sân khấu thế giới.
Đào Tấn còn để lại gần 1000 bài thơ, từ, tản văn và liễn đối trong các tập: Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục, Mộng Mai văn sao. Riêng cuốn Hý trường tuỳ bút - đây là tập sách có tính chất lý luận, tập hợp những bài viết, thư từ trao đổi của Đào Tấn xung quanh nghệ thuật Tuồng.
Theo gia phả họ Đào thì Đào Tấn còn sáng tác âm nhạc. Ông từng đã được nhà vua giao soạn nhiều Nhạc chương khúc điệu để phục vụ triều đình. Tiếc rằng những nhạc chương khúc điệu đó ngày nay đã bị thất truyền.
Đào Tấn được giới học giả, các nhà nghiên cứu lý luận học thuật xưa và nay ca ngợi: Là người nghệ sỹ nhiều tài năng, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp nghệ thuật Tuồng của dân tộc. Chính tài năng, vị trí, vai trò và những đóng góp đối với nghệ thuật Tuồng của ông đã được ngành Tuồng cả nước đương thời suy tôn là bậc Hậu tổ. Đào tiên sinh đã làm rạng rỡ nghệ thuật sân khấu Tuồng và giới nghệ sĩ Tuồng. Khẳng định giá trị của Tuồng Đào Tấn, giáo sư Hoàng Châu Ký từng viết: “….Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên cơ sở bối cảnh xã hội, tình cảm con người có nhiều biến động lớn, phát triển mới, tác phẩm nghệ thuật yêu cầu phải phản ánh được hiện thực đó. Đào Tấn đã giải quyết vấn đề này với những tác phẩm của mình, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Chỗ lớn của Đào Tấn là ở chỗ đó. Cũng chính điểm đó, Đào Tấn sẽ trường tồn”.
          Qua những lần Hội thảo khoa học về Đào Tấn trước đây đã khẳng định vị trí, vai trò và công lao đóng góp to lớn của ông đối với nghệ thuật Tuồng. Vì thế, ông đã được  Nhà nước vinh danh là “Danh nhân Văn hóa” của dân tộc.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây