Quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật Tuồng

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA NGHỆ THUẬT TUỒNG

          Hàng trăm năm qua, nghệ thuật sân khấu Tuồng là món ăn tinh thần quen thuộc trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.
          Trong những ngày hội, tế, lễ, nhân dân thường tổ chức những trò diễn xướng dân gian, nội dung thoả mãn tình cảm, nguyện vọng của dân chúng. Mối quan hệ giữa sân khấu với người xem gần gũi, thân thiết, khán giả cùng giao lưu, tưởng tượng, khích lệ diễn viên sáng tạo làm cho buổi biểu diễn phong phú, hấp dẫn và hoàn chỉnh khung cảnh nghệ thuật. Sân khấu Tuồng biến không thành có, biến cái hạn chế thành cái vô hạn. Cùng với người diễn viên, cảnh tượng sân khấu hiện dần lên, địa điểm, thời gian vở Tuồng được xác định. Bằng các phương tiện hát, múa và nhạc đệm, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên Tuồng làm sáng tỏ ý nghĩa của câu chuyện, tạo ra sự khoái cảm về thẩm mỹ của trí tuệ.
          Nghệ thuật sân khấu Tuồng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, tập trung tài năng và trí tuệ của nhiều thế hệ nghệ sỹ sáng tạo nên; nó có sức mạnh tiềm tàng, vượt qua giông bão của thời gian để trở thành bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Tuồng còn gọi là hát Bội, hát Bộ, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam, là một loại hình văn nghệ trình diễn cổ truyền ở nước ta, phát  triển từ sân khấu dân gian của văn học Việt Nam, được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Ngày nay môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, sánh như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của  Nhật Bản.
Các tư liệu cổ có ghi sự phát triển của Tuồng dưới triều Trần và trong những năm đầu của triều Lê. Dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông, nghệ thuật kịch đã bị cấm đoán từ triều đình. Bộ luật Hồng Đức quy định: Bất kỳ quan chức nào kết hôn với con gái làm nghề hát xướng sẽ bị trừng phạt và buộc phải ly dị cô ấy. Con trai của những gia đình hát xướng thì bị cấm tham gia các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Chính sách hà khắc kể trên vẫn còn ảnh hưởng trong suốt thế kỷ XVI và XVII. Như trường hợp của Đào Duy Từ (1572-1634) là một minh chứng. Ông vốn là con trai của một kép hát, cho dù có tài năng nhưng đã bị loại khỏi kỳ thi chỉ vì có nguồn gốc xuất thân từ gia đình làm nghề hát xướng. Đó là lý do tại sao ông lại bỏ Đàng Ngoài (phần phía Bắc của Việt Nam trên danh nghĩa trị vì của các vua Lê, nhưng thực sự cai trị bởi các chúa Trịnh) để vào Đàng Trong (phần phía Nam của Việt Nam) và trở nên nổi tiếng với việc giúp chúa Nguyễn chống lại chúa Trịnh.
Sau khi Đào Duy Từ vào đàng Trong và dừng chân cư ngụ tại Bình Định, Tuồng đã phát triển mạnh ở nơi đây. Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn, thay vì từ chối Tuồng, đã sử dụng nó với chức năng ban đầu để giải trí và sau đó dùng nó như một phương tiện để cổ vũ việc duy trì các nguyên tắc truyền thống, chuẩn mực đạo đức phong kiến “trung quân ái quốc”. Kết quả là Tuồng đã có một cơ hội để phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại Bình Định - Đó có thể được coi là cái nôi của nghệ thuật tuồng Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ. Tương truyền, Chàng Lía - lãnh đạo cuộc nổi dậy của nông dân nổ ra trước phong trào Tây Sơn -  Bình Định vốn là một người đam mê hát tuồng từ khi ông là một đứa trẻ chăn trâu. Khi thành lập căn cứ quân sự của mình, ông đã mời gánh hát Tuồng đến đây ba lần để biểu diễn. 
Dưới triều Nguyễn bắt đầu từ đầu năm 1802, Tuồng đã có điều kiện thuận lợi để phát triển vì các ông vua triều Nguyễn rất thích loại hình nghệ thuật này. Nhất là dưới triều vua Minh Mạng có lập hẳn ra một bộ phụ trách các vấn đề nghệ thuật có tên là “Hoà Thanh Thự”, trong đó Tuồng luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt. Bên cạnh những gánh hát do hoàng gia quản lý, nhiều thành viên của gia tộc hoàng gia đã lập riêng các gánh hát cho riêng mình. Bên ngoài, nhiều gánh hát do tư nhân thành lập cũng hoạt động rất sôi nổi.
Vào thời kỳ này, Tuồng cũng phát triển mạnh tại các tỉnh Bình Định, Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam, Gia Định, Mỹ Tho ở miền Nam Việt Nam. Sự phát triển của Tuồng cũng diễn ra ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh và Thanh Hóa, Hà Nội). Tuồng bắt đầu được xuất hiện trên sân khấu trong một không gian kèm theo. Tại cố đô Huế hay ở các thị trấn lớn, các buổi biểu diễn Tuồng thường được diễn ra tại các địa điểm cố định với kiểu kiến trúc được phủ một mái ngói. Tại các địa phương nông thôn, khi lễ hội hoặc sự kiện tôn giáo diễn ra thường có biểu diễn Tuồng trên các sân khấu tạm thời dựng lên cho dịp này và tháo dỡ sau đó. Đặc biệt là trong giai đoạn dưới triều vua Tự Đức là thời hoàng kim nhất của nghệ thuật Tuồng, đã xuất hiện một số nhà viết Tuồng nổi tiếng, tiêu biểu như Đào Tấn. Ông là một nhà thơ, nhà viết kịch, một đạo diễn sân khấu và là một nhà lý luận tài giỏi. Ông cũng là người đã viết và nhuận sắc trên 40 vở tuồng. Hầu hết, nội dung các vở tuồng trong thời kỳ này đều mượn những câu chuyện có thật trong lịch sử hoặc trong các tác phẩm văn học Trung Quốc như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc, Chinh Đông, Chinh Tây, Hán Sở Tranh Hùng. Tuy nội dung chủ yếu là bối cảnh của các thời đại lịch sử Trung Quốc nhưng đã được các nhà viết Tuồng sáng tạo, đưa vào nhiều yếu tố dân tộc, được Việt hoá khi phản ánh những vấn đề hoàn toàn của xã hội Việt Nam đương thời.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, chế độ phong kiến suy thoái, xã hội tư bản bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Nghệ thuật tuồng cổ chỉ có những mẫu hình vua quan của phong kiến với đề tài “trung quân ái quốc” không còn phù hợp với trào lưu xã hội lúc bấy giờ. Hơn nữa, giai đoạn này lịch sử đã chứng kiến sự phát triển của bộ môn nghệ thuật Cải lương ở nước ta. Sân khấu Cải Lương sớm đi vào những nội dung và nghệ thuật theo chiều hướng tư sản thị dân nên phù hợp với thị hiếu xã hội và chiếm được cảm tình của của số đông khán giả. Thời kỳ này, dòng văn học lãng mạn cũng được hình thành đã tác động không nhỏ đến nghệ thuật tuồng. Trước tình thế đó, nghệ thuật tuồng phải chuyển biến, lùi về khu vực nông thôn, miền núi để biểu diễn và đảm bảo sự tồn tại cũng như giữ được chất truyền thống của nó. Với những người tiếp tục biểu diễn tuồng tại các đô thị thì không còn diễn nhiều các vở tuồng cổ nặng nề đạo lý phong kiến mà bắt đầu chuyển sang diễn các vở theo tiểu thuyết mới với nội dung chủ yếu là những câu chuyện tình yêu nam nữ. Cách hát và diễn cũng được điều chỉnh lại cho nhẹ nhàng hơn, tiêu biểu là làn điệu Xuân nữ của Cải Lương được đưa vào Tuồng một cách nhuần nhuyễn, đóng vai trò điều chỉnh chính để trở thành dòng tuồng Tiểu thuyết. Múa thì pha với Hý Khúc của các đoàn Quảng Đông, Triều Châu. Đạo cụ biểu diễn cũng được cải tiến, gần với thực tiễn hơn (kiếm không làm bằng gỗ như trước mà làm bằng sắt, thép…). Những biến đổi đó của nghệ thuật tuồng dù trải qua những biến cố thăng trầm nhưng từ những năm 1930 - 1945 đến nay vẫn được khán giả đón nhận và yêu thích, tạo thành một thể loại tuồng Tiểu thuyết.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuồng được xem như một sản phẩm của chế độ phong kiến nên bị cấm biểu diễn trong vài năm đầu tiên sau cuộc cách mạng. Lệnh cấm này đã sớm dỡ bỏ và dần dần mọi người đã đến để nhận ra rằng Tuồng chính là loại hình nghệ thuật đích thực, là bài học giáo lý ở đời và ít nhiều cũng thể hiện được tâm thức của dân tộc. Khi cuộc Kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc Việt Nam (mà chủ trương phát triển nền văn hóa bản địa truyền thống) đã thể hiện sự chăm lo đối với các loại hình nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải Lương và phát triển lên tầm các nhà hát nghệ thuật quốc gia với đội ngũ các nhà tổ chức chuyên nghiệp, thành lập các ban nghiên cứu về nghệ thuật và mở trường đào tạo nghệ sĩ biểu diễn. Những năm 1960 là thời gian Tuồng phát triển mạnh mẽ nhất ở miền Bắc Việt Nam. Trong miền Nam Việt Nam, những người biểu diễn Tuồng chủ yếu làm cho những gánh hát do tư nhân lập ra, tồn tại ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mới của Tuồng, đặc biệt là ở Bình Định - nơi vốn luôn được xem như là cái nôi hình thành và phát triển của nghệ  thuật Tuồng. Vì thế, năm 1975, Đoàn tuồng Liên khu V (sau khi thành lập năm 1952 tại Bình Định và tập kết ra Bắc năm 1954) về lại nơi sinh thành, đứng chân tại Quy Nhơn - Bình Định. Hơn một nửa nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt trở về kết hợp với các nghệ sĩ từ chiến khu xuống và Đội tuồng Đồng ấu do nghệ nhân Tư Cá đào tạo tại chỗ hợp lại thành Đoàn tuồng Nghĩa Bình. Năm 1978, Đoàn tuồng Nghĩa Bình được nâng cấp thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình. Đến năm 1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định đổi tên Nhà hát tuồng Nghĩa Bình thành Nhà hát tuồng Đào Tấn. Từ tháng 4 năm 2020, “Nhà hát tuồng Đào Tấn” hợp nhất với “Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định” thành “Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định” đến nay.
Trong thời kỳ hội nhập, làm thế nào để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng với bối cảnh xã hội mới là một vấn đề cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, sự quan tâm của các ban, ngành liên quan và sự chung tay của toàn xã hội.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây