KHÁI QUÁT CHUNG VỀ
NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH BÌNH ĐỊNH
Bình Định không chỉ được mệnh danh là vùng “đất Võ trời Văn” mà còn là “thủ phủ” của hai bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng và Bài chòi. Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, cả hai loại hình nghệ thuật này vẫn được bảo tồn và phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng khắp nơi.
- Sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng về “vấn đề phục hồi vốn cổ dân tộc”, tháng 4 năm 1952 Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu V làm đơn vị điển hình nhằm phục hồi, phát triển ngành nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc.Thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến, tháng 10 năm 1954, Đoàn tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Đoàn tuồng Liên khu V về lại nơi sinh thành, đứng chân tại Quy Nhơn - Bình Định. Hơn một nửa nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt trở về kết hợp với các nghệ sĩ từ chiến khu xuống và Đội tuồng Đồng ấu do nghệ nhân Tư Cá đào tạo tại chỗ hợp lại thành Đoàn tuồng Nghĩa Bình Năm 1978, Đoàn tuồng Nghĩa Bình được nâng cấp thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình. Qua 03 lần diễn ra Hội nghị khoa học về nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, năm 1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định đổi tên Nhà hát tuồng Nghĩa Bình thành Nhà hát tuồng Đào Tấn.
- Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bình Định bước vào giai đoạn cam go, ác liệt; phải dốc hết tinh thần và lực lượng đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận văn hóa - văn nghệ. Ngày 11/3/1962, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định tại làng Ka Tâng, thuộc xã Tu Krông (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Đến tháng 10/1962, Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định được Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Bình Định. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bình Định và Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành sáp nhập và đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình. Cuối năm 1976, Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình được đổi tên thành Đoàn ca kịch Nghĩa Bình. Đến năm 1990, Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình đổi tên thành Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
- Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất 02 đơn vị: Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định theo Quyết định số 5047/QĐ-UBND, ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Bình Định, đơn vị mang tên mới chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/4/2020.
Kế thừa truyền thống gần 70 năm xây dựng và phát triển của hai đơn vị nghệ thuật trước đây, dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm, điều đáng tự hào là các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ đã luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, vững bước đi lên qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, tạo dựng nên nhiều hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên sân khấu truyền thống, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, cùng nhau tiếp nối kế thừa, dựng xây bộ môn nghệ thuật sân khấu Tuồng và Ca kịch Bài chòi, đồng hành cùng dân tộc và quê hương Bình Định trên những chặng đường lịch sử vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.