Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định

 TÓM TẮT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
 CỦA ĐOÀN CA KỊCH BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH

Xuất phát từ dân gian, qua hàng trăm năm gây dựng và vun bồi, hội chơi Bài chòi đã phát triển thành bộ môn nghệ thuật sân khấu Bài chòi. Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định bắt mạch từ chiếc nôi dân ca Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, đến nay đã trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành. Nghệ thuật Bài chòi hiện là một trong những di sản tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nẫu.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bình Định bước vào giai đoạn cam go, ác liệt; phải dốc hết tinh thần và lực lượng đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận văn hóa - văn nghệ. Ngày 11/3/1962, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định tại làng Ka Tâng, thuộc xã Tu Krông (này là làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Đến tháng 10/1962, Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định được Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Bình Định.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), đất nước được thống nhất. Trong bối cảnh lịch sử mới, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tiến hành hợp nhất. Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bình Định và Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi cũng được tiến hành sáp nhập và đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình.
 Cuối năm 1976, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng của công chúng, đồng thời tạo hướng phát triển cho một đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp, Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình được Lãnh đạo Tỉnh quyết định chia thành 2 đoàn: Đoàn ca kịch Nghĩa Bình và Đoàn ca múa nhạc Nghĩa Bình.
Đến năm 1990, tỉnh Nghĩa Bình lại được tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Đoàn ca múa nhạc Nghĩa Bình trở về với tỉnh Quảng Ngãi còn Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình đóng trụ sở tại Bình Định và đổi tên thành Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Tháng 4 năm 2020, Thực hiện Quyết định hợp nhất của UBND tỉnh Bình Định, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định hợp nhất với Nhà hát tuồng Đào Tấn và đổi tên thành “Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định” đến nay.
 Được sự cộng tác, giúp đỡ của các tác giả, đạo diễn giỏi nghề; các nhà nghiên cứu sân khấu truyền thống có tầm cùng sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, nghệ sỹ của Đoàn. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Tỉnh đã từng bước kế thừa, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực và chất lượng nghệ thuật dần được nâng cao. Vị thế của Đoàn ngày càng được khẳng định trong “làng” Ca kịch Bài chòi cả nước. Nhiều vở diễn của đoàn đạt thành tích cao qua các kỳ Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đoàn đã được các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Không ít nghệ sỹ của Đoàn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ Ưu tú.
Các nghệ sỹ của Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định trong hơn nửa thế kỷ qua đã mang lời ca, tiếng hát phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con nhân dân khắp mọi nẻo quê, được công chúng mộ điệu nồng nhiệt đón nhận.
Sân khấu Bài chòi trong thời đại mới với nhiệm vụ vừa khai thác, phục hồi các vở diễn có giá trị nghệ thuật cao vừa sáng tạo cái mới, bắt nhịp kịp hơi thở của cuộc sống đương đại. Đồng thời với đó là tiếp thu, kế thừa những tinh hoa của Bài chòi dân gian trong từng vở diễn, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017 đến nay.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây