NHỮNG TÌNH TIẾT HUYỀN THOẠI, ĐỘC ĐÁO TRONG TUỒNG (HÁT BỘI)

Thứ năm - 04/05/2023 21:55
 Ngoài những đặc trưng cơ bản, nổi bật như “tính ước lệ, tượng trưng, cách điệu”, nghệ thuật Tuồng còn có một số tình tiết mang tính huyền thoại, khác thường rất độc đáo nhằm nhấn mạnh, tập trung khai thác nội tâm, tính cách nhân vật và mở rộng khả năng thể hiện, diễn tả để đáp ứng sự đa dạng, phức tạp của cuộc sống.
Với tình tiết “Ngọn đèn Khương Linh Tá” (tuồng Sơn hậu) mang đầy màu sắc huyền thoại. Tình bạn thủy chung, chân thành, bất tử giữa Kim Lân và Linh Tá được xây dựng, vun bồi dựa trên lý tưởng trung quân và tượng trưng bằng sự hiện hồn của Khương Linh Tá thành ngọn đèn soi đường cho bạn đang bị lạc giữa đêm khuya thanh vắng, vượt qua núi thẳm đèo cao để về miền Sơn hậu, đã tạo ra hiệu quả rất lớn, kéo người xem vào một thế giới lạ lùng đến thần kỳ. Cuộc sống trong Tuồng được diễn tả ở nơi giáp ranh giữa thật và giả, giữa cõi trần và cõi âm nhằm ngợi ca tình bạn đẹp của Kim Lân- Linh Tá, dù sống hay chết vẫn luôn ở bên nhau như lời thề sinh tử giữa hai người.

LINH TÁ (NGỒI) BỊ TẠ TẶC CHÉM RƠI ĐẦU

                                       
      Cảnh Khương Linh Tá (người ngồi) bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu trong vở tuồng "Sơn hậu" 

 Trong Tuồng cổ, đề tài quân quốc là “mảnh đất màu mỡ” để các tác giả đưa vào những tình tiết mang tính ly kỳ, khác lạ so với thực tế. Với vở “Triệu Đình Long cứu chúa”, có tình huống hiếm xảy ra trong đời thường. Đó là Triệu Đình Long - một “tín đồ” của đạo trung quân, vì muốn duy trì, bảo vệ ngôi báu mà sẵn sàng ném cả đứa con ruột của mình xuống vực để chết thay cho Ấu chúa. Cảnh tượng ấy mang lại cho người xem cảm giác đang đứng trước một thế giới đặc biệt khác lạ của Tuồng.
Hay lớp “Lão Tạ lăn lửa” (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn) với tình tiết người cha là trung thần Tạ Ngọc Lân dùng miếng võ hiểm cuối cùng của mình ôm ghì đứa con phản nghịch Tạ Kim Hùng, không cho nó thoát ra khỏi ngọn lửa ngút trời do chính tay ông phóng và cả hai cha con cùng chết cháy trong ngọn lửa Hồng Sơn. Lão Tạ giết nghịch tử cứu chúa là hành động anh hùng nhưng đó cũng chính là tấn bi kịch của cuộc đời ông, là nỗi đau tột độ của người cha khi mất đi đứa con trai độc nhất của mình. Việc sử dụng chi tiết thần thánh hóa trong trường hợp này phải chăng là cách để đẩy kịch tính lên cao trào và nhằm thể hiển chủ đề “trung quân” trong Tuồng cổ, đưa đến cho người xem rất nhiều cảm xúc mới lạ, chỉ có ở trong Tuồng.
Còn tình tiết “Nguyệt Cô hóa cáo” (tuồng Cổ miếu vãn ca), bằng nghệ thuật tổng hòa rất nhiều biện pháp ước lệ, tượng trưng, cách điệu pha màu sắc huyền thoại, những cảnh, tâm trạng không nhìn thấy, sờ thấy, thậm chí không hề có trong đời sống nhưng qua cung cách diễn tả của Tuồng lại có thể cảm thấy rất rõ. Hồ Nguyệt Cô vì mê mẩn sắc đẹp của Tiết Giao nên đã bị chàng đánh lừa, đoạt được viên ngọc thần kỳ mà  Nguyệt Cô phải mất ngàn năm tu luyện mới có, buộc nàng phải từ giã kiếp người, trở  về kiếp cáo. Điều đó cho thấy nghệ thuật tuồng thật hấp dẫn, độc đáo đến kỳ lạ, có thể diễn tả cái mà thực ra không bao giờ có trong đời sống, chỉ có trong tưởng tượng, trong suy nghĩ của con người. Đó là vũ khí vô cùng sắc bén và lợi hại giúp Tuồng mở rộng khôn cùng khả năng thể hiện, diễn tả của mình trước hiện thực cuộc sống rất phong phú, phức tạp và rộng lớn.

tn 25
                         
   Cảnh Khương Linh Tá hoá thành ngọn đuốc đưa Đổng Kim Lân qua đèo trong tuồng "Sơn hậu"


Nhân vật Viên Hòa Ngạn - người anh hùng của lý tưởng trung quân được diễn tả bằng hành động rất phi thường. Để cứu Hoàng tử (là cháu ngoại của mình), ông đã tự cắt đầu mình dâng cho lũ phản nghịch để đổi lấy tính mạng an toàn cho cháu. Hay Khương Linh Tá bị Tạ tặc chém rơi đầu nhưng anh vẫn tháp lại đầu tiếp tục cản bước chân họ Tạ, khiến người xem vừa sợ hãi vừa hết sức xúc động trước chí khí quật cường của những người anh hùng xả thân cứu chúa.
 Hay tình tiết Xuân Đào tự cắt thịt mình nấu cháo cho mẹ chồng ăn trong lúc đói khát đã làm ông Công, ông Táo cảm động, bèn từ bàn thờ nhảy xuống và rịt lành vết thương cho nàng. Quả thật, cả đến những cái không hiện thực hóa được, Tuồng cũng bằng cách diễn tả cho bằng được. Những cảnh độc đáo như vậy đã góp phần đem lại cho nghệ thuật tuồng một bản sắc rất riêng so với các bộ môn nghệ thuật khác.
Có thể nói, Tuồng có thể diễn tả những điều chỉ có trong mường tượng của con người mà không có trong đời sống như người hóa cáo, người đội lốt yêu ma, hồn ma hiện thành người hoặc thành ngọn đèn…. thông qua những mảnh trò nổi tiếng: “Ôn Đình chém Tá”, “Xuân Đào cắt thịt”,  ‘Hồ nguyệt cô hóa cáo”, “Triệu Đình Long ném con”,… Nó đã không chịu bó tay, không phải lãng tránh trước bất kỳ tình huống nào, sự việc nào của hiện thực khách quan nếu nó muốn diễn tả, thể hiện. Đó là một trong những tinh hoa của Tuồng đã được các nhà nghiên cứu sân khấu ngợi khen và đánh giá cao. Nghệ thuật Tuồng đã diễn tả hết sức sinh động và đầy thuyết phục những điều không thể có trong cuộc sống ngoài đời thực bằng những tình tiết độc đáo, mang màu sắc huyền thoại, chứa đựng yếu tố siêu phàm, góp phần tạo “nút thắt - mở” rất hấp dẫn trong tuyến kịch, cuốn hút người xem. Đó là điều mới lạ và rất riêng biệt của bộ môn nghệ thuật bác học này.

Tác giả bài viết: Bài: Thục Nương; Ảnh: Hoàng Dũng, Công Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây