CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI PHÂN HIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC FPT VÀ TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 03.6.2023
Thúy Hường
2023-06-02T05:45:26-04:00
2023-06-02T05:45:26-04:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/chuong-trinh-bieu-dien-nghe-thuat-cua-nha-hat-nghe-thuat-truyen-thong-tinh-phoi-hop-voi-phan-hieu-truong-dai-hoc-fpt-va-trung-tam-vo-thuat-co-truyen-binh-dinh-tai-quang-truong-nguyen-tat-thanh-ngay-03-6-2023-147.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_06/vo-noi-oan-tinh.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 01/06/2023 04:43
1. Hoà tấu nhạc cụ dân tộc bài “Hào khí Việt Nam”
Biểu diễn: Học sinh, sinh viên Trường Đại học FPT tại Bình Định
2. Hoà tấu nhạc cụ dân tộc bài “Lý kéo chài”
Biểu diễn: Học sinh, sinh viên Trường Đại học FPT tại Bình Định
3. Múa “Mùa xuân trên đỉnh tháp”
Dân tộc Chăm có những lễ hội sôi động với những điệu múa đẹp lạ lùng, quyến rũ, ẩn chứa những hình tượng văn hóa độc đáo. Trên mảnh đất của chúng ta sống hôm nay chính là kinh đô Champa thuở trước, nét Văn hóa Champa vẫn còn làm xao xuyến lòng người qua những điệu múa, lời ca u hoài, huyền ảo. Những điệu múa Chăm là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Ẩn sâu bên trong những điệu múa ấy, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa Chăm, linh thiêng, huyền bí và không kém phần lãng mạn của tình yêu đôi lứa.
Biên đạo: NSƯT Thanh Bình
Biểu diễn: Tốp nữ
Trích đoạn Tuồng "Trần Dinh tuẫn tiết" Ảnh: Hoàng Dũng
4. Biểu diễn võ thuật
4. 1.Tứ linh đao - Biểu diễn: Thanh Lộc, Đinh Hương
Bài Tứ linh đao có nguồn gốc từ võ phái Tây Sơn Nhạn – Kim Kê do lão võ sư Đặng Vân Anh sáng lập. Bài Tứ Linh đao đựợc tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất năm 1993, làm bài qui định quốc gia. Đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu toàn quốc. Bài Tứ Linh Đao hội đủ các yếu tố kỷ thuật của bốn con vật “Long, Lân, Quy, Phụng”.
“Hướng đông chấp thủ nghiêm chào
Chụm về tay phải cầm đao loan liền
Lui chân tay kéo lên trên
Chém ngang trái phải vớt liền một phen
Nghiêng mình rùa núp lá sen
Chém ngang phát cỏ bay lên phượng hoàng
Đỡ đâm hình dạng kỳ lân
Chéo chân chém dưới bước lên chẻ đầu”
4.2. Thái sơn côn- Biểu diễn : Hồng Vân.
Bài Thái Sơn côn là một bài roi chiến rất nổi tiếng trong làng võ Tây Sơn Bình Định, bài roi Thái Sơn không hoa mĩ cầu kì, nhưng các thế chiến đấu rất hiệu quả, có lối đánh thực dụng, xứng danh là một bài roi chiến, sử dụng côn pháp lấy những yếu tố kỷ thuật của một số loài vật làm căn cơ, mô phỏng động tác của Rắn, kỳ Lân, Tê giác, Thỏ, Mèo, Gà, Trâu, Hổ. Đây là những điểm hiếm thấy trong các bài võ cổ truyền Việt Nam. Bài Roi Thái Sơn được tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất năm 1993 làm bài qui định quốc gia và đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu trong toàn quốc.
4.3. Đồng diễn song phượng kiếm
Bài Song phượng kiếm do Đô đốc Bùi Thị Xuân tự nghiên cứu chiêu thức mà soạn thành bài pháp này, trong thời kỳ bà huấn luyện đội tượng binh ở vùng đất Tây Sơn thượng. Theo lưu truyền buổi tập nào Bà cũng thấy một đôi chim phượng đậu trên cành cây đùa nhau, bay lượn xem bà tập, từ đó hằng đêm Bà mô phỏng những động tác bay lượn đùa nhau của đôi chim phượng, Bà soạnlôi long nên bài pháp này, và sau đó truyền dạy xuống cho 5 người con gái là “Ngũ phụng tiên” theo bà đánh giặc, bài có tầm sát pháp rất cao. Bà soạn xong bài pháp này là ngày 20 tháng 12 năm Canh Dần (1770)
5. Trích đoạn tuồng “Cao Hoài Đức rọi đèn” trích trong vở “Trảm Trịnh Ân”
Khi biết tin người em trai kết nghĩa Trịnh Ân bị gian thần Hàn Phụng bắt và dẫn ra pháp trường xử tử, Cao Hoài Đức diệt loài gian Hàn Phụng để trả thù cho em:
“Giết em tao sẵn chứa lòng gan
Phải giết gã sớm trừ mối hoạ”
Cao Hoài Đức là người sống có tình nghĩa và trích nhiệm, tiêu biểu cho những lớp người tiến bộ, kiên trung, luôn đấu tranh đến cùng vì lẽ phải và cho công lý.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Ngọc Nhân trong vai Cao Hoài đức
Nghệ sỹ Quốc Việt trong vai quân báo
Trích đoạn Tuồng "Cao Hoài Đức rọi đèn" Ảnh: Hoàng Dũng
6. Đơn ca nữ “Màu hoa đỏ”
“Màu hoa đỏ” là một tuyệt phẩm được cố nhạc sỹ Thuận Yến phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vào năm 1991. Với những người lính từng trải qua cuộc chiến, ca khúc như một trang nhật ký đậm màu cuộc sống. Lời bài hát cũng là lời nhắc nhớ về một sự hy sinh”rực lửa” của các thế hệ cha ông đi trước vì nền độc lập của nước nhà mà thế hệ trẻ hôm nay không được phép quên.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Minh Trang
7. Biểu diễn võ thuật
7.1. Thiết phiến – Biểu diễn: Đoàn Yến Vi.
Thiết phiến là loại binh khí ngắn, 1 cây quạt có hình hài nhỏ bé ngoài công dụng quạt mát bình thường thì trong võ thuật lại là binh khí vô cùng uyển chuyển và lợi hại. Ẩn chứa sự phong lưu, nho nhã bề ngoài thì bên trong lại lợi hại khó tả. Người sử dụng quạt để chống trả đòn thế chắc hẳn võ công thâm hậu và rất điêu luyện.
7.2. Lôi Long đao- Biểu diễn : Lục Bùi Quốc Việt
Bắc sát kình phong, nam lôi thanh thế.
Thần đao đoạn kiếm, kiếm đoạn thương thần.
Trùng hình đoạn pháp, pháp đoạn hùng binh.
Lôi long lĩnh trảm, thiên địa tuần hoàn.
Do đô đốc Võ Văn Dũng Tự nghiên cứu chiêu thức soạn thành bài pháp này , tương truyền rằng đất Tây sơn địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp để đường Lôi Long đao được nhuần nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới Thạch Hồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập. Những thế đá trơn trượt, rêu phong, là điều kiện tốt để ông luyện tấn thêm vững chắc. Bài Lôi Long Đao có 66 hành pháp liên hoàn, Theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào mùa thu năm Mậu Tý (1768).
7.3. Đối luyện song đao dối kháng nhị trường thương – Biểu diễn : Duy Khang , Gia Hoàng, Hoàng Phúc.
Các tiết mục đối luyện luôn ẩn chứa những thế đánh có độ nhanh rất cao, mạnh mẽ, uy lực và biến ảo vô cùng. Binh khí trong tay nhập hồn mà tung thế, binh khí kết hợp với tấn pháp vững vàng, thân pháp uyển chuyển, ánh mắt định thần, đầu óc tập trung cao độ. Tay cầm song đao luôn ở thế thượng phong, công thủ toàn diện để chống trả với nhị trường thương luôn lăm lăm trên tay. có thể nói đối luyện trong võ cổ truyền Bình Định là phương pháp tập luyện làm cho chúng ta có phản xạ nhanh nhất, ra thế kịp thời, vận dụng đối luyện người tập võ luôn có sự tập trung giải quyết tình thế cấp bách.
8. Đơn ca nam “Hồ trên núi”
Ca khúc “Hồ trên núi” được nhạc sỹ Phó Đức Phương sáng tác vào năm 1971, lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế hồ thuỷ điện Cấm Sơn (Bắc Giang). Với ca từ giản dị được chuyển tải qua âm hưởng dân ca quan họ, “Hồ trên núi” đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng được nhiều thế hệ ca sỹ, người nghe nhạc yêu thích.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thanh Trực
Nghệ sỹ Thanh Trực hát đơn ca Ảnh: Nhật Hạ
9. Trích đoạn Tuồng “Trần Dinh tuẫn tiết, trích trong vở “Nỗi oan tình”
Nước nhà nguy biến, Mai Hương giã biệt ân sư và cải dạng nam nhi đến quan ải xin đầu quân diệt giặc với tên gọi là Trịnh Lang. Mến mộ tài năng đức độ, chủ tướng Lê Trung phong cho Trịnh Lang làm Phó tướng và cùng kết nghĩa đệ huynh.
Vì lòng ghen ghét đố kỵ, Trần Mỹ đã không từ mọi âm mưu, thủ đoạn độc ác nào. Hắn đầu độc chủ tướng Lê Trung định dâng thành cho giặc nhưng lại đỗ tội cho Trịnh Lang.
Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, hắn đã mạo nhân cướp công và bắt Trịnh Lang giam vào ngục hòng che đậy tội ác.
Oái oăm thay “kẻ có tội hóa ra công. Kẻ có công hóa ra tội”. Giữa triều, mặc dù lão tướng Trần Dinh đã hết lời khuyên giải nhưng nhà vua vẫn tin theo lời xúc xiểm của bọn gian thần, khép Trịnh Lang vào tội chết.
Trước sự bất công ngang trái đó, lão tướng Trần Dinh đã mượn thanh gươm tự mổ bụng mình để phơi bày tấm gan trung, mong đức vua hãy anh minh sáng suốt “sớm diệt trừ lẻ ác, bảo vệ người hiền lương”.
Biểu diễn: NSƯT Đức Khanh trong vai Trần Dinh
Nghệ sỹ Đức Thành trong vai Vua
Nghệ sỹ Thu Thẳm trong vai Công chúa
Nghệ sỹ Thái Anh trong vai Trần Mỹ
Nghệ sỹ Quốc Hoà trong vai Thái sư
Tác giả bài viết: Thúy Hường