CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 18.02.2023

Thứ tư - 15/02/2023 03:25
CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 18.02.2023
1.  Hát hò đối đáp “Một thoáng quê hương”
Hát hò đối đáp là thể loại dân ca đặc sắc, gần gũi, gắn bó với người dân Bình định trong lao động, sinh hoạt, tình cảm, văn hóa tín ngưỡng…
Hát hò đối đáp đặc sắc ở chỗ không ràng buộc bởi yếu tố lời ca, quy luật thơ, quy luật chữ… mà hết sức linh hoạt khi đối đáp. Điều này đòi hỏi người tham gia đối đáp phải liên tục tư duy, rèn luyện được tính ứng đối sáng tạo cao.
Ca cảnh Hát hò đối đáp “Một thoáng quê hương” có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Bình Định với nhiều làn điệu hò phong phú như hò hê, hò tát nước, …  thường biểu diễn phục vụ trong  các chương trình lễ, hội…
2.  Đơn ca nữ “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang
“Bạc Liêu ơi....!
 Có nhớ chăng ai
Thuở ấy thanh xuân
Trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
 Giờ tóc pha sương
Qua Gành Hào Tiếc một vầng trăng”
Đó là những ca từ sâu lắng, da diết trong ca khúc đậm chất miền Tây của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển viết về mảnh đất và người Bạc Liêu cùng với điệu dạ cổ Hoài lang huyền thoại.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thiên Nga
3. Múa “Trúc xinh
Mang âm hưởng dân ca kết hợp với đương đại, múa “Trúc xinh”  lấy cảm hứng từ hình tượng cây trúc gắn liền với hình ảnh xinh đẹp  của người con gái Việt Nam qua câu cao dao:
                             “Trúc xinh trúc mọc đầu đình
                             Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
Với các động tác múa giàu hình tượng, mềm mại, uyển chuyển đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người thưởng thức.
Biên đạo múa:  Kim Tiển
 Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhuỵ Hảo, Hoài Thương.

múa trúc xinh
   
Tiết mục múa "Trúc xinh"
4. Biểu diễn võ thuật
4.1 Đồng diễn Hùng kê quyền – Biểu diễn: Quốc Huy, Phú Nhân, Quốc Thắng, Quốc Việt, P. Hoàng
Bài Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ biên soạn, trong ba anh em nhà Tây sơn, Nguyễn Lữ là em thứ ba. Vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, thích văn hơn võ. Tuy nhiên , ông cũng học được nhiều môn võ và chuyên về môn “Miên quyền”. Vốn mê xem gà đá, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm, nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn, các thế lặn hụp, tránh  né, xỏ vỉa, đâm sường, của con gà nhỏ. Để rồi tạo ra thế phản công, đá bại con gà lớn. Từ đó ông rút ra các yếu tố kỷ thuật sáng tạo nên bài Hùng Kê quyền, rất phù hợp với tầm vóc và lối đánh của người Việt Nam: “Yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều”.
Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ
Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long
Xuyên cung độc triểu tăng ư trác
Hồi thủ đơn câu thọ tứ hùng
Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung
4.2 Roi Hắc đảnh Ô Sơn – Biểu diễn: Anh Ny.
được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài Roi có 48 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau, là sự kết hợp giữa thân pháp và Binh khí. Với những chiêu thức roi liên hoàn nhanh mạnh, xứng danh là một bài Roi chiến.
Ô sơn xung khí hãm hắc vân
Kinh đình đoạn mã lực lăng câu
Vi sơn thống nội già thinh khốc.
Bái tổ tru đầu tán ô sơn
Vọng bái Lý Thường Kiệt tổ sư
4.3 Lôi phong tùy hình kiếm -  Biểu diễn: Trần Thị Thảo Hiền.
Do đô đốc Trần Quang Diệu biên soạn, trong thời gian Ông ở núi Thạch Bì cùng với vợ là Bùi Thị Xuân chọn vùng đất này lập căn cứ chiêu mộ hào kiệt và rèn luyện võ công. Bài Lôi phong tùy hình kiếm có 72 hành pháp liên hoàn theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào ngày 21 tháng 03 năm Kỷ Sửu (1769).
Xuất kiếm thị oai phong, lâm xuân hoa diệp lạc,
Hổ diểu kiếu kinh thiên, lôi phong thinh động địa.
Xung vân kiếm nhi hầu thượng đế, sắc long đao giáng phủ động đình ,
Thị nhựt ư xuất hành đương tiên điển,
Cấp cấp truy bộ thiên lôi chi phủ đạo, trùng tiên nhi đãi sự
tảo ngã tận tích khí tan bồng

 5. Tam ca nữ: “Buổi sáng trên đồng nội”         
                   “Đồng quê tươi thắm ơi!
                   Non nước thân yêu ơi!
                   Ta hiến dâng cả tuổi xuân trong trắng
                   Quê hương ta đẹp vô ngần
                   Muôn hoa chi đẹp cho bằng”
 Đó là những ca từ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần ngọt ngào, sâu lắng mà nhạc sỹ Trần Tất Toại đã gửi gắm khi miêu tả về vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam trong thời bình.
 Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Lê Tuyền - Bạch Lan- Cẩm Hương
6. Đơn ca nam “Nàng xuân”
Lời và giai điệu nhạc ca khúc vui tươi, mang hơi thở mùa xuân nhưng không kém phần ngọt ngào, nhẹ nhàng, sâu lắng. Qua bài hát mang đến cho chúng ta không khí khắp thế gian đang đắm say vui trọn tình xuân.
Sáng tác: Nhạc sỹ Sơn Hạ
Biểu diễn: Nghệ sỹ Chí Cường
7. Múa “Vũ điệu Chăm- pa”
 Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo.
Biên đạo: Thu Hương
Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhị Hảo, Hồ Điệp
 
ẢNH HÁT HÒ ĐỐI ĐÁP

                                               Tiết mục hát hò đối đáp "Một thoáng quê hương"

 
8. Tốp ca nam: “Tiếng trống Paranưng
                   “Tôi yêu chiếu khăn matira
                   Vương trên trán em dịu êm
                   Tôi yêu tiếng ca áttira
                   Mênh mông mênh mông biển sóng”
 Những câu hát dạt dào, sâu lắng, thiết tha trong bài “Tiếng trống Paranưng”của nhạc sĩ Trần Tiến vang vọng trong ta âm điệu tiếng trống Paranưng cùng tình yêu của người Chămpa, để rồi tìm về nguồn cội và mong được hòa quyện với những âm điệu dân ca Chămpa. Những điệu hò dạt dào, sâu lắng ấy, đã từng làm say đắm biết bao thi nhân mặc khách khi đặt chân đến vùng đất này.
Sáng tác: Trần Tiến
 Biểu diễn: Tốp nam
9. Biểu diễn võ thuật
9.1 Tam khúc côn - Biểu diễn: Lê Quốc Huy.
Được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài Tam tiết côn có 66 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau, 3 khúc nối với nhau bằng một sợi dây xích, vừa tấn công lại vừa phòng thủ, tam khúc là loại binh khí có độ khó tương đối cao, đỡ trên ,đánh dưới , tả xung hữu đột làm cho đối phương không có đường thối lui. Đánh đông, đánh tây, đánh nam, đánh bắc, kết hợp kỹ thuật lăn lộn, thi triển bộ pháp cực kỳ nhanh nhạy, đánh quét liên hoàn.
9.2 Roi Tây Quy Kinh môn tiên – Biểu diễn: Trịnh Phú Nhân.
được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài roi Tây Quy Kinh môn Tiên do Phạm Ngũ Lão sáng tác gộp từ chiến trận mà hợp thành . Bài có 76 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau là sự kết hợp giữa thân pháp, thủ pháp.
Đông thiên lão thọ huỳnh diệp xa
Tây quy kiết đỏa kiêm đằng pháp
Nam phương diệm diệm hỏa phi cường
Bắc phương hắc sát thủy lao sơn
Vọng bái Hư Minh tổ sư đài
Dịch
Lá vàng tơi tả cửa trời đông
Gậy thiết truy hành nơi chiến trận
Trời tây nhốn nháo nét sừng trâu
Nửa dốc âm cường hoan máu trận


20221119 200423 Copy
                                                           
                                                                  Tiết mục biểu diễn võ thuật

 
​​​​​​​9.3 Đồng diễn quyền Nạp mã môn cương – Biểu diễn: CLB dưỡng sinh Võ cổ truyền Hoa Hướng Dương.
Trong những năm trở lại đây phong trào tập luyện võ cổ truyền lan rộng đến quần chúng nhân dân từ thiếu nhi, thanh thiếu niên, đến các cụ già. Bình Định đã và đang trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng khi nghe đến vùng đất “ai ai cũng biết võ” từ cụ già cho đến trẻ nhỏ . Võ cổ truyền đã thấm sâu vào máu thịt của người dân Bình Định.
Những động tác võ được biến đổi uyển chuyển, nhẹ nhàng cho phù hợp với độ tuổi 60-75 nhưng cũng không thiếu phần dũng khí được các cụ, các cô trong địa bàn thành phố Quy Nhơn tập luyện hăng say và ngày càng đông đảo người tham gia. Với nhiều lợi ích về sức khoẻ, và đây đã trở thành món ăn tinh thần của người dân.
Trì chưởng ngưu đầu, lan ô tử.
Nạp mã kinh công, tấn long thần.
Quỳnh môn chiếu hậu, trùng hình pháp.
Giá vũ chiêu hồn, ức long xa.
Vọng bái Hư Minh tổ sư đài.
10. Ca kịch Bài chòi “Đêm Phú Xuân”, trích trong vởAnh hùng với giai nhân
 Từ khi nàng công chúa khuê các xứ Bắc Hà - Ngọc Hân nên duyên cùng người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ và theo chàng vào Phú Xuân định đô. Ở nơi đất khách quê người, bao nỗi nhớ nhung về quê hương, gia đình luôn thường trực trong tim Ngọc Hân. Nhưng nhờ tình yêu chân thành, nồng thắm giữa hai người đã vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, không gian, thân thế và cả âm mưu không trong sáng của những thế lực chính trị thời Lê suy Trịnh nát, để vươn tới sự cao thượng và trở thành thiên diễm tình tuyệt đẹp, tiêu biểu trong lịch sử  dân tộc Việt Nam.
Biểu diễn:  NS Bích Lĩnh trong vai Công chúa Ngọc Hân
                  NS Phương Phú trong vai Nguyễn Huệ      
                  NS Đỗ Xuân trong vai Lê Duy Chí
 

Tác giả bài viết: Bài: Duy Linh- Thuý Hường; Ảnh: Thục Nương, Hoàng Dũngg

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây