CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 23.01.2023 (NHẰM NGÀY MÙNG 2 TẾT NGUYÊN ĐÁN)

Chủ nhật - 15/01/2023 22:08
CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 23.01.2023 (NHẰM NGÀY MÙNG 2 TẾT NGUYÊN ĐÁN)
Nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão - năm 2023, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, gồm các tiết mục phong phú, đa dạng, đậm màu sắc của “vùng đất võ, xứ văn chương” để phục vụ nhân dân và du khách gần xa khi đặt chân đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp.          
1. Độc tấu “Trống trận Tây Sơn 
Nhân dân ta truyền rằng: Quang Trung -  Nguyễn Huệ thường dùng bài nhạc này để cổ vũ khí thế binh sĩ tiến quân ra trận, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
 “Trống trận Tây Sơn” còn có tên gọi là nhạc Võ Tây Sơn, đây là tiết mục diễn tấu 12 trống độc đáo, tượng trưng cho 12 con giáp, tương truyền được vua Quang Trung sử dụng để luyện tập binh sỹ, ngợi ca những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Bài trống có 3 phần:
 Tập hợp, luyện binh, hành quân
 Xung trận phá thành
Ca khúc khải hoàn
Biểu diễn: Nghệ sỹ Đinh Văn Công cùng tập thể dàn nhạc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.
2. Trích đoạn tuồng: Ông già cõng vợ đi xem hội”
Ngày xuân mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Xấc là con quan Thiên Hộ trong phủ Chúa, cậy quyền thế luôn tìm ghẹo các cô gái đẹp. Thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, công tử Xấc sinh lòng ham muốn chiếm vợ người. Ông già đã chứng minh sức mạnh tình yêu của mình, không những bảo vệ được người vợ trẻ mà còn dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời.
 Biểu diễn:    Nghệ sỹ Thu Thiện trong vai  Ông già và cô gái
 Nghệ sỹ Thanh Trực trong vai công tử Xấc

20221210 204504
                                              
                                                
Tiết mục múa "Mùa xuân trên đỉnh Tháp"
3. Múa “Vũ điệu Chăm pa”

 Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm pa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và nhữn ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo.
 Biên đạo: Thu Hương
Biểu diễn: Các NS Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhị Hảo, Hồ Điệp
4. Biểu diễn võ thuật
Đợt I                                                 
4. 1 Đồng diễn chấn thiên cung
Bài chấn thiên cung được lưu giữ tại võ đường Hồ Sừng, do võ sư Hồ Văn Sỹ cung cấp. Toàn bài có 77 hành pháp liên thao di chuyển theo nghệ thuật bát quái đồ hình. Với những động tác kỹ thuật ngắm bắn ,Giữ trọng tâm sao cho cơ thể cân bằng.Chuẩn bị cung tên và điều hòa lại nhịp thở. Nâng cung tên lên khỏi phần đầu. Từ từ kéo dây cung và bắn mục tiêu .
Chuyển thân lập bộ, kim kê bái tổ
Thủ cung song tạc, chuyển nghịch xà lan
Phản bình diện thủ, tả hữu yểm phạt
Đả phá loan binh, phản bình tọa sát
Giương cung xạ tiễn, phản triệt hồi môn
Tứ phương như nhứt, ngũ khẩu song tạc
Tao triệt điền hoành, tả tọa giương cung
Trung môn xạ tiễn, hoành cung bái Tổ
Lập bộ như tiền
4.2 Đồng diễn U linh thương
Do Vua Lý Công Uẩn biên soạn, giai thoại kể rằng : Lý Công Uẩn lên ngôi giữa lúc những thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, nhà vua nhiều phen phải thân chinh đi dẹp loạn. Lý Công Uẩn nhận thấy địa thế núi rừng thâm u tịch mịch, trận đồ thường được bố trí vào lúc chạn vạng tối, nên rất khó cho binh lính sử dụng binh khí thông thường. Từ đấy ông sáng tạo ra bài pháp U Linh Thương, Ông gom các chiêu thức từ nhiều chiến trận mà hợp thành bài pháp này, với những chiêu thức liên hoàn, loạn mã tung thương rất sắc bén và ông truyền dạy cho binh sĩ theo ông đánh giặc.
4.3 Đồng diễn Miêu Tẩy Diện
Bài  “Miêu tẩy diện” là bài quyền trấn môn của Môn phái Lý gia võ đạo - Bình Định, do đại võ sư Lý Xuân Hỷ cung cấp. Với bộ pháp nhẹ nhàng, uyển chuyển; thân pháp mềm mại, linh hoạt; tấn pháp vững vàng kín đáo, lối phòng thủ kiên nhẫn, tập trung. Vồ mồi quyết đoán, bất ngờ, chớp nhoáng, có sức lực, chính xác, dũng mãnh (tấn công).
Miêu tẩy diện
Hồi đầu vọng bái.
Miêu vương tấy mục.
Di thân bán hạ.
Hồi phục địa lôi.
Bàng long độc cước.
Đế hải ẩn long.
Hoàng miêu sát thử.
Đảo vân ẩn diện.
Đăng cước hoành thân.
Giáng sơn hoành thủ.
Mãnh hổ thôi sơn.
Khuynh thân yến tử.
Linh miêu mai phục.
Đổng tước song phi.
Hoành thân trực chưởng.
Thám nguyệt độc xà.
Bái tổ như tiền.
4.4 Đồng diễn Lôi long đao
Do đô đốc Võ Văn Dũng Tự nghiên cứu chiêu thức soạn thành bài pháp này , tương truyền rằng đất Tây sơn địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp để đường Lôi Long đao được nhuần nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới Thạch Hồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập. Những thế đá trơn trượt, rêu phong, là điều kiện tốt để ông luyện tấn thêm vững chắc. Bài Lôi Long Đao có 66 hành pháp liên hoàn, Theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào mùa thu năm Mậu Tý (1768)
Bắc sát kình phong, nam lôi thanh thế.
Thần đao đoạn kiếm, kiếm đoạn thương thần.
Trùng hình đoạn pháp, pháp đoạn hung binh.
Lôi long lĩnh tram, thiên địa tuần hoàn.

Vọng bái : Hư Minh Tổ sư đài
 
20221210 202626

                                                                            Tiết mục biểu diễn võ thuật
5.  Hát hò đối đáp “Một thoáng quê hương
Hát hò đối đáp là thể loại dân ca đặc sắc, gần gũi, gắn bó với người dân Bình định trong lao động, sinh hoạt, tình cảm, văn hóa tín ngưỡng…
Hát hò đối đáp đặc sắc ở chỗ không ràng buộc bởi yếu tố lời ca, quy luật thơ, quy luật chữ… mà hết sức linh hoạt khi đối đáp. Điều này đòi hỏi người tham gia đối đáp phải liên tục tư duy, rèn luyện được tính ứng đối sáng tạo cao.
Ca cảnh Hát hò đối đáp “Một thoáng quê hương” có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Bình Định với nhiều làn điệu hò phong phú như hò hê, hò tát nước, hò giật chì…  thường biểu diễn phục vụ trong  các chương trình lễ, hội…
Tác giả:   NSƯT Tấn Hào
Biểu diễn: Các NS: Bích Lĩnh, Hồng Diễm, Bạch Lan, Thành Việt, Chí Cường, Trung Hiếu.
6. Múa “Hái lá mùa xuân”
Thông qua các động tác múa thoăn thoắt, nhịp nhàng thể hiện hình ảnh các cô gái người dân tộc Rắc Lây rủ nhau ra rừng hái lá, với ước mong cho cây cối đâm chồi nảy lộc, một năm vụ mới mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tươi, nhà nhà no ấm.
Sáng tác múa:  Cố NSND Đặng Hùng
Biểu diễn: Tốp nữ
7. Độc tấu đàn Nhị “Kể chuyện ngày mùa”
Với những đường nét, giai điệu giản dị, mộc mạc nhưng rất sâu lắng, cùng sự độc đáo, phong phú của kỹ thuật diễn tấu, “Kể chuyện ngày mùa” của nhạc sỹ Thao Giang đã cùng cây đàn Nhị vẽ nên bức tranh sinh động của ngày mùa bội thu. Qua đó, giới thiệu những nét đặc sắc của nhạc cụ truyền thống Việt Nam với những thanh âm trong sáng, rõ ràng và mềm mại đã chinh phục được người nghe qua nhiều thế hệ.
Sáng tác: Nhạc sỹ Thao Giang
Biểu diễn: NS Nguyễn Văn Tới
8. Biểu diễn võ thuật
Đợt II.
8.1. Đồng diễn Thập bát ban binh khí
8.2. Đồng diễn đao lăn khiên

Nhà Tây Sơn là vương triều được hình thành từ cuộc khởi nghĩa của những anh hùng áo vải xuất thân từ tầng lớp nông dân. Thế nên ở thời kỳ này đã có rất nhiều bài quyền, thế võ được sáng tạo từ những công cụ lao động hằng ngày như bồ cào, cuốc chỉa, câu liêm, thiết lĩnh… hoặc cải tiến từ những vũ khí đã có từ các thời kỳ trước đó. Lăn khiên là một loại vũ khí như thế, đã được nhân dân ta sử dụng chiến đấu từ rất lâu nhưng có lẽ đến thời kỳ nhà Tây Sơn thì loại vũ khí này mới bước vào giai đoạn rực rỡ nhất.
Lăn khiên là một loại vũ khí đôi rất đặc biệt. Bao gồm một tấm khiên được làm bằng gỗ hoặc đan bằng mây, tre… được sử dụng như một tấm chắn, che tên – đạn từ xa hoặc dùng để đỡ – gạt đòn đâm – chém từ đao – thương – kiếm khi đánh giáp lá cà; Tay còn lại sử dụng một loại vũ khí khác có tính sát thương cao để tấn công kẻ địch – thường là đao.
8.3 Đồng diễn Thiết phiến
Thiết phiến là loại binh khí ngắn, 1 cây quạt có hình hài nhỏ bé ngoài công dụng quạt mát bình thường thì trong võ thuật lại là binh khí vô cùng uyển chuyển và lợi hại. Ẩn chứa sự phong lưu, nho nhã bề ngoài thì bên trong lại lợi hại khó tả. Người sử dụng quạt để chống trả đòn thế chắc hẳn võ công thâm hậu và rất điêu luyện.
8.4 Đồng diễn bừa cào
Bừa cào là công cụ lao động của người nông dân ở nước ta, trong thời chiến sự đây là loại binh khí được nông dân sử dụng để đánh giặc khi khí giới còn hạn hẹp . Bừa cào một đầu gắn lưỡi sắt hình răng lược với  những động tác đập, bổ, móc, kéo, đâm, phát triển dần thành những kỷ thuật, những chiêu thức liên hoàn có tính liên tục với nhau là sự kết hợp giữa thân pháp, bộ pháp, uyển chuyển mạnh mẽ.

 9. Tam ca nữ: “Buổi sáng trên đồng nội”         
                   “Đồng quê tươi thắm ơi!
                   Non nước thân yêu ơi!
                   Ta hiến dâng cả tuổi xuân trong trắng
                   Quê hương ta đẹp vô ngần
                   Muôn hoa chi đẹp cho bằng”
 Đó là những ca từ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần ngọt ngào, sâu lắng mà nhạc sỹ Trần Tất Toại đã gửi gắm khi miêu tả về vẻ đẹp của quê hương đất nước Việt Nam trong thời bình.
Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Lê Tuyền - Bạch Lan- Cẩm Hương
 
song tau
                                         
                                                         Tiết mục song tấu "Nhịp phách tương giao"
10.
 Hoạt cảnh “Đường ra phía trước

Là hình ảnh cô du kích làm nghề lái đò trên sông Lại Giang với nhiệm vụ đưa bộ đội Cụ Hồ qua sông hàng ngày để tiến về phía trước, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Màn đối đáp, tâm sự giữa anh bộ đội sau khi bị thương đã lỡ chuyến đò cùng động đội và cô lái đò dũng cảm, can trường thật xúc động, ấm áp tình quân dân, tình đồng chí. Mỗi người đều phải gác lại tình riêng để cùng nhau hướng về phía trước, hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Bác, với non sông Việt Nam trong thời khắc lịch sử quan trọng ấy.
Hoạt cảnh “Đường ra phía trước” sự dụng nhiều làn điệu mang âm hưởng của Dân ca khu V như: hò hê, hò khoan… tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc với người xem hôm nay.
Sáng tác: Cố NSƯT Phan Ngạn
Biểu diễn:  Các NS: Thành Việt, Hồng Diễm
11. Biểu diễn võ thuật
Đợt III.
11.1. Đồng diễn Thập bát ban binh khí
11.2. Đồng diễn Song phượng kiếm
Bài Song phượng kiếm do Đô đốc Bùi Thị Xuân tự nghiên cứu chiêu thức mà soạn thành, trong thời kỳ bà huấn luyện đội tượng binh ở vùng đất Tây Sơn thượng. Theo lưu truyền buổi tập nào Bà cũng thấy một đôi chim phượng đậu trên cành cây đùa nhau, bay lượn xem bà tập, từ đó hằng đêm Bà mô phỏng những động tác bay lượn đùa nhau của đôi chim phượng, Bà soạn nên bài pháp này, và sau đó truyền dạy xuống cho 5 người con gái là “Ngũ phụng thư” theo bà đánh giặc, bài có tầm sát pháp rất cao. Bà soạn xong bài pháp này là ngày 20 tháng 12 năm Canh Dần (1770).
Lợi kiếm mộ hồn thương.
Vân phi hà nguyệt tẩu.
Phượng dực đáo lâm tiền.
Tứ quý bảo Nam Bang.
Đông sương lưu quan ải.quyen
Hậu nhựt kiến loan phi.
Tây thiên hà kiếm khách.
Phượng dực đáo sơn bồng.
11.3. Đồng diễn tam khúc
Được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài Tam tiết côn có 66 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau, 3 khúc nối với nhau bằng một sợi dây xích, vừa tấn công lại vừa phòng thủ, tam khúc là loại binh khí có độ khó tương đối cao, đỡ trên ,đánh dưới , tả xung hữu đột làm cho đối phương không có đường thối lui. Đánh đông, đánh tây, đánh nam, đánh bắc, kết hợp kỹ thuật lăn lộn, thi triển bộ pháp cực kỳ nhanh nhạy, đánh quét liên hoàn.
11.4. Đồng diễn Nạp mã môn cương
được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài quyền có 48 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau là sự kết hợp giữa thân pháp, thủ pháp và cước pháp. Lúc thì đánh nhu, lúc thì đánh cương, uyển chuyển mạnh mẽ.
12. Múa “Trúc xinh
Mang âm hưởng dân ca kết hợp với đương đại, múa “Trúc xinh”  lấy cảm hứng từ hình tượng cây trúc gắn liền với hình ảnh xinh đẹp  của người con gái Việt Nam qua câu cao dao:
                             “Trúc xinh trúc mọc đầu đình
                             Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
 Với các động tác múa giàu hình tượng, mềm mại, uyển chuyển đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người thưởng thức.
 Biên đạo múa:  Kim Tiển
Biểu diễn: các NS: Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhuỵ Hảo, Hoài Thương.
13. Liên khúc dân ca khu  V (lý thượng, lý vãi chài, lý ngựa ô)
 Kết hợp sử dụng nhiều làn điệu Dân ca cổ, phong phú của Dân ca Liên khu V trước đây như: Lý thượng, Lý vãi chài, Lý ngựa ô để tạo nên một liên khúc dân ca hấp dẫn, sôi nổi, nhiều màu sắc khi trình diễn, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, đất đước và tình yêu lứa đôi trong sáng, chân thành, giản dị, mang lại cảm giác vui vẻ, phấn chấn trong lao động và sản xuất cho người dân.
Biểu diễn:  Các NS: Võ Nương, Bích Lĩnh, Hồ Điệp, Hồng Diễm, Thuý Vân, Hoài Thương.
 
liên khúc khu V
                                                           
                                                             Tiết mục "Liên khúc dân ca khu V"
 14. Biểu diễn võ thuật

Đợt IV.
14. 
1 Đồng diễn Thập bát ban binh khí nữ
14. 
2 Đồng diễn Miêu Tẩy Diện - tập thể nam
Bài  “Miêu tẩy diện” là bài quyền trấn môn của Môn phái Lý gia võ đạo - Bình Định, do đại võ sư Lý Xuân Hỷ cung cấp. Với bộ pháp nhẹ nhàng, uyển chuyển; thân pháp mềm mại, linh hoạt; tấn pháp vững vàng kín đáo, lối phòng thủ kiên nhẫn, tập trung. Vồ mồi quyết đoán, bất ngờ, chớp nhoáng, có sức lực, chính xác, dũng mãnh (tấn công).

Miêu tẩy diện
Hồi đầu vọng bái.
Miêu vương tấy mục.
Di thân bán hạ.
Hồi phục địa lôi.
Bàng long độc cước.
Đế hải ẩn long.
Hoàng miêu sát thử.
Đảo vân ẩn diện.
Đăng cước hoành thân.
Giáng sơn hoành thủ.
Mãnh hổ thôi sơn.
Khuynh thân yến tử.
Linh miêu mai phục.
Đổng tước song phi.
Hoành thân trực chưởng.
Thám nguyệt độc xà.
Bái tổ như tiền.
14. 
3 Đồng diễn Thái Sơn nữ
Là một bài Roi chiến rất nổi tiếng trong các làng võ Bình Định, sử dụng côn pháp lấy những yếu tố kỷ thuật của một số loài vật làm căn cơ, mô phỏng động tác của Rắn, kỳ Lân, Tê giác, Thỏ, Mèo, Gà, Trâu, Hổ. Đây là những điểm hiếm thấy trong các bài võ cổ truyền Việt Nam. Do tổng hợp sức mạnh và động tác của nhiều loài thú nên bài Roi Thái sơn hết sức biến ảo. Lúc tấn công thì ra đòn mạnh mẽ, lúc lui về thế thủ thì nhẹ nhàng, linh hoạt né tránh, để rồi từ thế thủ, chuyển sang thế tấn công. Bài Roi Thái Sơn được tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ cổ truyền Việt Nam năm 1993 làm bài qui định quốc gia đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu trong toàn quốc.
14. 
4 Đồng diễn Thập bát ban binh khí + 2 bộ tam đấu
15. Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc ” mang hào khí của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung- Nguyễn Huệ mùa xuân năm ấy tiến quân ra Bắc, đánh tan quân xâm lược với khí thế thần tốc và giành chiến thắng lẫy lừng vào dựng xây cuộc sống mới hôm nay. Đó là thần tốc vươn lên xây bao công trình, góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước để chào đón mùa xuân, chào năm mới và chào ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. 
Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc” kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa của các diễn viên tạo không khí hào hùng, vui tươi, phấn khởi trong mùa xuân năm mới.
Biểu diễn:
 - Hát: Các NS: Duy Long, Anh Tuấn, Chí Cường, Lê Tuyền, Hồng Diễm.
 - Múa:  Kim Tiển, Thuý Vân, Trà Giang, Thuý Kiều, Võ Nương, Bích Lĩnh, Nhị Hảo.
16. Trích đoạn “Quang Trung lên ngôi” được trích trong vở tuồng “Mặt trời đêm thế kỷ”  của tác giả Lê Duy Hạnh.
          Vua bù nhìn Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, sang nhà Thanh cầu cứu viện binh. Nhân cơ hội đó, vua Càn long sai Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh tràn sang xâm lược nước ta. Trước sự tồn vong của dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, thể theo ý nguyện của lòng dân, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Và Người đã thần tốc ra binh, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền cho non sông Đại Việt.
Biểu diễn:  - NSND Minh Ngọc vai  vua Quang Trung
                  - NSƯT Thanh Bình vai công chúa Ngọc Hân
Cùng tập thể nam nữ diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống Tỉnh  tham gia biểu diễn.

Tác giả bài viết: Bài: Duy Linh- Thuý Hường; Ảnh: Thục Nương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây