Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttps://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ hai - 26/12/2022 20:16
Hòa chung với không khí cả nước đón xuân năm mới, sân khấu truyền thống Bình Định với hai bộ môn nghệ thuật tiêu biểu là Tuồng và Bài chòi rộn ràng, nhộn nhịp với các chương trình, tiết mục sôi nổi, mang đặc trưng riêng của vùng “đất Võ” để biểu diễn phục vụ bà con nhân dân vui chơi, đón Tết. Ngoài các đêm diễn Tuồng và Bài chòi trong và sau Tết Nguyên Đán hàng năm đã được liên hệ và ký hợp đồng với các địa phương trong và ngoài tỉnh trước đó. Một phần không thể thiếu đối với Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh là tham gia cùng các đoàn nghệ thuật, Trung tâm văn hóa Tỉnh biểu diễn chương trình nghệ thuật chào đón năm mới tại sân khấu trung tâm quảng trường Nguyễn Tất Thành - thành phố Quy Nhơn do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ hàng năm với các hoạt cảnh, trích đoạn do Nhà hát nghệ thuật truyền thống Tỉnh đảm nhiệm có nội dung vui tươi, phô diễn được nét độc đáo của nghệ thuật hát Bội, Bài chòi - loại hình nghệ thuật không thể thiếu của Văn hóa Bình Định. Đó là những tiết mục khá gần gũi, quen thuộc và sôi động như: Ca ngợi những thắng lợi trong lao động, sản xuất; những kết quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần; thành tựu trong xây dựng nông thôn mới và những chiến công hiển hách của các anh hùng hào kiệt trong lịch sử dân tộc nói chung và của quê hương Bình Định nói riêng….
Tiết mục múa "Vũ điệu Chămpa" Đối với nghệ thuật sân khấu Bài chòi, tùy vào chủ đề tư tưởng hàng năm để Nhà hát nghệ thuật truyền thống có thể điều chỉnh, sử dụng các nội dung khác nhau như: “Hát hò đối đáp”, “Rộn ràng những bước đường xuân”, “Vui xuân, vui hội Bài chòi”... phù hợp với không khí ngày xuân. Dù đề tài nào vẫn luôn đáp ứng những tiêu chí vui tươi, sôi nổi nhưng không kém phần sâu lắng, ngọt ngào và đậm tính trữ tình của các làn điệu Bài chòi kết hợp dân ca với các điệu lý, hò, vè… ngọt ngào, ấm áp, nhẹ nhàng. Cụ thể, ca cảnh Bài chòi “Rộn ràng những bước đường Xuân”sử dụngliên khúc hát múa, kết hợp nhiều làn điệu vui tươi, ngọt ngào như: Hò quảng, Xuân nữ, Hò hê, Sắc bùa, Lô tô…. mang đến cho người xem không khí rộn ràng của ngày xuân. Các nam thanh nữ tú dạo bước du xuân, đố vui ngày xuân và hát ca ngợi quê hương, non nước Bình Định thân thương, nghĩa tình, đang vui chào năm mới, đón Giao thừa và họ cùng nhau xây đắp quê hương sáng tươi huy hoàng. Hát hò đối đáp là thể loại dân ca đặc sắc, gần gũi, gắn bó với người dân Bình định trong lao động, sinh hoạt, tình cảm, văn hóa tín ngưỡng…Đây là thể loại không ràng buộc bởi yếu tố lời ca, quy luật thơ, quy luật chữ… mà hết sức linh hoạt khi đối đáp và mang tính ứng đối sáng tạo cao.Ca cảnh “Háthò đối đáp” ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Bình Định với nhiều làn điệu hò phong phú như hò hê, hò tát nước, …Hay sử dụng điệu Hò ba lý là thể loại hát hò đối đáp giao duyên vui vẻ giữa nam và nữ trong những ngày đầu xuân. Còn với nghệ thuật Tuồng với các chủ đề như: “Sắc màu truyền thống”, “Trình tường Khánh chúc”phô diễn những nét độc đáo, đặc trưng của nghệ thuật tuồng về vũ đạo, phục trang, binh khí….với việc sử dụng các động tác vũ đạo tuồng, múa đồng bộ, nhịp nhàng theo các tuyến ngang, dọc, xéo rồi cùng tạo hình khối đẹp mắt trên nền nhạc trầm bổng. Đến khi điệu múa gần đến hồi kết, tất cả cùng đứng trụ bộ, mỗi diễn viên trên tay cầm một câu liễn và tung ra câu chúc tụng chúc cho quốc thái dân an, muôn người ấm no, hạnh phúc. Hay các trích đoạn, hoạt cảnh tái hiện hình ảnh các vị anh hùng của quê hương Bình Định như: Phong trào nông dân Tây Sơn và những chiến công hiển hách của vua Quang Trung- Nguyễn Huệ…. với sự tham gia của đông đảo nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát. Bên cạnh những chương trình biểu diễn trong đêm giao thừa theo chủ đề hằng năm, Nhà hát cũng kết hợp với Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định để biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành chương trình nghệ thuật tổng hợp, giới thiệu các Di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của Tỉnh nhà như: nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Bài chòi và Võ cổ truyền Bình Định…. thu hút khá đông công chúng thưởng thức. Trong đó có trích đoạn tuồng mang nội dung vui tươi, hài hước, gây tiếng cười vui vẻ đầu năm như “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Ngày xuân mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Xấc - con quan Thiên hộ trong phủ Chúa cậy quyền thế luôn tìm ghẹo các cô gái đẹp. Thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, công tử Xấc sinh lòng ham muốn chiếm vợ người. Ông già đã chứng minh sức mạnh tình yêu của mình, không những bảo vệ được người vợ trẻ mà còn dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời.
Tiết mục múa "Trình tường"
Hay tiết mục múa“Mùa xuân trên đỉnh tháp” tái hiện lại nét văn hóa đặc trưng của người Chăm tại Bình Định.Ai đã một lần đến đây sẽ nhớ mãi những ngọn Tháp Chăm đẹp đến ngây ngất bởi lối nghệ thuật kiến trúc độc đáo cùng những điệu múa Chăm đong đầy những giá trị văn hóa - nghệ thuật đích thực. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo. Với người dân Bình Định, hát Bội, Bài chòi là “món ăn” tinh thần đặc sắc, không thể thiếu đối với vùng đất này. Mùa xuân là thời gian khán giả mộ điệu khắp nơi thường chờ đón để thưởng thức bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời này. Công chúng yêu nghệ thuật hát Bội, Bài chòi được “đắm mình” trong những lời ca, tiếng hát mang hương vị riêng của vùng “đất Võ trời Văn”. Vì thế, những người con Bình Định dù có ở đâu hay đang ở xa quê hương, họ vẫn không quên những kỷ niệm đẹp khi xem hát Bội, Bài chòi trong những ngày Tết. Sự say mê thưởng thức nghệ thuật hát Bội của khán giả khắp nơi, sẽ tiếp thêm động lựcđể các nghệ nhân, nghệ sỹ “cháy hết mình với ngọn lửa đam mê”, góp phần đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống hát Bội khởi sắc hơn cùng với mùa xuân. Một năm được bắt đầu từ mùa xuân. Mùa xuân là để yêu thương và hy vọng. Người dân vùng “đất Võ xứ Văn chương” luôn trông chờ, hy vọng vào những điều may mắn, những hạnh phúc lớn lao và những thành quả đạt được trong năm như những lời ca, tiếng hát ngọt ngào, giàu cảm xúc của hai bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng và Bài chòi độc đáo, đặc sắc của quê hương Bình Định.