1. Độc tấu “Trống trận Tây Sơn”
Nhân dân ta truyền rằng: Quang Trung - Nguyễn Huệ thường dùng bài nhạc này để cổ vũ khí thế binh sĩ tiến quân ra trận, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
“Trống trận Tây Sơn” còn có tên gọi là nhạc Võ Tây Sơn, đây là tiết mục diễn tấu 12 trống độc đáo, tượng trưng cho 12 con giáp, tương truyền được Hoàng đế Quang Trung sử dụng để luyện tập binh sỹ, ngợi ca những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Bài trống có 3 phần:
1. Tập hợp, luyện binh, hành quân
2. Xung trận phá thành
3. Ca khúc khải hoàn
Biểu diễn: Nghệ sỹ Đinh Văn Công cùng tập thể dàn nhạc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.
2. Múa “Hái lá mùa xuân”
Thông qua các động tác múa thoăn thoắt, nhịp nhàng cùng tâm trạng vui vẻ, phấn khởi của các cô gái người dân tộc Rắc Lây rủ nhau ra rừng hái lá, với ước mong cho cây cối đâm chồi nảy lộc, một năm vụ mới mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tươi, nhà nhà no ấm.
Sáng tác múa: Cố NSND Đặng Hùng
Biểu diễn: Tốp nữ
Tiết mục múa "Hái lá mùa xuân"
3. Biểu diễn võ thuật cổ truyền:
3. 1 Tiết mục đồng diễn “Căn bản công pháp” do các Võ sinh Anh Ny, Liên Hường, Quốc Thắng, Quốc Huy, Phú Nhân, Quốc Việt, Hoàng Phúc thực hiện.
Bài căn bản công pháp III gồm 45 động tác liên hoàn của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Bài võ cổ truyền được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông. Đây là nội dung mới của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 4775 ngày 16/9/2015 chỉ đạo các trường học trong cả nước cùng triển khai tập luyện để thực hiện nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ.
3. 2.Tiết mục “Bát quái côn” – Biểu diễn: Bảo Ngân
Bát quái côn có 86 hành pháp liên thao, theo nghệ thuật cấu trúc của bài các pháp thao không bị trùng lập. Bài Bát quái côn đựợc tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền Việt Nam vào năm 1995 làm bài qui định quốc gia, đưa vào hệ thống thi đấu các giải trong toàn quốc.
Phát bản linh thủ, xà vương khai môn
Long du điền hải, điểu thủy đăng thiên
Xuyên sơn định trận, nhất tướng ngũ môn
Bát quái đồng thần, lưỡng kê linh thủ
Vạn phụng như hoa, bát phương loạn xạ
Điểu trá yên phi, thạch thân xuất thế
Tứ Tướng hồi môn, lão tôn loạn đả …
3.3 Tiết mục “Nạp mã môn cương” – CLB Võ cổ truyền dưỡng sinh Hoa Hướng Dương thực hiện.
Bài Nạp mã môn cương được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài quyền có 48 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau là sự kết hợp giữa thân pháp, thủ pháp và cước pháp. Lúc thì đánh nhu, lúc thì đánh cương, uyển chuyển mạnh mẽ. Được đưa vào tập luyện và thi đấu rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, ở Bình Định đây được xem là một bài quyền luyện gân cốt, điều hòa khí huyết, tăng cường sức khỏe. Tiết mục "Hát hò đối đáp"
4. Đơn ca nam “Đất nước tình yêu”
Ca khúc “Đất nước tình yêu” ra đời đã cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên lên đường ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc thân yêu, để lại người yêu nơi quê nhà. Họ đặt tình cảm riêng tư trong tình yêu đất nước. Nhạc sỹ Lệ Giang đã sáng tác ca khúc để ca ngợi tình yêu lứa đôi lúc ấy: “Khi chúng ta yêu nhau chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm”. Lời bài hát dẫn dắt người nghe hồi tưởng lại những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc và là niềm tự hào của tuổi trẻ một thời để nhớ.
Biểu diễn: nghệ sỹ Thanh Trực
5. Độc tấu Đàn Bầu “ Nhịp cầu quê hương ”
Đàn Bầu là một trong những nhạc cụ dân tộc cổ truyển, độc đáo của Việt Nam với những âm thanh đằm thắm, ngọt ngào:
“ Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha
Ngân nga em vẫn hát
Tích tịch tình tình tang”
Sáng tác: NSƯT Toàn Thắng
Biểu diễn: Nghệ sỹ Quang Hiếu
6. Múa “Mùa xuân trên đỉnh tháp”
Dân tộc Chăm có những lễ hội sôi động với những điệu múa đẹp lạ lùng, quyến rũ, ẩn chứa những hình tượng văn hóa độc đáo. Trên mảnh đất của chúng ta sống hôm nay chính là kinh đô Chămpa thuở trước, nét Văn hóa Chăm vẫn còn làm xao xuyến lòng người qua những điệu múa, lời ca u hoài, huyền ảo. Những điệu múa Chăm là những “viên ngọc sáng” trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Ẩn sâu bên trong những điệu múa ấy, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa Chăm, linh thiêng, huyền bí và không kém phần lãng mạn của tình yêu đôi lứa.
Biểu diễn: Tốp nữ
7. Biểu diễn võ thật cổ truyền:
7.1. Tiết mục “Đồng diễn Lăn khiên”
- Biểu diễn: Quang Nhật, Phương Hoàng, Quốc Việt, Quốc Thắng, Phú Nhân.
Nhà Tây Sơn là vương triều được hình thành từ cuộc khởi nghĩa của những anh hùng áo vải xuất thân từ tầng lớp nông dân. Thế nên ở thời kỳ này đã có rất nhiều bài quyền, thế võ được sáng tạo từ những công cụ lao động hằng ngày như bồ cào, cuốc chỉa, câu liêm, thiết lĩnh… hoặc cải tiến từ những vũ khí đã có từ các thời kỳ trước đó. Lăn khiên là một loại vũ khí như thế, đã được nhân dân ta sử dụng chiến đấu từ rất lâu nhưng có lẽ đến thời kỳ nhà Tây Sơn thì loại vũ khí này mới bước vào giai đoạn rực rỡ nhất.
Bài có 48 hành pháp liên hoàn, theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Điểm mạnh của bài Lăn khiên là chuyên đánh cận chiến dùng cho bộ binh thời Tây sơn, ngoài ra Lăn khiên còn phòng thủ từ xa dùng để đỡ cung tên khi xung trận.
7.2. Tiết mục “Song tiết kiếm” – Biểu diễn: Trúc Anh.
Bài Song tuyết kiếm thuộc môn phái Nam Hồng Sơn do cố Võ sư Nguyễn Nguyên Tộ sáng lập trên cơ sở kết hợp võ thuật Trung Hoa và võ cổ truyền Việt Nam. Song tuyết kiếm là bài binh khí đôi có độ khó rất cao, người luyện võ đạt đến trình độ nhất định mới tập được bài này, phối hợp thân pháp nhu cương uyển chuyển, toàn bài có 40 câu với những chiêu thức liên hoàn.
Bình thân
Bái tổ kính sư
Tiên ông chỉ lộ
Song long hợp khẩu
Song long xuất thủy
Tam bộ loan kiếm
Bạch hạc đạt tuyết
Thiết ngưu chuyển giác
Song long xuất thủy
Song long bảo nguyệt
Tà phong tảo diệp
Hoành phong tảo địa …
7. 3. Tiết mục “Tam Tiết côn” – Biểu diễn: Quốc Huy
Được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài Tam tiết côn có 66 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau, 3 khúc nối với nhau bằng một sợi dây xích, vừa tấn công lại vừa phòng thủ, tam khúc là loại binh khí có độ khó tương đối cao, đỡ trên, đánh dưới, tả xung hữu đột làm cho đối phương không có đường thối lui. Đánh đông, đánh tây, đánh nam, đánh bắc, kết hợp kỹ thuật lăn lộn, thi triển bộ pháp cực kỳ nhanh nhạy, đánh quét liên hoàn.
7. 4. Tiết mục “Đối luyện song đao đối kháng nhị trường thương”
- Biểu diễn: Quốc Huy, Minh Thao, Thanh Tuấn.
Kính thưa quý vị ! Các tiết mục đối luyện luôn ẩn chứa những thế đánh có độ nhanh rất cao, mạnh mẽ, uy lực và biến ảo vô cùng. Binh khí trong tay nhập hồn mà tung thế, binh khí kết hợp với tấn pháp vững vàng, thân pháp uyển chuyển, ánh mắt định thần, đầu óc tập trung cao độ. Tay cầm song đao luôn ở thế thượng phong, công thủ toàn diện để chống trả với nhị trường thương luôn lăm lăm trên tay. Có thể nói đối luyện trong võ cổ truyền Bình Định là phương pháp tập luyện làm cho chúng ta có phản xạ nhanh nhất, ra thế kịp thời, vận dụng đối luyện người tập võ luôn có sự tập trung giải quyết tình thế cấp bách.
Tiết mục múa "Hồn Việt"
8. Đơn ca nữ “Đất nước lời ru”
Ca khúc mang âm hưởng dân gian, không chỉ giới thiệu những khúc hát ru, ngợi ca tình mẫu tử thuần túy, mà lớn lao hơn là biểu tượng của đất nước, Tổ quốc thiêng liêng. Người mẹ trong bài này được tác giả nâng lên một tầm cao: đó là biểu tượng của đất nước, Tổ Quốc. Mỗi người dân Việt Nam không thể thoát ly đất mẹ của mình, như những đứa con không thể thiếu mẹ. Đất nước là cội nguồn, là máu thịt, là những gì thiêng liêng nhất đối với mỗi người con Việt Nam. Chính vì vậy, ca khúc “Đất nước lời ru” hướng đến một biểu tượng bất tử về Người mẹ dân tộc, Người mẹ cội nguồn, Người mẹ đất nước. Tiếng lòng của nhạc sỹ Văn Thành Nho lúc nào cũng đồng hành với tiếng lòng của lời ru đất nước.
Biểu diễn: NSƯT Thanh Bình
9. Song ca nam nữ “ Bến nước tình yêu”
Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam, tình yêu có vai trò rất quan trọng trong đời sống thường ngày của người Chăm. Tình yêu thể hiện qua động tác múa trong các nghi lễ dân gian và nghi lễ tôn giáo. Một trong những bài hát hay thể hiện tình yêu giữa con người với con người và đặc biệt là tình yêu đôi lứa đó là bài “Bến nước tình yêu”
Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Hoàng Dũng - Thu Thiện
10. Múa “Trình tường”
“Trình tường” là điệu múa sử dụng các động tác vũ đạo tuồng, múa đồng bộ, nhịp nhàng theo các tuyến ngang, dọc, xéo rồi cùng tạo hình khối đẹp mắt trên nền nhạc trầm bổng. Đến khi điệu múa gần đến hồi kết, tất cả cùng đứng trụ bộ, mỗi diễn viên trên tay cầm câu liễn và tung ra câu chúc tụng chúc cho quốc thái dân an, muôn người ấm no, hạnh phúc.
Qua tiết mục múa “Trình tường”, quý vị có thể cảm nhận được nét độc đáo, đặc sắc về vũ đạo, hóa trang, phục trang của nghệ thuật Tuồng mà những giá trị độc đáo của nó đã “neo lại” trong lòng nhân dân qua nhiều thế kỷ.
Biểu diễn: Tập thể nam nữ diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.