Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttps://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 24/11/2022 21:15
1. Hát hò đối đáp “Ai về bình Định mà coi” Ca cảnh Hát hò đối đáp “Ai về Bình Định mà coi” ca ngợi, quảng bá vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và con người Bình Định; Mừng quê hương, đất nước tươi đẹp trở lại sau Đại dịch Covid- 19 với nhiều làn điệu hò phong phú như: Xuân nữ, Hò quảng, Hò hê, Sắc bùa, Lô tô … thường biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ, hội… Tác giả: NSƯT Tấn Hào Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Bích Lĩnh, Hồng Diễm, Võ Nương, Thành Việt, Chí Cường, Trung Hiếu. 2. Đơn ca “Mời trầu” “Phận duyên be bé cơi trầu buồng cau Hẹn thề bên nhau đến khi bạc đầu Tròn lăn lông lốc trên dòng tình duyên Chuyện hợp hay tan còn chăng hồng nhan” Đó là những ca từ mộc mạc, giản dị, gần gũi rất Việt Nam mà tác giả Võ Thái Anh đề cập đến trong ca khúc ‘Mời trầu”. Bài hát mang âm hưởng dân gian kết hợp hài hoà cùng màu sắc hiện đại vô cùng trẻ trung đã tạo ra “làn gió mới” cho người thưởng thức. Biểu diễn: Nghệ sỹ Bạch Lan
Tiết mục "Hát hò đối đáp" 3. Biểu diễn võ thuật: Đồng diễn căn bản công pháp 27 và 36 động tác – Biểu diễn: CLB Minh Giang 3. 1. Tiết mục đồng diễn Căn bản công phápdo các Võ sinh Câu lạc bộ Trường THCS Nhơn Bình biểu diễn Bài căn bản công pháp I và II gồm 27 và 36 động tác liên hoàn của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Bài võ cổ truyền được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học tiểu học và THCS, đây là nội dung của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 4775 ngày 16/9/2015 chỉ đạo các trường học trong cả nước cùng triển khai tập luyện để thực hiện nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ. 3. 2 Bát quái côn- Biểu diễn : Phú Nhân Có 86 hành pháp liên thao, theo nghệ thuật cấu trúc của bài các pháp thao không bị trùng lập. Bài Bát quái côn đựợc tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền Việt Nam vào năm 1995 làm bài qui định quốc gia, đưa vào hệ thống thi đấu các giải trong toàn quốc. Phát bản linh thủ, xà vương khai môn Long du điền hải, điểu thủy đăng thiên Xuyên sơn định trận, nhất tướng ngũ môn Bát quái đồng thần, lưỡng kê linh thủ Vạn phụng như hoa, bát phương loạn xạ Điểu trá yên phi, thạch thân xuất thế Tứ Tướng hồi môn, lão tôn loạn đả Triều bàn bát quái, độc giác chiến xa Bạch xà long trận, đơn phụng triều dương Kim thương trá thủ, phi xa yên thạch Hoành sơn mạng nhện, thần ngư vũ thủy Trung hải nhất trụ, độc linh yên bái 3.3 Phong hoa đao - Biểu diễn : Anh Ny Bài Phong hoa đao là bài binh khí quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Phong Hoa đao là một trong Ngũ bộ Phong hoa gồm Phong hoa kiếm, Phong hoa đao, Phong hoa côn, Phong hoa thương, Phong hoa thiết phiến của môn phái Hoa Quyền, các võ sinh Bình Định đã thể hiện xuất sắc bài binh khí này qua các giải đấu trẻ, cúp và vô địch quốc gia, và đã mang về cho Bình Định nhiều tấm huy chương vàng danh giá.
Tiết mục biểu diễn võ thuật
4. Múa “Hồn Việt” Đây là tiết mục múa mang đậm chất dân gian, sử dụng đạo cụ chính là hoa Sen - biểu tượng của sự thanh khiết của người dân Việt Nam, ẩn chứa nét đẹp tinh tuý của người con gái Việt với những phẩm hạnh đáng quý, luôn giữ được giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc ta. Thông qua các động tác múa mềm mại, nhẹ nhàng tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho người thưởng thức. Biên đạo: Nghệ sỹ Kim Tiển. Biểu diễn: Tốp nữ. 5.Song ca “Đất nước tình yêu” Ca khúc “Đất nước tình yêu” ra đời đã cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên lên đường ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc thân yêu, để lại người yêu nơi quê nhà. Họ đặt tình cảm riêng tư trong tình yêu đất nước. Nhạc sỹ Lệ Giang đã sáng tác ca khúc để ca ngợi tình yêu lứa đôi lúc ấy: “Khi chúng ta yêu nhau chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm”. Lời bài hát dẫn dắt người nghe hồi tưởng lại những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc và là niềm tự hào của tuổi trẻ của một thời để nhớ. Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Duy Long - Cẩm Hương 6. Múa “Vũ điệu Chămpa” Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo. Biên đạo: Thu Hương Biểu diễn: Các nghệ sỹ:Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhị Hảo, Hồ Điệp. 7. Biểu diễn võ thuật: 7. 1 Song tuyết kiếm - Biểu diễn: Trúc Anh Song tuyết kiếm là bài binh khí đôi quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Bài Song tuyết kiếm của Môn phái Nam Hồng Sơn Song tuyết kiếm có 40 câu thiệu: 1. Bình thân 2. Bái tổ kính sư 3. Tiên ông chỉ lộ 4. Song long hợp khẩu 5. Song long xuất thủy 6. Tam bộ loan kiếm 7. Bạch hạc đạt tuyết 8. Thiết ngưu chuyển giác (2 lần) 9. Song long xuất thủy 10. Song long bảo nguyệt …. 7. 2 Độc long thương - Biểu diễn: Quốc Huy Kho tàng võ cổ truyền Bình Định có nhiều bài quyền, binh khí đặc trưng năm 2017 Bình Định đưa thêm 17 bài võ đặc trưng in thành sách và tổ chức các lớp tập huấn cho nhiều võ sư, HLV trong tỉnh, vì vậy đã phổ biến rộng rãi, nhiều bài võ sẽ có thêm điều kiện được gìn giữ, phát huy tốt hơn với những người mộ võ”. Trong đó có bài Bài độc long thương được lưu giữ tại võ đường Hồ Sừng do võ sư Hồ Văn Sỹ cung cấp tài liệu. Toàn bài có 51 hành pháp liên thao theo đồ hình 7.3 Đồng diễn đao lăn khiên - Biểu diễn: tập thể nam Quốc Kha, Quốc Thắng, Phú Nhân, Phương Hoàng, Tâm Hiên, Quốc Việt, Hoàng Phúc. Nhà Tây Sơn là vương triều được hình thành từ cuộc khởi nghĩa của những anh hùng áo vải xuất thân từ tầng lớp nông dân. Thế nên ở thời kỳ này đã có rất nhiều bài quyền, thế võ được sáng tạo từ những công cụ lao động hằng ngày như bồ cào, cuốc chỉa, câu liêm, thiết lĩnh… hoặc cải tiến từ những vũ khí đã có từ các thời kỳ trước đó. Lăn khiên là một loại vũ khí như thế, đã được nhân dân ta sử dụng chiến đấu từ rất lâu nhưng có lẽ đến thời kỳ nhà Tây Sơn thì loại vũ khí này mới bước vào giai đoạn rực rỡ nhất. Bài có 48 hành pháp liên hoàn , theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Điểm mạnh của bài Lăng Khiên là chuyên đánh cận chiến dùng cho bộ binh thời Tây sơn, ngoài ra lăng khiên còn phòng thủ từ xa dùng để đỡ cung tên khi xung trận 7. 4 Đối luyện không thủ đối kháng song đao - Biểu diễn : Thanh Phong, Thanh Thích, Quang Nhật. Võ cổ truyền Bình Định vô cùng phong phú và độc đáo, các tiết mục đối luyện luôn ẩn chứa những thế đánh có độ nhanh rất cao, mạnh mẽ, uy lực và biến ảo vô cùng. Chân tay được kết hợp thuần thục nhập hồn mà ra đòn phản công, Với cái nhìn lạnh lùng kết hợp với tấn pháp vững vàng, thân pháp uyển chuyển, ánh mắt định thần, đầu óc tập trung cao độ. Khi đối thủ tay cầm đơn đao luôn ở thế thượng phong, tuy vậy với võ sĩ đã qua luyện tập thì sẽ tập trung công thủ toàn diện để chống trả với sát thủ luôn lăm lăm trên tay. Có thể nói đối luyện trong võ cổ truyền Bình Định là phương pháp tập luyện làm cho chúng ta có độ phản xạ nhanh, ra thế kịp thời giải đòn, vận dụng đối luyện người tập võ luôn có sự tập trung cao độ.
Tiết mục múa "Trúc xinh" 8.Song ca Bài chòi “ Ai vềBình Định” “Muốn ăn bánh ít lá gai Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi” Hay: “Em về Bình Định cùng anh Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa” Đó là những câu ca dao đề cập đến “đặc sản” của quê hương Bình Định đã được nhạc sỹ Nguyễn Dự vận dụng linh hoạt, khéo léo và đưa vào bài hát “Ai về Bình Định”. Với những ca từ ngọt ngào, đặc sắc, mang khí chất riêng của đất và người Bình Định đem đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Bích Lĩnh - Thành Việt 9. Tốp ca nam: “Tiếng trống Paranưng” “Tôi yêu chiếu khăn matira Vương trên trán em dịu êm Tôi yêu tiếng ca áttira Mênh mông mênh mông biển sóng” Những câu hát dạt dào, sâu lắng, thiết tha trong bài “Tiếng trống Paranưng”của nhạc sĩ Trần Tiến vang vọng trong ta âm điệu tiếng trống Paranưng cùng tình yêu của người Chămpa, để rồi tìm về nguồn cội và mong được hòa quyện với những âm điệu dân ca Chămpa. Những điệu hò dạt dào, sâu lắng ấy, đã từng làm say đắm biết bao thi nhân mặc khách khi đặt chân đến vùng đất này. Sáng tác: Trần Tiến Biểu diễn: Tốp nam 10. Liên khúc dân ca khu V (Lý thượng, Lý vãi chài, Lý ngựa ô) Kết hợpsử dụng nhiều làn điệu Dân ca cổ, phong phú của Dân ca Liên khu V trước đây như: Lý thượng, Lý vãi chài, Lý ngựa ô để tạo nên một liên khúc dân ca hấp dẫn, sôi nổi, nhiều màu sắc khi trình diễn, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, đất đước và tình yêu lứa đôi trong sáng, chân thành, giản dị, mang lại cảm giác vui vẻ, phấn chấn trong lao động và sản xuất cho người dân. Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Võ Nương, Bích Lĩnh, Hồ Điệp, Hồng Diễm, Bạch Lan, Hoài Thương.
Tác giả bài viết: Bài: Thuý Hường; Ảnh: Thuý Hường - Công Phượng