NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH BIỂU DIỄN CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT TẠP KỸ TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH VÀO NGÀY 01.11.2022

Chủ nhật - 30/10/2022 22:39
NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH BIỂU DIỄN CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT TẠP KỸ TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH VÀO NGÀY 01.11.2022
Thực hiện kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định về việc tổ chức các hoạt động văn hoá và thể thao tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn chương trình nghệ thuật tạp kỹ nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị độc đáo, đặc sắc của các di sản văn hoá phi vật thể như: nghệ thuật Tuồng (hát Bội), Bài chòi, Võ cổ truyền Bình Định,… góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy các loại hình di sản văn hoá tiêu biểu của tỉnh nhà.
Đồng thời, thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ lần này, tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hoá, thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân sau những ngày lao động mệt nhọc; là nơi tham quan, vui chơi, giải trí của du khách gần xa khi đặt chân đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ bao gồm các tiết mục đa dạng, phong phú với nhiều thể loại khác nhau: độc tấu nhạc cụ dân tộc, múa, hát hò đối đáp, võ thuật, trích đoạn Tuồng, Bài chòi…. Cụ thể như:   
1.  Tiết mục: Trống trận Tây Sơn
Nhân dân ta truyền rằng: Quang Trung -  Nguyễn Huệ thường dùng bài nhạc này để cổ vũ khí thế binh sĩ tiến quân ra trận, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
 “Trống trận Tây Sơn” còn có tên gọi là nhạc Võ Tây Sơn, đây là tiết mục diễn tấu 12 trống độc đáo, tượng trưng cho 12 con giáp, tương truyền được vua Quang Trung sử dụng để luyện tập binh sỹ, ngợi ca những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Bài trống có 3 phần:
1.  Tập hợp, luyện binh, hành quân
2.   Xung trận phá thành
3.  Ca khúc khải hoàn
Biểu diễn: Nghệ sỹ Đinh Văn Công cùng tập thể dàn nhạc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.

TIẾT MỤC 12 TRỐNG


Ảnh: Hoàng Dũng                           Tiết mục "Trống trận Tây Sơn"


2. Trích đoạn tuồng: Ông già cõng vợ đi xem hội”
Ngày xuân mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Xấc là con quan Thiên Hộ trong phủ Chúa, cậy quyền thế luôn tìm ghẹo các cô gái đẹp. Thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, công tử Xấc sinh lòng ham muốn chiếm vợ người. Ông già đã chứng minh sức mạnh tình yêu của mình, không những bảo vệ được người vợ trẻ mà còn dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời.
 Biểu diễn: Nghệ sỹ Thu Thiện trong vai  Ông già và cô gái
 Nghệ sỹ Thanh Trực trong vai công tử Xấc
3. Múa “Vũ điệu Chămpa”
 Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo.
Biểu diễn: Tốp nữ.
4.  Hát hò đối đáp “Ai về Bình Định mà coi
Ca cảnh Hát hò đối đáp “Ai về Bình Định mà coi” ca ngợi, quảng bá vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và con người Bình Định; mừng quê hương, đất nước tươi đẹp trở lại sau đại dịch Covid-19 với nhiều làn điệu hò phong phú như: Xuân nữ, Hò quảng, Hò hê, Sắc bùa, Lô tô … thường biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ, hội…
Tác giả: Nghệ sỹ Ưu tú Tấn Hào.
Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Bích Lĩnh, Hồng Diễm, Võ Nương, Thành Việt, Chí Cường, Trung Hiếu.
ẢNH HÁT HÒ ĐỐI ĐÁP


Ảnh: Hoàng Dũng                       Tiết mục hát hò đối đáp "Ai về Bình Định mà coi"

5. Tiết mục biểu diễn Võ thuật “Tây Sơn bước chân hào kiệt
Cùng với hát Bội, Bài chòi, võ cổ truyền Bình Định đã ăn sâu vào trong máu thịt của từng người dân Bình Định. Trải qua hàng trăm năm kế thừa và phát triển, võ cổ truyền Bình Định trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, Võ cổ truyền Bình Định đã lan tỏa đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bình Định được mệnh danh là vùng đất võ xứ văn chương, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, nơi phát tích của triều đại Tây Sơn với nhiều chiến công hiển hách, để viết nên những trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tiết mục võ thuật đặc sắc này giúp quý khán giả có dịp sống lại những chặng đường lịch sử hào hùng của những người con đất Việt.
Biểu diễn:  Các võ sinh Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định.
6. Múa “Trình tường”
Trình tường” là điệu múa sử dụng các động tác vũ đạo tuồng, múa đồng bộ, nhịp nhàng theo các tuyến ngang, dọc, xéo rồi cùng tạo hình khối đẹp mắt trên nền nhạc trầm bổng. Đến khi điệu múa gần đến hồi kết, tất cả cùng đứng trụ bộ, mỗi diễn viên trên tay cầm một câu liễn và tung ra câu chúc tụng chúc cho quốc thái dân an, muôn người ấm no, hạnh phúc.
Qua tiết mục múa “Trình tường”, quý vị có thể cảm nhận được nét độc đáo, đặc sắc về vũ đạo, hóa trang, phục trang của nghệ thuật Tuồng mà những giá trị độc đáo của nó đã “neo lại” trong lòng nhân dân qua nhiều thế kỷ.
Biểu diễn: Tập thể nam nữ diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.
7. Độc tấu đàn nhị “Kể chuyện ngày mùa”
Với những đường nét, giai điệu giản dị, mộc mạc nhưng rất sâu lắng, cùng sự độc đáo, phong phú của kỹ thuật diễn tấu, “Kể chuyện ngày mùa” của nhạc sỹ Thao Giang đã cùng cây đàn Nhị vẽ nên bức tranh sinh động của ngày mùa bội thu. Qua đó, giới thiệu những nét đặc sắc của nhạc cụ truyền thống Việt Nam với những thanh âm trong sáng, rõ ràng và mềm mại đã chinh phục được người nghe qua nhiều thế hệ.
Sáng tác: Nhạc sỹ Thao Giang.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Nguyễn Văn Tới.

ẢNH TIẾT MỤC MÚA CHĂMMÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH THÁP

Ảnh: Hoàng Dũng                           Tiết mục múa "Vũ điệu Chăm pa"
8. Múa “Hồn Việt”

Đây là tiết mục múa mang đậm chất dân gian, sử dụng đạo cụ chính là hoa Sen - biểu tượng của sự thanh khiết của người dân Việt Nam, ẩn chứa nét đẹp tinh tuý của người con gái Việt với những phẩm hạnh đáng quý, luôn giữ  được giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc ta.
Thông qua các động tác múa mềm mại, nhẹ nhàng tạo cảm giác thư thái, thoải mái cho người thưởng thức.
Biên đạo:  Nghệ sỹ Kim Tiển.
Biểu diễn: Tốp nữ.
9. Trích đoạn Ca kịch Bài chòi “Đêm Phú Xuân”, trích trong vởAnh hùng với giai nhân
 Từ khi nàng công chúa khuê các xứ Bắc Hà - Ngọc Hân nên duyên cùng người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ và theo chàng vào Phú Xuân định đô. Ở nơi đất khách quê người, bao nỗi nhớ nhung về quê hương, gia đình luôn thường trực trong trái tim Ngọc Hân. Với tình yêu chân thành, nồng thắm, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đã vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, không gian, thân thế và cả âm mưu không trong sáng của những thế lực chính trị thời Lê suy Trịnh nát, để vươn tới sự cao thượng và trở thành thiên diễm tình tuyệt đẹp, tiêu biểu trong lịch sử  dân tộc Việt Nam.
Biểu diễn:  Nghệ sỹ Bích Lĩnh trong vai Công chúa Ngọc Hân.
Nghệ sỹ Phương Phú trong vai Nguyễn Huệ. 
Nghệ sỹ Đỗ Xuân trong vai Lê Duy Chí.
Hy vọng, chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ sắp ra mắt tới đây tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn) sẽ trở thành điểm nhấn, thu hút sự quan tâm, theo dõi của công chúng và du khách gần xa, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Định trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Thúy Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây