CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 25.02.2023

Thứ tư - 22/02/2023 04:05
CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 25.02.2023
1. Tiết mục: Trống trận Tây Sơn
Nhân dân ta truyền rằng: Quang Trung -  Nguyễn Huệ thường dùng bài nhạc này để cổ vũ khí thế binh sĩ tiến quân ra trận, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
 Trống trận Tây Sơn còn có tên gọi là nhạc Võ Tây Sơn, đây là tiết mục diễn tấu 12 trống độc đáo, tượng trưng cho 12 con giáp, tương truyền được vua Quang Trung sử dụng để luyện tập binh sỹ, ngợi ca những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Bài trống có 3 phần:
1.  Tập hợp, luyện binh, hành quân
2.   Xung trận phá thành
3.  Ca khúc khải hoàn
Biểu diễn: Nghệ sỹ Đinh Văn Công cùng tập thể dàn nhạc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.
 
2. Trích đoạn tuồng: Ông già cõng vợ đi xem hội” 
Ngày xuân mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Xấc là con quan Thiên Hộ trong phủ Chúa, cậy quyền thế luôn tìm ghẹo các cô gái đẹp. Thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, công tử Xấc sinh lòng ham muốn chiếm vợ người. Ông già đã chứng minh sức mạnh tình yêu của mình, không những bảo vệ được người vợ trẻ mà còn dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời.
 Biểu diễn:   Nghệ sỹ Mai Vân trong vai  Ông già và cô gái
 Nghệ sỹ Thanh Trực trong vai công tử Xấc

  3. Đơn ca nữ “Con cò”
  Hình tượng con cò trong văn hoá Việt Nam có ảnh hưởng sâu đậm trong tâm trí của người dân Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn. Con cò là một trong những động vật gắn bó với đồng ruộng làng quê, được phản ánh rất nhiều qua ca dao và dân ca, là hình ảnh đại diện cho thân phận của người phụ nữ nông thôn Việt Nam với tấm thân gầy guộc, khẳng khiu, lặn lội, tần tảo, giàu đức hy sinh, chịu thượng chịu khó vì những người mình yêu thương. Nhạc sỹ Lưu Hà An đã lấy hình ảnh con cò để viết nên ca khúc đầy xúc động.
 Biểu diễn: Nghệ sỹ Minh Trang
 
ong già đi hội 1

                                                                   Trích đoạn: "Ông già cõng vợ đi xem hội"
 4. Biểu diễn võ thuật
Võ cổ truyền ra đời tồn tại và phát triển song hành cùng công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Là những tinh hoa được kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử, là nơi lưu dấu gồm: bản lĩnh, khí phách, tinh thần thượng võ dân tộc. Tiêu biểu dòng chảy hào hùng đó là miền đất võ Bình Định.
Bình Định vùng đất giàu truyền thống thượng võ, được lưu giữ bảo tồn và phát huy cao độ nét văn hóa độc đáo Võ cổ truyền Bình Định cho đến ngày nay. Năm 2020 chính phủ đã đồng ý Võ cổ truyền Bình Định xây dựng hồ sơ khoa học để trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

4.1 Phong hoa đao – Biểu diễn Nguyễn Võ Tâm Hiên
Phong hoa đao là bài binh khí quy định mới của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Phong Hoa đao là một trong Ngũ bộ Phong hoa gồm Phong hoa kiếm, Phong hoa đao, Phong hoa côn, Phong hoa thương, Phong hoa thiết phiến của môn phái Hoa quyền
Bái tổ lập đao, Giao đao đả hổ
Tàng đầu hữu bàn đao, Hoành khiêu bộ khóa đao
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Độc lập phách mạc đao, Tả hữu trích tinh đao
Hồi đao thích hổ, Phạt thảo hí du long
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Đăng sơn viễn thiếu, Tả hữu trảm mạc đao
Phục hổ trảm thượng đao, Hoành tảo thiên quân đao
 
4. 2 Lôi long đao - Biểu diễn : Lục Bùi Quốc Việt
Bắc sát kình phong, nam lôi thanh thế.
Thần đao đoạn kiếm, kiếm đoạn thương thần.
Trùng hình đoạn pháp, pháp đoạn hung binh.
Lôi long lĩnh tram, thiên địa tuần hoàn.
Vọng bái : Hư Minh Tổ sư đài.
Bài Lôi Long đao do đô đốc Võ Văn Dũng tự nghiên cứu chiêu thức soạn thành bài pháp này , tương truyền rằng đất Tây sơn địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp để đường Lôi Long đao được nhuần nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới Thạch Hồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập. Những thế đá trơn trượt, rêu phong, là điều kiện tốt để ông luyện tấn thêm vững chắc. Bài Lôi Long Đao có 66 hành pháp liên hoàn, Theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào mùa thu năm Mậu Tý (1768).

4.3 U linh thương – Biểu diễn: Phan Nhật Phương Hoàng
Bài U linh thương do Vua Lý Công Uẩn biên soạn, giai thoại kể rằng : Lý Công Uẩn lên ngôi giữa lúc những thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, nhà vua nhiều phen phải thân chinh đi dẹp loạn. Lý Công Uẩn nhận thấy địa thế núi rừng thâm u tịch mịch, trận đồ thường được bố trí vào lúc chạn vạng tối, nên rất khó cho binh lính sử dụng binh khí thông thường. Từ đấy ông sáng tạo ra bài pháp U Linh Thương, Ông gom các chiêu thức từ nhiều chiến trận mà hợp thành bài pháp này, với những chiêu thức liên hoàn, loạn mã tung thương rất sắc bén và ông truyền dạy cho binh sĩ theo ông đánh giặc.
  Sa la thành tẩu mã.

Hô lục tường thúc sa la thành thất phược binh
Đằng đằng khí trận, loạn mã tung thương.
Khốc lược truy hình phi linh cảnh địa
Vọng bái Trần Quang Khải tổ sư.
 
20221210 202626
                                                       
                                                              Tiết mục biểu diễn võ thuật
5. Đơn ca nam “Sáng mãi một tình yêu Quy Nhơn”
          “Quy Nhơn một trang sách mới đi vào lòng người
           Quy Nhơn màu xanh nắng mới sâu nặng tình người”
Bài hát ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp,  phản ánh sự đổi thay diện mạo qua từng ngày và tình người chứa chan, sâu nặng của mảnh đất Quy Nhơn thân yêu.
Sáng tác: Chung Thế Nghiệp
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thanh Trực
6. Múa “Mùa xuân trên đỉnh tháp
Dân tộc Chăm có những lễ hội sôi động với những điệu múa đẹp lạ lùng, quyến rũ, ẩn chứa những hình tượng văn hóa độc đáo. Trên mảnh đất của chúng ta sống hôm nay chính là kinh đô Chăm-pa thuở trước, nét Văn hóa Chăm-pa vẫn còn làm xao xuyến lòng người qua những điệu múa, lời ca u hoài, huyền ảo. Những điệu múa Chăm là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Ẩn sâu bên trong những điệu múa ấy, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa Chăm, linh thiêng, huyền bí và không kém phần lãng mạn của tình yêu đôi lứa.
 Biểu diễn: Tốp nữ
 
ảnh ANH TRỰC

                                                                                   Đơn ca nam: Thanh Trực
7. Biểu diễn võ thuật
7. 1 Lão mai quyền –  Biểu diễn: Cao Phạm Doanh Doanh
Lão mai quyền là một trong những bài quyền đặc trưng của Bình Định, phổ biến khá rộng rãi trong các làng võ ở Bình Định, với những yếu tố kỷ thuật, tạo nên hình nét vòng tròn trong thân pháp, bộ pháp, ra đòn nhanh mạnh, mềm dẻo khéo léo, các bộ tấn được sử dụng di chuyển vừa nhẹ nhàng vừa linh hoạt, như cội Mai già trước cơn gió lốc. Bài Lão mai quyền được tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ cổ truyền Việt Nam năm 1994 làm bài qui định quốc gia, đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu trong toàn quốc.
Lão mai độc thọ nhất chi vinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành
Tấn nhất đoản thối hồi lão khởi
Phi nhất thác hoàn thối thanh đình
Tàng nha hổ dương oai thiết trảo
Triển giác long tất lực lôi oanh
Lão hầu thoái tọa liên ba biến
Hồ điệp song phi lão bạng sanh
Nguyệt quật song câu lôi điển chấn
Vân tôn tam tảo hổ xà thành

7.
2 Thanh long độc kiếm – Biểu diễn: Nguyễn Trúc Anh Ny
Kiếm là loại binh khí ngắn hai lưỡi được tôn xưng là “vua của trăm binh khí có lưỡi”. Sách sử chép rằng kiếm xuất hiện rất sớm, từ thế kỷ 17 trước Công nguyên.
Trong thời kỳ cổ đại, trừ việc dùng kiếm làm binh khí chiến đấu và luyện tập võ nghệ, kiếm còn là biểu tượng cho quyền lực, địa vị, đẳng cấp trong lễ nghi, kiếm cũng được coi là một thứ trang sức, văn nhân, học sĩ đeo kiếm để tỏ ra minh là cao nhã không dung tục. Tại Bình Định rất nhiều vận động viên thi đấu đạt thành tích từ giải cúp, vô địch và giải trẻ đã thi triển bài Thanh long độc kiếm rất thành công tại các giải võ thuật cổ truyền tòan quốc và đạt huy chương vàng như kiện tướng quốc gia Phạm Đình Khiêm, Trần Thị Thảo Hiền, Nguyễn Trúc Anh Ny…nhiều năm liền với danh hiệu kiện tướng quốc gia.
Thanh long độc kiếm uy dũng như rồng xanh. Kiếm đi thức đẹp. Thế kiếm tựa gió bay. Kiếm hoa như phụng vũ.
Tứ Phương Bái Tổ Kính Sư
Xuất Kiếm Thủ Bộ Dáng Người Uy Nghi
Long Thăng Trảm Thạch Liền Khi
Tầm Xà Sát Thích Vân Phi Liền Kề
Thanh Long Xuất Thế Trở Về
Quy Xà Phạt Thảo Tứ Bề Sát Kinh
Ẩn Long Trầm Thủy Tung Mình
Nộ, Giáng, Thích, Trảm, Tụ Thần Triều Dương

7.3 Đối luyện trường côn đối kháng song đao - Phương Hoàng, Quốc Việt, Tâm Hiên.
Võ cổ truyền Bình Định rất đa dạng với nhiều thế đánh, nhiều thế võ, nhiều loại binh khí. Đặc biệt sử dụng roi để chống lại với nhiều loại binh khí khác như đao , kiếm, mã tấu… Người tập võ cổ truyền gắn liền với côn pháp : nhiều kỹ thuật phối hợp tạo nên những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng; khi ra đòn thì nhanh và mạnh. Khi áp sát đối thủ tấn công hay phòng thủ đều vẹn toàn, 2 đầu roi biến chuyển ảo diệu với nhiều đòn đánh : triệt hạ, trảm phạt, phối hợp các đòn đâm , nhiều đòn cản kín kẽ , đảm bảo lối phòng thủ.

8. Trích đoạn tuồng “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” trích trong tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc”
Hồ Nguyệt Cô vốn là một con Cáo đã tu luyện ngàn năm trở thành người-  thành một thiếu nữ xinh đẹp lại có tài biến hoá thao lược.
Vì ham mê tài sắc, nàng mê đắm chàng Tiết Giao, là kẻ thù của mình khi xung trận. Không thể cưỡng lại sự cám dỗ của tình ái, Nguyệt Cô đã để Tiết Giao đoạt ngọc quý và phải trở lại kiếp Cáo trong sự nuối tiếc điên cuồng, uổng công tu luyện ngàn năm.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thu Thiện trong vai Nguyệt Cô
                  Nghệ sỹ Đức Thành trong vai Tiết Giao

 






 

Tác giả bài viết: Bài: Duy Linh- Thuý Hường; Ảnh: Thục Nương, Công Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây