TẢN MẠN CHUYỆN CẦM CHẦU

Chủ nhật - 17/12/2023 21:50
Tiếng trống chầu là một trong những âm thanh gần gũi, quen thuộc đối với tất cả những ai yêu hát bội (hát tuồng). Từ xưa, trống chầu luôn gắn liền với nghệ thuật hát bội giống như mối liên hệ khăng khít giữa cá với nước, đất với cây. Thiếu tiếng trống chầu thì không thành đêm hát bội.
Trống chầu giữ vai trò là cầu nối giữa khán giả với nghệ sỹ trên sân khấu. Người cầm chầu là đại diện cho khán giả; tiếng trống chính là những lời khen, chê, động viên, khích lệ,… đối với việc thể hiện vai diễn. Trên sân khấu, người nghệ sĩ tiếp nhận những thông điệp mà tiếng chầu gửi gắm để điều chỉnh lối diễn xuất của mình sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Đó là kiểu giao lưu trực tiếp mang tính đặc trưng giữa người làm nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật của loại hình sân khấu tuồng. Vậy nên đêm biểu diễn mà có được người am hiểu vở diễn, lối diễn, đánh trống chầu hay sẽ tạo thêm hưng phấn cho các nghệ sĩ, giúp họ thể hiện tốt hơn vai diễn của mình. Sự kết hợp nhịp nhàng ấy làm cho đêm biểu diễn thêm phần thành công rực rỡ.
TRỐNG CHẦU khán giả xem tuồng

                                     
                                     Cảnh người cầm chầu đánh trống chầu trong biểu diễn tuồng
                                     

Tuồng là một loại hình nghệ thuật uyên bác và rất kén người thưởng thức. Chủ đề mà nghệ thuật tuồng hướng tới thường là đề cao những phẩm chất đạo đức mang tính chuẩn mực của quan niệm Nho giáo. Hướng thể hiện tập trung vào các quy định về tam cương, ngũ thường. Ví như: Trung quân ái quốc, ý chí anh hùng... Vậy nên việc cầm chầu trong đêm hát tuồng không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được. Người cầm chầu ngoài vốn Nho học uyên bác còn phải am hiểu về tuồng tích và nghệ thuật biểu diễn để có sự tinh tế trong cảm nhận nghệ thuật và khen chê đúng mức đối với từng động tác múa, diễn, cách thể hiện từng câu Nam, câu Xuân, câu Lối của diễn viên trên sân khấu. Vì vậy nên người cầm chầu xưa thường là các vị quan lại, chức sắc hoặc các vị trưởng lão trong làng xã, địa phương có biểu diễn nghệ thuật hát Bội.

Có thể nói cầm chầu là nghệ thuật - một nghệ thuật có quy chuẩn độc đáo. Bởi vì dùng âm thanh của trống để giao tiếp nên mỗi tiếng phát ra từ trống chầu đều có những ý nghĩa nhất định. Tìm hiểu những nét độc đáo của một buổi cầm chầu, chúng ta có thể thấy đó là cả một quá trình có sự liên kết thống nhất với nhau theo những nguyên tắc nghiêm ngặt. Khi sắp bắt đầu buổi diễn, người cầm chầu hỏi Đoàn hát đã chuẩn bị xong chưa bằng hai tiếng trống nhẹ, hơi gằn “rụm rụm”. Vai trò “nghênh tiếp” trống chầu lúc này thuộc về Dàn nhạc và cụ thể là trống chiến. Nếu chuẩn bị xong, tiếng trống phản hồi sẽ đáp lại “rụp rụp”. Để chắc chắn, trống chầu hỏi lại một lần nữa“rụm rụm”. Nếu có tín hiệu trả lời“rụp rụp” thì người cầm chầu sẽ lập tức đả tiếp hồi khai trường (khai chầu). Nguyên tắc đánh của hồi trống này được quy ước theo mùa. Buổi diễn thuộc về mùa nào thì đánh theo quy ước của mùa đó. Nguyên tắc là Xuân tam, Hạ cửu, Thu thất, Đông ngũ. Việc quy định đánh ba hay năm hay bảy tiếng, … tượng trưng cho các mùa khác nhau đều là lấy từ các thành ngữ cổ,… cụ thể như:
Xuân tam lấy từ câu “Tam dương khai thái”, một thành ngữ tương ứng với ba tháng của mùa xuân trong năm. Khi ấy tiết trời ấm áp, vạn vật đâm trồi nảy lộc, người người vui vẻ du xuân.
Hạ cửu tức “Cửu phẩm liên hoa”, xuất phát từ tập “Diệu pháp liên hoa kinh” của Phật giáo, mượn hình ảnh của chín loài hoa đẹp theo quan niệm của nhà Phật và lễ Phật Đản tháng 4 âm lịch hàng năm để nói về mùa hạ.
Thu thất tương ứng câu “Ngưu lang thất tịch”, thành ngữ này gắn với ngày 07/7 âm lịch. Đó là ngày Ngâu của tháng Ngâu, một khoảng thời gian đặc biệt thuộc mùa thu hàng năm.
Đông Ngũ theo tứ của câu“Ngũ cốc phong đăng”, ý của thành ngữ này muốn nói về một vụ mùa bội thu của người nông dân trong thời tiết mưa thuận gió hòa.
Hồi Khai trường vừa dứt là nhạc bắt đầu nổi lên. Khi diễn viên ra sân khấu chuẩn bị hát câu đầu tiên, người cầm chầu tiếp tục gõ cái “thùng” để khai mở cho câu đầu tiên của đêm diễn. Sau đó là những tiếng trống chấm câu “thùng”, đánh mỗi khi câu hát kết thúc; tiếng trống vớt hơi, với ý đỡ giọng cho diễn viên mỗi khi hơi bị đuối; tiếng điểm khuyên “thùng” để khen, động viên, khích lệ mỗi khi diễn viên có những câu hát hay, động tác diễn đẹp,…; ngược lại khi thấy diễn viên diễn chưa đạt, người cầm chầu thường phạt bằng cách gõ những tiếng “cạch, cạch” vào cạnh trống (hay còn gọi là tang trống).
Trong suốt thời gian cầm chầu, một mặt thả hồn mình thăng hoa, phiêu diêu theo từng lời ca, điệu múa, từng tình tiết kịch; mặt khác người cầm chầu lại phải rất tỉnh táo để giữ cho nhịp chầu không phạm vào đại kị của nghệ thuật đả chầu, đó là để tiếng chầu át đi tiếng hát của nhân vật. Trọng trách của người cầm chầu rất nặng. Chính bởi vậy, ngay từ xưa, dân gian đã truyền tai nhau rằng:
“Nghe tiếng trống chiến, không khiến cũng đi,
Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy”.

luong van chanh 369


                                                               Cảnh trong vở tuồng "Tình yêu và khát vọng"

Chỉ cần nghe tiếng chầu từ xa, người ta cũng có thể nhận biết được buổi biểu diễn hay dở thế nào. Nếu người đả chầu khéo léo, điêu luyện thì buổi biểu diễn sẽ hào hứng sôi nổi, thành công. Ngược lại nếu cầm chầu không tốt, buổi biểu diễn sẽ tẻ nhạt, mất đi sự thi vị vốn có, làm cho người xem cụt hứng. Hơn nữa người cầm chầu còn phải bỏ tiền ra để thưởng cho đào kép trên sân khấu, nhiều ít tùy tài lực. Có lẽ vì vậy mà cầm chầu cũng là việc thị phi. Chẳng thế mà dân gian có câu :
“Trên đời có bốn thứ ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”
 Quả thực cầm chầu là một trong bốn công việc mà khi tốt thì người đời khen đâu chẳng thấy còn khi không tốt lại bị miệng lưỡi thế gian chê cười. Chín người mười ý, hay với người này nhưng chưa hẳn đã vừa lòng người kia. Tuy nhiên, nếu suy cho kỹ, ngẫm cho sâu, chúng ta lại thấy câu tục ngữ  trên không hẳn mang hàm nghĩa đả phá công việc cầm chầu, gác cu, làm mai hay lãnh nợ. Bởi lẽ suy cho cùng đây đều là bốn công việc tốt. Làm mai những mong sao cuộc đời thêm phần hạnh phúc; lãnh nợ xuất phát từ tình thương yêu, ý nguyện san sẻ khó khăn với người khác; gác cu, một công việc mưa nắng dãi dầu để cho có những vụ mùa bội thu, cuộc sống vì vậy mà no ấm; cầm chầu với ý nghĩa truyền tải những thông điệp phê bình từ khán giả đến diễn viên làm cho người diễn viên thêm trưởng thành, buổi diễn trở nên hoàn mỹ hơn, khán giả cũng vì thế mà hào hứng, say mê hơn. Phải chăng người đời dùng nghệ thuật chơi chữ – nói ngược để khen những ai làm công việc “cơ cực, điều tiếng” này? Chữ ngu ở đây được hiểu như lời xác nhận về vai trò nhọc nhằn của việc cầm chầu, cũng như khen ngợi những người có niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng - những con người dám vượt lên trên cả điều tiếng của người đời để sống hết mình với nghệ thuật.
Xin mượn câu nói dân gian của người xưa “Tam ngu thành hiền” để kết lại những suy ngẫm về chữ “ngu” trong việc cầm chầu. Hẳn “ngu” ở đây phải chăng có nét nghĩa tương đồng với chữ nhẫn, một nét đẹp trong phẩm chất quý báu của những con người tài hoa, uyên bác và đam mê nghệ thuật hát bội. Liệu đó có thể là một cách hiểu riêng với công việc đả chầu?
                                                                           
 

Tác giả bài viết: Bài: Lê Công Phượng; Ảnh: Trung Nghĩa, Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây