VỊ TRÍ CÁC TRÍCH ĐOẠN TUỒNG HAY TRONG NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG

Thứ ba - 28/11/2023 20:54
Nghệ thuật tuồng (Hát bội) ngoài hệ thống làn điệu, vũ đạo bài bản, có quy chuẩn, niêm luật chặt chẽ với các trình thức biểu diễn được ví như “khuôn vàng thước ngọc” mang tính ước lệ, cách điệu và tượng trưng cao thì các trích đoạn hay là mảnh ghép không thể thiếu trong các vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao, góp phần làm nên tên tuổi của loại hình nghệ thuật cổ điển, bác học này. Các trích đoạn tuồng hay luôn có vị trí, chỗ đứng quan trọng lòng người mộ điệu cũng như trong nghệ thuật sân khấu truyền thống.

LAN ANH QUYÊN


                                                                      Cảnh trích đoạn tuồng "Lan Anh lạc đẻ"
Thực tế cho thấy, các trích đoạn tuồng hay chiếm số lượng lớn trong các vở diễn truyền thống, mẫu mực và đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ khán giả mê tuồng. Với các thể loại tuồng lịch sử, hiện đại, đề tài nước ngoài tuy không nhiều nhưng vẫn có các trích đoạn hay, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Trích đoạn tuồng hay là điểm nhấn cần thiết, quan trọng trong các vở diễn và thường được lựa chọn tham dự các kỳ Liên hoan, Cuộc thi Tài năng trẻ, Tài năng hoặc các Trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ngoài ra, một số trích đoạn tuồng hay cũng thường được chọn biểu diễn trong các chương trình phục vụ chính trị, phục vụ du lịch hay diễn báo cáo các trích đoạn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, bảo tồn, phục hồi, quảng bá di sản nghệ thuật tuồng hàng năm của các đơn vị tuồng trên cả nước.
Các trích đoạn tuồng hay ở chỗ: dù có có độ dài khoảng 20- 25 phút nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về nội dung, thông điệp muốn truyền tải tới khán giả, có đủ các phần: mở đầu kịch, cao trào kịch và kết thúc kịch, dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, trữ tình tạo sự hấp dẫn, cuốn hút người xem. Đặc biệt là các “mảng miếng” độc đáo, đặc sắc luôn được bàn tay tài hoa của các đạo diễn vận dụng trong các trích đoạn hay để người diễn viên chính thăng hoa trên sân khấu, thể hiện kỹ thuật cá nhân và các yếu tố về “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” một cách rõ nét, trọn vẹn. Đặc biệt, các trình thức biểu diễn trong trích đoạn tuồng hay thuộc các vở tuồng cổ đạt đến quy chuẩn cao, mang tính mực thước và trở thành ‘khuôn vàng thước ngọc”, tạo điều kiện cho người diễn viên phô diễn, bộc lộ tài năng về giọng hát, vũ đạo, diễn xuất….trong một khoảng thời gian ngắn trên sân khấu. Người diễn viên thông qua lời hát kết hợp với các động tác múa và diễn xuất để truyền được nội dung, cảm xúc tới người xem một cách đầy đủ, đong đầy nhất. Ví dụ: Khi biểu diễn trích đoạn “Đào Tam Xuân loạn trào”, nhân vật Đào Tam Xuân diễn tả sự đau đớn trước nghe tin chồng và con mất, người diễn viên phải sử dụng kết hợp lời hát với các động tác vũ đạo: bê, lỉa, lăn, mười đầu ngón tay rung, cơ mặt thẫn thờ, bủn rủn tay chân ... nhằm thể hiện tâm trạng của người phụ nữ bàng hoàng, đột ngột gánh chịu nỗi đau quá lớn.
TRÍCH ĐOẠN CAO HOÀI ĐỨC RỌI ĐÈN


                                                Cảnh trích đoạn tuồng "Cao Hoài Đức rọi đèn"
Có thể nói, tiêu chuẩn của một trích đoạn tuồng hay ngoài yếu tố âm nhạc hay, phù hợp với nội dung trích đoạn, các trình thức biểu diễn đạt đến độ chuẩn mực, một yếu tố khác không thể thiếu trong trích đoạn hay là có “trò diễn” để người diễn viên có “đất” thể hiện kỹ thuật biểu diễn của cá nhân. Hay nói cách khác là các “mảng miếng” hay trong nghề được sử dụng hợp lý, triệt để, tạo nên những màn, lớp ấn tượng, đạt hiệu quả nghệ thuật cao.
Số lượng diễn viên ở mỗi trích đoạn là khác nhau. Có trích đoạn chỉ có một diễn viên độc diễn như trích đoạn“Thủy Định Minh câu cá”(trích trong tuồng An trào kiếm) chỉ có vai Thuỷ Định Minh hay có những trích đoạn có từ hai diễn viên trở lên như: trích đoạn“Mạnh Lương bắt ngựa”(trích trong tuồng Bắc Tống) có một vai diễn chính là Mạnh Lương và vai diễn phụ là Bát Vương;  trích đoạn “Kim Lân qua đèo”(trích trong tuồng Sơn hậu) có hai vai diễn chính là Kim Lân và Linh Tá…. Dù ít hay nhiều diễn viên thể hiện nhưng “đất diễn” vẫn luôn dành cho một hoặc hai diễn viên chính của trích đoạn để đảm bảo chiều sâu về kết cấu và chất lượng nội dung, thông điệp muốn truyền tải của trích đoạn. Cụ thể, với trích đoạn “Mạnh Lương bắt ngựa” tập trung chủ yếu vào hành động của diễn viên chính - Mạnh Lương. Người diễn viên thủ vai này thực hiện một loạt các cử chỉ, điệu bộ mang tính ước lệ, cách điệu cao như: tiến sát chuồng ngựa, với tay tháo cổng chuồng, né tránh những cú đá của ngựa, đấm đá vào mình ngựa, vuốt ve bờm ngựa và dắt ngựa ra. Mạnh Lương nhảy lên lưng ngựa, kéo thẳng dây cương nhưng ngựa chưa chịu đi rồi nhảy đổng lên hất Mạnh Lương xuống đất. Mạnh Lương lại lên lưng ngựa, ghì chặt bờm ngựa và ra roi chạy trốn khỏi sự truy đuổi của Bát Vương để “mượn” con ngựa hay đi giải cứu chủ tướng đang bị vây ở Song Long Cốc.

VỞ SƠN HẬU
               
                                          
Cảnh trích đoạn tuồng "Phàn Định Công đề cờ"

 Các trích đoạn tuồng hay là “hồn cốt” của vở diễn. Một vở diễn hay, đạt chất lượng nghệ thuật cao không thể thiếu các lớp diễn chất lượng, các “mảng miếng” có giá trị nghệ thuật, thường được “cắt” thành những trích đoạn hay để biểu diễn phục vụ các mục đích khác nhau. Trải qua nhiều thế hệ các nghệ nhân, nghệ sỹ có công trong việc gây dựng và vun bồi bộ môn nghệ thuật tuồng, nhiều trích đoạn tuồng hay đã “đóng đinh” trong lòng người hâm mộ cũng như giới chuyên môn sân khấu truyền thống từ xưa đến nay như: “Đào Tam Xuân đề cờ” (trích trong vở Trảm Trịnh Ân); “Nguyệt cô hoá cáo” (trích trong vở ‘Cổ miếu vãn ca”);”Lan Anh lạc đẻ” (trích trong vở Hộ sanh đàn); “Phàn Định Công đề cờ”, “Kim Lân thượng thành”, “Ôn Đình chém Tá”, “Kim Lân qua đèo” (trích trong vở Sơn hậu); “Nhị khí Chu Du” (trích trọng vở “Giang tả cầu hôn”); “Liễu Nguyệt Tiêm thượng thành” (trích trong vở Đào Phi Phụng); “Mạnh Lương bắt ngựa”(trích tuồng Bắc Tống), "Cao Hoài Đức rọi đèn" (trích trong vở Trảm Trịnh Ân) ….
Trong các Cuộc thi Tài năng diễn viên hay Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc luôn luôn có sự hiện diện của các trích đoạn tuồng hay với nhiều màu sắc, thể loại khác nhau hơn nửa thế kỷ nay. Qua nhiều thế hệ giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng, các bậc tiền nhân đã sưu tầm, sáng tạo và đúc kết thành các trích đoạn tuồng hay, bài bản, đa dạng, phong phú và độc đáo, tạo nên “thương hiệu” riêng cho tuồng, không thể trùng lặp với bất kỳ loại hình sân khấu truyền thống nào. Lớp nghệ sỹ tiếp nối hôm nay không quên kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong các trích đoạn tuồng hay để xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng của nó trong nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Tác giả bài viết: Bài: Nguyễn Hường; Ảnh: Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây