MỐI GIAO THOA GIỮA CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT: TUỒNG - BÀI CHÒI - CẢI LƯƠNG
Bài: Thuý Hường; Ảnh: Hoàng Dũng
2023-12-20T02:24:05-05:00
2023-12-20T02:24:05-05:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/moi-giao-thoa-giua-cac-loai-hinh-nghe-thuat-tuong-bai-choi-cai-luong-198.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/vo-noi-oan-tinh.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ ba - 19/12/2023 22:19
Các loại hình nghệ thuật truyền thống Tuồng - Bài chòi - Cải lương dẫu có nguồn gốc, thời gian hình thành khác nhau và mang những đặc trưng riêng của từng loại hình. Nhưng giữa chúng đã có mối giao thoa, tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình phát triển, để bổ sung và làm phong phú thêm về làn điệu, trình thức biểu diễn, nội dung đề tài lẫn phục trang, cảnh trí, đạo cụ… của từng kịch chủng, nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng của công chúng khắp nơi.
Tuồng (Hát bội) được hình thành từ khá sớm. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, trên cơ sở nền nghệ thuật ca - múa - nhạc và trò diễn phát triển, loại hình nghệ thuật sân khấu Tuồng đã manh nha hình thành từ thời Trần rồi phát triển dần lên và hưng thịnh dưới thời Nguyễn. Nghệ thuật Tuồng từ hình thái sinh hoạt dân gian được nâng lên thành hình thức sân khấu cung đình và bác học, được tạo dựng bởi công lao gìn giữ, lưu truyền và vun bồi của rất nhiều thế hệ nghệ sỹ tài danh, sự ngưỡng mộ của người xem, từ những quan chức đến đông đảo quần chúng nhân dân. Trong đó, người góp công lớn là nhà soạn Tuồng lỗi lạc Đào Tấn. Ông không những đã soạn nhiều vở tuồng kinh điển mà còn lập ra Học bộ đình, làm thầy dạy Tuồng, dạy nhạc cho rất nhiều nghệ sĩ kế tục nổi danh. Ông được đời sau tôn vinh làm Hậu tổ nghệ thuật Tuồng, Danh nhân văn hóa của đất nước.
Còn nghệ thuật Bài chòi, từ một loại hình hô hát để đánh bài trong chòi do anh (chị) hiệu diễn xướng bằng sự sáng tạo độc đáo, thú vị theo lối dân gian. Trải qua quá trình hình thành Bài chòi trải chiếu và mạnh dạn chủ trương đưa Bài chòi “từ đất lên dàn” của các nghệ nhân Bài chòi: Phạm Đình Lang, Ba Hượt, Sáu Cóc… là một bước tiến mới của nghệ thuật Bài chòi. Sau đó, Bài chòi đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh như hiện nay. Chính sự phát triển đó đã nâng cao giá trị của Bài chòi đến gần gũi với công chúng từ nội dung kịch bản, hình thức biểu diễn đến giai điệu ngọt ngào của âm nhạc. Sân khấu Bài chòi hấp dẫn, lôi cuốn người xem không chỉ về nội dung, tính chất mà còn bởi những tiết tấu sâu lắng, làn điệu ngọt ngào, đằm thắm, thiết tha làm say đắm lòng người. Nó như một “sợi dây” vô hình neo giữ tâm hồn người Việt.
Với Cải lương (Cách gọi ngắn gọn của cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh), mang ý nghĩa “cải cách và sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, được hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và Dân ca Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp thu và cải biến từ nhiều bộ môn nghệ thuật khác, thông qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, dàn nhạc, bài bản, kỹ thuật biểu diễn… Cải lương phát triển chủ yếu trên vùng đất Nam Bộ, phản ánh cuộc sống bằng biện pháp nghệ thuật hiện thực, rất gần với đời thường, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và lối sống phóng khoáng của người dân nơi đây.
Cảnh vở tuồng "Nỗi oan tình"
So với một số loại hình sân khấu kịch hát dân tộc khác như Tuồng, Chèo… thì nghệ thuật Bài chòi cũng như Cải lương vốn được xem là “sinh sau đẻ muộn” hơn. Do đó, có sự thiếu thốn về làn điệu và bài bản nên Bài chòi và Cải lương phải học tập, vạy mượn một số bài bản của các bộ môn nghệ thuật truyền thống ra đời sớm hơn (trong đó có Tuồng) là điều dễ hiểu bởi nghệ thuật Tuồng phát triển từ những thế kỷ trước đó.
Cải lương kế thừa truyền thống sân khấu Hát bội là dựa vào các tích tuồng, thường là các cổ tích, kịch bản phóng tác từ kinh điển truyện cổ Trung Hoa và La Mã cổ đại nhưng đã được các nhà viết kịch sáng tạo, đưa vào nhiều yếu tố dân tộc, được Việt Nam hóa, bản địa hóa khi phản ánh những vấn đề hoàn toàn của xã hội Việt Nam đương thời. Tuy vậy, Cải lương không rập khuôn mà chỉ tiếp thu tinh hoa một phần về đề tài, hóa trang, vũ đạo… của Hát bội và theo một tỉ lệ có chừng mực nhất định. Nó đã tinh giản, tiết chế một số yếu tố hạn chế của Tuồng để tuyển lựa, bổ sung, cải biên, sửa đổi tốt hơn và trở thành một sân khấu riêng biệt của của ngành ca kịch Cải lương.
Ở Tuồng có điệu bộ, nói lối, hát Nam, hát Khách, bạch, ngâm, xướng, thán, tán… và các trình thức biểu diễn được ví như “khuôn vàng thước ngọc”, múa, hát “tới bờ tới góc”… thì ở loại hình sân khấu Cải lương cũng dùng điệu bộ và nói lối nhưng không hoàn toàn giống như Tuồng, khi ca bài bản cũng khác như hành vân, lưu thủy, kim tiền, xuân nữ, xàng xê… và nghệ thuật biểu diễn của Cải lương thì rộng rãi, khoáng đạt, không bị bó hẹp trong khuôn khổ. Bài bối cảnh trí, phông màn, trang phục, đạo cụ… của Cải lương cũng theo phương pháp mới, bắt mắt, lộng lẫy hơn so với Tuồng truyền thống.
Do vậy, trên chặng đường kế thừa và phát triển, với những yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, nghệ thuật Tuồng thời kỳ 1930 - 1945 đã chịu ảnh hưởng nhất định từ Cải lương. Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, bộ môn nghệ thuật Cải lương ra đời và phát triển mạnh mẽ với những mặt tích cực của nó đã tác động trở lại đối với Tuồng. Để tiếp tục có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ, một số người diễn Tuồng đã cố gắng tìm tòi, chắt lọc và đưa những mặt tích cực của loại hình Cải lương vào các vở tuồng. Tiêu biểu là làn điệu Xuân Nữ của Cải lương được đưa vào Tuồng một cách nhuần nhuyễn, đóng vai trò điều chỉnh chính, để hình thành dòng tuồng Xuân nữ. Xuân nữ là tên một bài nhạc trong Tuồng, giai điệu nhẹ gần giống như lối nói của Cải lương, ra đời trên cở sở pha trộn giữa làn điệu Nam ai của Tuồng và nghệ thuật Xuân nữ của Cải lương để có một làn điệu hát Nam mới gọi là Nam Xuân nữ (Nam Pha), không có trong tuồng truyền thống mà chỉ xuất hiện trong tuồng tiểu thuyết, dân gian, lịch sử Cận - Hiện đại. Về phục trang, đạo cụ của tuồng Xuân nữ được cải tiến so với trước đó như quần áo thêu kim sa, kim tuyến, sử dụng cả thủ pháp bay, phun dầu ra lửa trên sân khấu. Đạo cụ biểu diễn cũng được cải tiến, gần với thực tiễn hơn (kiếm không làm bằng gỗ như trước mà làm bằng sắt, thép…). Cách hát mùi mẫn, nhẹ nhàng, sử dụng những nhạc điệu êm dịu mang âm hưởng của nhạc Xuân nữ. Văn chương cũng đầy chất lãng mạn, phá cách. Đề tài thiên về ca ngợi tình yêu đôi lứa, có khi là những mối tình éo le, ngang trái, gay cấn, trắc trở. Với sự ra đời của tuồng Xuân nữ đã đưa khối lượng kịch bản Hát bội thêm phần phong phú, nhiều vở diễn qua mấy chục năm đến nay vẫn được nhân dân ưa thích.
Còn với nghệ thuật Bài chòi, trong quá trình phát triển từ Bài chòi dân gian lên sân khấu Bài chòi cũng đã có phần chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Tuồng về nội dung đề tài. Các anh (chị) hiệu ngoài việc dựa theo câu chuyện dân gian như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương… còn vận dụng một số lớp trong các truyện Tàu như: Quan Công phục Huê Dung lộ (trong truyện Tam quốc), Trại Ba và Địch Thanh trong tuồng “Ngũ hỗ bình Tây”… Các hiệu trong hội đánh Bài chòi phần nhiều là những nghệ nhân Hát bội diễn giỏi, hô hay đã thúc đẩy Bài chòi lớp ra đời trong hội Bài chòi. Bài chòi lớp là những trích đoạn được chuyển thể từ các lớp tuồng: Cao Quân Bảo phá chiêu phu bài ở Song Tỏa Sang của Lưu Kim Đính (trong tuồng Tam hạ Nam Đường), Phạm Công vinh quy (trong tuồng Phạm Công - Cúc Hoa)…Ở Bài chòi lớp, các hiệu hóa thân vào nhân vật có hóa trang, phục trang, đạo cụ như Tuồng nhưng đơn giản hơn.
Bài chòi còn chịu ảnh hưởng của sân khấu Tuồng và Cải lương về làn điệu, cách nói lối. Nhiều câu, bài đã dùng cách nói lối của Tuồng để mở đầu câu thời kỳ còn Hô Thai (đố tên con bài). Ví dụ như khi hô tên con bài “Bạch Huê” trong Bài chòi thì dựa theo tuồng “Huê Dung Lộ” để anh (chị) hiệu vay mượn câu nói lối của Tuồng:
“Vạn cổ trung can huyền nhật nguyệt
Thiên thu nghĩa khí quán càn khôn”
Rồi mới hát câu Bài chòi:
“Quan Công hầu, tiết liệt nhất môn
Lập đoan văn bắt Tào tặc chẳng tha hồn Tào Man
Chốn chiến trường đoan thệ rõ ràng
Qua Hoa Dung bắt Tào tặc mà tỏ lá gan anh hùng…”.
Cảnh vở ca kịch bài chòi "Thanh gươm công lý"
Thêm vào đó, để làm phong phú làn điệu và tăng tính hấp dẫn cho người xem, các nghệ nhân Bài chòi đã sử dụng thêm một số làn điệu của Tuồng như hát Nam, hát Khách, hát Tẩu Mã… trong Bài chòi lớp.
Ngoài hai điệu Xuân nữ và Xàng xê dựa theo điệu hát Nam và hát Khách của nghệ thuật Tuồng thì điệu Cổ bản của Bài chòi lúc mới ra đời được gọi là điệu Nam Xuân nhưng vì trùng tên với điệu hát Nam Xuân của Tuồng nên giới chuyên môn của nghệ thuật bài chòi đã đặt tên là Cổ bản. Còn điệu Hò Quảng của Bài chòi thì mang âm điệu, hơi hướng của Cải Lương Hồ Quảng. Bài chòi còn học cách nói lối, xuống hò theo điệu vọng cổ của sân khấu Cải lương (nhưng cách viết câu ngắn hơn) để tăng thêm độ mùi mẫn, ngọt ngào, câu hát dễ đi vào lòng người và hấp dẫn khán giả.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Tuồng, Bài Chòi và Cải lương có lúc bị pha trộn, vay mượn một số hình thức biểu diễn, làn điệu của nhau về hát, múa, phục trang, đạo cụ, cả về nội dung đề tài… nhưng đều có cải biến, sửa đổi và chọn lọc cho phù hợp với đặc trưng của từng loại hình. Đến nay, mỗi thể loại nghệ thuật vẫn mang những đặc điểm, tính chất riêng của từng loại hình, như nhận xét của cố nhạc sỹ - NSƯT Hoàng Lê trong cuốn “Lịch sử ca kịch và âm nhạc Bài Chòi”( Sở VHTT Bình Định xuất bản năm 2001), cho biết: “Trong các làn điệu Bài chòi thì ngay như điệu Cổ Bản cũng là làn điệu đã ảnh hưởng từ làn điệu Nam Xuân của Tuồng. Còn điệu Hò Quảng là điệu ảnh hưởng các bài bản Quảng của Cải Lương rất đậm nét từ điệu thức đến giai điệu. Nhưng nó đã bị Bài chòi hóa bằng lời ca trên thơ lục bát và giai điệu đi theo một tổ chức tiết tấu đặc biệt của Bài Chòi, nên khi hô ai cũng công nhận nó là Bài chòi”.
Tính độc đáo của Bài chòi không chỉ mang tính cộng đồng, tập thể, phản ánh kịp thời các đề tài dân gian trên kịch bản sân khấu mà còn thể hiện sức hút của các làn điệu trữ tình mang tính gợi cảm, thướt tha mượt mà như làn điệu Xuân nữ; hùng dũng, mạnh bạo như điệu Cổ bản, Xàng xê; dịu dàng, sâu lắng như điệu Hò Quảng và các điệu lý, điệu hò, vè… Nhờ vậy, Bài chòi đã sống cùng với dân tộc suốt dòng chảy của thời gian hàng trăm năm.
Những đặc trưng độc đáo của nghệ thuật Tuồng luôn được người trong nghề và giới chuyên môn khám phá, chứng minh làm nổi rõ: tính tượng trưng, ước lệ, cách điệu; tính bi - hùng kịch bạo liệt, phương thức hiện thực tả ý, các mô hình nhân vật, tính khái quát cao để xây dựng thành trình thức với những nguyên tắc chặt chẽ nhưng đồng thời lại mở ra “chân trời sáng tạo”, vì nghệ thuật sân khấu Tuồng trong bất biến có cái khả biến, vừa có cấu trúc tĩnh lại vừa có yếu tố động như các bậc tiền bối thường chỉ dẫn.
Hai loại hình nghệ thuật Bài chòi và Tuồng đều ra đời từ dân gian nhưng Tuồng đã đi vào cung đình để trở thành môn nghệ thuật bác học, kinh điển còn Bài chòi tuy phát triển thành Bài chòi chuyên nghiệp nhưng vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động nông thôn và có một sức sống bất tận. Nó như một mạch nguồn âm ỷ, chỉ chực bùng cháy, tuôn trào cho thỏa lòng đam mê, nhiệt huyết của những nghệ nhân Bài chòi khắp mọi nẻo quê. Đây cũng là hai loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của tỉnh nhà Bình Định, hiện đang có đội ngũ nghệ nhân, nghệ sỹ giỏi nghề, tâm huyết, luôn sẵn lòng dìu dắt các thế hệ tiếp nối, là điều kiện hết sức thuận lợi để bảo tồn và phát huy vốn nghề quý của Tổ nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Có thể nói, với mối giao thoa, học hỏi những tinh hoa của nhau giữa các loại hình nghệ thuật Tuồng - Bài chòi - Cải lương. Đến nay, mỗi một loại hình bên cạnh vẫn giữ được những đặc trưng, độc đáo riêng, đã có sự phong phú về làn điệu, trình thức biểu diễn, thủ pháp nghệ thuật, nội dung đề tài phản ánh… Ba thể tài này ngày càng khẳng định và có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ nghệ thuật truyền thống của nước nhà, thỏa mãn thị hiếu của người xem trong thời kỳ mới.
Tác giả bài viết: Bài: Thuý Hường; Ảnh: Hoàng Dũng