CHUYỆN DÙNG NGỰA TRÊN SÂN KHẤU TUỒNG (HÁT BỘI)
Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng
2023-12-19T20:14:42-05:00
2023-12-19T20:14:42-05:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/chuyen-dung-ngua-tren-san-khau-tuong-hat-boi-197.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/canh-trong-trich-doan-manh-luong-bat-ngua.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ ba - 19/12/2023 19:54
Ngựa là một trong những con vật gần gũi, thân thiết nhất đối với con người từ thời xa xưa. Nó không những được sử dụng làm sức kéo của người lao động mà còn là vật cưỡi của các tướng lĩnh, quan viên hay chàng kỵ sỹ…… Đặc biệt, con ngựa trước đây được coi là phương tiện chiến đấu vô cùng hữu hiệu của các chiến binh khi ra trận. Có những con ngựa chiến đã đi vào huyền thoại như con Xích Thố của Lữ Bố hoặc của Quan Công trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” hay trong “Tây Du Ký” thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh Tây Trúc đã dùng con ngựa thật rất thông minh…
Trên sân khấu Tuồng có rất nhiều cảnh sử dụng ngựa vô cùng hấp dẫn, độc đáo. Bởi nó luôn xuất hiện trong những cảnh ra trận đánh nhau giữa hai nhân vật chính - tà hoặc tả cảnh đi đường, dạo chơi của các nhân vật. Người xưa đã khái quát bằng hai câu đối:
“Đường dài muôn dặm, đi ba bước
Ngựa chạy hai chân quất một roi”
Cảnh diễn viên cầm roi ngựa tượng trưng cho con ngựa trên sân khấu Tuồng
Hình ảnh “ngựa chạy hai chân” chính là người diễn viên tay cầm roi ngựa. Bởi về cơ bản, đạo cụ trong nghệ thuật tuồng mang tính chất ước lệ, tượng trưng, nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể. Lấy chiếc roi ngựa thay thế cho con ngựa diễn tả cảnh đi ngựa bằng những điệu hát Nam hay điệu Tẩu Mã. Trên sâu khấu Tuồng, nếu có cảnh dùng ngựa thì chỉ có chiếc roi ngựa cầm trong tay diễn viên, vừa tượng trưng cho con ngựa vừa tượng trưng cho đuôi ngựa. Diễn viên thực hiện động tác đưa roi ngựa lên cao, quay tròn cùng với động tác chân đi gập ghềnh vó ngựa một vòng trên sân khấu thì khán giả hiểu là nhân vật đang phi ngựa trên đoạn đường dài đầy gian nan, vất vả hoặc roi ngựa đưa lên cao, rung nhẹ kết hợp với bước đi khoan thai thể hiện sự ung dung, thư thái của người cưỡi ngựa dạo cảnh. Còn nếu trên đường đi ngựa của diễn viên, ánh sáng có sự thay đổi một lần sáng một lần tối là tượng trưng cho cảnh nhân vật ấy đã đi liên tục một ngày một đêm….
Những nhân vật chính khi lên sân khấu thường đi ngựa như Tiết Nhơn Quý (tuồng Đường chinh Tây), Cáp Tô Văn (tuồng Đường chinh Đông), Lữ Bố (tuồng Phụng Nghi Đình), Quan Công (tuồng Cổ Thành), Đào Tam Xuân (tuồng Tam hạ Nam Đường)…. với các động tác cơ bản như: phi ngựa, ngã ngựa, ngựa thắng trận, ngựa bại trận… và được sử dụng kết hợp với các loại binh khí, cụ thể là cung, kiếm, thương (giáo)…
Khi sử dụng cung, người diễn viên kết hợp dùng ngựa với các tư thế như khán ngựa, bắt ngựa, gò ngựa, lên ngựa, phi ngựa…. Khi phi ngựa, tay trái bồng cung, tay phải giơ cao roi ngựa phối hợp hai chân phi. Tùy vào tuyến kịch hoặc bối cảnh mà người diễn viên có thể phi ngựa một hoặc nhiều vòng trên sân khấu.
Kiếm kết hợp với ngựa cũng có những động tác tương tự như cung: bồng kiếm dắt ngựa và gò ngựa, bồng kiếm lên ngựa … Nhưng tùy vào tính cách nhân vật, yêu cầu của đạo diễn hay dựa vào tuồng tích mà người diễn viên có thể sử dụng song kiếm hoặc độc kiếm cùng với roi ngựa. Nếu chỉ sử dụng độc kiếm kết hợp với roi ngựa thì dễ dàng hơn là kết hợp giữa song kiếm và roi ngựa.
Đối với đạo cụ thương, khi kết hợp với ngựa có các kiểu cầm thương bắt ngựa, cầm thương lên ngựa và khấu đánh. Trong đó, động tác khấu đánh giữa một với một hoặc nhiều người với nhau là trường hợp khó bởi hành động này đòi hỏi sự nhuần nhuyễn, khéo léo và tinh tế của từng diễn viên nếu không thì khi đánh roi ngựa dễ bị cuốn vào thương.
Diễn viên kết hợp sử dụng roi ngựa và thương (giáo) trong tuồng "Sơn hậu"
Khác với hình ảnh ngựa thật ngoài đời, những “con ngựa tuồng” tức là cái roi ngựa lại có thể “sống” trên sân khấu tới 15 hoặc 20 phút mà vẫn cuốn hút người xem. Ví như lớp “Mạnh Lương bắt ngựa” diễn ra từ lúc Mạnh Lương đến gặp bác Vương mượn ngựa nhưng bị từ chối đến lúc anh lẻn vào chuồng bắt trộm ngựa phi thẳng trong đêm tối, rồi bác Vương lại giục ngựa đuổi theo quyết giành ngựa lại…Cuộc rượt đuổi bằng hai con ngựa Thiên Lý Mã và Vạn Lý Vân kéo dài mà vẫn hấp dẫn khán giả bởi tài nghệ biểu diễn “đua ngựa tuồng” của hai diễn viên.
Hay trong tuồng “Lưu Kim Đính giải giá thành thành Thọ Châu”. Lưu Kim Đính sử dụng lưỡng đầu thương và con ngựa chiến đấu liên tục giữa vòng vây quân thù để phá tứ môn cứu chồng là Cao Quân Bảo. Khán giả không chỉ cảm phục tài năng và ý chí của nữ tướng Lưu Kim Đính mà còn thương cả con ngựa dũng mảnh đã tham chiến đến kiệt sức vì chủ tướng và cũng biết chia sẻ với nàng bằng cách sụm bộ vó.
Ngược lại, con ngựa của Hồ Nguyện Cô lại từ bỏ người chủ của mình khi Nguyệt Cô trở về kiếp cáo bởi nàng không biết giữ viên ngọc quý - báu vật sau hàng ngàn năm tu luyện mới thành người. Với lớp tuồng này, người diễn viên diễn tả cảnh dằng co giữa người và ngựa thật độc đáo mặc dù chỉ có một chiếc roi ngựa cách điệu và đôi chân khéo léo của người nghệ sĩ.
Còn đối với vở tuồng cổ “Sơn hậu” cũng xuất hiện hai lớp diễn tả con ngựa rất thú vị. Đó là lớp Kim Lân một mình một ngựa mang hoàng tử sơ sinh vượt rừng sâu trong đêm tối và lớp Phàn Định Công đề cờ, nhân vật ba lần ngã ngựa học máu chết bởi sức cản của cuồng phong, báo hiệu điềm dữ khó có thể vượt qua.
Quả thật, việc sử dụng ngựa trên sân khấu Tuồng là một đạo cụ vô cùng độc đáo và sinh động. Dù ở vị thế nào, nó cũng tỏ ra rất thông minh, nhanh nhạy và dũng mãnh. Con ngựa đã trở thành hình tượng đẹp trong Tuồng từ thuở xưa và được duy trì cho đến ngày nay. Đó là một nét văn hóa đặc sắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.
Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng