"TRƯỚC THỀM" KỶ NIỆM "NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM" VÀ 70 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TUỒNG LIÊN KHU V- ĐOÀN TUỒNG ĐÀO TẤN; 60 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN VĂN CÔNG GIẢI PHÓNG - ĐOÀN CA KỊCH BÀI CHÒI

Thứ sáu - 02/09/2022 05:37
         Nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam” và “70 năm thành lập Đoàn tuồng Liên khu V- Đoàn tuồng Đào Tấn (1952 - 2022); 60 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng - Đoàn Ca kịch Bài chòi (1962- 2022)” (ngày 07/9/2022  nhằm ngày 12/8 Âm lịch), Chi hội Sân khấu Bình Định (thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) phối hợp với Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật với 3 đêm diễn liên tục từ ngày 03- 05/9/2022. Cụ thể: Ngày 03/9/2022 (nhằm ngày 08/8 Âm lịch), trình diễn vở “Cô thần” do Đoàn Ca kịch Bài chòi thực hiện.Vở diễn đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022; Ngày 04/9/2022 (nhằm ngày 09/8 Âm lịch) biểu diễn các trích đoạn tiêu biểu, mẫu mực do các NNND - NNƯT các CLB hát Bội và Bài chòi cổ Bình Định thực hiện; Ngày 05/9/2022 (nhằm ngày 10/8 Âm lịch) trình diễn vở tuồng “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” do các NSND - NSƯT và các nghệ sỹ xuất sắc của Đoàn Tuồng Liên khu V- Nhà hát tuồng Đào Tấn phối hợp với các nghệ sỹ đang công tác tại Đoàn tuồng Đào Tấn tham gia biểu diễn. Đây là cơ hội để những người hoạt động trong ngành nghệ thuật truyền thống Tuồng và Bài chòi có dịp hội tụ tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định biểu diễn, tri ân Tổ nghiệp, các bậc thầy đi trước và công chúng mến mộ cũng như thể hiện tình yêu nghề đối với hai loại hình nghệ thuật độc đáo của Tỉnh nhà.
         Để chuẩn bị cho đêm biểu diễn phục vụ khán giả mộ điệu được chu toàn hơn trong thời gian tới, các NSND, NSƯT và các nghệ sỹ xuất sắc của ngành Tuồng đã nghỉ hưu phối hợp với các nghệ sỹ đang công tác của đơn vị đã hăng say tập luyện vở diễn “Nghêu - Sò - Ốc - Hến”. Vở tuồng hài này từng trở thành vở diễn kinh điển, gây tiếng vang lớn trong công chúng miền Bắc XHCN, được Nhà nước cho dựng thành phim và đã góp phần làm nên tên tuổi của Đoàn tuồng Liên khu V- Nhà hát tuồng Đào Tấn.
        Trải qua 70 mùa xuân cùng quê hương và dân tộc, các nghệ sỹ lớn thuộc Nhà hát tuồng Đào Tấn trước đây, mong muốn phục dựng lại vở tuồng này để tri ân các bậc tiền nhân đã có công gây dựng và vun bồi bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng trên miền đất Võ - Bình Định. Đồng thời truyền “lửa nghề” cho các thế hệ nghệ sỹ kế cận tiếp tục gánh vác vai trò, sứ mệnh “giữ nghề” vinh quang nhưng không kém phần chông gai phía trước.

3

     
             Ảnh: Thúy Hường                        Cảnh tập luyện vở tuồng "Nghêu -Sò - Ốc -Hến"

         Nhìn thấy các NSND, NSƯT tuy đã có tuổi, áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn hăng say tập luyện nghiêm túc, “sống” cùng vai diễn trên sân khấu, thỉnh thoảng lại “thị phạm” các động tác vũ đạo cho diễn viên trẻ học hỏi, khiến tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và cảm phục lòng yêu nghề của họ. Chỉ có tình yêu, niềm đam mê vô bờ bến với nghệ thuật hát Bội thì các nghệ sỹ mới có thể “cháy hết mình” trên sàn diễn, đem lại những cung bậc cảm xúc đong đầy cho người xem: vừa mang lại tiếng cười vui nhộn, hóm hỉnh, hài hước sâu cay vừa nghẹn ngào, xúc động thật khó tả. NSND Hòa Bình - Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Bình Định- Nguyên giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn bộc bạch: “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” là vở tuồng hài thâm thúy sâu sắc, nổi tiếng của Đoàn tuồng Liên khu V trước đây.  Nhân kỷ niệm “Ngày Sân khấu Việt Nam” và 70 thành lập Đoàn tuồng Liên khu V- Đoàn tuồng Đào Tấn, các hội viên của Chi hội sân khấu Bình Định phục dựng lại vở tuồng này để lưu giữ và quảng bá những giá trị nghệ thuật độc đáo của các bậc tiền nhân để lại. Đồng thời, truyền dạy lại những kinh nghiệm biểu diễn cho đội ngũ nghệ sỹ kế cận đang công tác. Hơn nữa là mong muốn góp thêm tiếng cười rất cần thiết sau Đại dịch covid - 19 cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

          Sự kết hợp giữa thế hệ nghệ sỹ tên tuổi, nhuần nhuyễn về kỹ thuật biểu diễn và kinh nghiệm nghề nghiệp với đội ngũ diễn viên đang công tác, mang nét tươi mới, trẻ trung, hứa hẹn sẽ tạo nên một vở diễn ấn tượng, đạt chất lượng nghệ thuật cao, hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả, tăng thêm sức hút cho bộ môn nghệ thuật Tuồng trong thời đại mới.
 Hy vọng, thông qua các đêm biểu diễn “trước thềm” kỷ niệm “Ngày Sân khấu Việt Nam” và “70 năm thành lập Đoàn tuồng Liên khu V- Đoàn tuồng Đào Tấn (1952 - 2022); 60 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng - Đoàn Ca kịch Bài chòi (1962 - 2022)”, các bậc thầy Tuồng hiện tại cũng như các nghệ sỹ tận tâm sẽ tiếp thêm “lửa nghề” mãnh liệt hơn đối với thế hệ trẻ hôm nay, để cùng nhau giữ vững “thương hiệu” nghệ thuật Tuồng và Bài chòi trên quê hương Bình Định, xứng danh là “cái nôi” của hai loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo trong cả nước.

 

Tác giả bài viết: Thúy Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây