Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttps://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ tư - 29/12/2021 04:06
Khi nhắc đến nét Văn hóa - Nghệ thuật đặc trưng của quê hương Bình Định không thể không nhắc đến hát Bội (Tuồng) và Bài chòi. Và mảnh đất địa linh nhân kiệt này cũng được xem là “cái nôi” của hai loại hình nghệ truyền thống thuật tiêu biểu, độc đáo ấy. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các Sở, ban, ngành liên quan, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh được đầu tư nguồn kinh phí lớn, xây dựng mới rạp biểu diễn với quy mô hoành tráng (780 m2 với 3 tầng), sau khi sáp nhập Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thành “Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định” (tháng 4 năm 2020), đáp ứng lòng mong mỏi, chờ đợi của bao thế hệ nghệ sỹ tâm huyết với nghề. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật truyền thống Bình Định giữ gìn và phát huy “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nẫu. Kể từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ hội nhập, mở cửa, Nghệ thuật truyền thống Bình Định cũng đã sớm bắt nhịp với điều kiện mới. Nhằm phản ánh kịp thời những đổi thay của đất nước trong giai đoạn lịch sử quan trọng này, cũng như góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Bình Định nói riêng. Trong nhiều năm qua, nghệ thuật truyền thống Bình Định đã ngày càng đa dạng hóa chương trình kịch mục biểu diễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của người xem. Từ kế hoạch phục hồi - nâng cao các vở đã bị mai một theo thời gian. Xây dựng vở mới hàng năm đến các trích đoạn biểu diễn phục vụ du lịch trong và ngoài Tỉnh hay các trích đoạn bảo tồn hàng năm theo “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể hát Bội và Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định”…. Bên cạnh duy trì biểu diễn những vở đề tài truyền thống, lịch sử, nghệ thuật truyền thống Bình Định cũng đã khai thác thêm những vở diễn về đề tài hiện đại, dân gian, dã sử, Việt hóa đề tài nước ngoài…. phản ánh sự chuyển mình, đổi thay của đất nước, bám sát thực tế cuộc sống hiện tại. Chú trọng dàn dựng, phục hồi những vở diễn ca ngợi quê hương và con người Bình Định như: “Quang Trung đại phá quân Thanh” (vua Quang Trung - Nguyễn Huệ); “Tây Sơn tụ nghĩa” (Phong trào nông dân Tây Sơn), “Bông Mai đỏ” (thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng); “Chàng Lía” - (Tuồng)…; “Chói rạng sơn hà” (Nữ tướng Bùi Thị Xuân); “Khúc ca bi tráng” (Võ Tánh - Ngô Tùng Châu); “Hồn Tháp” (Văn hóa Chăm) - (Bài chòi)….Hai bộ môn nghệ thuật Tuồng và Bài chòi đã được biểu diễn phục vụ bà con trên một địa bàn sâu, rộng, mang lời ca, tiếng hát đến với đông đảo công chúng mộ điệu trên khắp cả nước cũng như thế giới.
Cảnh trong vở Ca kịch Bài chòi "Chói rạng sơn hà"
Không chỉ có sân khấu chuyên nghiệp, so với nhiều tỉnh bạn trên cả nước,Bình Định là một trong số ít Tỉnh có đội ngũ nghệ nhân Tuồng và Bài chòi không chuyên đông đảo và được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn. Với mấy chục đoàn, đội, câu lạc bộ hoạt động nghệ thuật bán chuyên nghiệp ở các huyện, xã được thành lập, biểu diễn phục vụ nhu giải trí của bà con nhân dân, nhất là những dịp Tết đến Xuân về. Đồng thời đã bổ sung, hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực cho sân khấu chuyên nghiệp của Tỉnh nhà ngày càng vững mạnh.Tiêu biểu là các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú như: Minh Đức, Nguyễn Phú (Bài chòi)…; Kim Hạnh, Kim Chung, Thu Hường (Tuồng) …luôn nhiệt huyết, sống trọn đam mê với nghề và truyền lửa cho các thế hệ kế cận tiếp tục phát huy vốn nghề quý của cha ông. Với sự nỗ lực, cố gắng duy trì hoạt động và trao truyền nghề cho các nghệ nhân tiếp nối của các nghệ nhân Bài chòi trong nhiều năm trên khắp dải đất miền Trung (ở Bình Định thực hiện đề án “Phục dựng Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định”) nên nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2017). Bình Định vinh dự là chủ nhà trong tổ chức, tiếp nhận Bằng vinh danh Bài chòi để bộ môn nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian cũng như lan tỏa ra thế giới. Ngoài đội ngũ tác giả, đạo diễn là những người tài năng, tâm huyết của quê hương Bình Định như: Văn Trọng Hùng, Đoàn Thanh Tâm, NSƯT Nguyễn Tấn Hào, NSND Hoài Huệ, NSƯT Hoàng Ngọc Đình…Thỉnh thoảng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định còn cộng tác với các đạo diễn, tác giả kịch bản ở các tỉnh bạn như: NSND Lê Tiến Thọ, NSƯT Sỹ Chức… để giao lưu nghề nghiệp và học hỏi thêmnhững “miếng diễn”, góp phần làm phong phú thêm vốn nghề cho các nghệ sỹ trẻ kế cận. Nghệ thuật truyền thống của Tỉnh nhà đã cùng quê hương, đất nước đi qua những biến cố, thăng trầm. Nhưng đến nay, Tuồng và Bài chòi Bình Định vẫn luôn giữ được “thương hiệu” của riêng mình. Tại các Cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp hay Cuộc thi Tài năng trẻ, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc được tổ chức trên toàn quốc, Bình Định luôn là tỉnh có lực lượng diễn viên, nhạc công tham gia hùng hậu và đạt chất lượng nghệ thuật cao, luôn nằm trong tóp đầu của cả nước về thành tích nghệ thuật. Bình Định còn được biết đến với lực lượng khán giả mê nghệ thuật truyền thống bậc nhất cả nước. Không biết tự bao giờ, những câu hô, hát Bài chòi cũng như các tích tuồng, vai diễn mẫu mực đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân nơi đây, khiến họ có thể: “Thà rằng ăn mắm mút dòi Cũng nghe Bài chòi cho sướng cái tai” Hay “Hát Bội làm tội người ta Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con” Đến nay, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa, nhiều luồng văn hóa mới trên Thế giới đã có điều kiện du nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, một số bộ môn nghệ thuật khác cũng phát sinh, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả. Vì thế, nghệ thuật truyền thống cũng bị san sẻ khán giả là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, đối với những người mê Tuồng và Bài chòi Bình Định, họ vẫn đồng hành và trung thành như ngày nào. Bằng chứng là tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc được tổ chức tại Bình Định tháng 10 năm 2020 vừa qua, hầu như lúc nào rạp biểu diễn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng chật kín khán giả với đủ các thành phần: thiếu, thanh, trung và cao niên. Hay các buổi biểu diễn của Nhà hát phục vụ nhân dân ở một số điểm được xem là “đất tuồng” như: Nhơn Lý, An Nhơn, Phù Cát… và Bài chòi là địa bàn Hoài Nhơn, Phù Mỹ…Đến nay vẫn được đông đảo khán giả quan tâm và dành nhiều tình cảm cho nghệ thuật truyền thống. Đó là niềm vui và động lực lớn để các nghệ sỹ tiếp tục “gánh vác” sự nghiệp Tuồng và Bài chòi của Tỉnh nhà hôm nay lập thêm những thành tích mới trên con đường đầy chông gai phía trước. Thêm vào đó, một trong những ưu thế của nghệ thuật truyền thống Bình Định hiện tại là Tỉnh hội tụ nhiều nghệ sỹ, tài năng và tâm huyết, đang là “nhân chứng sống” trong kho tàng sân khấu truyền thống Việt Nam, rất thuận lợi cho quá trình bảo tồn và phát huy thế mạnh về Tuồng và Bài chòi như: NSƯT Đào Duy Kiền, NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo, NSND Hoài Huệ, NSND Hồ Thu, NSND Xuân Hợi, NSND Minh Ngọc, NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, NNND Minh Đức, NNƯT Nguyễn Phú…Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn An Pha…. Tất cả những yếu tố đó sẽ góp phần tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp bảo tồn và chấn hưng nghệ thuật truyền thống Bình Địnhngày càng lớn mạnh, vươn tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập, xứng đáng là cái nôi khởi nguồn của hai bộ môn nghệ thuật Tuồng và Bài chòi đặc sắc.