MỸ THUẬT SÂN KHẤU BÀI CHÒI

Thứ ba - 07/12/2021 21:54
MỸ THUẬT SÂN KHẤU BÀI CHÒI
         Cũng như nhiều loại hình sân khấu truyền thống khác, trang trí trong nghệ thuật sân khấu Bài chòi là khâu quan trọng, không thế tách rời của một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, gắn liền với kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, vũ đạo, âm thanh, ánh sáng... Đặc biệt là mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa họa sỹ thiết kế mỹ thuật sân khấu với đạo diễn của vở nhằm tìm ra phương thức trang trí phù hợp với ý đồ của đạo diễn muốn truyền tải; đưa ngôn ngữ mỹ thuật sân khấu đến với khán giả và góp phần giúp người nghệ sĩ “đắm mình” trong không gian thích hợp để thỏa sức sáng tạo vai diễn của mình, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.    
          Trước đây, các bộ môn sân khấu kịch hát truyền thống nói chung khi chưa có điều kiện đưa tiếng nói của hội họa vào sân khấu nên không gian, thời gian, cảnh vật, sự kiện… đều nằm trong tác phẩm văn học được các nghệ nhân miêu tả thông  qua nghệ thuật biểu diễn. Và lúc ấy, diễn viên là nhân vật trung tâm. Nhưng phối cảnh chưa mang ngôn ngữ độc lập thể hiện cùng một lúc, để khán giả trực tiếp cảm thụ cái đẹp phù hợp với bố cục, đường nét và màu sắc của hội họa.
         Ban đầu, các gánh hát Bài chòi đều không có kịch bản tuồng để diễn, vì vậy họ chỉ diễn theo truyện thơ. Nhạc đệm cho loại hình Bài chòi khi ấy vẫn chưa được định hình rõ nét, không có sân khấu để biểu diễn. Tất cả đạo cụ biểu diễn đều cho vào những chiếc rương trên quang gánh của những người diễn viên, dong ruỗi trên những nẻo đường lưu diễn.
       Hình thức kể chuyện có minh họa là tiền thân của Ca kịch Bài chòi. Khi mới bước vào hình thức ca kịch chưa có phương tiện sân khấu (phông màn, cảnh trí, phục trang, hóa trang…) như bây giờ. Các gánh hát Bài chòi thời ấy phải trải ghép những chiếc chiếu cói lại với nhau trên sân đất để diễn nên gọi là “Bài chòi trải chiếu”. Không có sân khấu, không có phông màn để che chắn, sân khấu đất bỗng nhiên trở thành sân khấu tròn, khán giả xem cả từ 4 mặt. Không có cảnh trí để hỗ trợ không gian, thời gian, hoàn cảnh cho vở diễn, nên diễn viên phải biểu diễn nghệ thuật thông qua các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng rất cao để kích thích trí tưởng tượng của người xem về không gian, thời gian và bối cảnh câu chuyện đang diễn ra.
         Để phục vụ được đông đảo khán giả hơn, sân khấu thường được dựng quay mặt vào sân đình, nên gánh hát phải treo lên một tấm phông trắng để che ở phía lưng sân khấu, vậy là chỉ còn lại 3 mặt cho khán giả xem. Những chiếc rương mà gánh hát dùng để gánh đạo cụ theo diễn, giờ lại được đem lên sân khấu để biến thành những chiếc đôn, những bục bệ phục vụ cho biểu diễn… Đó có thể xem là thiết kế mỹ thuật đầu tiên của sân khấu Bài chòi dân gian.  
          Khoảng cuối năm 1956, Đoàn Dân ca kịch Liên khu V được thành lập trên đất Bắc,(1) phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta: Bài chòi theo bộ đội ra tiền tuyến; Bài chòi cổ vũ động viên nhân dân ở hậu phương; Bài chòi giúp vui trong những đêm lửa trại và Bài chòi cũng có mặt trong các Hội nghị, Đại hội mừng công…  Lúc này, các tuồng tích được biên soạn lại một cách quy cũ hơn: có đạo diễn dàn dựng, sân khấu được họa sĩ thiết kế mỹ thuật riêng cho từng vở. Sau đó, vở Ca kịch Bài chòi “Thoại Khanh - Châu Tuấn” dài 5 màn được tác giả Nguyễn Tường Nhẫn khai thác, cải biên, được ra mắt với đầy đủ âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, vũ đạo, ánh sáng… đưa sân khấu Bài chòi từ trải chiếu dưới đất lên sân khấu chuyên nghiệp, sánh ngang với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác của dân tộc.
         Từ sau năm 1975, hầu hết các vở diễn theo các đề tài lịch sử, dã sử, truyền thuyết dân gian hay xã hội hiện đại, mô hình thiết kế cho sân khấu Bài chòi lúc này hầu hết dựng bằng cảnh cứng. Thiết kế mỹ thuật ở thời kỳ này thường kết hợp nghệ thuật tả ý cho những vở diễn theo mô típ lịch sử, dã sử hay truyền thuyết dân gian và nghệ thuật tả thực cho những vở diễn theo mô típ hiện đại.

VỞ THANH GƯƠM CÔNG LÝ
Ảnh: Hoàng Dũng                                 Vở Bài chòi "Thanh gươm công lý"


         Sau một thời gian chịu ảnh hưởng của mỹ thuật sân khấu Cải lương, cải tiến thiết kế mỹ thuật theo hướng biểu hiện tả thực. Bài chòi đã tìm lại bản sắc nghệ thuật của chính mình. Đặc biệt ở phần thiết kế mỹ thuật cho vở diễn, về lại với trường phái thiết kế theo tư duy nghệ thuật biểu hiện, lấy nghệ thuật tả ý và tả thần truyền thống của bộ môn, làm nền tảng để sáng tạo cho các vở diễn khi được dựng mới. Vẫn dùng các chất liệu cảnh cứng hoặc cảnh mềm như trước, nhưng các đường nét thiết kế sân khấu không rườm rà, chi tiết như hiện thực cuộc sống đang diễn ra mà thiên về miêu tả chiều sâu tâm lý của vở diễn. Mềm mại, đơn giản mà vẫn sinh động. Có những vở diễn mang đề tài hiện đại, các họa sĩ đã vận dụng các hình thức thiết kế theo lối hình khối, bục bệ di dộng, để thay đổi hoàn cảnh không gian và thời gian cho từng cảnh diễn. Tuy nhiên vẫn giữ được đường nét của nghệ thuật tả ý trong thiết kế sân khấu Bài chòi, làm nên một khuôn mặt mới nhưng vẫn giữ được vóc dáng truyền thống của bộ môn nghệ thuật dân gian đặc trưng của miền đất Nam Trung Bộ.
        Kể từ khi ra đời, tồn tại và phát triển của sân khấu Bài chòi từ hình thức sơ khai, đơn giản theo lối hát dựa vào truyện thơ, cách diễn một diễn viên sắm nhiều vai khác nhau cùng một lúc, đến việc tiếp cận các tuồng tích cơ bản hơn, mỗi diễn viên chỉ diễn một nhân vật trong vở diễn. Từ sân khấu trải chiếu dưới đất, không có phông màn, cảnh trí để tạo nên không gian và thời gian làm chỗ dựa cho diễn viên. Qua thời gian với sự sáng tạo, chắt lọc, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác, sân khấu Bài chòi từ trải chiếu và hát dưới sân đất, đã bước dần lên sân khấu bục cao, với phông màn, cảnh trí rực rỡ, bục bệ hoành tráng, ánh sáng đa sắc, đa chiều dưới bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ họa sĩ thiết kế. Đó là một thành tựu lớn, một bước tiến vượt bậc, đáng ghi nhận của mỹ thuật sân khấu Bài chòi.
       Tuy chưa thể sánh vai với ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu của thế giới nhưng trang trí sân khấu Bài chòi ngày nay càng thêm đa dạng, phong phú, rực rỡ và lộng lẫy hơn trước. Sân khấu của các Nhà hát, đoàn biểu diễn ngày càng được xây dựng mới, hiện đại hơn, tạo điều kiện thuận lợi để người họa sĩ tìm tòi, sáng tạo trong trang trí; mở ra nhiều không gian linh hoạt, biến hóa với đầy đủ các chất liệu phù hợp với phong cách, hoàn cảnh lịch sử của từng vở diễn, từ dân gian, lịch sử, dã sử đến hiện đại..
        Để có được những cảnh trí, trang phục phù hợp với từng nội dung, chủ đề, thông điệp, bối cảnh của vở diễn, đòi hỏi người họa sỹ thiết kế mỹ thuật sân khấu phải am hiểu nhiều thể loại nghệ thuật như: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, trang trí nội, đồ họa, hóa trang, kỹ thuật hậu đài, ánh sáng…  Sau khi thiết kế xong một bộ Ma - két của vở diễn, họa sỹ thiết kế phải hiện thực hóa trang trí trên sân khấu thực và kết hợp với diễn viên, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc… mới trở thành một tác phẩm mỹ thuật sân khấu hoàn chỉnh.Thiết kế mỹ thuật sân khấu là một “mắt xích” không thể thiếu trong “dây chuyền” kết nối để có một vở diễn trọn vẹn. Cùng với người diễn viên, họa sỹ thiết kế mỹ thuật tìm đến sự đồng điệu, tạo nên đặc trưng hội họa sân khấu Bài chòi.
        Thiết kế mỹ thuật sân khấu là một nghề nhọc nhằn, kỳ công từ phác thảo Ma -két, thực hiện trang trí, may trang phục nhân vật, làm đạo cụ... đến khi công diễn phải mất hàng tháng trời, nên nghề này hiện nay trên cả nước có khoảng vài chục người và chủ yếu là nam giới theo đuổi.
         Tuy đội ngũ thiết kế mỹ thuật sân khấu khá mỏng như vậy nhưng với tình yêu và niềm đam mê nghề nghiệp, cùng sự tìm tòi, thử nghiệm mới mẻ, độc đáo và không ngừng sáng tạo của người họa sỹ. Hy vọng họ sẽ góp phần mang đến cho Nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu Bài chòi nói riêng những tác phẩm chất lượng, mãn nhãn người xem và ngày càng thu hút khán giả đến với bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này trong thời gian tới.


                                                                            
 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây