Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttps://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ ba - 21/12/2021 20:36
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu Tuồng (hát Bội) cũng có những làn điệu riêng, mang tính đặc trưng của nó. Hệ thống các làn điệu trong Tuồng rất đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi làn điệu có cấu trúc, hoàn cảnh sử dụng và truyền tải thông điệp riêng nhưng giữa chúng có sự liên kết, đan xen nhau, tạo thành một loại kịch hát độc đáo, góp phần thu hút và tạo sức hấp dẫn đối với khán thính giả gần xa. Trước tiên là làn điệu hát Nam. Đây là một trong những làn điệu chính, rất quan trọng của nghệ thuật Tuồng. Theo Hậu tổ tuồng Đào Tấn, hát Nam lại chia ra thành 2 loại: Nam xuân, Nam ai, thường dùng khi tình cảm của nhân vật lên cao trào trong tình huống kịch. Khi vui thì hát Nam xuân và khi buồn thì hát Nam ai. Nhưng đến những thập niên đầu của thế kỷ XX, nghệ thuật Tuồng có thêm một làn điệu hát Nam mới là Nam Xuân nữ (Nam Pha), dựa trên cơ sở pha trộn giữa làn điệu Nam ai của tuồng và nghệ thuật Xuân nữ của Cải lương. Nếu như tính chất của Nam xuân là vui, Nam ai là buồn thì Nam Xuân nữ là bi lụy, buồn man mác và khi hát Nam Xuân nữ luyến láy nhanh hơn, dồn dập hơn so với Nam ai.
Cảnh trong vở "Đêm sáng phương Nam"
Cấu trúc của hát Nam thông thường có 3 câu gọi là 1 sắp. Câu thứ nhất gọi là câu trống gồm có 2 vế viết theo thể song thất lục bát phá thể (vế trống 6 chữ, vế mái 7 chữ). Câu thứ hai gọi là câu mái, hoàn toàn bắt buộc phải viết theo thể lục bát. Câu thứ ba gọi là câu trống rút để kết một sắp, có thể viết theo thể lục bát hoặc song thất lục bát. Cụ thể như: Câu hát Nam của Tiết Cương trong tuồng “Hộ sanh đàn” thể hiện khí tiết của người trung nghĩa: “Vui sướng cho tình cho cảnh Ngóng phương trời gửi gánh non sông Bấy lâu cuối Bắc đầu Đông Bể oan chưa lấp bụi hồng còn xa Cuộc phong ba đâu là chí ngạn Nỗi ân tình đành đoạn chia phôi”. Cũng như hát Nam, hát Khách (còn gọi là hát Bắc, hát Phú lục) là làn điệu chính của nghệ thuật Tuồng, dùng khi tự sự, đối thoại, phân binh ra trận, hồn ma hiện về nói chuyện với người sống hay đi dạo chơi…. Được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau nên hát Khách chia làm nhiều loại với các tên gọi khác nhau như: Khách tự sự, Khách hành binh, Khách phú, Khách hồn, Khách tẩu…Một câu hát khách có 2 vế (vế trống và vế mái) được viết theo thể biền ngẫu, đối phú từ 7 chữ trở lên. Đôi khi thơ tứ tuyệt cũng dùng để hát Khách, nhưng thường dùng nhất là thể câu đối từ 7 chữ, 11 chữ, 14 chữ. Chẳng hạn như câu Khách hồn của nhân vật Khương Linh Tá trong tuồng “Sơn Hậu”: “Anh hỡi Đổng Kim Lân! Tấc dạ thủy chung, núi hiểm hang cùng không bỏ bạn Em hiệu Khương Linh Tá! Lời thề tử sinh, non mòn biển cạn quyết theo nhau”. Một làn điệu nữa chiếm vị trí chủ yếu và không thể thiếu trong nghệ thuật hát Tuồng, đó là Nói lối. Phần lớn các vở tuồng thầy mẫu mực, kinh điển như “Sơn Hậu”, “Tam nữ đồ vương”… đa số là sử dụng làn điệu nói lối. Gọi là nói nhưng thực chất là hát có vần, có điệu, có tiết tấu… Nói lối là làn điệu nói dẫn đường, được dùng trong những trường hợp như: tự giới thiệu với khán giả và trình bày một cảnh ngộ nào đó, xưng tên tuổi, chức tước, khiên chiến trước khi ra trận... Cấu trúc của nói lối thường dùng thể thơ biền ngẫu đối xứng từ 4 - 14 chữ. Nhưng phổ biến nhất là 4- 8 chữ. Chẳng hạn như câu Nói lối của nhân vật Nữ chúa trong tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”: “Dân tộc đương cơn khói lửa Giang sơn còn lắm chông gai Chống loài gian gái cũng như trai Giữ mối nước suy rồi lại thịnh.” Nói lối có thể diễn tả hoàn cảnh, tâm tư, tính cách nhân vật trong tình huống kịch thông qua cách vận dụng ngữ khí và ngữ điệu rất đa dạng và phong phú với nhiều kiểu khác nhau, như: lối thường, lối dựng, lối bóp, lối đạp, lối ai, lối xuân…. Và tùy từng mô hình nhân vật (đào, kép, tướng, lão, nịnh…) để sử dụng cách nói lối linh hoạt khác nhau, phù hợp với tính cách của nhân vật đó. Bên cạnh các loại nói lối đã nêu, trong Tuồng còn có những câu nói ngắn, đoạn nói ngắn và được gọi là Kẻ, Hường, Tán. Kẻ là những câu nói ngắn phụ giữa các câu nói lối hoặc giữa các câu hát các loại. Còn Hường là những đoạn nói thường, ngắn ở đầu, giữa hoặc cuối câu Nói lối, hát Nam, hát Khách hoặc các làn điệu khác. Tán là những câu nói lối ở đầu hoặc giữa các câu hát Nam để làm phong phú thêm về làn điệu, giúp người diễn viên bày tỏ tình cảm trong những hoàn cảnh vui, buồn…. Một câu Tán thường có 5 - 7 chữ nhưng phổ biến nhất là 5 chữ, với các kiểu tán như: Tán Nam xuân, Tán Nam ai và Tán Xuân nữ. Ngoài các làn điệu Nói lối, hát Nam, hát Khách,…nghệ thuật Tuồng còn có các làn điệu không nhịp đóng vai trò khá quan trọng, như: Bạch, Xướng, Thán, Oán, Ngâm, Vịnh, … được sử dụng khi giới thiệu nhân vật, tâm trạng (vui, buồn) trong đêm khuya thanh vắng hoặc khi dạo chơi ngắm cảnh dậy nguồn thi hứng ... Với sự có mặt của các làn điệu này, đã góp phần làm “giàu” thêm hệ thống các làn điệu trong bộ môn nghệ thuật Tuồng và giúp nhân vật biểu lộ tình cảm một cách tinh tế và đa dạng hơn. Nhìn chung, các làn điệu không nhịp chủ yếu sử dụng cấu trúc thơ tứ tuyệt (4 câu). Còn tùy tâm trạng, hoàn cảnh nhân vật mà thêm bớt, biến hóa cho sinh động, linh hoạt, thỉnh thoảng vẫn có thể sử dụng thể thơ tứ tuyệt phá thể. Tuy nhiên, so với Oán, Vịnh hay Đọc thư thì các làn điệu Bạch, Xướng, Thán, Ngâm thường được dùng nhiều hơn trong Tuồng vì khả năng diễn tả rõ ràng và chính xác, trở thành những mô hình làn điệu cho nhân vật trong từng hoàn cảnh kịch. Nhân vật xuất hiện lần đầu tiên thì sử dụng làn điệu Bạch để xưng tên. Còn tâm trạng suy tư lúc đêm vắng canh trường thì có thể dùng Xướng, Ngâm hoặc Thán… tùy từng trường hợp. Cụ thể như nhân vật Trương Phi trong tuồng “Cổ thành” ngồi một mình buồn nhớ Quan Công và Lưu Bị nên Xướng: “Lạc lạc cô tình chỉ tự bi Hàn châm tiêu tác dạ thanh trì Hất văng hồ mã tê phong cấp Phong sử anh hùng lạy mãn y”. Nếu như các làn điệu không nhịp hay Nói lối, hát Khách, hát Nam chiếm vị trí quan trọng và được sử dụng nhiều hơn trong Tuồng truyền thống, thì các làn điệu có nhịp (còn gọi là bắt bài) dần dần được chú trọng và sử dụng phổ biến hơn trong các thể loại Tuồng lịch sử, dân gian và hiện đại ngoài các làn điệu chính đã nêu. Căn cứ trên nhịp trống, các làn điệu có nhịp trong hát Tuồng được chia thành các loại: nhịp 1, nhịp 3, nhịp 4, nhịp lăn và làn thản. Trong từng loại nhịp lại phân ra nhiều loại hát khác nhau như nhịp Bả trạo, Quỳnh tương, Giá ban thán, nhịp 3 dạo cảnh, nhịp 4 đào điên…Cấu trúc của các bài bản có nhịp thường chặt chẽ, gọn gàng, tươi mát và được xem là những mô hình ca khúc truyền thống tương đối hoàn chỉnh, góp phần hợp thành thể thống nhất trong sự biến hóa phong phú của các làn điệu hát Tuồng. Một ví dụ cụ thể về sử dụng làn điệu nhịp 1 vui tươi của nhân vật Bích Ngọc trong vở tuồng lịch sử “Quan khiêng võng”: Sứ Tuyên Châu nổi danh Phúc Kiến Sứ Cảnh Đức nổi tiếng Giang Tây Mỏng như giấy và trong như ngọc Sáng như gương và vang như chuông Còn hàng Ta buôn bán đưa sang Toàn của quý ngà voi, sừng tê giác (2 lần). Điều thú vị là giữa các làn điệu ấy lại có mối liên kết, đan xen lẫn nhau như một bản trường ca, tạo cho sân khấu hát Bội một sự hấp dẫn, cuốn hút người nghe và người xem. Chẳng hạn như: từ Nói lối xuống hát Nam, hát Khách hay từ hát Khách sang hát Nam hoặc từ Bạch, Thán, Xướng qua hát Nam, Nói lối… Có thể nói, hát là một trong những thành tố chính của nghệ thuật Tuồng (hát, múa, diễn…) và chiếm vị trí rất quan trọng (nhất thanh - giọng hát giữ vị trí hàng đầu trong 5 tiêu chuẩn của nghệ sỹ hát Tuồng ngày xưa “thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần”). Vì thế với sự phong phú của các làn điệu trong Tuồng và mối liên kết giữa các làn điệu như đã nêu trên, góp phần đưa đến cho khán thính giả, có thể thưởng thức nghệ thuật hát Tuồng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi làn điệu được sử dụng trong từng vở diễn như là “tiếng lòng” của tác giả muốn gửi gắm thông điệp riêng đến với công chúng mộ điệu.