Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttp://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ sáu - 31/12/2021 03:16
Nếu nhân vật hề hầu như không thể thiếu trong các vở Chèo, “phi Hề bất thành Chèo” thì đối với nghệ thuật Tuồng, dấu ấn của mô hình này ít đậm nét hơn (trừ những vở diễn thuộc thể loại Tuồng hài) nhưng đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả với những trang phục, cử chỉ, điệu bộ, lời nói hài hước, hóm hỉnh và ẩn chứa cái hài tư tưởng trên sân khấu. Nhân vật hề trong Tuồng thường có các dạng như: hề lớn (có tính cách rõ ràng) như thầy Nghêu (tuồng Nghêu ,Sò, Ốc, Hến), Trạng Lợn (tuồng Thầy Khóa làng tôi)… ; Hề cấp thấp (hề nhỏ) thuộc các thành phần như lính lệ, quân canh, xã trưởng,…Đó là cai ngục Mao Ất (tuồng Sơn Hậu), anh Hề Đồng (tuồng Phụng Kỳ soán đế), anh Hề (tuồng Nàng Sơ kun tơ la), lính gác (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn)… Mô hình nhân vật hề từ diện mạo bên ngoài đến cung cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, hát múa đều thể hiện sự méo mó, hài hước. Chẳng hạn, thầy bói vận áo dài the trắng đã ngả màu cháo lòng, áo cài lệch khuy, một vạt vắt vai hoặc cài cạp quần… Còn ông Huyện thì có lần đánh độc một chiếc quần xà lỏn để đi mò gái ban đêm thật chẳng ra tư cách của một vị quan to. Đối với thầy Nghêu (tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến), cái râu trên khuôn mặt thầy lúc thì dãn ra, lúc thì co lại, lúc bỗng giương cao, lúc lại cụp xuống lia lịa như bị điện giật. Cung cách biểu lộ tâm trạng, thái độ bằng đôi ria mép của người thầy bói đầy cá tính này khiến khán giả mới nhìn thấy đã cười. Trong Chèo, nhân vật hề là một trong năm mô hình cơ bản, làm nên sự sống động cho thế giới nhân vật Chèo: đào, kép, lão, mụ, hề. Dấu ấn của Hề Chèo khá đậm nét bởi nó đã trở thành nhân vật có tính cách, mỗi khi xuất hiện, bề ngoài hề gây cười cho khán giả nhưng đằng sau lại hàm chứa bao ẩn ý sâu sắc. Đối với Tuồng, ngoài các vở Tuồng hài, hầu hết các nhân vật đều được diễn tả trong xu thế hài hước hóa, còn lại hề chủ yếu là nhân vật chính thứ, có thể có hoặc không trong các vở diễn. Mặt khác, nhân vật hề trong Chèo thường có “đất diễn” bởi ngôn ngữ Chèo đậm chất dân gian, gần gũi cuộc sống hằng ngày. Khi anh hề xuất hiện nói bông lơn vài câu là khán giả nghểnh cổ nhìn rồi cười ngây ngất, ngặt nghẽo, bao nỗi vất vả lam lũ hằng ngày tan biến hết, chỉ còn lại tiếng trống thùng thìn vang vọng đêm thâu. Trong khi đó, đối với nghệ thuật Tuồng, “sân khấu” của nhân vật hề có phần “chật hẹp” hơn, khi biểu diễn thường theo khuôn khổ, có chừng mực và phù hợp với ngôn ngữ bác học của bộ môn này. Thêm vào đó, hề trong Tuồng thường phải ăn nhập với phong cách vở diễn và người diễn viên còn phải biết tiết chế cách diễn bởi nếu hề diễn quá lố sẽ không phù hợp với nội dung tư tưởng cũng như chủ đề của vở diễn. Tuy vậy, với cách hóa trang hài hước cộng diễn xuất hóm hỉnh của người diễn viên, các vai hề thường được sử dụng như những nụ cười điểm xuyết để làm cho câu chuyện Tuồng được tươi vui hơn, giảm bớt những căng thẳng, bi hùng hay xung đột kịch quá gay gắt. Ví dụ, trong vở tuồng Sơn Hậu, bên cạnh những lớp “Kim Lân biệt mẹ”, “Ôn Đình chém Tá”, “Kim Lân qua đèo”… rất căng thẳng lại xen vào nhân vật hề là tên cai ngục hèn nhát Mao Ất, sau khi nghe lén cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con Đổng Mẫu- Kim Lân và Thứ Phi, hề đã buông những lời rất ngô nghê: “Tệ thật! Qua bên này ăn uống no say mà không rủ Ất đi với. Ất ăn mấy dăm miếng, hứ! Đi mà không nói, may chớ không thì Ất mất đầu như chơi…” Như vậy,sự lồng ghép, đan xen rất khéo léo giữa cái hài và cái hùng, cái bi và cái hề trong một số vở tuồng đã đem đến cho người xem những cảm xúc thẫm mỹ thú vị và lôi cuốn.
Ảnh tư liệu Cảnh trong vở "Nghêu Sò Ốc Hến"
Cũng như Chèo, các vai hề trong Tuồng thường đối đáp nhanh nhẹn, kịp thời nhằm gây cười và châm biếm những thói hư tật xấu của một tầng lớp nào đó trong xã hội như dốt hay nói chữ, nhà giàu hóng hách, ức hiếp dân lành nhưng lại rất sợ cấp trên và các bà vợ ở nhà, hoặc đóng những vai thầy bói, thầy pháp, thầy bùa để lừa gạt người khác. Cụ thể, nhân vật Nghêu (tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) - một thầy bói mù với tính cách cùn liều, ngoan cố, quái bẩn và lắm mồm nên khi theo Ốc đi ăn trộm cũng thật nực cười: bắt Ốc cõng đi, đến nhà Trùm Sò tường cao quá, lão không vào được nên phải ngồi thu lu dước bụi cây chờ. Khi bị muỗi cắn, thầy Nghêu còn kêu ầm ĩ lên và ăn vạ Ốc, khiến Ốc phải quay lại dỗ dành, lúc bị bắt đánh đòn còn già mồm cãi cùn và cuối cùng đành chấp nhận “Thôi bay nói hết lời, Thầy cho bay cùm hai chân đây”. Lúc ra công đường, chưa bị đánh, thầy đã kêu ầm ĩ để ăn vạ… Thầy Nghêu quả là nhân vật có tính cách hài kịch trứ danh. Hay Thị Hến (tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) cũng là nhân vật có tính cách hài kịch hoàn chỉnh, nhất quán và rõ nét. Hến là hiện thân của thói buôn bán phi pháp lại còn lẳng lơ, ve vãn các quan từ nhỏ đến to. Tuy nhiên, cô lại mang thân phận của một phụ nữ trẻ góa chồng, một mình chống chọi với cả một xã hội nhố nhăng, lừa bịp, một thế giới đàn ông thô bỉ, hám gái nên Thị Hến một mặt phải nịnh bợ, ve vãn chúng nhưng mặt khác lại cho lũ quan nha của thế giới Nghêu, Sò, Ốc, Hến những vố, những đòn rất đau điếng mà không làm gì được, đã mang lại những tiếng cười hả hê cho khán giả. Đối với nghệ thuật Tuồng, thỉnh thoảng xuất hiện những nhân vật hề ngây ngô, vui tính, tạo ra những tiếng cười nhẹ nhàng và thêm “màu sắc” cho sân khấu hát Bội. Ví như anh Hề Đồng (tuồng Phụng Kỳ soán đế) là một anh hề vui tính, làm nhiệm vụ trông nom nhà cửa và chăm sóc cậu chủ Triệu Long. Khi thấy cậu chủ đi xa lâu ngày về thăm nhà, Hề Đồng mừng rỡ rồi lại khóc hu hu. Theo lời giải thích hỏm hỉnh của Hề Đồng, có tâm trạng đó là do “lạc cực sanh bi”. Trông bộ dạng quần ống cao, ống thấp, miệng đỏ chót, khăn quấn đầu cột một bên xọc xệch, bước đi xiêu vẹo, méo mó của anh Hề Đồng trên sân khấu làm khán giả không nhịn được cười. Hay chàng hề trong tuồng Nàng sơ kun tơla lại có tài hát múa và châm chọc làm vui lòng đức vua:
“Miệng hát cùng tay múa hẳn hoi Mắt thấy lại tai nghe thỏa thích” Chàng hề này còn rất thông minh, bày mưu chước cho đức vua có cơ hội gặp lại Nàng Sơ kun tơ la xinh đẹp lần thứ hai, khiến ông rất vui. Thủ vai hề trong Tuồng thành công gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ như Hề Công, nghệ sỹ Ưu tú Văn Phước Khôi, nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Ngọc Liên (Tư Liên)… Người nghệ sĩ bao giờ cũng nhìn vào những chuyện bất công,bất hợp lý và mâu thuẫn của thực tế cuộc sống và xã hội để sáng và đả kích, gây tiếng cười cho mọi người thông qua những vai hề. Quả thật, trên sân khấu Tuồng, nhân vật hề không nhiều nhưng với tài nghệ diễn xuất của người diễn viên, chỉ một cái nhếch mép, một dáng đi xấp xải hoặc một câu nói vui đã làm cho bao người già trẻ, gái trai cười hả hê. Đôi khi chú hề chỉ mới sững người với vẻ mặt ngay đuồn đuỗn, thần thái vừa thờ thộn vừa tinh quái là cả người đã toát ra một chất trào lộng lạ thường. Vẻ đẹp của Hề không chỉ thể hiện qua ngôn ngữ, điệu bộ của nhân vật mà ẩn sau đó là cả những triết lý sâu sắc về cuộc đời con người và xã hội. Nó vừa thể hiện tính đấu tranh mạnh mẽ và sắc bén vừa thể hiện chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn của nhân dân ta. Thêm vào đó, những nhân vật hề thủ diễn đã góp phần làm cho sân khấu hát Bội tươi trẻ, vui nhộn khiến khán giả có nhiều trận cười nghiêng ngả và tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Đó là yếu tố tinh thần rất cần thiết, tạo không khí phấn khởi, lạc quan, yêu đời cho mọi người trong những ngày đầu xuân năm mới.