Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttp://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ hai - 27/12/2021 01:57
Cùng với âm nhạc, phục trang, cảnh trí thì đạo cụ, binh khí là một trong những phương tiện thiết yếu của bộ môn sân khấu Tuồng góp phần làm nổi bật hình ảnh của diễn viên trong mắt khán giả. Đạo cụ thường được diễn viên dùng trong khi biểu diễn và rất đa dạng về chủng loại. Nhất là các loại binh khí như thương (giáo), kiếm (gươm), cung, siêu (đại đao), phủ (búa), song đao, đoản đao, côn (gậy), kích, xà mâu, chùy … Kiếmgồm song kiếm và độc kiếm. Độc kiếm có các động tác: khai kiếm (có 3 kiểu khai khác nhau: khai vớt, khai chao và khai loan), khán kiếm, khoát kiếm, chỉ kiếm, chuốt kiếm, bồng kiếm lên ngựa, khấu nhị hiệp bán (Hai người dùng binh khí chiến đấu với nhau, như song kiếm với độc kiếm hoặc song kiếm với thương …) Các bộ múa song kiếm tương tự như các bộ múa độc kiếm nhưng chỉ khác ở chỗ có lúc song kiếm cầm cả hai tay nhưng có lúc phải nhập kiếm cầm một tay như trường hợp khấu nhị hiệp bán. Thương: có các kiểu tương tự kiếm như khai, khán, chỉ, khoát, cầm thương dắt ngựa và gò ngựa, cầm thương lên ngựa, khấu thương nhị hiệp bán (khấu thương với thương, khấu thương với kiếm hoặc khấu thương với đại đao)… Cung có các tư thế: thử dây cung, khán hồng tâm, xem, bắt, gò, lên, phi ngựa, lấy tên lắp vào cung, cung tròng qua đầu, quay cung (thuận chiều và ngược chiều), bắn tên ba phát (trên, giữa, dưới). Phủ có 2 loại : độc phủ và song phủ. Độc phủ gồm các tư thế: cầm phủ, loan phủ, chống phủ, đánh phủ, đỡ phủ, phủ tròng khỏi đầu, vác phủ, gấp phủ. Song phủ cũng có những tư thế tương tự. Siêuvới các kiểu: loan siêu, bồng siêu, đề siêu, huy siêu, vớt siêu, siêu chém, siêu đâm, siêu đỡ…. Roi ngựa có các động tác: dắt ngựa, gò ngựa, lên ngựa, quất ngựa, phi ngựa, ngã ngựa, ngựa thắng trận, ngựa bại trận….
Vở Đào Tam Xuân loạn trào
Về cơ bản, đạo cụ và binh khí trong nghệ thuật tuồng mang tính chất ước lệ, tượng trưng, nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể (như lấy chiếc roi ngựa để thay thế cho con ngựa, dùng mái chèo thay cho con thuyền). Trong các vở diễn, nhân vật đi đường trường thường dùng ngựa nhưng không có con ngựa nào được đưa lên sân khấu mà chỉ có chiếc roi ngựa cầm trong tay diễn viên, vừa tượng trưng cho con ngựa vừa tượng trưng cho đuôi ngựa. Diễn viên thực hiện động tác đưa roi ngựa lên cao, quay tròn cùng với động tác chân đi gập ghềnh vó ngựa một vòng trên sân khấu thì khán giả hiểu là nhân vật đang phi ngựa trên đoạn đường dài đầy gian nan, vất vả hoặc roi ngựa đưa lên cao rung nhẹ kết hợp với bước đi khoan thai thể hiện sự ung dung, thư thái của người cưỡi ngựa dạo cảnh … Khác với các loại binh khí ngoài đời chủ yếu để tự vệ hoặc gây sát thương cho đối thủ thì sử dụng binh khí trên sân khấu tuồng nhằm tôn vẻ đẹp, tầm vóc nhân vật nên kích thước nhỏ hơn và không giống hoàn toàn binh khí thật. Cụ thể như kiếm không làm nhọn đầu, lưỡi kiếm không mài sắc để tránh gây thương tích cho diễn viên khi lên sàn… Vật liệu chính để tạo nên binh khí trong tuồng truyền thống là gỗ, chất liệu thép rất ít. Đến những năm 1930 - 1945 khi hình thức tuồng Xuân Nữ ra đời và phát triển thì chất liệu làm binh khí trong nghệ thuật tuồng được thay đổi bằng innox hoặc thép sáng hơn. Thêm vào đó là các chiêu thức đấu võ, đánh kiếm cũng được sử dụng để tạo tính hấp dẫn, lôi cuốn khán giả khi diễn các màn đánh nhau. Trong hát Bội, các nhân vật khi ra trận thường mang theo vũ khí và nhân vật nào mang theo vũ khí gì là tùy thuộc vào tính cách của nhân vật đó nhưng phải hài hòa với trang phục và giúp cho động tác múa của diễn viên thêm phần thẫm mỹ và đặc biệt là làm rõ tính cách, vị trí, tầm vóc của từng nhân vật. Phần lớn, các vai đào là nữ tướng thường dùng Song kiếm như Lan Anh (tuồng Hộ Sanh Đàn), Liễu Nguyệt Tiêm (tuồng Đào Phi Phụng), Trại Ba (tuồng Ngũ hỗ bình Tây), Bùi Thị Xuân (tuồng Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc), … Còn vai kép thì dùng Thương như Triệu Khánh Sanh(tuồng Diễn võ đình), Kim Lân (tuồng Sơn Hậu)… Nếu như kép núi dùng Độc phủ như Châu Thương (tuồng Cổ Thành), Tiết Cương (tuồng Hộ sanh đàn) thì nhân vật Triệu Tư Cung (tuồng Tam nữ đồ vương) lại sử dụng Song Phủ rất linh hoạt và đẹp mắt. Các nhân vật kép con thường dùng Song chùy như các nhân vật Đào Phi Long (tuồng Đào Phi Phụng), Hoàng Phi Hóa (tuồng Trầm hương các) còn những vai tướng lớn thường dùng Đại đao như Quan Công (tuồng Cổ Thành) Cáp Tô Văn (tuồng Đường chinh Đông) hay các vai đào võ đặc biệt như Chung Vô Diệm (tuồng Chung Vô Diệm), Đào Tam Xuân (tuồng Tam hạ nam đường) cũng sử dụng Đại đao rất độc đáo. Các tướng khác thì dùng phương thiên họa kích như các nhân vật Tiết Nhơn Quý (tuồng Đường Chinh Tây), Lữ Bố (tuồng Phụng Nghi Đình). Kim giản là một binh khí thể hiện quyền lực cao như thái sư Văn Trọng (tuồng Trầm hương các), Cao Hoài Đức, Trịnh Ân (tuồng Trảm Trịnh Ân) ….Nhân vật lão (người lớn tuổi) thường dùng gậy như Diệm Cửu Công (tuồng Tam hùng kiệt). Ngoài ra, một số vở tuồng lấy tích từ truyện cổ Trung Quốc nên nhân vật dùng đạo cụ gì là do xuất phát từ trong tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc. Đạo cụ của bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng phong phú là vậy nhưng binh khí được sử dụng nhiều nhất vẫn là cung, kiếm, đao, thương. Mỗi loại đều có tính năng và tác dụng riêng. Tùy cách sử dụng đạo cụ và khả năng diễn xuất của diễn viên mà binh khí có thể phát huy vai trò là nâng tầm nhân vật. Như khi sắm vai Lưu Kim Đính (tuồng Tam hạ nam đường) thì diễn viên phải cầm lưỡng đầu thương mới xứng tầm với một nữ tướng tài ba. Sử dụng được nhiều loại binh khí là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ biểu diễn của người diễn viên. Nhưng để sử dụng tốt binh khí trong nghệ thuật tuồng đòi hỏi ở người diễn viên phải hội tụ đủ nhiều yếu tố. NSƯT Tuyết Mai cho biết: “Muốn sử dụng binh khí trong tuồng thành thạo, động tác múa đẹp thì trước hết diễn viên phải học và biết các bài thảo cơ bản của võ thuật để áp dụng vào múa tuồng. Đồng thời, người diễn viên cần có năng khiếu bẩm sinh, đặc biệt là phải có niềm đam mê với nghề hát Bội và chịu khó khổ luyện mới thành công…”.