Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển Đoàn tuồng Đào Tấn

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
ĐOÀN TUỒNG ĐÀO TẤN
 
Bình Định, nơi có mạch nguồn văn hóa đồ sộ được đắp bồi cùng với quá trình mở cõi của cha ông từ hàng trăm năm trước. Trong thời gian đó, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa, vừa tiếp nhận những giá trị của các vùng văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình. Bình Định, nơi phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn với tên tuổi của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, thường được gọi là "Đất Võ", nhưng bên cạnh đó cũng được mệnh danh là "Đất Tuồng". Bởi thế mới có câu:
                                      Má ơi đừng đánh con đau
                                      Để con hát bội làm đào má coi
          Hay:
                                      Tai nghe trống chiến
                                      Không khiến cũng đi
                                      Nghe giục trống chầu
                                      Đâm đầu mà chạy
Nghệ thuật hát Bội (Tuồng) -  vốn quý của dân tộc, đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định, gắn liền với tên tuổi các nhà soạn Tuồng xuất sắc nhất Việt Nam như:  Đào Duy Từ, Đào Tấn. Chính vì ham mê Tuồng như vậy nên sự ra đời của Nhà hát tuồng Đào Tấn - Đoàn tuồng Đào Tấn trên mảnh đất Bình Định cũng chính là nguyện ước của người dân nơi đây.
          Sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng “về vấn đề phục hồi vốn cổ dân tộc”, tháng 4 năm 1952 Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu V làm đơn vị điển hình nhằm phục hồi, phát triển ngành nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc.
 Thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến, tháng 10 năm 1954, Đoàn tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc, đứng chân tại Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội).
-  Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Đoàn tuồng Liên khu V về lại nơi sinh thành, đứng chân tại Quy Nhơn - Bình Định. Hơn một nửa nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt trở về kết hợp với các nghệ sĩ từ chiến khu xuống và Đội tuồng Đồng ấu do nghệ nhân Tư Cá đào tạo tại chỗ hợp lại thành Đoàn tuồng Nghĩa Bình (thời kỳ này, hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập thành Nghĩa Bình).
Năm 1978, Đoàn tuồng Nghĩa Bình được nâng cấp thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình để mở rộng tầm hoạt động nghệ thuật, đáp ứng rộng rãi nhu cầu thưởng thức của vùng đất có rất đông khán giả mến mộ nghệ thuật Tuồng.
Sau 03 lần diễn ra Hội nghị khoa học về nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, năm 1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định đổi tên Nhà hát tuồng Nghĩa Bình thành Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Thực hiện Quyết định hợp nhất của UBND tỉnh Bình Định, từ tháng 4 năm 2020, “Nhà hát tuồng Đào Tấn” hợp nhất với “Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định” và đổi tên thành “Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định” đến nay.
          Hơn 65 năm hình thành và phát triển, tuy phải trải qua muôn vàn gian khó nhưng nhờ có ánh sáng đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng soi đường chỉ lối, sự quan tâm, đùm bọc của nhân dân, Đoàn tuồng Đào Tấn vẫn giữ được truyền thống là một trong những con chim đầu đàn trong số các đơn vị sân khấu truyền thống, luôn nhận được sự đánh giá cao của khán giả trong nước. Nghệ thuật Tuồng Đào Tấn cũng đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới như: Liên Xô (cũ), Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ), Bun- ga ri, Lào, Cam Pu Chia, Trung Quốc, Hàn Quốc, … và đã nhận được sự hoan nghênh, tán thưởng của bạn bè quốc tế. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, Đoàn tuồng Đào Tấn đã giành được nhiều phần thưởng, giải thưởng cấp quốc gia, rất nhiều nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
          Nhiệm vụ của Đoàn tuồng Đào Tấn trong thời kỳ mới là khai thác, phục hồi các vở tuồng truyền thống, xây dựng vở mới; tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật tuồng đến với công chúng, góp phần giữ gìn và phát huy vốn nghệ thuật truyền thống độc đáo của cha ông, cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây