CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG TRUNG QUÂN CỦA ĐÀO TẤN QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TUỒNG TIÊU BIỂU

Thứ sáu - 31/12/2021 02:37
CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG TRUNG QUÂN CỦA ĐÀO TẤN QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TUỒNG TIÊU BIỂU
         Đề tài trong Tuồng nói chung vốn rất phong phú, đa dạng nhưng trong Tuồng cổ chủ yếu vẫn xoay quanh chủ đề “quốc - quân” với những nội dung như: phò vua diệt nịnh, vua băng nịnh tiếm, bà chúa mắc nạn, ông trạng bị vây, tôn vương tước vị…Chữ “trung quân” được hiểu là trung thành với nhà vua - người đứng đầu thiên hạ dưới chế độ phong kiến.
          Nếu như các vở tuồng cổ trước đó, tư tưởng “trung quân” luôn chiếm vị trí độc tôn, bất di bất dịch trong mọi trường hợp, kể cả đánh đổi mạng sống của bản thân và gia đình thì đến thời của Đào Tấn, tư tưởng ấy đã từng bước được thay đổi và đạt đến đỉnh cao là từ bỏ vua bất minh để đến với chúa sáng tôi hiền, thông qua một số tác phẩm tuồng tiểu biểu của ông. Đó là: “Trầm hương các”, “Diễn võ đình”, “Hộ sanh đàn”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”…
           Với vở tuồng “Trầm hương các”, tác giả Đào Tấn đã phơi bày cảnh ăn chơi sa đọa của Trụ Vương và những sự việc bẩn thỉu đang diễn ra liên quan đến vận mệnh của đất nước: Vua Trụ vì ham mê tửu sắc mà bỏ bê triều chính để cho lũ yêu quái do Đát Kỷ cầm đầu quẫy nhiễu, gây náo loạn trong Triều. Bọn gian thần lợi dụng tình hình triều chính bê bối để lộng hành, trục lợi cá nhân. Triều đình mục nát, dân chúng đói khổ nổi dậy chống lại triều đình. Đó chính là bức tranh của xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông viết vở tuồng này vào lúc lòng tin nơi đấng minh quân đã mất. Đào tiên sinh mang trong lòng nỗi đau quặn thắt và nỗi giận lớn của tác giả trước thực trạng xã hội đương thời.

cham 114
Ảnh: Hoàng Dũng                                               Cảnh vở tuồng "Phong thần"


          Còn ở tác phẩm “Diễn võ đình”, sự bế tắc trong tâm tư của nhân vật chính thể hiện sự bế tắc trong tư tưởng Đào Tấn gắn liền với hạn chế lớn của một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cũng bởi triều đình rối ren, xã hội loạn lạc mà nhân vật chính của vở là Triệu Khánh Sanh- người anh hùng tuổi trẻ tài cao và mang hoài bão lớn nhưng lại sinh bất phùng thời: Vận nước đến hồi chuyển xoay, thời cuộc đổi thay, cái cơ nghiệp họ Triệu dày công xây đắp trong nhiều năm bị bọn gian thần chiếm đoạt. Không chống cự nổi những kẻ phản dân hại nước nên Triệu Khánh Sanh  đã phải chấp nhận nghịch cảnh: gia đình tan tác, thân trai phải giả gái để bảo toàn tính mạng, từ bỏ quê hương và người vợ mới cưới để ra đi mà chưa biết sẽ đi đâu, về đâu:
                                                                 “Chút thân liều gửi cung dâu
                                                             Đố con lương mã biết đâu là nhà?”
          Sự chán ghét chế độ đến bế tắc, khủng hoảng, mất phương hướng, chỉ biết đi về một phương trời xa xăm nào đó của Triệu Khánh Sanh cũng chính là tâm trạng của cụ Đào đối với triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ.
         “Diễn võ đình” là tác phẩm thể hiện sự bừng tỉnh thế giới quan của Đào Tấn bằng một nỗi đau đời. Tác giả nhìn thấy hiện thực xót xa, cay đắng và cho nhân vật chính Triệu Khánh Sanh phải hành động nhưng hành động với mục đích gì? Đi về đâu? Thì tác giả còn trong trạng thái tâm lý rối ren, chưa định hướng được.
         Đến vở tuồng “Hộ sanh đàn”, nhân vật chính của Đào tiên sinh là Tiết Cương bị bọn gian thần do tướng Võ Tam Tư cầm đầu truy đuổi ráo riết buộc anh phải bỏ đi. Nhưng sự ra đi của người anh hùng Tiết Cương khác nhân vật Triệu Khánh Sanh trước đó, là có phương hướng rõ ràng hơn. Đó là lên núi gây dựng cơ sở (dựng trại trên núi) để tránh sự truy sát, khủng bố của quân triều đình đang trong tình trạng rối ren, nhiễu loạn. Điều này cho thấy, trong ý nghĩ của mình, Đào Tấn đã muốn phản kháng lại cái triều đình nhà Nguyễn thối nát đương thời. Tuy nhiên, sự phản kháng đó ở cấp độ chưa cao, chưa mạnh mẽ và quyết đoán. Đây chỉ là sự suy nghĩ mang tính tự vệ của bản thân trong lúc gặp khó khăn, nguy hiểm giữa thời cuộc nhiễu nhương, mập mờ, không minh bạch.
        Với tác phẩm “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, quan niệm về đạo “trung quân” của Đào Tấn đã có sự thay đổi rõ rệt, nó mang tính đột phá thông qua hình tượng nhân vật Hoàng Phi Hổ và hành động vô cùng mãnh liệt, tấn công thẳng vào thành trì vững chắc của Nho giáo và dẹp bỏ nó một cách dứt khoát. Nếu như ở “Trầm hương các” mới chỉ là “bản cáo trạng” thì đến “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” mới đích thực là lời “tuyên án của phiên tòa”. Hoàng Phi Hổ vốn là tín đồ ngoan đạo của hệ tư tưởng Nho gia, đều tin và làm theo “tam cương, ngũ thường”, đem hết sức mình xây dựng đạo trung quân. Tuy nhiên, sau hành động mất nhân tính của Trụ vương: cưỡng hiếp Giã Thị (vợ của Hoàng Phi Hổ) nhưng không thành nên đã giết chết nàng cùng với Thứ Phi (em gái Hoàng Phi Hổ), vị tướng quân này đã tỉnh ngộ và có việc làm lông trời lỡ đất, đó là quyết định dứt bỏ Trụ Vương để đi tìm con đường mới cho mình, về với nhà Chu (Châu) và mong có “chúa sáng tôi hiền”.
Trước khi có hành động “bỏ Trụ đầu Châu”, Hoàng Phi Hổ đã phải dằn vặt, day dứt tâm can và thốt lên trong tâm trạng đau đớn:     
                                               “Trung quân chi chí cánh nan thành”
                                                (Cái chí trung quân ắt khó thành)
           Việc bỏ Trụ đầu Chu là một hành động đột phá, mang tính bước ngoặt của Hoàng Phi Hổ. Nó đã tách rời hai phạm trù ‘trung quân” và “ái quốc’. Mẫu thuẫn giữa “trung quân” và “ái quốc” đã đạt đến độ gay gắt chưa từng thấy, gỡ bỏ con người khỏi đạo trung quân mù quáng đã tồn tại, trói buộc họ hàng ngàn năm nay. Hành động ra đi của vị công thần Hoàng Phi Hổ đã đưa ra một ngã rẽ mới cho khái niệm “quân - quốc”, đó là “minh quân - ái quốc” (nghĩa là ái quốc luôn gắn liền với minh quân). Chỉ có minh quân thì ái quốc mới bền vững lâu dài, chỉ yêu nước khi vua anh minh.
           Qua chuỗi hành động của các nhân vật chính trong các vở tuồng tiêu biểu của Đào Tấn, chúng ta thấy rất rõ quá trình chuyển biến về mặt tư tưởng trong quan niệm “trung quân - ái quốc” của cụ Đào. Từ chỗ bế tắc đến tỉnh dần, thấy dần, hiện dần và tự tìm lối thoát cho mình. Từ việc chứng kiến thực tại thối nát của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đến trạng thái chán chường bỏ đi và cuối cùng là xóa bỏ đạo ngu trung mù quáng bằng hành động dứt khoát của Hoàng Phi Hổ “bỏ Trụ đầu Châu”. Với tác phẩm này của Đào tiên sinh được Phó GS. Tất Thắng trong cuốn “Nghệ thuật Tuồng - nhận thức từ một phía” đã nhận xét: “Đào Tấn đã nổ phát súng vào đề tài “quân quốc” và bắn chết tươi đạo trung quân mù quáng bằng “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” mà Vũ Ngọc Liễn đánh giá là bước ngoặt tư tưởng của Đào Tấn”. Nó thể hiện sự đau xót và nỗi niềm của tác giả trước vận nước và sự đổ vỡ của lý tưởng trung quân từng ngự trị qua nhiều thế kỷ, để đi tới những sáng tạo mới mang tính đột phá, xây dựng thành những hình tượng nhân vật điển hình là những bậc anh hùng vì nước vì dân, gần gũi với nhân dân, đầy chất nhân văn và thấm đượm tình người. Từ đấy, nhân vật chính trong tác phẩm của Đào Tấn khi triều đình có biến, không nhất thiết phải bảo vệ vua và ngai vàng bằng mọi giá, mà ngoài ca ngợi những người anh hùng tài ba còn có cả những con người bình thường, đặc biệt là đề cao những người phụ nữ anh hùng… thể hiện một bước tiến mới so với thời đại đáng được ca ngợi của Đào tiên sinh.

Tác giả bài viết: Thúy Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây