NHỮNG ĐÓNG GÓP LỚN CỦA ĐÀO TẤN ĐỐI VỚI NGHỆ THUẬT TUỒNG

Thứ tư - 29/12/2021 04:40
NHỮNG ĐÓNG GÓP LỚN CỦA ĐÀO TẤN ĐỐI VỚI NGHỆ THUẬT TUỒNG
          Đào Tấn vốn là một vị quan thanh liêm, từng giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng người đời sau nhớ tới ông chủ yếu về sự nghiệp văn chương, đặc biệt là nghệ thuật Tuồng với tư cách một Tác gia lớn, một Nhà lý luận, phê bình xuất sắc, một Thầy Tuồng mẫu mực, một Nhà soạn kịch, Nhà đạo diễn và Nhà cách tân Tuồng lỗi lạc.
         Trong sự nghiệp văn chương, Đào Tấn không những sáng tác các vở nổi tiểng về Tuồng mà còn sáng tác được nhiều thể loại thơ, văn, nhạc, nhưng các tác phẩm về nghệ thuật Tuồng là nổi bật và đặc sắc nhất. Ông là một Tác gia lớn, đã để lại cho đời sau hơn 40 vở tuồng và gần 1.000 bài thơ, từ, tản văn và liễn đối là tài sản nghệ thuật vô giá. Đặc biệt là các kịch bản tuồng được xem là “tuồng thầy” mẫu mực, mang tính kinh điển, với nội dung tư tưởng có tính giáo dục cao, nghệ thuật biên kịch chặt chẽ, văn phong trang nhã thường mượn cảnh để tả tình, dùng điển tích để biểu đạt, giàu hình ảnh và nhạc điệu như các tác phẩm “Trầm hương các”, “Diễn võ đình”, “Cổ thành”, “Hộ sanh đàn”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”….Đào Tấn  còn chấp bút sáng tác 68 hồi phần cuối của những vở tuồng dài hơn trăm hồi, diễn hàng trăm đêm như “Vạn bửu trình tường”, “Quần trân hiến thụy”. Ngoài ra, ông còn phục hồi, chỉnh lý, nhuận sắc một số vở như “Sơn Hậu”, “Tam nữ đồ vương”, “Đào Phi Phụng”,v.v…. Với hồi 2 của vở “Tam nữ đồ vương”, cụ Đào đã chỉnh lý thành 1 hồi và đổi tên thành “Khuê các anh hùng”. Khi dựng vở “Ngũ hổ bình Tây” của tác giả Nguyễn Diêu, có đoạn thấy chưa thấu tình đạt lý nên Đào tiên sinh đã cùng người nhà mang lễ vật đến tận nhà thờ của thầy, ông bày hương án vái lạy và xin thầy cho phép chữa lại….Nổi bật nhất trong các kịch bản mà cụ Đào sáng tác là tác phẩm “Hộ sanh đàn” được lọt vào top 100 kiệt tác hay của thế giới.

IMG 8927


Ảnh tư liệu

          Về văn, thơ, Đào Tấn có các tập nổi tiếng như “Mộng Mai ngâm thảo” (200 bài), “Mộng Mai thi tồn” (50 bài), “Mộng Mai từ lục” (37 bài) và gần 300 bài thơ viết về những điều mắt thấy tai nghe thời bấy giờ.
Về nhạc Tuồng: Ông phụng chỉ nhà vua soạn nhiều “Nhạc chương khúc điệu” để phục vụ triều đình và sáng tác các bài “Giá ban”, “Lý thượng” trong tuồng “Hộ sanh đàn”.
        Đào Tấn thực sự đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm Tuồng rất đồ sộ cả về số lượng tác phẩm lẫn chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm.
        Đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm tuồng Đào Tấn là chẳng những phản ảnh sâu sắc những vấn đề xã hội đương thời mà còn bộc lộ quá trình, diễn biến tư tưởng cũng như những mâu thuẫn trong thế giới nội tâm của những người làm quan như ông. Tuồng cụ Đào thường gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự cửa đất nước, mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với quan điểm gần gũi với nhân dân. Đặc biệt là sự thay đổi trong quan niệm về chữ “Trung”- chủ đề vốn có sức sống mãnh liệt trong Tuồng cổ trước đó đã không còn “thống trị” nữa. Với Tuồng Đào Tấn, “Trung quân” đã không đồng nghĩa với “ái quốc”, cái thế giới của vua, quan đã dần biến mất mà nhưỡng chỗ cho một thế giới khác, thế giới của những Tiết Cương, Lan Anh, Hồ Nô, Dương Tú Hà… những con người của cuộc sống đời thường, ngoài môi trường quan lại, triều đình. Bên cạnh đó, các vở tuồng của Đào Tiên sinh cũng đã có bước tiến mới khi chú trọng khai thác, miêu tả rất tinh tế thế giới nội tâm bên trong hết sức phong phú và đa dạng của các nhân vật anh hùng như Tiết Cương, Triệu Khánh Sanh, Hoàng Phi Hổ, … bằng những lời thơ sâu sắc và thấm thía. Trong sáng tác kịch bản, Đào Tấn không chỉ giỏi về âm luật thơ nói chung mà còn rất sành về âm luật của văn thơ Tuồng. Ngôn ngữ Tuồng Đào Tấn rất mượt mà, giàu hình tượng khái quát và đậm chất bác học.
          Ngoài tư cách là nhà soạn tuồng xuất sắc, Đào Tấn là thầy Tuồng đào tạo nên đội ngũ nghệ sĩ tài danh từ các “Học bộ đình” ở Nghệ An và Vinh Thạnh (Bình Định). Ông đã đích thân dạy hát, múa, biểu diễn rất kỹ lưỡng cho các học trò. Đào Tấn vừa ra bộ vừa hát cho người diễn viên nhận rõ được nét mặt, giọng hát, cử chỉ thế nào thì ăn khớp với ý nghĩa của câu Tuồng, vừa đi đôi với với tuổi tác, tính cách của vai Tuồng. Vì thế, Đào tiên sinh đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ giỏi như Bát Phàn, Cửu Khi, Đội Hiệp, Cai Tám, Cai Tư, Chánh Ca Đựng, Chánh Ca Ghình. Người học trò cuối cùng của cụ Đào là NSND Phạm Chương (Mười Thân) nổi tiếng với những vai kép xanh, kép xéo.
Đào Tấn còn là một nhà lý luận, phê bình tuồng sắc sảo, đưa ra nhiều quan điểm nghệ thuật tiến bộ, nhiều vấn đề mang tính cốt lõi của nghệ thuật. Công trình tiêu biểu nhất là cuốn “Hý trường tùy bút”. Đây là tập sách có tính chất lý luận, tập hợp những bài viết, thư từ trao đổi của Đào Tấn đề cập tương đối toàn diện về nghệ thuật sân khấu Tuồng. Cụ Đào cũng bàn về mối quan hệ giữa sân khấu và hiện thực xã hội, sân khấu và cuộc đời “sân khấu tuy là nơi diễn chuyện giả nhưng lấy chuyện giả mà bàn chuyện thật”. Vị Hậu tổ của nghệ thuật Tuồng cũng là người có công“nâng nghệ thuật Tuồng từ hình thái sân khấu dân gian lên hình thức sân khấu cung đình và bác học”.
          Với vai trò một nhà soạn kịch, nhà đạo diễn, nhà cách tân Tuồng từ phương pháp sáng tác đến nghệ thuật biểu diễn, Đào Tấn góp phần quan trọng trong việc  nâng tầm giá trị nghệ thuật truyền thống. “Ông chú trọng đến nội tâm, bỏ thô lấy tinh, thấu tình đạt lý, coi trọng cái chính hơn cái phụ, cái trong lọc hơn cái rườm rà, cái ý tứ hơn là nghĩa đen, cái sâu xa bên trong hơn hình thức bên ngoài” tạo cho nghệ thuật Tuồng có được đặc trưng độc đáo, bề thế và uyên bác; xây dựng nên những mô hình, trình thức nghệ thuật mang tính tượng trưng, ước lệ, khái quát cao theo phương châm:
                                             “Tùy xứ khôi hài Mạn Thiến tiên bản sắc
                                            Phùng trường tác hý Hoan Hỷ Phật tiền thân”
(Nghĩa là tùy chỗ, tùy đối tượng mà hài hước, châm biếm đó là bản sắc của tiên Mạn Thiến. Tùy hoàn cảnh sân khấu mà diễn, mà viết, mà xử lý cho thích hợp là tiền thân của Phật Hoan Hỷ).
Đối với nghệ thuật sân khấu, Đào tiên sinh có quan niệm rất tiến bộ, thể hiện qua câu đối đề ở rạp hát “Như thị quan” của ông tại Nghệ An:
                                      “Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ
                                       Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân”
             (Dịch nghĩa:     Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh
                                      Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân)
          Câu đối cho thấy một Đào Tấn ý thức rất rõ vai trò của nghệ thuật hát Bội trong mối liên hệ với cuộc sống. Ông muốn thông qua nghệ thuật hát Bội để nói lên nỗi niềm trước thời cuộc của chính mình, đồng thời cũng nhận thấy giá trị di dưỡng tinh thần cao quý của bộ môn nghệ thuật này.
        Cụ Đào không chỉ mạnh dạn cách tân về kịch bản mà còn bố cục lại cho gọn gàng hơn so với Tuồng cổ và mở rộng không gian kịch bằng việc dựng sân khấu điền dã. Những ngày nghỉ hưu tại quê nhà, ông không cho diễn trên sàn gỗ nhỏ hẹp nữa mà đưa ra giữa không gian thiên nhiên. Chẳng hạn, để diễn lớp đoạt đò (tuồng Châu Lý Ngọc), ông cho đắp bờ cao một khoảnh ruộng của nhà mình và mở nước vào cho đầy rồi bố trí cho diễn viên bơi thuyền thật và đoạt thuyền như thực tế ngoài đời, tạo ra không gian rất chân thật và gần gũi với cuộc sống.
Tuồng Đào Tấn phần lớn chỉ có một hồi, giới thiệu (giao đãi) nhanh, vào kịch sớm và thường kết thúc không theo lối có hậu, mang tính “mở” góp phần làm cho vở diễn hấp dẫn, cuốn hút hơn so với Tuồng cổ trước đó. Chẳng hạn như kết thúc vở “Diễn võ đình” ông đã để anh hùng Triệu Khánh Sanh thốt lên câu hát đầy bế tắc, tuyệt vọng, khiến người xem không khỏi bùi ngùi, xúc động và lo lắng cho số phận nhân vật:
                                                   “Hương quan hà xứ thị?
                                                   Yên ba giang thượng sử nhân sầu
                                                  Chút thân liều gửi cung dâu
                                                  Đố con lương mã biết đâu là nhà?
          Khi còn làm quan trong triều đình nhà Nguyễn do sự hà khắc của luật lệ lúc bấy giờ, cụ Đào không trực tiếp tham gia các phong trào yêu nước nhưng ông luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực chính nghĩa, phê phán những cái xấu xa của bọn vua quan. “Tư tưởng và tình cảm ấy của Đào Tấn đã được bộc lộ khá rõ trong các tác phẩm nghệ thuật của ông”. Ông làm quan là để có điều kiện làm nghệ thuật, để gửi gắm tâm trạng, chính kiến của mình thông qua con đường làm nghệ thuật.
          Đào Tấn được giới học giả, các nhà nghiên cứu lý luận học thuật xưa và nay ca ngợi: Là người nghệ sỹ nhiều tài năng, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp nghệ thuật Tuồng của dân tộc. Chính tài năng, vị trí, vai trò và những đóng góp đối với nghệ thuật Tuồng của ông đã được ngành Tuồng cả nước đương thời suy tôn là bậc Hậu tổ, được Nhà nước  tôn vinh là “Danh nhân Văn hóa” của đất nước. Đào tiên sinh đã làm rạng rỡ nghệ thuật sân khấu Tuồng và giới nghệ sĩ Tuồng. Khẳng định giá trị của Tuồng Đào Tấn, giáo sư Hoàng Châu Ký từng viết: “….Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên cơ sở bối cảnh xã hội, tình cảm con người có nhiều biến động lớn, phát triển mới, tác phẩm nghệ thuật yêu cầu phải phản ánh được hiện thực đó. Đào Tấn đã giải quyết vấn đề này với những tác phẩm của mình, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Chỗ lớn của Đào Tấn là ở chỗ đó. Cũng chính điểm đó, Đào Tấn sẽ trường tồn”.

Tác giả bài viết: Thúy Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây