1. Độc tấu “Trống trận Tây Sơn” (có múa cờ hội)
Nhân dân ta truyền rằng: Quang Trung - Nguyễn Huệ thường dùng bài nhạc này để cổ vũ khí thế binh sĩ tiến quân ra trận, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
“Trống trận Tây Sơn” còn có tên gọi là nhạc Võ Tây Sơn, đây là tiết mục diễn tấu 12 trống độc đáo, tượng trưng cho 12 con giáp, tương truyền được vua Quang Trung sử dụng để luyện tập binh sỹ, ngợi ca những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Bài trống có 3 phần:
1. Tập hợp, luyện binh, hành quân
2. Xung trận phá thành
3. Ca khúc khải hoàn
Biểu diễn: Nghệ sỹ Đinh Văn Công cùng tập thể dàn nhạc.
Múa cờ: NSƯT Ngọc Nhân, NSƯT Đức Thành, nghệ sĩ Thái Phiên và nghệ sĩ Tuấn Long.
Tiết mục “Trống trận Tây Sơn”
2. Đơn ca nữ “Đất nước lời ru”
Ca khúc mang âm hưởng dân gian, không chỉ giới thiệu những khúc hát ru, ngợi ca tình mẫu tử thuần túy, mà lớn lao hơn là biểu tượng của đất nước, Tổ quốc thiêng liêng. Người mẹ trong bài này được tác giả nâng lên một tầm cao: đó là biểu tượng của đất nước, Tổ Quốc. Mỗi người dân Việt Nam không thể thoát ly đất mẹ của mình, như những đứa con không thể thiếu mẹ. Đất nước là cội nguồn, là máu thịt, là những gì thiêng liêng nhất đối với mỗi người con Việt Nam. Chính vì vậy, ca khúc “Đất nước lời ru” hướng đến một biểu tượng bất tử về Người mẹ dân tộc, người mẹ cội nguồn, người mẹ đất nước. Tiếng lòng của nhạc sỹ Văn Thành Nho lúc nào cũng đồng hành với tiếng lòng của lời ru đất nước.
Biểu diễn: NSƯT Thanh Bình
3. Múa “Sắc xuân”
Với đạo cụ chính là những chiếc quạt cùng những bộ trang phục màu sắc đẹp mắt kết hợp với các động tác múa thoăn thoắt, mềm mại, uyển chuyển của các cô gái đã góp phần tạo nên không khí vui tươi, hồ hởi, phấn khởi khi mùa xuân đến. Mùa xuân là để yêu thương và hy vọng. Người dân vùng “đất Võ, xứ Văn chương” luôn trông chờ, hy vọng vào những điều may mắn, những hạnh phúc lớn lao và những thành quả đạt được vào mùa xuân.
Biên đạo: NSƯT Thanh Bình
Biểu diễn: Tốp nữ
4. Biểu diễn võ thuật
Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, Võ cổ truyền Bình Định phát triển, lan tỏa rộng khắp, là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc và là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Bình Định, đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân.
4.1. Đồng diễn Chấn thiên cung – Biểu diễn : Anh Ny, Trúc Anh, Hồng Trang.
Bài chấn thiên cung được lưu giữ tại võ đường Hồ Sừng, do võ sư Hồ Văn Sỹ cung cấp. Toàn bài có 77 hành pháp liên thao di chuyển theo nghệ thuật bát quái đồ hình. Với những động tác kỹ thuật ngắm bắn ,Giữ trọng tâm sao cho cơ thể cân bằng. Chuẩn bị cung tên và điều hòa lại nhịp thở. Nâng cung tên lên khỏi phần đầu. Từ từ kéo dây cung và bắn mục tiêu.
4.2. Đồng diễn song phượng kiếm – Biểu diễn : Câu lạc bộ Ngũ phụng thư TP Quy Nhơn.
Bài Song phượng kiếm do Đô đốc Bùi Thị Xuân tự nghiên cứu chiêu thức mà soạn thành bài pháp này, trong thời kỳ bà huấn luyện đội tượng binh ở vùng đất Tây Sơn thượng. Theo lưu truyền buổi tập nào Bà cũng thấy một đôi chim phượng đậu trên cành cây đùa nhau, bay lượn xem bà tập, từ đó hằng đêm Bà mô phỏng những động tác bay lượn đùa nhau của đôi chim phượng, Bà soạn xong bài pháp này, và sau đó truyền dạy xuống cho “Ngũ phụng tiên” theo bà đánh giặc, bài có tầm sát pháp rất cao. Bà soạn xong bài pháp này là ngày 20 tháng 12 năm Canh Dần (1770).
Tiết mục biểu diễn võ thuật
4.3. Song diễn Phong hoa đao – Biểu diễn : Thanh Thích, Hoàng Hà.
là bài binh khí quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Phong Hoa đao là một trong Ngũ bộ Phong hoa gồm Phong hoa kiếm, Phong hoa đao, Phong hoa côn, Phong hoa thương, Phong hoa thiết phiến của môn phái Hoa quyền.
Hoa Quyền là một võ phái cổ truyền Việt Nam, do cố Võ sư Hoàng Văn Thơ (1890 - 1976) sáng lập tại Bắc bộ dựa trên những sở học của bản thân. Ông đã có dịp học võ với nhiều thầy cả người Việt lẫn người Hoa ở các vùng khác nhau. Ông truyền nghệ cho con trai mình là Võ sư Hoàng Thanh Vân (1922 - 2013) trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1950 với tên gọi là môn võ Hoa Quyền của dòng họ Hoàng. Võ sư Hoàng Thanh Vân cứ theo đó gọi môn phái của mình là Hoa Quyền. Hiện tại con trai của cố Võ sư Hoàng Thanh Vân là Võ sư Hoàng Trường Giang kế thừa Chưởng môn đời thứ 3 Môn phái Hoa Quyền.
Phong hoa đao khi thi triển thì lúc cương, lúc nhu, chiêu thức liền mạch theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các đòn thế kín kẽ, uyển chuyển, dũng mãnh. Phong hoa đao chia làm 4 thức tượng trưng cho 4 hướng, mỗi thức có 9 thế tượng trưng cho 8 hướng và trung tâm. Tổng cộng 36 thế.
4.4. Thanh long độc kiếm – Phạm Trường Thịnh.
Thanh long độc kiếm là bài binh khí của Võ phái Thanh long võ đạo, do cố Võ sư Lê Kim Hòa giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc bình chọn năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh và thi đấu trong toàn quốc. Kiếm là loại binh khí ngắn hai lưỡi được tôn xưng là “vua của trăm binh khí có lưỡi”. Sách sử chép rằng kiếm xuất hiện rất sớm, từ thế kỷ 17 trước Công nguyên.
Trong thời kỳ cổ đại, trừ việc dùng kiếm làm binh khí chiến đấu và luyện tập võ nghệ, kiếm còn là biểu tượng cho quyền lực, địa vị, đẳng cấp trong lễ nghi, kiếm cũng được coi là một thứ trang sức, văn nhân, học sĩ đeo kiếm để tỏ ra minh là cao nhã không dung tục.
Thanh long độc kiếm uy dũng như rồng xanh. Kiếm đi thức đẹp. Thế kiếm tựa gió
bay. Kiếm hoa như phụng vũ.
5. Trích đoạn tuồng “Đi sứ” trích trong tuồng “Ngoại Tổ dâng đầu”
Vương sứ được lệnh của đức tân quân đi sứ ở ải Viên Ngoại Tổ với nhiệm vụ khuyên bảo Viên Ngoại Tổ tự cắt đầu về đem dâng cho ông. Với công việc khó khăn này, Vương sứ vô cùng lo lắng, rầu rỉ, tâm sự nỗi lòng với hai quân lính của mình và cùng nhau lập bàn hương án cầu khẩn cho chuyến đi được thuận buồm xuôi gió.
Với cách diễn xuất hài hước, vui nhộn, hóm hỉnh của các nghệ sĩ Nhà hát hy vọng sẽ mang lại tiếng cười thư giãn cho khán giả vào dịp cuối tuần.
Biểu diễn: Nghệ sĩ Quốc Việt trong vai Sứ quan
Các nghệ sĩ: Quốc Hòa - Thái Anh trong vai quân
Trích đoạn tuồng “Đi sứ”
6. Đơn ca “Sáng mãi một tình yêu Quy Nhơn”
“Quy Nhơn một trang sách mới đi vào lòng người
Quy Nhơn màu xanh nắng mới sâu nặng tình người”
Bài hát ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, phản ánh sự đổi thay diện mạo qua từng ngày và tình người chứa chan, sâu nặng của mảnh đất Quy Nhơn thân yêu.
Sáng tác: Chung Thế Nghiệp
Biểu diễn: Nghệ sĩ Thanh Trực
7. Biểu diễn võ thuật
Bình Định được mệnh danh là miền “đất võ – xứ văn chương”, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, nơi phát tích của triều đại nhà Tây Sơn. Với những chiến công hiển hách, lẫy lừng của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ. Vùng đất giàu truyền thống thượng võ, được lưu giữ bảo tồn và phát huy cao độ nét văn hóa độc đáo : Võ cổ truyền Bình Định cho đến ngày nay. UBND Tỉnh đã xây dựng hồ sơ khoa học VCTBĐ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
7.1. Bạch Hổ quyền - Biểu diễn : Lê Quang Nhật.
Lấy chúa sơn lâm làm hình tượng, bài quyền mang thần thái uy nghi của loài mãnh hổ. Động tác dứt khoát, tấn thoái nhịp nhàng, xoay chuyển biến hóa. Lúc chậm thì ung dung, lúc nhanh lại vô cùng dũng mãnh. Các chiêu thức dựa trên triết lý "dĩ nhu chế cương" nên dứt khoát mà không thô kệch, cứng rắn; mạnh mẽ nhưng biến ảo trong những thủ pháp đặc dị. Bộ pháp và Thân pháp nhịp nhàng biến hóa, hỗ trợ cho thủ pháp luôn che phủ kín thân mình khi phòng thủ và dũng mãnh khi tấn công. Tiết mục Bạch hổ quyền Quang Nhật đã giành huy chương đồng tại Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 tại Gia Lai vừa qua.
7.2. Song đao phá thạch - Biểu diễn : Hồng Trang.
Bài song đao phá thạch là một trong những bài rất đặc trưng của lối đánh thực chiến Bình Định. Với độ khéo léo, bộ pháp uyển chuyển, thân pháp nhanh nhẹn, động tác dứt khoát, Hồng Trang đã mang về cho đơn vị Bình Định 3 Huy chương Vàng liên tiếp tại các giải Quốc gia.
7.3. Hùng kê quyền - Biểu diễn: Trúc Anh.
Bài Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ biên soạn, trong ba anh em nhà Tây sơn, Nguyễn Lữ là em thứ ba. Vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, thích văn hơn võ. Tuy nhiên , ông cũng học được nhiều môn võ và chuyên về môn “Miên quyền”. Vốn mê xem gà đá, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm, nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn, các thế lặn hụp, tránh né, xỏ vỉa, đâm sường, của con gà nhỏ. Để rồi tạo ra thế phản công, đá bại con gà lớn. Từ đó ông rút ra các yếu tố kỷ thuật sáng tạo nên bài Hùng Kê quyền, rất phù hợp với tầm vóc và lối đánh của người Việt Nam: “Yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều”.
Với sự nỗ lực rất lớn từ bản thân và được rèn dạy bản lĩnh về biểu diễn cũng như thi đấu Trúc Anh đã xuất sắc mang về tấm huy chương vàng tại Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 tại Gia Lai. Và sắp tới tại Bà Rịa Vũng Tàu , Trúc Anh sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ vững thanh tích của mình – đẳng cấp kiện tướng Quốc gia.
7.4. Đồng diễn U linh thương – Biểu diễn : Thanh Thích, Quốc Thắng, Quốc Kha, Quốc Huy.
Giai thoại kể rằng: Mở đầu triều đại nhà Lý, Lý Công Uẩn lê ngôi lấy niên hiệu “Thuận thiên hoàng đế Lý Thái tổ”. Giữa lúc thời loạn nên hoàng đế phải nhiều phen thân chinh cầm quân đi dẹp giặc tại những vùng rừng núi thâm u tịch mịch. Xét thấy giao chiến lúc ban đêm tối trời, rất khó cho binh lính sử dụng những loại binh khí thông thường. Hoàng đế Lý Thái tổ đã sáng tạo ra bài U Linh thương, truyền dạy cho binh sĩ sử dụng rất hiệu quả trong chiến đấu lúc tối trời. Ông gom các chiêu thức từ nhiều chiến trận mà hợp thành bài pháp này, với những hành pháp liên hoành, loạn mã tung thương rất săc bén.
Một điều đặc biệt là suốt hơn nghìn năm, bài võ U Linh Thương của Hoàng đế Lý Thái Tổ vẫn được miền đất võ Bình Định lưu truyền sử dụng cho đến ngày nay.
Tiết mục múa “Lên Tháp”
8. Tiết mục múa “Lên Tháp”
Dân tộc Chăm có những lễ hội sôi động với những điệu múa đẹp lạ lùng, quyến rũ, ẩn chứa những hình tượng văn hóa độc đáo. Nét văn hóa Champa đã làm xao xuyến lòng người qua những điệu múa, lời ca u hoài, huyền ảo. Những điệu múa Chăm là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Ẩn sâu bên trong những điệu múa ấy, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa Chăm, linh thiêng, huyền bí nhưng không kém phần lãng mạn, tuyệt mỹ.
Xin mời quý vị cùng thưởng thức tiết mục múa “Lên Tháp”
Âm nhạc: Nhạc sỹ Phú Quang
Biên đạo: NSND Đặng Hùng
Biểu diễn: Tốp nữ