VỞ TUỒNG "NỖI OAN TÌNH"- SỨC CUỐN HÚT KỲ LẠ

Thứ ba - 26/12/2023 21:19
Kể từ thời điểm dàn dựng năm 1991 đến nay, vở tuồng “Nỗi oan tình” luôn có “sức hút” kỳ lạ đối với khán giả ở "đất Tuồng" Bình Định, từ thành phố cho đến nông thôn, niềm núi hay hải đảo xa xôi với với tần suất diễn rất lớn, hơn 100 đêm diễn. Đâu đâu người dân cũng muốn xem “Nỗi oan tình” nếu có Nhà hát Tuồng Đào Tấn - Đoàn Tuồng Đào Tấn biểu diễn. Thể theo nguyện vọng của bà con, có những lúc vở tuồng này được diễn đi diễn lại mấy năm liên tục nhân dịp đầu Xuân hay các sự kiện quan trọng của  các địa phương như huyện Tuy Phước, Tây Sơn hay thành phố Quy Nhơn… thu hút một lượng khán giả rất lớn. Vậy, lý do nào để vở tuồng “Nỗi oan tình” có “sức sống bền bỉ” đến nay?
Vở tuồng “Nỗi oan tình” của tác giả - NSND Doãn Hoàng Giang, chuyển thể - tác giả Sỹ Chức, đạo diễn NSƯT Hoàng Ngọc Đình còn có tên gọi khác là “Chiếc bóng oan khiên”,  lấy từ tích truyện “Trruyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Mai Hương là người phụ nữ thảo hiền, sống hết mình vì chồng vì con, luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người vợ. Nhưng nàng bị chồng nghi ngờ là không chung thủy, phản bội lời thề bởi con không nhận cha lúc chồng trở về nên nàng bỏ đi tự vẫn và được Nhà sư cứu giúp đem về chùa dạy võ. Lúc đất nước gặp nạn can qua, nàng đóng giả nam nhi, lấy tên chồng là Trịnh Lang và xin gia nhập đội quân của Tổng trấn Lê Trung giúp vua đánh giặc cứu nước, trở thành một Phó tướng tài ba lỗi lạc, mưu trí ngoan cường chiến thắng quân giặc. Sau khi hết họa binh đao, dù trong thế sự đảo điên, tôi trung - gian nịnh lẫn lộn, có những kẻ đem lòng nhỏ nhen, ích kỷ đố kỵ với phó tướng “Trịnh Lang”. Nhưng với tài trí cao thâm và được sự ủng hộ của bậc tôi trung như lão tướng Trần Dinh, nàng đã được nhà vua trọng dụng làm Quan Tổng trấn. Chồng nàng - Trịnh Lang sau khi biết sự thật về vợ mình luôn kiên trinh, tiết lễ thờ chồng đã hối hận, khóc thương nàng đến mờ cả hai mắt và cùng con là Trịnh Đồng phiêu bạt khắp nơi tìm Mai Hương. Sau hơn 10 năm xa cách, gia đình họ lại được tái ngộ, đoàn viên trong niềm xúc động nghẹn ngào.

vở NỖI OAN TÌNH
                     
                                          Cảnh trong vở tuồng "Nỗi oan tình" hiện nay

Quả thật, vở tuồng “Nỗi oan tình” có cốt truyện hay, ngắn gọn, súc tích, kết thúc có hậu, mang tính thời sự và gắn với thực tế. Đặc biệt là vở diễn mang tính giáo dục cao. Đạo diễn - NSƯT Hoàng Ngọc Đình chia sẻ: “Thông điệp mà vở tuồng “Nỗi oan tình” muốn gửi gắm đến khán giả là đừng bao giờ đánh mất lòng tin trong mọi hoàn cảnh. Nếu lòng tin bị mất thì những hệ lụy kéo theo là khôn lường…”. Trịnh Lang chỉ một phút giận hờn, không tường sự thật mà đã hoài nghi, xua đuổi vợ ra khỏi nhà nên gia đình rơi vào cảnh mẹ con, vợ chồng ly tán hơn 10 năm trời. Bao nhiêu năm anh xa cách vợ là bấy nhiêu năm anh dằn vặt khổ đau, mong sớm được gặp lại vợ để cầu xin tha thứ. Cũng như xã hội hiện đại hôm nay, ở mỗi người cần có niềm tin vào gia đình và cuộc sống. Niềm tin như “bàn tay vô hình” níu kéo, gắn kết tình cảm bền chặt giữa người với người.

 Thứ nữa, “Nỗi oan tình” thuộc thể loại tuồng tiểu thuyết, chủ yếu sử dụng làn điệu Xuân nữ ngọt ngào, sâu lắng, ngôn từ gần gũi với đời sống hằng ngày, ít từ Hán Việt nên người xem nhất là thế hệ trẻ dễ cảm nhận và ưa thích. Bên cạnh đó, vở tuồng “Nỗi oan tình” luôn “đứng vững” từ khi công diễn đến nay một phần là nhờ tác giả đã biết khai thác chất hài hước, dí dỏm mang lại tiếng cười sâu cay nhưng đầy ý nghĩa thông qua các màn, lớp hấp dẫn như “Lý Trưởng ve vãn Mai Hương”, cuộc đối thoại giữa Bà Béo, tên Khâm Sai và cha con Trịnh Lang - Trịnh Đồng ở “màn ngoài”…
Đặc biệt sức cuốn hút của “Nỗi oan tình” có sự đóng góp công sức của đạo diễn - NSƯT Hoàng Ngọc Đình. Ông đã thổi hồn mình vào từng nhân vật, từng tuyến kịch và cả vở diễn, xuất phát từ sự chiêm nghiệm cuộc sống bản thân, gia đình và mấy chục năm công tác trong nghề. Lão tướng Trần Dinh là nhân vật thể hiện rất rõ cá tính của đạo diễn: một con người dũng cảm, kiên trung, dám “mổ bụng, moi gan” tự sát trước mặt Vua để giữ trọn niềm trung, cũng như thái độ của Hoàng Ngọc Đình: dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước mọi việc. Đạo diễn đã dồn hết tâm lực và suy nghĩ của mình để biểu đạt và làm rõ tính cách từng nhân vật. Hơn nữa, đạo diễn cũng hướng người xem cảm nhận các nhân vật trong vở diễn một cách chân chất, mộc mạc và đời thường nên gần gũi với khán giả.
1 nỗi oan tình


                                                  Cảnh trong vở tuồng "Nỗi oan tình" cách đây 30 năm

 Đạo diễn tập trung chú trọng lớp diễn cuối: cuộc gặp gỡ, đoàn tụ của gia đình Mai Hương- Trịnh Lang - Trịnh Đồng. Đây là một lớp diễn khó, mang tính cách điệu cao, sử dụng thủ pháp dàn dựng khá độc đáo. Đó là thủ pháp “gián cách”- tức là 2 nhân vật tự diễn trong suy nghĩ của mình mà không gặp nhau. Với lớp diễn cuối này, tác giả và đạo diễn đã tạo điều kiện cho diễn viên “có đất” thể hiện khả năng diễn xuất và đẩy cảm xúc lên cao trào nên dễ đi vào lòng người, gây xúc động mãnh mẽ cho người xem qua từng cử chỉ, nét mặt, nước mắt…Mẹ - con, vợ - chồng sau bao ngày xa cách nay gặp lại nhau, tình cảm được đẩy lên đến đỉnh điểm đã làm hàng ngàn khán giả ứa lệ biết bao lần qua sự diễn xuất sâu chín, nhập vai của các lớp diễn viên “gạo cội” như: NSND Hòa Bình, NSƯT Thanh Sử vai Mai Hương; NSND Xuân Hợi vai Trịnh Lang, NSƯT Kim Thành vai Trịnh Đồng...
Có thể nói, vở tuồng “Nỗi oan tình” sau hơn 30 năm công diễn ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau đến nay vẫn có sức cuốn hút đối với hàng vạn khán giả khắp nơi bởi những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật mà nó mang lại. “Hiệu ứng” mà “Nỗi oan tình” tạo ra thật đáng trân trọng và quý giá. Nó góp phần làm “sống lại” tình yêu nghệ thuật Tuồng truyền thống trong lòng khán giả hôm nay.

Tác giả bài viết: Bài: Thục Nương, Ảnh: Tư liệu, Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây