TÁC GIẢ LÊ DUY HẠNH- DUYÊN NGHIỆP VỚI NHÀ HÁT TUỒNG ĐÀO TẤN- ĐOÀN TUỒNG ĐÀO TẤN VỀ CÕI VĨNH HẰNG
Bài: Thuý Hường; Ảnh: tư liệu
2023-09-07T21:05:48-04:00
2023-09-07T21:05:48-04:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/tac-gia-le-duy-hanh-duyen-nghiep-voi-nha-hat-tuong-dao-tan-doan-tuong-dao-tan-ve-coi-vinh-hang-167.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_09/chan-dung-tac-gia-le-duy-hanh.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 07/09/2023 20:51
Tác giả Lê Duy Hạnh sinh năm 1947, vừa mới từ trần ngày 6.9.2023 tại nhà riêng ở Quận 3, TP. Hồ Chí Minh (hưởng thọ 76 tuổi). Ông là tác giả của nhiều vở cải lương xuất sắc, được công chúng nồng nhiệt đón nhận như: “Chiếc áo thiên nga”, “Tâm sự Ngọc Hân”, “Lý Chiêu Hoàng”, “Dời đô”, “Vua thánh triều Lê”… Nhưng ông cũng rất thành công với Tuồng - bộ môn nghệ thuật in đậm dấu ấn tuổi thơ của ông. Là người con của quê hương Bình Định (xã Bình An, huyện Tây Sơn) nên “máu tuồng” đã ngấm vào Lê Duy Hạnh ngay từ tấm bé. Hơn nữa, ông từng được đào tạo bài bản tại Trường viết văn Nguyễn Du nên Lê Duy hạnh sớm khẳng định mình trong “làng viết”. Các tác phẩm về phong trào khởi nghĩa Tây Sơn của ông luôn nằm trong tóp đầu của mảng đề tài lịch sử trên sân khấu kịch hát dân tộc. Đặc biệt là giữa tác giả Lê Duy Hạnh với Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) như là duyên với nợ. Nhiều vở diễn của tác giả Lê Duy Hạnh được Nhà hát tuồng Đào Tấn chọn dàn dựng đạt giải thưởng cao qua các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, góp phần tạo nên “thương hiệu” của Nhà hát.
Chân dung tác giả Lê Duy Hạnh
Đối với tác giả Lê Duy Hạnh, viết kịch lịch sử dân tộc không chỉ diễn đạt lại những sự kiện sẵn có mà phải khai thác, tạo ra những nhân vật “đắt”. Những nhân vật, chi tiết ‘đắt” đó đôi khi chỉ xuất hiện rất ngắn nhưng lại chuyển tải được suy nghĩ của con người, xã hội hôm nay. Vốn là người bản lĩnh, thông minh và giỏi nghề, lời văn của Lê Duy Hạnh rất tinh tế, nhuần nhị và mang tính triết lý sâu sắc, bố cục kịch chặt chẽ, hiếm khi phải thay đổi cục diện vở diễn nếu dàn dựng. Tiêu biểu là vở tuồng“Mặt trời đêm thế kỷ”(xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm là vua Quang Trung- Nguyễn Huệ). Với lý lẻ sắc bén, phân tích vấn đề cặn kẽ, ông đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh, giới chuyên môn và ê kíp vở diễn dàn dựng vở này thành công, phục vụ Đại hội đảng Toàn quốc năm 1986 được lãnh đạo Trung ương hết sức khen ngợi. “Mặt trời đêm thế kỷ” là vở diễn lịch sử hoành tráng và công phu nhất của tác giả Lê Duy Hạnh được Nhà hát tuồng Đào Tấn thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.
Tiếp đến là vở tuồng “Sáng mãi niềm tin”, làm sao để Bác Hồ có thể hát Nam là điều không hề dễ bởi nếu để Bác “xuất hiện” theo cách thông thường thì Kịch nói hay Cải lương đều đã có. Tác giả Lê Duy Hạnh phải suy nghĩ, trăn trở hơn 6 tháng mới sáng tạo ra tình huống kịch: Để Bác Hồ “xuất hiện” từ trong rừng cây mới có thể hát Nam một cách hợp lý nên cả diễn viên vào vai Hồ Chủ tịch (NSND Võ Sỹ Thừa) và vở diễn đều giành huy chương Vàng đầu bảng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Đó là phần thưởng xứng đáng cho ngòi bút sắc sảo và đầy bản lĩnh của Lê Duy Hạnh. Thành công vang dội ấy là động lực lớn để ông tiếp tục khám phá, chịu khó tìm hiểu, nắm bắt chính xác “gu” từng diễn viên và viết trực tiếp nhân vật cho diễn viên đó “có đất” để “cháy hết mình” với vai diễn và thăng hoa trên sân khấu.
Đề tài tác giả Lê Duy Hạnh quan tâm thường mang tính gai góc, làm người xem phải suy ngẫm và có bước đột phá, mới mẻ. Đối với vở “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” là một bi hùng kịch, thể hiện khí tiết sáng ngời và phẩm chất anh hùng của nữ Đô đốc phong trào Tây Sơn vào giai đoạn suy tàn của triều đại này. Tác giả và đạo diễn cũng như cố vấn NSND Đình Quang tranh luận sôi nổi về bố cục kịch, thứ tự các lớp diễn, tuyến nhân vật trong quá trình dàn dựng vở. Cuối cùng, vở diễn này của Lê Duy Hạnh một lần nữa đưa Nhà hát tuồng Đào Tấn bước lên đỉnh cao chiến thắng với tấm Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Đã từng viết nhiều kịch bản có nhân vật Quang Trung, song ở “Trời Nam” tác giả Lê Duy Hạnh đã chọn được một thời điểm lịch sử khá tiêu biểu để vẽ lại chân dung một vua Quang Trung không những có tài năng binh lược mà còn thông tuệ trong đối sách ngoại giao, một vị vua không chỉ cháy bỏng với sự tồn vong của dân tộc mà còn nồng nàn một nỗi thương dân. Tác giả và đạo diễn đã đẩy hình tượng Quang Trung luôn ngẩng cao đầu với các thế lực thù địch lớn mạnh hơn mình thông qua những câu thể hiện quyết tâm, sẵn sàng đối mặt với nhà Thanh, rằng sẽ diệt giặc Nguyễn Ánh ở phía Nam, trừ Tây Dương dòm ngó Đại Việt. Lê Duy Hạnh viết “Trời Nam”phải chăng cũng là gửi gắm chút tâm sự đời mình trước bản anh hùng ca của đất nước. Ông cùng Nhà hát tuồng Đào Tấn lại ghi một mốc son mới trong thời khắc chuyển giao giữa 2 thế kỷ với tấm Huy chương Vàng vở diễn này tại Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 1999.
Cảnh vở tuồng "Trời Nam"
Nói về những tác phẩm tuồng của tác giả Lê Duy Hạnh, tác giả Đoàn Thanh Tâm chia sẽ: “ Nét đặc trưng riêng trong các tác phẩm của ông là các lớp diễn mang đậm chất tuồng, luôn hài hoà giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Ông viết về lịch sử nhưng không minh hoạ lịch sử mà luôn phả hơi hướng thời đại, bài học, thông điệp vở diễn đến người xem hôm nay”.
Vốn là người vững vàng trong ngòi bút, tinh thông tuồng cổ và biết sáng tạo trên cơ sở truyền thống. “Cội nguồn” là kịch bản có tính thể nghiệm cao. Lê Duy Hạnh không chỉ táo bạo đưa lên sân khấu lính Hàn Quốc, cố vấn Mỹ với bối cảnh cụ thể về cuộc thảm sát Bình An - Tây Sơn- Bình Định mà còn chuyển tải vấn đề vừa thời sự vừa nhạy cảm: xóa bỏ hận thù quá khứ để hội nhập và hướng tới tương lai. Kết quả, vở diễn đã giành giải B tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005.
Năm 2022, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định tiếp tục chọn dàn dựng vở tuồng “Vua thánh triều Lê” của tác giả Lê duy Hạnh đạt giải B của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
Với 3 kịch bản tuồng lịch sử: “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” và “Trời Nam”của tác giả Lê Duy Hạnh gây được tiếng vang trong ngành sân khấu và đưa ông sớm “cập bến vinh quang”. Năm 2001, ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Huân chương Lao động hạng Nhất….
Ngoài là tác giả nổi tiếng, am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật của sân khấu, Lê Duy Hạnh còn làm tốt công tác quản lý với vai trò nguyên là Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu TP. Hồ Chí Minh (5 nhiệm kỳ) và nguyên là Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
Cảnh vở tuồng "Sáng mãi niềm tin"
Những kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh ở Nhà hát tuồng Đào Tấn là tấm lòng, tình cảm của bản thân và gia đình với nghiệp Tuồng và quê hương Bình Định. Ông từng chia sẻ: “Các vở diễn của tôi đều tạo dấu ấn cho Nhà hát. Mỗi vở diễn để lại những kỷ niệm đẹp khác nhau trong cuộc đời làm nghệ thuật. Tôi biết ơn Nhà hát đã dàn dựng những kịch bản của tôi với thái độ trân trọng, nghiêm túc và tôi thật sự mang ơn Nhà hát đã tạo điểm hội tụ cho tôi nghĩ về nguồn cội của mình. Nơi tôi được sinh ra và tuổi thơ tôi gắn bó với nghề tuồng. Chính nguồn cội nầy và chính những lần làm việc với Nhà hát đã giúp tôi rất nhiều khi bước sang lĩnh vực Kịch nói, Cải lương, trang bị cho tôi những nguyên lý sân khấu dân tộc, có sự tự tin khi tiếp nhận, giao lưu với sân khấu Quốc tế. Tuồng Bình Định là nguồn sáng tạo nghệ thuật vô tận đã định hướng hoạt động của đời tôi”.
Các kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh luôn thấm đẫm giá trị nhân văn, mang hơi hướng thời đại, ấn chứa nhiều lớp ý nghĩa. Ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ tác giả trẻ của ngành sân khấu học tập, noi theo. Từ nay, sân khấu kịch hát dân tộc (trong đó có Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định- Đoàn tuồng Đào Tấn như là duyên nghiệp trong cuộc đời ông) thiếu vắng một tác giả lớn, tài năng và tâm huyết như Lê Duy Hạnh.
Tác giả bài viết: Bài: Thuý Hường; Ảnh: tư liệu