QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI

Thứ bảy - 23/12/2023 04:33
Nghệ thuật Bài chòi được bắt nguồn từ hội chơi Bài chòi, một hình thức văn hoá giải trí thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới tại các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa). Nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân khu vực Miền Trung và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

VỞ huyền thoại về tiếng hátz5002286832706 652f48cbba36e8e6e27b9f029dafb3a5

                                          Vở Ca kịch Bài chòi "Huyền thoại về tiếng hát"


Về nguồn gốc, lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật Bài chòi, nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để đưa ra giả thuyết rằng: Khởi nguồn của Bài chòi từ cuộc di dân của người Việt vào Phương Nam từ năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông giải phóng thành Đồ Bàn - kinh đô Champa trước đây. Ở vùng đất mới, dân cư còn thưa thớt, núi rừng rậm rạp đan xen với những chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp. Họ phải tổ chức sản xuất, trồng trọt trên những thửa đất khai hoang, nơi có nhiều thú dữ quấy phá. Để bảo vệ thành quả lao động của mình, họ đã dựng lên những chòi canh làm bằng tranh tre nhô cao trên vườn tược, ruộng đồng và dùng những vật phát ra tiếng kêu lớn như mõ, thanh la, trống… để xua đuổi muôn thú. Những lúc nhàn rỗi, để giải khuây, người dân ở các chòi dùng ống tre bịt da ếch nối sợi chỉ hoặc sợi tơ giăng qua giữa các chòi để nói chuyện hoặc hát đối đáp với nhau bằng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè…. từ chòi này sang chòi khác. Dần dần, mô hình này trở thành nếp sinh hoạt giải trí ở vùng nương rẫy.
Đến giai đoạn cụ Đào Duy Từ (1572 - 1634), rời Thanh Hóa lưu lạc khắp phương Nam, sau đó dừng chân ở vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định. Ông đã sáng tạo mô hình sinh hoạt nương rẫy nơi đây thành trò chơi đánh bài trên chòi với những lá bài và lập thành hệ thống qui củ, từng bước phát triển thành hội đánh Bài chòi.
Hội đánh Bài chòi ban đầu diễn ra ở vùng trung du. Dần dần đã lan ra khắp các vùng nông thôn, đồng bằng, miền biển. Nơi diễn ra hội đánh Bài chòi thường là sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng gần khu dân cư, thuận lợi cho mọi người đi dự hội.
Khi mới hình thành, Hội đánh Bài chòi còn đơn giản. Họ dựng những cái chòi tranh tre, những người chơi bài ngồi trên chòi, có người dưới đất hô tên những con bài gọi là người cầm cái. Chòi nào có những con bài trùng khớp với các con bài người cầm cái hô gọi là trúng, chòi nào trúng đủ 03 con bài gọi là tới một ván. Về sau những người cầm cái hô tên con bài trở thành những anh chị Hiệu.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của Bài chòi gắn liền với sự tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, say mê của các anh chị Hiệu (các nghệ nhân trong các “gánh” hát Bài chòi) qua nhiều đời. Ban đầu, anh hiệu chỉ làm nhiệm vụ “hô”, dần dần anh hiệu đã đổi giọng hô bằng cách ngân nga những “câu thai” có tiếng khoan, tiếng nhặt, có thanh âm trầm bổng… đã sản sinh ra làn điệu Bài chòi, đánh dấu một cái mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử Bài chòi là điệu Bài chòi ra đời từ hội chơi Bài chòi.

NGƯỜI DÂN XEM HỘI ĐÁNH BÀI CHÒI DÂN GIAN


                                               Cảnh người dân xem "Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định"

Với nhu cầu thưởng thức của quần chúng nhân dân trong hội Bài chòi ngày càng cao, các anh hiệu (kể cả những người say mê Bài chòi) đã đua nhau sáng tác cho Bài chòi. Sự phát triển nội dung dẫn đến sự phát triển của hình thức và hoàn chỉnh về làn điệu.
Bài chòi ngày càng phát triển, càng thu hút người xem thì đội ngũ các anh hiệu cũng nảy sinh ngày càng nhiều. Đặc biệt là các anh “hiệu xã” (những nghệ nhân có tài nghệ điêu luyện) đã thúc đẩy Bài chòi phát triển vượt ra ngoài phạm vi hội chòi. Sự xuất hiện của tầng lớp hiệu xã đánh dấu cột mốc cho giai đoạn đưa Bài chòi hoạt động trên “Sân khấu trải chiếu”.
Lực lượng các anh hiệu ngày càng đông, tài nghệ ngày càng điêu luyện, đòi hỏi không gian hoạt động rộng rãi hơn trước. Vì thế, các anh hiệu rủ nhau từng tốp đôi ba người lập thành “gánh” nhỏ để đi về các vùng thôn quê biểu diễn. Những vấn đề của cuộc sống hàng ngày như cái xấu, cái tốt, việc oán, việc ân, chuyện xưa, chuyện nay… được các nghệ nhân bài chòi phản ánh rất sinh động. Từ sự phong phú của nội dung đến việc tiếp xúc nhiều loại dân ca ở các địa phương, các nghệ nhân Bài chòi đã chuyển hóa thành nhiều làn điệu và phát triển thành nhiều hình thức biểu diễn như: Bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp với nhiều làn điệu: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản và Hò Quảng….
 Từ những năm 30 của thế kỷ XX với sự phát triển lan rộng của các gánh hát Cải lương, hát Bội ra mắt hát ở các trường hát đã ảnh hưởng, tác động đến Bài chòi dân gian thời bấy giờ. Các nghệ nhân Bài chòi mà đứng đầu là hai anh hiệu: cụ Phạm Đình Lang và thầy mình (Ba Hượt) đã mạnh dạn chủ trương đưa Bài chòi “từ đất lên giàn” (tức là “nâng cao” Bài chòi khỏi mặt đất) làm tiền đề cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Bài chòi sau này.
Dưới ánh sáng Cách mạng tháng Tám, Bài chòi tiếp tục phát triển, biểu diễn phục vụ nhân dân rộng khắp. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bài chòi dần được xây dựng thành một bộ môn nghệ thuật ca kịch dân tộc hiện đại, tham gia tích, cực vào việc động viên đồng bào, chiến sĩ, đả kích kẻ thù, ca ngợi những tấm gương đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Cuối năm 1956, Đoàn Ca kịch Liên khu V được thành lập và biểu diễn vở Ca kịch Bài chòi đầu tiên “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Những năm tiếp theo, Đoàn dần hoàn thiện và xây dựng thêm các tiết mục tham dự Hội diễn toàn miền Bắc và đều đạt giải cao.
Từ năm 1965, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt, cam go. Theo tiếng gọi của Đảng, Đoàn Ca kịch Liên khu V quay trở lại miền Nam hoạt động, phục vụ chiến sỹ, đồng bào dưới hình thức tổng hợp “Đoàn Văn công giải phóng Liên khu V”.
Ở các tỉnh Nam Trung Bộ thời bấy giờ đều thành lập “Đoàn Văn công giải phóng” theo từng tỉnh. Tại Bình Định, ngày 11.3.1962, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định tại làng Ka Tâng, thuộc xã Tu Krông (này là làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Đến tháng 10/1962, Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định được Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành “Đoàn Văn công giải phóng Bình Định” (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi ngày nay).
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đều tách bộ phận ca, múa, nhạc và thành lập mỗi tỉnh một Đoàn Bài chòi chuyên nghiệp, các đoàn, đội Bài chòi không chuyên ở các huyện, xã… và đi vào hoạt động đến nay. Đặc biệt hơn là từ hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian địa phương, nghệ thuật Bài chòi đã lan tỏa khắp đất nước và vượt đại dương ra thế giới để trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Tác giả bài viết: Bài: Nguyễn Hường; ảnh: Tư liệu, Thục Nương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây