NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG BÌNH ĐỊNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Bài: Thúy Hường; Ảnh: Hoàng Dũng, Nhật Hạ, Công Phượng
2023-12-27T22:35:16-05:00
2023-12-27T22:35:16-05:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/nghe-thuat-truyen-thong-binh-dinh-trong-giai-doan-hien-nay-217.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/anh-vo-nuoc-nam-niem-khat-vong.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ tư - 27/12/2023 22:10
Bình Định là một trong số ít các tỉnh trên cả nước hội tụ nhiều loại hình di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu, có giá trị độc đáo như: Tuồng, Bài chòi, Võ cổ truyền….
Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, hai loại hình nghệ thuật truyền thống Bình Định (Tuồng và Bài chòi) đến nay vẫn có sức sống bền vững trong nhân dân, được biểu diễn phục vụ bà con trên một địa bàn sâu, rộng; được công chúng mộ điệu khắp nơi đón nhận.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định (sau khi sáp nhập từ Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định tháng 4 năm 2020) được xây dựng mới, khang trang, bề thế hơn trước, đáp ứng lòng mong mỏi, chờ đợi của bao thế hệ nghệ sỹ tâm huyết với nghề. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật truyền thống Bình Định giữ gìn và phát huy “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nẫu.
Trong giai đoạn hiện nay, Nghệ thuật truyền thống Bình Định cũng đã sớm bắt nhịp với thời đại. Nhằm phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại cũng như góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Bình Định nói riêng. Trong nhiều năm qua, nghệ thuật truyền thống Bình Định đã ngày càng được đa dạng hóa chương trình kịch mục biểu diễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của người xem. Từ kế hoạch phục hồi - nâng cao các vở diễn, xây dựng vở mới hàng năm đến các chương trình biểu diễn phục vụ du lịch hay các trích đoạn bảo tồn hàng năm theo “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể hát Bội và Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định”…. Bên cạnh duy trì biểu diễn những vở đề tài truyền thống, lịch sử, nghệ thuật truyền thống Bình Định cũng đã được khai thác thêm những vở diễn về đề tài hiện đại, dân gian, dã sử, Việt hóa đề tài nước ngoài…. phản ánh sự chuyển mình, đổi thay của đất nước, bám sát thực tế cuộc sống đương đại. Chú trọng dàn dựng, phục hồi những vở diễn ca ngợi quê hương và con người Bình Định như: “Quang Trung đại phá quân Thanh” (vua Quang Trung - Nguyễn Huệ); “Bông Mai đỏ” (thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng); “Chàng Lía”; “Quan khiêng võng” (nhân vật Lê Đại Cang); (“Chói rạng sơn hà” (Nữ tướng Bùi Thị Xuân); “Cô thần” (Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ); “Hồn Tháp” (Văn hóa Chăm) ….
Cảnh vở tuồng "Nước Nam niềm khát vọng"
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh và Sở Văn hoá và Thể thao, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã phối hợp với Trung tâm võ cổ truyền Bình Định và Phân hiệu trường Đại học FPT tại Bình Định biểu diễn các chương trình nghệ thuật tổng hợp tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành để phục vụ nhân dân và du khách (01lần/tuần) với đa dạng các chương trình, tiết mục thu hút khá đông công chúng thưởng thức, tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hoá văn nghệ sôi nổi, vui vẻ trên địa bàn thành phố Quy Nhơn xinh đẹp.
Ngoài đội ngũ tác giả, đạo diễn là những người tài năng, tâm huyết của quê hương Bình Định, thỉnh thoảng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định còn cộng tác với các đạo diễn, tác giả kịch bản ở các tỉnh bạn để giao lưu nghề nghiệp và học hỏi thêm những “miếng diễn”, góp phần làm phong phú thêm vốn nghề cho các nghệ sỹ trẻ kế cận.
Thêm vào đó, một trong những ưu thế của nghệ thuật truyền thống Bình Định hiện tại là tỉnh hội tụ nhiều nghệ sỹ tài năng và tâm huyết, đang là “nhân chứng sống” trong kho tàng sân khấu truyền thống Việt Nam, rất thuận lợi cho quá trình bảo tồn và phát huy thế mạnh về di sản văn hoá phi vật thể Tuồng và Bài chòi của tỉnh nhà trong thời kỳ mới.
Không chỉ có sân khấu chuyên nghiệp, so với nhiều tỉnh bạn trên cả nước, Bình Định là một trong số ít tỉnh có đội ngũ nghệ nhân Tuồng và Bài chòi không chuyên đông đảo và được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn. Với hơn chục đoàn, đội, câu lạc bộ hoạt động nghệ thuật bán chuyên nghiệp ở các huyện, xã được thành lập, biểu diễn phục vụ nhu giải trí của bà con nhân dân, nhất là những dịp Tết đến Xuân về. Các nghệ nhân tích cực hoạt động, liên tục “sáng đèn” tại các địa điểm tổ chức Lễ kỷ niệm, Lễ hội cầu ngư…. Đặc biệt là Hội đánh Bài chòi dân gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn đã thu hút khá đông sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của nhân dân và khách du lịch.
Các nghệ nhân không chuyên luôn nhiệt huyết, sống trọn đam mê với nghề và truyền lửa cho các thế hệ kế cận tiếp tục phát huy vốn nghề quý của cha ông. Với sự nỗ lực, cố gắng duy trì hoạt động và trao truyền nghề cho các nghệ nhân tiếp nối của các nghệ nhân Bài chòi trong nhiều năm trên khắp dải đất miền Trung (ở Bình Định thực hiện đề án “Phục dựng Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định”) nên nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2017). Bình Định vinh dự là chủ nhà trong tổ chức, tiếp nhận Bằng vinh danh Bài chòi để bộ môn nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian cũng như lan tỏa ra thế giới. Để góp phần duy trì và phát huy giá trị của di sản, năm 2022, Bình Định tổ chức “Liên hoan các Câu lạc bộ Bài Chòi dân gian Bình Định mở rộng” thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều tình miền Trung cùng có di sản nghệ thuật Bài chòi với các hoạt động sôi nổi, bổ ích như: toạ đàm, thi trình diễn, triển lãm ảnh, tham quan, giao lưu nghệ thuật Bài chòi dân gian.
Cảnh đánh bài chòi dân gian Bình Định
Bình Định còn được biết đến với lực lượng khán giả mê nghệ thuật truyền thống bậc nhất cả nước. Không biết tự bao giờ, những câu hô, hát Bài chòi cũng như các tích tuồng, vai diễn mẫu mực đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân nơi đây, khiến họ có thể:
“Thà rằng ăn mắm mút dòi
Cũng nghe Bài chòi cho sướng cái tai”
Hay “Hát Bội làm tội người ta
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”
Đối với những người mê Tuồng và Bài chòi Bình Định, họ luôn đồng hành và trân quý giá trị nghệ thuật của dân tộc. Các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân ở một số điểm được xem là “đất tuồng” như: Nhơn Lý, An Nhơn, Phù Cát… và Bài chòi là địa bàn Hoài Nhơn, Phù Mỹ… được đông đảo khán giả quan tâm và dành nhiều tình cảm cho nghệ thuật truyền thống. Đó là niềm vui và động lực lớn để các nghệ nhân, nghệ sỹ tiếp tục “gánh vác” sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng và Bài chòi của tỉnh nhà hôm nay lập thêm những thành tích mới trên con đường đầy vinh quang nhưng không kém phần chông gai phía trước.
Nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà đã cùng quê hương, đất nước đi qua những biến cố, thăng trầm. Nhưng đến nay, Tuồng và Bài chòi Bình Định vẫn luôn giữ được “thương hiệu” của riêng mình. Tại các Cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp hay Cuộc thi Tài năng trẻ, Liên hoan trích đoạn hay, Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc được tổ chức trên toàn quốc trong những năm gần đây, Bình Định luôn là tỉnh có lực lượng diễn viên, nhạc công tham gia hùng hậu và đạt chất lượng nghệ thuật cao, luôn nằm trong tóp đầu của cả nước về thành tích và chất lượng nghệ thuật.
Cảnh vở ca kịch bài chòi "Trò chơi của quỷ"
Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, cũng như ngành nghệ thuật truyền thống của cả nước, nghệ thuật truyền thống Bình Định đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ như: thưa vắng khán giả, nhất là đối tượng khán giả trẻ; khan hiếm lực lượng diễn viên, nhạc công trẻ kế cận; thiếu kịch bản hay; đội ngũ nghiên cứu, tuyên truyền vững tay nghề; khó khăn trong tìm kiếm điểm diễn, mở rộng địa bàn để tiếp cận du khách khi đến tham quan du lịch tại Bình Định.
Trong thời kỳ mới, đất nước bước vào hội nhập, mở cửa, nhiều luồng văn hóa mới trên thế giới đã có điều kiện du nhập vào nước ta. Bên cạnh đó, một số bộ môn nghệ thuật khác cũng phát sinh, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả, nhất là khán giả trẻ nên nghệ thuật truyền thống cũng bị san sẻ khán giả là điều khó tránh khỏi.
Ở khía cạnh diễn viên, cũng như nhiều ngành nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật truyền thống Bình Định hiện nay thật sự gặp khó khăn trong khâu tuyển chọn diễn viên, nhạc công trẻ kế cận. Đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn “gạo cội” tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định dần nghỉ hưu theo thời gian, các nghệ nhân tại các Đoàn Tuồng, Bài chòi không chuyên phần lớn đã có tuổi. Trong khi lực lượng diễn viên, nhạc công trẻ tiếp nối còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng về chất lượng nghệ thuật. Thêm vào đó, nhiều năm qua cơ sở đào tạo chuyên nghiệp là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn không tuyển đủ sinh viên để mở lớp đào tạo diễn viên và nhạc công nghệ thuật truyền thống nhằm bổ sung kịp thời lực lượng diễn viên và nhạc công kế cận cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ nghệ sỹ tiếp nối của đơn vị hiện nay.
Hơn nữa, chính sách đãi ngộ chưa xứng đáng với mồ hôi, công sức của người nghệ sỹ nên họ chưa thật sự toàn tâm toàn ý theo nghiệp diễn. Nhà nước chưa có “cơ chế mở” cho ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù về bằng cấp, biên chế … Do đó, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định hiện đang gặp khó khăn trong khâu tuyển chọn người có năng khiếu nghệ thuật tương thích với trình độ văn hoá, bằng cấp theo yêu cầu.
Trong thời kỳ mới với nhiều khó khăn và thử thách, việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của hai di sản văn hoá phi vật thể Tuồng và Bài chòi của tỉnh nhà là một việc làm hết sức cần thiết, quan trọng, cần có sự góp sức từ mọi cơ quan ban ngành, tâm huyết của những người làm nghề cũng như đòi hỏi toàn xã hội phải nỗ lực chung tay gánh vác. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, cụ thể hơn nữa của các cấp lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá và Thể thao. Tất cả những yếu tố đó sẽ góp phần tích cực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Bình Định ngày càng bền vững, vươn tầm cao mới, xứng đáng là nơi khởi nguồn của hai loại hình nghệ thuật Tuồng và Bài chòi đặc sắc.
Tác giả bài viết: Bài: Thúy Hường; Ảnh: Hoàng Dũng, Nhật Hạ, Công Phượng