HÁT BỘI, BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH NGÀY XUÂN
Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng, Thục Nương
2023-12-29T05:06:49-05:00
2023-12-29T05:06:49-05:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/hat-boi-bai-choi-binh-dinh-ngay-xuan-221.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/2tieu-anh-phung.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 28/12/2023 21:23
Như một quy luật, cứ mỗi độ tết đến xuân về, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định cũng như các Đoàn tuồng không chuyên, Câu lạc bộ Bài chòi trong tỉnh lại rộn ràng với không khí của ngày xuân. Đây là mùa “ăn nên làm ra” của giới nghệ sỹ nói chung và nghệ sỹ của loại hình nghệ thuật truyền thống nói riêng. Bởi khoảng thời gian này, các sô diễn được dày và liên tục hơn. Nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công dường như “xoay vòng” với lịch diễn kín, đem lời ca, tiếng hát phục vụ bà con nhân dân vui chơi, đón tết.
Để chuẩn bị biểu diễn nhân dịp đầu năm mới, trước tiên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh triển khai tập chương trình biểu diễn phục vụ bà con đêm Giao Thừa đón năm mới hàng năm. Đó có thể là một hoạt cảnh, một trích đoạn có nội dung vui tươi, phô diễn được nét văn hóa đặc trưng của người Bình Định; ca ngợi những chiến công hiển hách của các anh hùng hào kiệt quê hương hay trình diễn những giá trị độc đáo của hai loại hình nghệ thuật Tuồng và Bài chòi kéo dài khoảng 7 - 10 phút. Tuy chỉ trình diễn trong thời gian ngắn nhưng đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên và ê kíp sáng tạo phải nỗ lực tập luyện, chạy đường dây và diễn sơ, tổng duyệt một cách nhuần nhuyễn trước khi biểu diễn chính thức vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ phục vụ khán giả gần xa.
Cảnh vở tuồng "Tiêu Anh Phụng loạn trào"
Đồng thời với đó là khâu tích cực chủ động tìm kiếm địa bàn biểu diễn. Ngay từ những ngày cuối tháng Chạp, lãnh đạo Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và Đoàn Tuồng Đào Tấn đã trực tiếp đi liên hệ với các huyện, xã trên địa bàn trong và ngoài Tỉnh để liên hệ điểm diễn trong năm mới. Còn các bộ phận khác từ diễn viên, nhạc công đến các bộ phận kỹ thuật khác như: âm thanh, ánh sáng, phục trang… cũng chuẩn bị ráo riết kiểm tra, mua sắm các trang thiết bị cần thiết, nhằm đảm bảo cho các buổi ra quân đầu xuân năm mới chu đáo và phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con nhân dân được “thuận buồm xuôi gió”. Các vở diễn đầu xuân phần lớn là những vở tuồng tiểu thuyết với nội dung hấp hẫn về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng và “xôm” trò trong kết cấu màn, lớp… thu hút người xem với tâm trạng hứng khởi, vui vẻ như: “Giai nhân trong thời loạn”, “Tam hùng kiệt”, “Nỗi oan tình”… Hay những làn điệu Xuân nữ, hò Quảng ngọt ngào, tươi mới, dễ đi vào lòng người của các vở sân khấu Bài chòi vào dịp đầu năm. Nếu như sân khấu tuồng có thể “đỏ đèn” từ đêm 30 tết Nguyên Đán đến khoảng rằm tháng Giêng là có thể nghỉ ngơi vài ngày. Và quay trở lại thời gian sau đó thì sân khấu Bài chòi có lịch diễn liên tục từ 1- 2 tháng đầu xuân do đặc thù của từng bộ môn. Các nghệ sỹ sân khấu Bài chòi rong duỗi khắp các làng, xã, huyện trong tỉnh để biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Họ có thể ăn, ngủ, tạm trú tại nhà dân, được nhân dân đùm bọc, che chở và biểu diễn từ đêm này sang đêm khác với các chương trình kịch mục đa dạng khác nhau, được đông đảo công chúng đón nhận.
Các nghệ nhân hoạt động nghệ thuật không chuyên trong tỉnh cũng “sốt sắng” không kém đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Sau một thời gian lo “cơm áo gạo tiền”, mưu sinh kiếm sống với đủ các nghề: thợ hồ, thợ mộc, công nhân, buôn bán, các nghệ nhân Tuồng chân đất tập hợp lại thành phường, đội cùng luyện tập, chuẩn bị các tiết mục phục vụ bà con tại địa phương. Khâu phục trang, đạo cụ cũng được các diễn viên không chuyên chăm chút, sửa soạn trước mùa lưu diễn đầu xuân. Ngoài kho phục trang, đạo cụ có sẵn của Bầu chủ, diễn viên cũng tự sắm cho mình những bộ trang phục “vía” cho vai diễn sở trường: may đồ, kết cườm, mua cân, đai, mũ mão… rất sôi nổi, để chuẩn bị hóa thân vào những nhân vật đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất tuồng. Đó là những Quan Công, Lữ Bố, Điêu Thuyền, Trương Phi… mà khán giả mộ điệu đã thuộc làu làu từng cử chỉ, điệu bộ, câu hát nhưng họ vẫn háo hức xem vào những dịp đầu xuân năm mới. Hay là các anh (chị) hiệu trong những hội chơi Bài chòi dân gian đầu xuân mặc sức hô, hát các làn điệu dân ca, ca dao, tục ngữ, hò vè… mang nội dung, thông điệp khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa; ngợi ca những đức tính tốt đẹp của con người. Đặc biệt là gởi gắm những chân lý, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua giọng điệu diễn xướng vui tươi, du dương, hóm hỉnh của người quản trò.
Người dân xem Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định
Từ xa xưa, niềm đam mê hát Bội đã được người mộ điệu truyền tai nhau:
“Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát Bội làm đào má coi”
Hay “Nghe tiếng trống chiến, không khiến cũng đi
Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”
Vào những dịp đầu xuân là cơ hội để khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống tìm đến với Tuồng hay Bài chòi. Và phần lớn trong số họ vừa được vui chơi, giải trí vừa được “đắm mình” trong những lời ca, tiếng hát mang hương vị riêng của vùng “đất võ trời văn”. Vì thế, những người con Bình Định dù đang ở xa quê hương hay được quây quần bên gia đình trong những ngày tết. Họ vẫn luôn nhớ đến và tìm về với Bài chòi, với tiếng trống Chầu được xem như thú vui tao nhã mà gần gũi, quen thuộc từ hàng trăm năm nay của người dân xứ Nẫu. Mỗi khi nghe tiếng trống giục, tiếng mõ gõ, như một thói quen, bà con khắp nơi (nhất là ở các miền quê) thường kéo nhau đổ về các khu đất trống của làng, xã để xem và nghe hát. Đến nay, tuy không còn giữ được nguyên vẹn như trước đây nhưng niềm đam mê ấy vẫn được duy trì trong những dịp lễ, tết, hội hè.
Cảnh vở Ca kịch Bài chòi "Thanh gươm công lý"
Còn những người nghệ sỹ, nghệ nhân sân khấu dù là chuyên nghiệp hay không chuyên. Ở̉ họ luôn có một tình yêu mãnh liệt với nghề. Mỗi dịp tết đến xuân về là cơ hội để tình yêu nghề ấy trổi dậy mạnh mẽ và đong đầy hơn. Người nghệ sỹ khi đứng trên sân khấu luôn “cháy” hết mình vì tình yêu nghệ thuật và mãi tự hào về cái nghề họ đã và đang theo đuổi. Đó là chất riêng của người nghệ sỹ: sống tình cảm và yêu nghề hết mực dù cuộc sống của những nghệ sỹ sân khấu truyền thống có phần chật vật, khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác.
Hy vọng, “ngọn lửa” tình yêu nghệ thuật Hát bội và Bài chòi của khán giả gần xa trong những ngày xuân sẽ “thắp sáng” niềm tin, tiếp thêm động lực để anh chị em nghệ nhân, nghệ sỹ làm tốt hơn nữa vai trò của những người kế tục sự nghiệp đầy vinh quang nhưng không kém phần gian nan, khổ luyện, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống nước nhà nói chung và Bình Định nói riêng có bước tiến mới, khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng, Thục Nương