ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG TRONG TUỒNG (HÁT BỘI)

Thứ ba - 26/12/2023 20:32
Trong cuộc sống, tình chồng nghĩa vợ gắn bó keo sơn luôn là đề tài hấp dẫn, lôi cuốn những người cầm bút sáng tác văn học, nghệ thuật. Ở các vở tuồng, ta bắt gặp rất nhiều hình tượng những cặp vợ chồng dũng tướng, trí tướng một lòng một dạ xả thân vì nước. Và họ mãi mãi bên nhau, khi vui sướng lúc khổ đau đều có chồng có vợ. Thậm chí cả khi chết cũng không rời. Thể xác dẫu không còn nhưng tâm hồn thì mãi mãi là của nhau, chúng ta có thể thấy rõ ý tưởng đạo nghĩa này trong một số vở tuồng như  “Hộ sanh đàn”, “Ngũ hỗ bình Tây”, “Đào Phi Phụng”, “Trảm Trịnh Ân”, “Tam hùng kiệt”,….
 1. Tuồng truyền thống
  Vở tuồng “Đào Phi Phụng” là một điển hình về đề tài trung quân ái quốc gắn liền với tình cha con - vợ chồng gắn bó son sắc. Cả gia đình Đào Lệnh Công vì chống lại bọn gian thần Cát Thượng Nguyên mà phải chịu bao đau thương, gian khó. Cha chồng Nguyệt Tiêm bị bắt giam vào ngục thất, vợ chồng Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tiêm phải lìa xa. Bọn gian thần Cát Thượng Nguyên đưa Đào lệnh công ra dọa giết để làm áp lực bắt Liễu Nguyệt Tiêm thu quân, Đào Phi Phụng phải cải trang thành Lỡ Vạn Chung làm tùy tướng cho Cát Thượng Nguyên xin xuống đánh Liễu Nguyệt Tiêm. Chàng đã dụ Liễu Nguyệt Tiêm vào nơi rừng vắng để bộc bạch tâm tình. Sau khi nhận ra nhau, vợ chồng đoàn tụ cùng kéo quân về thành giết nịnh cứu cha. Câu chuyện về cặp vợ chồng liễu Nguyệt Tiêm - Đào Phi Phụng đã trở thành bản hùng ca trữ tình gây ấn tượng cao đẹp trong lòng người mộ tuồng.
ĐỊCH THANH, TRẠI BA TUỒNG NGŨ HỔ BÌNH TÂY
               
                              Vợ chồng Địch Thanh - Trại Ba trong tuồng "Ngũ hổ bình Tây"


Câu chuyện tình yêu giữa Địch Thanh - nguyên soái nhà Tống và Trại Ba- công chúa Thợn Thợn quốc đã vượt ra khỏi biên giới, quốc gia để nên duyên vợ chồng cũng là một thiên diễm tình tuyệt đẹp. Ban đầu, do hiểu nhầm nên Địch Thanh và Trại Ba có “lời qua tiếng lại” nơi cửa ải. Nhưng khi hiểu ra tấm lòng và chí nguyện của chồng, luôn nóng lòng vì nước nơi đất khách nên phải trốn vợ ra đi. Trại Ba đã gác tình riêng, gạt bỏ giận hờn. Bằng giọng điệu của một người vợ, với niềm yêu quý chồng thiết tha, nàng rót rượu tiễn chồng qua ải để làm tròn bổn phận của mình - tận trung báo quốc.
Nhân vật Tiết Cương trong vở “Hộ sanh đàn” đang bị Võ Tam Tư đuổi đánh thì được Lan Anh, người vợ ngoan hiền, người phụ nữ dũng cảm, xông trận cứu thoát. 
Dưới ngòi bút bình dị của Đào Tấn, vợ chồng Lan Anh - Tiết Cương  được miêu tả một cách chân thật, tình cảm khi hàn huyên gặp lại, lúc vui sướng với đứa con mới đẻ. Lan Anh quả thực là người phụ nữ thương chồng hết mực: xa chồng thì thương thì nhớ, chồng vương hoạn nạn thì ghé vai chia sẻ, gặp được chồng thì hớn hở vui mừng, kể lể đủ chuyện. Nàng đã cùng chồng chung cảnh gió tạt mưa chan, tả xung hữu đột:
                             “Cùng chồng sống thác
                              Dục vó câu phá vỡ vòng vây”
Không những vậy, lúc chồng dao động, chính Lan Anh là người đã an ủi, khích lệ, cổ vũ chồng:
                             “Nuôi chí lớn hãy khuây khoa sầu khổ
                              Bớt lòng lo cho khỏe khoắn tinh thần”
Khi chồng gặp nạn, Lan Anh đã lên đường tìm kiếm giải nguy cho chồng với những câu hát tự sự đầy kịch tính, thể hiện nghĩa vợ chồng đằm thắm, thiết tha.
 Hay nhân vật Đào Tam Xuân trong tuồng “Đào Tâm Xuân loạn trào” đã không chấp nhận “guồng máy”, khuôn khổ của chế độ phong kiến, tôn sùng đạo “trung quân”, không khoanh tay đứng nhìn chồng, con mình bị kẻ xấu  hãm hại mà quyết trả thù cho chồng con:
                              “Thiếp lấy chồng lẽ phải theo chồng
                                Ai gây nợ, đây nguyền trả nợ”      
Xuất phát từ tình thương yêu chồng, con, nữ tướng Đào Tam Xuân đã “xé” rào cản của chế độ quân chủ độc đoán để đem quân về triều hỏi tội vua và trừng trị bọn nịnh thần,  bảo vệ công lý, lẽ phải.
 2. Tuồng lịch sử và hiện đại
 Tiếp nối tuồng cổ, các vở tuồng lịch sử và hiện đại sau này như “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Sáng mãi niềm tin”, “Nắng soi dòng suối Păng Pơi” đạo nghĩa vợ chồng vẫn là một trong những đề tài được chú trọng. Tư tưởng và hành động của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ luôn được sự ủng hộ của người vợ hiền đầy tài năng- công chúa Ngọc Hân. Bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, luôn sát cánh cùng chồng chung lo nghiệp lớn, đánh đuổi ngoại xâm đưa nước nhà thống nhất. Công chúa Ngọc Hân chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để ông thực hiện được ước nguyện thu non sông về một mối, làm tròn trách nhiệm với nhà Lê và với Tây Sơn trong tuồng “Mặt trời đêm thế kỷ”. Hay các cặp vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân (tuồng “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”), Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai (tuồng “Sáng mãi niềm tin”) vẫn luôn kề vai, sát cánh chia sẻ tình cảm vợ chồng mặn nồng, sâu sắc và kể cho nhau nghe kỷ niệm về những đứa con ngay cả khi bị bắt giam, tra tấn, xem cõi chết là nơi họ được mãi mãi bên nhau.
                   “Từ ngày mai em sẽ ở bên chàng mãi mãi
                    Cận kề nhau, vĩnh viễn cận kề nhau”
                                                (Tuồng Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc)

1 vở MẶT TRỜI ĐÊM THẾ KỶ

                         Vợ chồng Quang Trung - Ngọc Hân trong tuồng "Mặt trời đêm thế kỷ"


Trong vở tuồng hiện đại “Nắng soi dòng suối Păng Pơi”người chồng Xi Pua rất thương vợ, thương con. Khi vợ chuyển dạ, anh lo lắng, sốt ruột và chấp nhận phá lệ tục cúng bái của người dân tộc, cho cán bộ Thành đỡ đẻ để vợ được “mẹ tròn con vuông”.
Đạo nghĩa vợ chồng trong Tuồng thật cao cả. Gia đình hạnh phúc luôn luôn là gia đình phục vụ tư tưởng trung quân ái quốc. Tình chồng nghĩa vợ trong các vở tuồngnét đẹp truyền thống cần lưu giữ và đáng để cho đời sau học tập.
                                                                            

Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây