Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với Trường Đại học FPT Quy Nhơn và Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành ngày 22.6.2024

Thứ bảy - 22/06/2024 00:29
1. Hoà tấu nhạc cụ dân tộc “Việt Nam ơi!
Biểu diễn: Giảng viên, sinh viên Trường Đại học FPT Quy Nhơn

1 TIẾT MỤC HOÀ TẤU NHẠC CỤ DÂN TỘC (2)

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc
 
2. MúaSắc xuân”
Với đạo cụ chính là những chiếc quạt cùng những bộ trang phục màu sắc đẹp mắt kết hợp với các động tác múa thoăn thoắt, mềm mại, uyển chuyển của các cô gái đã góp phần tạo nên không khí vui tươi, hồ hởi, phấn khởi khi mùa xuân đến. Mùa xuân là để yêu thương và hy vọng. Người dân vùng “đất Võ, xứ Văn chương” luôn trông chờ, hy vọng vào những điều may mắn, những hạnh phúc lớn lao và những thành quả đạt được vào mùa xuân.
Biên đạo:  NSƯT Thanh Bình
Biểu diễn: Tốp nữ

3. Đơn ca nữ “Xuân quê hương
Cùng với nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Bài Chòi là “món ăn tinh thần” không thế thiếu của người dân Bình Định. Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Ngày nay, Bài chòi đã lan tỏa khắp đất nước và vượt đại dương ra thế giới.
Với giai điệu đằm thắm ngọt ngào, thiết tha và sâu lắng, tiết mục đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tác giả:  NSƯT- nhạc sỹ Gia Thiện
Biểu diễn:  NSƯT Thanh Bình

4.  Độc tấu đàn Bầu “ Quy Nhơn miên man niềm nhớ”
Biểu diễn: Trường Đại học FPT Quy Nhơn

5. Biểu diễn võ thuật
Bình Định được xem là cái nôi của Võ cổ truyền dân tộc, là nơi phát tích của các dòng võ, lò võ lớn nổi tiếng với những tuyệt kỹ võ thuật đặc trưng. Võ cổ truyền Bình Định được kết tinh của ba dòng võ Chămpa - Đại Việt và Trung Hoa. Với sự hòa quyện, đúc kết các tinh hoa võ học mang tính chọn lọc đã dần hình thành nên bản sắc riêng và được các thế hệ võ nhân lưu giữ, phát triển. Kế thừa những giá trị độc đáo của nền võ học lâu đời, nhiều năm qua, hoạt động Võ cổ truyền Bình Định đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Để Võ cổ truyền Bình Định được gìn giữ và phát huy, cần phải có chương trình khôi phục, bảo tồn và quảng bá Võ cổ truyền toàn diện; đồng thời cần nghiên cứu, chọn lọc để sử dụng, khai thác hiệu quả những giá trị đặc sắc phục vụ cho sự nghiệp thể thao, phát triển du lịch và văn hóa của tỉnh.
5.1. Tiết mục Tứ linh đao
- Biểu diễn: Nguyễn Hoàng Anh Vũ (CLB Chùa Long Phước).

CLB Chùa Long Phước do đại võ sư QT Thích Hạnh Hòa làm chưởng môn, ông sinh năm 1954, là đại võ sư Quốc tế hòa thượng, viện chủ chùa Long Phước tại thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Võ sư quốc tế QT Thích Hạnh Hòa khẳng định mạch võ cổ truyền Bình Định vô cùng đa dạng và phong phú và chùa Long Phước đang lưu giữ tinh hoa một phái võ của mạch võ cổ truyền Bình Định.
Phái võ cổ truyền chùa Long Phước từ lâu là niềm tự hào của miền đất võ Bình Định, mạch võ từ ngôi chùa này đã làm phong phú thêm và tiếng vang xa của miền đất võ Bình Định, Việt Nam.
Hướng Đông chấp thủ nghiêm chào
Chụm về tay phải cầm đao loan liền
Lui chân, tay kéo lên trên
Chém qua trái, phải, vớt liền một phen
Nghiêng về rùa núp lá sen
Chém ngang phát cỏ, bay lên Phượng Hoàng
Đỡ đâm hình dạng kỳ lân
Tréo chân chém dưới, bước lên chẻ đầu
Hướng tây nào khác gì đâu
Hướng Nam xoay vớt bay lên Phượng Hoàng
Đỡ trên chém dưới hai lần
Đao dâng ngang mặt tay sau nhảy chồm
Chém liền hai ngọn dưới trên
Hướng Bắc như thử xoay tròn tứ môn
Tung mình cá vượt vũ môn
Tọa địa hổ giáng phi long theo liền
Trở về bái tổ tiếp liên
Chụm chân tại chỗ tứ linh hết bài

5.2. Tiết mục Phong hoa đao
- Biểu diễn: Nguyễn Thanh Lộc (CLB Chùa Long Phước).

Phong hoa đao là bài binh khí quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Phong Hoa đao là một trong Ngũ bộ Phong hoa gồm Phong hoa kiếm, Phong hoa đao, Phong hoa côn, Phong hoa thương, Phong hoa thiết phiến của môn phái Hoa quyền.
Phong hoa đao khi thi triển thì lúc cương, lúc nhu, chiêu thức liền mạch theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các đòn thế kín kẽ, uyển chuyển, dũng mãnh. Phong hoa đao chia làm 4 thức tượng trưng cho 4 hướng, mỗi thức có 9 thế tượng trưng cho 8 hướng và trung tâm. Tổng cộng 36 thế. Với nội dung này Thanh Lộc đạt huy chương đồng giải vô địch trẻ quốc gia lần 25 tại Sóc Trăng năm 2024
Bái tổ lập đao, Giao đao đả hổ
Tàng đầu hữu bàn đao, Hoành khiêu bộ khóa đao
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Độc lập phách mạc đao, Tả hữu trích tinh đao
Hồi đao thích hổ, Phạt thảo hí du long
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Đăng sơn viễn thiếu, Tả hữu trảm mạc đao
Phục hổ trảm thượng đao, Hoành tảo thiên quân đao
Thiềm triển kháo đao, Hồi thân phách đao
Tàng đầu bàn đao, Phạt thảo hí long
Khiên thủ tàng đao, Loan phụng thượng thôi đao
Hồi thân trảm mã đao, Độc lập hạ tiệt cước

2 TIẾT MỤC BIỂU DIỄN VÕ THUẬT

Tiết mục biểu diễn võ thuật

5.3. Tiết mục Bừa cào
Biểu diễn: Nguyễn Tấn Dũng (Võ đường Phan Thọ).
được lưu giữ tại võ đường Phan Thọ do võ sư Lê Xuân Nam cung cấp. Bừa cào là công cụ lao động của người nông dân ở nước ta, trong thời chiến sự đây là loại binh khí được nông dân sử dụng để đánh giặc khi khí giới còn hạn hẹp . Bừa cào một đầu gắn lưỡi sắt hình răng lược với  những động tác đập, bổ, móc, kéo, đâm, phát triển dần thành những kỷ thuật, những chiêu thức liên hoàn có tính liên tục với nhau là sự kết hợp giữa thân pháp, bộ pháp, uyển chuyển mạnh mẽ.

5.4. Tiết mục Song bút
- Biểu diễn: Phạm Ngọc Như Quỳnh (Võ đường Phan Thọ).

Võ đường Phan Hòa thuộc môn phái Phan Thọ,Tây Sơn Bình Định. Từ nhỏ lớn lên học cha ông ở quê nhà ở làng An Thái, Sau học thầy Dương Trẩn, lên Bình Nghi Tây Sơn bái sư thầy Phan Thọ. Xuống chợ Gò Tuy Phước thọ giáo thầy Mười Mỹ. Hiện nay VĐ Phan Hòa nằm ở 231 Tây Sơn và 3 CLB Quang Trung, LTK, NVCu. Hiện VĐ đào tạo hàng trăm võ sinh theo học ở các địa điểm này.
Võ đường Phan Hòa có nhiều đóng góp cho Tỉnh BĐ, khi tham gia các kỳ Liên hoan quốc tế VCT Bình Định. Song bút là một trong những bài tuyệt kỹ của môn phái.

5.5. Tiết mục Song chùy
- Biểu diễn: Vũ Trần Minh Chiến (Võ đường Phan Thọ).

Năm nay võ đường Phan Hòa cung cấp 1 vận động viên Vũ Trần Minh Chiến tham gia nội dung Thái Sơn côn và đạt thành tích huy chương bạc quốc gia.
“Thủ cấp song chùy bái tiên ông
Triển hình tốc lực thế đảo biên
Hoành khai loạn đả chiêu nam hán
Đại phá tung hoành định tây đông
Đảo thế song chùy lôi chấn địa
Khung thân độc cước thủy lưu thông
Hoành đả lưỡng biên lôi thám thính
Thủ cấp song chùy bái tiên ông”.

6. Trích đoạn tuồng “Thuỷ Định Minh câu cátrích trong tuồng “An Trào kiếm”
Thủy Định Minh vốn là một bậc hiền tài, văn võ song toàn nhưng vì chán ghét bọn gian thần sủng nịnh trong triều đình nên ông đã lui về quê ở ẩn, ngày ngày câu cá làm vui, đợi thời cơ tốt sẽ ra giúp nước.
Qua trích đoạn này, cách câu cá đã được nghệ thuật hóa vào sân khấu tuồng, với những động tác đẹp, chi tiết, tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo, tái hiện cuộc sống đời thường vô cùng sinh động, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn và gợi nhiều cảm xúc thẩm mỹ đẹp trong lòng người xem.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thái Phiên trong vai Thuỷ Định Minh

7. Đơn ca nữ “ Điệp khúc tình yêu”
Bài hát Điệp khúc tình yêu của nhạc sỹ Trần Tiến ra đời cách đây hơn 40 năm, nhưng cứ mỗi lần nhịp điệu, tiết tấu và lời ca của bài hát vang lên, ta lại nghe bồi hồi, được trở về với một thời đã qua của chiến tranh, máu lửa và đạn bom, và thúc giục ta hôm nay hãy hát và hãy sống bằng trái tim tình yêu, bằng trái tim lửa cháy yêu thương, để cuộc đời này mãi mãi là điệp khúc tình yêu.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Minh Trang

3 TIẾT MỤC ĐƠN CA NỮ

Tiết mục đơn ca "Điệp khúc tình yêu"

8. Biểu diễn võ thuật
Võ cổ truyền Bình Định là một di sản văn hóa phi vật thể, là bản sắc và nét đặc trưng văn hóa của một miền đất được danh là “Miền đất võ”. Võ Bình Định không chỉ là hình thức tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách trau dồi tâm tính, đạo lý. Vì vậy, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân Bình Định. Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ các lò võ nhằm khôi phục những giá trị Võ cổ truyền của từng môn phái. Nhờ vậy, các lò võ đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đã kích thích phong trào luyện tập và góp phần phát triển du lịch. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học về Võ cổ truyền cũng được các cấp, ngành quan tâm và bước đầu đã có kết quả nhất định. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, các công trình khoa học đã xây dựng được những luận cứ khoa học cơ bản, góp phần quan trọng đối với hoạt động bảo tồn những giá trị của Võ cổ truyền Bình Định. Với những đóng góp quan trọng, Võ cổ truyền Bình Định được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” cấp quốc gia; đồng thời, được nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Chính phủ về xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
8.1. Đồng diễn quyền Ô Vân Quyền Cước
- Biểu diễn : CLB Phạm Thị Lành.

CLB Phạm Thị Lành do Võ sư Phạm Thị Lành phụ trách, đến nay khoảng 50 võ sinh theo tập. Năm nay CLB Phạm Thị Lành đã cung cấp 1 vận động viên tham gia giải vô địch trẻ toàn quốc và đạt 1 HCĐ nội dung Ngọc Trản quyền.

8.2. Đồng diễn Thiên Long đao
- Biểu diễn: CLB Phạm Thị Lành.

Tiết chế huân đao lôi địa chấn.
Tân cương hiệp trảm lũy xà thành.
Lập địa truy phong đao thượng thủ.
Huân thiên yểu vũ kiếm trung sanh.
Phản lộ hoành sơn di hỏa tấn.
Hồi đầu trực diện tọa vân thân.
Tả hữu huân đao xã động thủ.
Giang tông bửu đảnh hốt cương thuần.
Lạc nhựt song cân đô chuẩn khí
Quan san thiết tảo yểm đao thần.
Độc trụ tương xung câu liêm giảo.
Đài đăng tấn bộ thỉ cung trần.
Vọng bái: Hư Minh tổ sư đài.

8.3. Tiết mục đao lăn khiên
- Biểu diễn Thanh Phong ( Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định).

Chấp thủ lăn khiên , trực tiền thủ thế,
Hoành thân lập bộ , lạc mã đê đầu.
Chuyển thân độc tấn, lưỡng bộ kỳ lân,
Đại bàng phi cánh, hoành thân trực chiến.
Nhị bộ chim ưng, thối tọa âm dương,
Tả canh hạ thủ, lăng khiên lưỡng địa.
Tây chiến như đông, tả hữu tấn công,
Tung hoành ngũ lộ, tẩu mã đê đầu,
Hoành thân bái tổ - lập bộ như tiền

4 TIẾT MỤC BIỂU DIỄN VÕ THUẬT (4)

Tiết mục biểu diễn võ thuật

8.4. Tiết mục Lão Mai quyền
- Biểu diễn Lê Thị Hồng Trang (CLB trường THCS Nhơn Bình).

Lão mai quyền là một trong những bài quyền đặc trưng của Bình Định, phổ biến khá rộng rãi trong các làng võ ở Bình Định, với những yếu tố kỷ thuật, tạo nên hình nét vòng tròn trong thân pháp, bộ pháp, ra đòn nhanh mạnh, mềm dẻo khéo léo, các bộ tấn được sử dụng di chuyển vừa nhẹ nhàng vừa linh hoạt, như cội Mai già trước cơn gió lốc.
Lão mai độc thọ nhất chi vinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành
Tấn nhất đoản thối hồi lão khởi
Phi nhất thác hoàn thối thanh đình
Tàng nha hổ dương oai thiết trảo
Triển giác long tất lực lôi oanh
Lão hầu thoái tọa liên ba biến
Hồ điệp song phi lão bạng sanh
Nguyệt quật song câu lôi điển chấn
Vân tôn tam tảo hổ xà thành

9. Đơn ca nam “Đất nước tình yêu
Ca khúc “Đất nước tình yêu” ra đời đã cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên lên đường ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc thân yêu, để lại người yêu nơi quê nhà. Họ đặt tình cảm riêng tư trong tình yêu đất nước. Nhạc sỹ Lệ Giang đã sáng tác ca khúc để ca ngợi tình yêu lứa đôi lúc ấy: “Khi chúng ta yêu nhau chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm”. Lời bài hát dẫn dắt người nghe hồi tưởng lại những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc và là niềm tự hào của tuổi trẻ   của một thời để nhớ.
Biểu diễn: Thanh Trực

10. Múa “Lên Tháp
Dân tộc Chăm có những lễ hội sôi động với những điệu múa đẹp lạ lùng, quyến rũ, ẩn chứa những hình tượng văn hóa độc đáo. Nét văn hóa Champa đã làm xao xuyến lòng người qua những điệu múa, lời ca u hoài, huyền ảo. Những điệu múa Chăm là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Ẩn sâu bên trong những điệu múa ấy, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa Chăm, linh thiêng, huyền bí nhưng không kém phần lãng mạn, tuyệt mỹ.
Xin mời quý vị cùng thưởng thức tiết mục múa “Lên Tháp
Âm nhạc: Nhạc sỹ Phú Quang
Biên đạo: NSND Đặng Hùng
Biểu diễn: Tốp nữ
 
5 TIẾT MỤC MÚA LÊN THÁP (3)

Tiết mục múa "Lên Tháp"

11. Biểu diễn võ thuật
11.1. Tiết mục Độc lư thương
- Biểu diễn : Trịnh Phú Nhân (CLB Trung Tính).

Độc Lư Thương ngụ ý tượng trưng cho sự đoàn kết của ba anh em nhà Tây Sơn hội tụ đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, vững chắc trong thế ba chân của chiếc lư hương. Độc lư còn có nghĩa tôn thờ một chủ, quyết tâm đồng lòng ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn của nhân dân. Bài Độc Lư Thương phổ biến ở vùng Tây Sơn Thượng Đạo, nay là thuộc Huyện An Khê, Gia Lai được võ phái Tây Sơn Võ Đạo Bình Định tại An Khê kế thừa và lưu truyền.Người giới thiệu và thị phạm bài Độc Lư Thương ghi băng hình tại TP.HCM và Khánh Hòa là Võ sư Đoàn Thọ Sơn. Võ phái Tây Sơn Võ Đạo. Đơn vị Gia Lai. Người thị phạm bài Độc Lư Thương ghi đĩa hình lần thứ III năm 2007 tại Hà Tây là võ sư cao cấp Trần Duy Linh. Bài Độc Lư Thương được bình chọn trong Hội nghị chuyên môn VTCT toàn quốc lần thứ V năm 1997 tại TP HCM.
1. Lập tấn liên ba phụng giang đầu
2. Nhị bộ tấn nghinh khai đảng thủ
3. Quy đầu phục thế tấn độc lư
4. Hạ hồi ký túc song long kích
5. Hoành thân chuyển đả tái nghịch tâm
6. Hậu hoàn nghinh chiến khai trực chỉ
7. Hữu phi khai giác thích trung đình
8. Phi bộ tạ hồi liên trung đỉnh
9. Hồi long giáng thế đảo liên thành
10. Chấp thủ “độc lư” sát thích thương
11. Song bộ khai quy đằng xuyên thích
12. Phi vân chấp mã tấn sát ngưu
13. Đảo thế khuynh thân hầu long bộ
14. Chuyển long phi giác thối liên đài
15. Liên ba tam bộ lập như tiền.
11.2. Tiết mục Ngọc Trản quyền – Biểu diễn : Kim Chi (CLB Thành Huy – Phù Mỹ).
Là một trong những bài bài quyền đặc trưng của Bình Định, có lối đánh công thủ toàn diện, kín đáo, kết hợp nhu cương né tránh phản đòn rất lợi hại, di chuyển nhẹ nhàn linh hoat, khi trụ ngựa ra đòn thì vững chắc và mạnh mẽ. Ngọc trản quyền Là một trong nững bài quyền nổi tiếng và phổ biến khá rộng rãi trong làng võ ở  Bình Định.
1. Tam bộ bái tổ - Nhị bộ kỉnh sư.
2. Hồi thân lập trụ - Ngọc trản ngân đài.
3. Tả hữu tấn khai - Thập tự luyện diệp.
4. Liên đả sát túc - Toạ hồi mai phục.
5. Tấn đả tam chiến - Thối thủ nhị linh.
6. Tả hoành sát - Hữu hoành sát.
7. Hồi phát địa hổ - Thanh long biên giang.
8. Phụ tử tương tùy - Song phi triển dực.
9. Hạ bàn lôi đản đả - Hồi tiểu tọa khai cung.
10. Tấn đả song quyền - Trực tiền quyển địa.
11. Huỳnh long quyển địa - Đồng tử dương thân.
12. Hoành tấn đả liên hoàn - Hồi tả tọa bạch xà lang lộ.
13. Tả hoành sát thanh long biên giang - Kim kê điển thủ.
14. Thối tảo bát liên hoàn - Tẩu mã dương tiên.
15. Lập bộ như tiền - Hồi đầu vọng bái.
11.3. Tiết mục Lôi phong tùy hình kiếm – Biểu diễn Trần Thị Thảo Hiền (CLB Trung Tính).
Do đô đốc Trần Quang Diệu biên soạn, trong thời gian Ông ở núi Thạch Bi cùng với vợ là Bùi Thị Xuân chọn vùng đất này lập căn cứ chiêu mộ hào kiệt và rèn luyện võ công. Bài Lôi phong tùy hình kiếm có 72 hành pháp liên hoàn theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào ngày 21 tháng 03 năm Kỷ Sửu ( 1769).
“Xuất kiếm thị oai phong, lâm xuân hoa diệp lạc,
Hổ diểu kiếu kinh thiên, lôi phong thinh động địa.
Xung vân kiếm nhi hầu thượng đế, sắc long đao giáng phủ động đình ,
Thị nhựt ư xuất hành đương tiên điển,
Cấp cấp truy bộ thiên lôi chi phủ đạo, trùng tiên nhi đãi sự
tảo ngã tận tích khí tan bồng”
11.4. Tiết mục Siêu xung thiên – Biểu diễn : Lục Bùi Quốc Việt (CLB Phạm Thị Lành).
Là bài đại đao được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 2 do Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam tổ chức năm 1994 bình chọn, thống nhất là một trong những bài binh khí tiêu biểu cho quốc võ dân tộc. Sau khi bình chọn, bài được giới thiệu, tập luyện tại các võ đường võ cổ truyền và đưa vào chương trình thi đấu, biểu diễn bắt buộc trong toàn quốc.
Bái tổ
Xung thiên đề đao trảm phản nghinh
Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh
Đê đầu tầm thụ lai phụng tấn
Trảm phạt trung bình tọa ngưu canh
Long thăng hổ giáng loan xa sát
Tiềm tàng ẩn phục điểu kiên thinh
Lạc mã bàng phi lai cấp thích
Tứ trung bình tọa phục môn sanh
Đề đao lập bộ - bái tổ y như tiên

6 TRÍCH ĐOẠN TUỒNG ÔN ĐÌNH CHÉM TÁ

Trích đoạn tuồng "Ôn Đình chém Tá"

12. Trích đoạn tuồng “Ôn Đình chém Tá trích trong vở tuồng cổ kinh điển “Sơn Hậu”.
Trên đường ở lại truy cản ba anh em nhà họ Tạ đuổi theo bạn mình là Đổng Kim Lân. Linh Tá đã dũng cảm giao tranh với quân giặc, nhưng một mình một ngựa làm sao có thể địch nổi thiên binh vạn mã của Tạ tặc. Linh Tá bị Tạ Ôn Đình dùng miếng “thoái thương lạc mã” lừa nên giục ngựa truy theo và bị gã chém rơi đầu. Tuy Linh Tá chết nhưng tinh thần bất khuất của người anh hùng không chết. Anh vẫn cố sức cầm cự và tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu để cho Đổng Kim Lân chạy được xa đường.
Với những động tác biểu diễn đặc sắc trong Tuồng như bê, lỉa, xiến, lăn…. và sử dụng các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng đậm chất tuồng được thể hiện rõ nét trong trích đoạn “Ôn Đình chém Tá”, giúp người xem chiêm ngưỡng được những cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Biểu diễn:  Nghệ sỹ Thái Anh trong vai Ôn Đình
NSƯT Ngọc Nhân trong vai Linh Tá
NSƯT Đức Khanh trong vai Lôi Nhược
Nghệ sỹ Tuấn Long trong vai Lôi Phong

Tác giả bài viết: Duy Linh - Thúy Hường; Ảnh: Công Phượng - Thúy Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây