Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với Trường Đại học FPT Quy Nhơn và Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành ngày 01.6.2024

Thứ năm - 30/05/2024 03:46

 

1. Hoà tấu nhạc cụ dân tộc bài “Lý  kéo chài - FlyAway”
Biểu diễn:  Giảng viên, sinh viên Trường Đại học FPT Quy Nhơn

2. Tốp ca nữ “Quê hương tình yêu và tuổi trẻ”
“Gió chiều rung nhẹ bông lúa vàng, ...
Đồng quê ngát hương đang êm ru muôn âm thanh dịu dàng.
Nắng chiều tô đẹp đôi má hồng, ...
Người em mến thương gieo trong tôi muôn khúc nhạc vấn vương.
Ôi quê hương chốn đây tình yêu mãi dâng đầy.
Và nghe như trong con tim dội muôn tiếng hát”

Lời ca khúc đã góp phần tô thắm thêm bức tranh quê hương Việt Nam tươi đẹp luôn gắn với tình yêu và tuổi trẻ bao thế hệ.
Sáng tác: Nhạc sỹ Quốc Dũng
Biểu diễn: Tốp nữ

TIẾT MỤC TỐP CA NỮ

Tiết mục tốp ca nữ

3. Đơn ca nam “Sáng mãi một tình yêu Quy Nhơn”
“Quy Nhơn một trang sách mới đi vào lòng người
Quy Nhơn màu xanh nắng mới sâu nặng tình người”
Bài hát ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp,  phản ánh sự đổi thay diện mạo qua từng ngày và tình người chứa chan, sâu nặng của mảnh đất Quy Nhơn thân yêu.
Sáng tác: Chung Thế Nghiệp
Biểu diễn: Nghệ sỹ Thanh Trực
4. Biểu diễn võ thuật
Bình Định được xem là cái nôi của Võ cổ truyền dân tộc, là nơi phát tích của các dòng võ, lò võ lớn nổi tiếng với những tuyệt kỹ võ thuật đặc trưng. Võ cổ truyền Bình Định được kết tinh của ba dòng võ Chămpa - Đại Việt và Trung Hoa. Với sự hòa quyện, đúc kết các tinh hoa võ học mang tính chọn lọc đã dần hình thành nên bản sắc riêng và được các thế hệ võ nhân lưu giữ, phát triển. Kế thừa những giá trị độc đáo của nền võ học lâu đời, nhiều năm qua, hoạt động Võ cổ truyền Bình Định đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
4.1 Song diễn căn bản công 36 động tác
- Biểu diễn: Hồng Quyên, Nhật Tú.

Kính thưa quý vị! Đây là nội dung của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 4775 ngày 16/9/2015 chỉ đạo các trường học trong cả nước cùng triển khai để thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 6311 ngày 11/8/2015 về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương từ năm học 2015 - 2016. Ba bài quyền võ thuật học đường gồm có: – Căn bản công pháp cấp I: 27 động tác; – Căn bản công pháp cấp II: 36 động tác; – Căn bản công pháp cấp III: 45 động tác.
4.2 Song diễn Ngọc Trản quyền
- Biểu diễn : Xuân Huy, Bảo Trân.

Là một trong những bài bài quyền đặc trưng của Bình Định, có lối đánh công thủ toàn diện, kín đáo, kết hợp nhu cương né tránh phản đòn rất lợi hại, di chuyển nhẹ nhàn linh hoat, khi trụ ngựa ra đòn thì vững chắc và mạnh mẽ. Ngọc trản quyền Là một trong nững bài quyền nổi tiếng và phổ biến khá rộng rãi trong làng võ ở  Bình Định.
Tam bộ bái tổ
Nhị bộ kính sư
Hồi thân lập trụ
Ngọc trản ngân đài
Tả thủ tấn khai
Thập tự luyện dịp
Liên đả sát túc
Tọa hồi mai phục
Tấn đả tam chiến
Thối thủ nhị linh
Tả hoành sát, hữu hoành sát
Hồi phát địa hổ
Thanh long biên giang
Phụ tử tương tùy
Song phi triển dực...
Hạ bản lôi đản đả
Hồi tiểu tọa khai cung
Tấn đả song quyền
Trực tiền quyển địa
Huỳnh long quyển địa
Đồng tử vươn thân
Hoàn tấn đã liên hoàn
Hồi tả tọa Bạch xà lăn lộ
Tản hoành sát thanh long biên giang
Kiêm kê điển thủ
Thối thảo bát liên hoàn
Tẩu mã dương tiên
Lập bộ như tiền.
4.3 Song diễn Thần đồng
- Biểu diễn: Bảo Nguyên, Đức Phong.

Thủ bái Thần đồng
Ngư ông trì thế
Xổ bộ xuy phong
Hoành khai tả toạ Thái công
Phát hồi địa hổ
Đả song phi chích phụng đơn hành
Đản tả đả tả
Đản hữu đả hữu
Phi nhất bộ Thần đồng chắp thủ
Lương biên lập như tiền
4.4 Đối luyện Binh khí chống Binh khí
- Biểu diễn: Phú Nhân, Quốc Kha, Quốc Huy.

Kính thưa quý vị ! Các tiết mục đối luyện luôn ẩn chứa những thế đánh có độ nhanh rất cao, mạnh mẽ, uy lực và biến ảo vô cùng. Binh khí trong tay nhập hồn mà tung thế, binh khí kết hợp với tấn pháp vững vàng, thân pháp uyển chuyển, ánh mắt định thần, đầu óc tập trung cao độ. Tay cầm song đao luôn ở thế thượng phong, công thủ toàn diện để chống trả với nhị trường thương luôn lăm lăm trên tay. có thể nói đối luyện trong võ cổ truyền Bình Định là phương pháp tập luyện làm cho chúng ta có phản xạ nhanh nhất, ra thế kịp thời, vận dụng đối luyện người tập võ luôn có sự tập trung giải quyết tình thế cấp bách.

3 TIẾT MỤC BIỂU DIỄN VÕ THUẬT

Tiết mục biểu diễn võ thuật

5. Múa “Hái lá mùa xuân”
Thông qua các động tác múa thoăn thoắt, nhịp nhàng thể hiện hình ảnh các cô gái người dân tộc Rắc Lây rủ nhau ra rừng hái lá, với ước mong cho cây cối đâm chồi nảy lộc, một năm vụ mới mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tươi, nhà nhà no ấm.
Sáng tác múa:  Cố NSND Đặng Hùng
Biểu diễn: Tốp nữ
6. Độc tấu đàn bầu Nhịp cầu quê hương
Đàn Bầu là một trong những nhạc cụ dân tộc cổ truyển, độc đáo của đất nước Việt Nam với những âm thanh đằm thắm, ngọt ngào:
“ Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha
Ngân nga em vẫn hát
Tích tịch tình tình tang”
Mời quý vị thưởng thức tiết mục độc tấu đàn bầu “Nhịp cầu quê hương
Âm nhạc: Toàn Thắng
Biểu diễn: NS Quang Hiếu
7. Biểu diễn võ thuật
Võ cổ truyền Bình Định là một di sản văn hóa phi vật thể, là bản sắc và nét đặc trưng văn hóa của một miền đất được danh là “Miền đất võ”. Võ Bình Định không chỉ là hình thức tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách trau dồi tâm tính, đạo lý. Vì vậy, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân Bình Định. Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ các lò võ nhằm khôi phục những giá trị Võ cổ truyền của từng môn phái. Nhờ vậy, các lò võ đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đã kích thích phong trào luyện tập và góp phần phát triển du lịch.
7.1 Song diễn Thanh long độc kiếm
-  Biểu diễn: Tấn Triển, Tâm Như .

Thanh long độc kiếm là bài binh khí của Võ phái Thanh long võ đạo, do Võ sư Lê Kim Hòa giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc bình chọn năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh và chính thức phổ biến huấn luyện tại Lớp tập huấn Huấn luyện viên Võ cổ truyền toàn quốc từ ngày 15 đến 21 tháng 12 năm 2008 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tại Bình Định nhiều vận động viên thi đấu đạt thành tích xuất sắc tại các giải cúp, vô địch và giải vô địch thế giới đã thi triển bài Thanh long độc kiếm rất thành đạt huy chương vàng như kiện tướng quốc gia Phạm Đình Khiêm, Trần Thị Thảo Hiền…nhiều năm liền với danh hiệu kiện tướng.
Đang biểu diễn là 2 võ sinh Tấn Triển và Tâm Như với 2 huy chương vàng giải trẻ toàn quốc năm 2023 tại Quảng Ngãi.

Tứ phương bái tổ kính sư
Xuất kiếm thủ bộ dáng người uy nghi
Long thăng trảm thạch liền khi
Tầm xà sát thích vân phi liền kề
Thanh long xuất thế trở về
Quy xà phạt thảo tứ bề sát kinh
Ẩn long trầm thủy tung mình
Nộ, giáng, thích, trảm, tụ thần triều dương
Giao long đảo hải vẩy vùng
Xung thiên bạch hạt nghiêng mình chuyển thân
Thanh long bải vĩ xuất thần
Long vân gặp hội muôn phần vũ phong
Vọng nguyệt long giáng tầm ngư
Vũ môn cá vượt qua thềm vờn mây
Thanh long bái tổ hầu sư
Diện tiền lập bộ kiếm thu trở về

7.2. Song diễn Phong hoa đao

- Biểu diễn: Hồng Vân, Thanh Lộc.
Phong hoa đao là bài binh khí quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Phong Hoa đao là một trong Ngũ bộ Phong hoa gồm Phong hoa kiếm, Phong hoa đao, Phong hoa côn, Phong hoa thương, Phong hoa thiết phiến của môn phái Hoa quyền.
Phong hoa đao khi thi triển thì lúc cương, lúc nhu, chiêu thức liền mạch theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các đòn thế kín kẽ, uyển chuyển, dũng mãnh. Phong hoa đao chia làm 4 thức tượng trưng cho 4 hướng, mỗi thức có 9 thế tượng trưng cho 8 hướng và trung tâm. Tổng cộng 36 thế.
Bái tổ lập đao, Giao đao đả hổ

Tàng đầu hữu bàn đao, Hoành khiêu bộ khóa đao
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Độc lập phách mạc đao, Tả hữu trích tinh đao
Hồi đao thích hổ, Phạt thảo hí du long
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Đăng sơn viễn thiếu, Tả hữu trảm mạc đao
Phục hổ trảm thượng đao, Hoành tảo thiên quân đao
Thiềm triển kháo đao, Hồi thân phách đao
Tàng đầu bàn đao, Phạt thảo hí long
Khiên thủ tàng đao, Loan phụng thượng thôi đao
Hồi thân trảm mã đao, Độc lập hạ tiệt cước
Hồi thân trảm mã đao, Uyên ương mạc đao
Hoành bộ thượng thôi đao, Tả hữu trảm mạc đao
Tả thủ kim tiêu cước, Hữu tả trảm mạc đao
Hữu thủ kim tiêu cước, Hồi thân trảm mã đao
Khiên thủ tàng đao, Tả hữu phân liêu đao
Thượng bình tàng đao, Bái tổ thu đao thức.
7.3 Lạc Mã Trùng dương - Nguyễn Khánh Linh
Bài Lạc Mã Trùng dương được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài quyền có 52 hành pháp liên hoàn. Né tránh, luồn lách, các tư thế đâm như tấn công vũ bão, sa luân chuyển ảo diệu bất thường.
7.4 Đối luyện Tay không chống binh khí - Xuân Huy, Tấn Triển, Nguyên Sơn.
Đệ nhất anh hùng giữa thế gian
Dẹp tan xâm lược cứu giang san
Đống Đa giặc Mãn thây chồng chất
Xoài Mút quân Xiêm xác ngổn ngang
Kim Cổ vĩ nhân so xứng bậc
Đông Tây danh tướng sánh cùng hàng
Quang Trung thế hệ tài năng trẻ
Tô điểm nhà Nam rạng vẻ vang

8. Đơn ca nữMàu hoa đỏ

IMG 20240530 150151
Tiết mục đơn ca "Màu hoa đỏ"

“Màu hoa đỏ” là một tuyệt phẩm được cố nhạc sỹ Thuận Yến phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vào năm 1991. Với những người lính từng trải qua cuộc chiến, ca khúc như một trang nhật ký đậm màu cuộc sống. Lời bài hát cũng là lời nhắc nhớ về một sự hy sinh”rực lửa” của các thế hệ cha ông đi trước vì nền độc lập của nước nhà mà thế hệ trẻ hôm nay không được phép quên.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Minh Trang

9. Trích đoạn tuồngÔn Đình chém Tá” được trích trong vở tuồng cổ kinh điển “Sơn Hậu”.

TRÍCH ĐOẠN ÔN ĐÌNH CHÉM TÁ
Trích Ôn đình chém Tá 

Trên đường ở lại truy cản ba anh em nhà họ Tạ đuổi theo bạn mình là Đổng Kim Lân. Linh Tá đã dũng cảm giao tranh với quân giặc, nhưng một mình một ngựa làm sao có thể địch nổi thiên binh vạn mã của Tạ tặc. Linh Tá bị Tạ Ôn Đình dùng miếng “thoái thương lạc mã” lừa nên giục ngựa truy theo và bị gã chém rơi đầu. Tuy Linh Tá chết nhưng tinh thần bất khuất của người anh hùng không chết. Anh vẫn cố sức cầm cự và tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu để cho Đổng Kim Lân chạy được xa đường.
Với những động tác biểu diễn đặc sắc trong Tuồng như bê, lỉa, xiến, lăn…. và sử dụng các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng đậm chất tuồng được thể hiện rõ nét trong trích đoạn “Ôn Đình chém Tá”, giúp người xem chiêm ngưỡng được những cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Biểu diễn: NSƯT Ngọc Nhân trong vai Linh Tá
Nghệ sỹ Thái Anh trong vai Tạ Ôn Đình
NSƯT Đức Thành trong vai Lôi Phong
NSƯT Đức Khanh trong vai Lôi Nhược

Tác giả bài viết: Bài: Duy Linh - Thúy Hường ; Ảnh: Công Phượng - Thục Nương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây