1. Tiết mục múa “ Ngày hội làng Chăm”
Kết hợp cùng giai điệu âm nhạc vui nhộn, rộn ràng, tiết mục múa “Ngày hội làng Chăm” đã góp phần vẽ nên “bức tranh” tuyệt mỹ của người Chăm trong mùa lễ hội. Hình ảnh các chàng trai, cô gái trẻ trung, xinh đẹp mang đến lễ hội không khí vui tươi, phấn khởi với các điệu múa thoăn thoắt, mềm mại, quyến rũ với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người người no ấm.
Âm nhạc: NSƯT Đinh văn Nhân
Biên đạo: Các nghệ sỹ: Nhật Huy - Kim Tiển
Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Hồng Diễm, Kim Tiển, Thuý Kiều, Trà Giang, Trần Vân, Nhuỵ Hảo.
Tiết mục múa "Ngày hội làng Chăm"
2. Biểu diễn võ thuật
Bình Định được xem là cái nôi của Võ cổ truyền dân tộc, là nơi phát tích của các dòng võ, lò võ lớn nổi tiếng với những tuyệt kỹ võ thuật đặc trưng. Võ cổ truyền Bình Định được kết tinh của ba dòng võ Chămpa - Đại Việt và Trung Hoa. Với sự hòa quyện, đúc kết các tinh hoa võ học mang tính chọn lọc đã dần hình thành nên bản sắc riêng và được các thế hệ võ nhân lưu giữ, phát triển. Kế thừa những giá trị độc đáo của nền võ học lâu đời, nhiều năm qua, hoạt động Võ cổ truyền Bình Định đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
3. Trích đoạn Ca kịch Bài chòi “Đêm Phú Xuân”, trích trong vở “Anh hùng với giai nhân”
Từ khi nàng công chúa khuê các xứ Bắc Hà - Ngọc Hân nên duyên cùng người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ và theo chàng vào Phú Xuân định đô. Ở nơi đất khách quê người, bao nỗi nhớ nhung về quê hương, gia đình luôn thường trực trong tim Ngọc Hân. Nhưng nhờ tình yêu chân thành, nồng thắm giữa hai người đã vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, không gian, thân thế và cả âm mưu không trong sáng của những thế lực chính trị thời Lê suy Trịnh nát, để vươn tới sự cao thượng và trở thành thiên diễm tình tuyệt đẹp, tiêu biểu trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Biểu diễn: Nghệ sĩ Bích Lĩnh trong vai Công chúa Ngọc Hân
NSƯT Phương Phú trong vai Nguyễn Huệ
Nghệ sĩ Đỗ Xuân trong vai Lê Duy Chí
Nghệ sĩ Duy Long trong vai quân báo
Trích đoạn ca kịch bài chòi "Đêm Phú Xuân"
4. Đơn ca nữ “Con gái xứ Nẫu”
“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền
Hồn quê hào khí nào quên
Nết na hiền thục đảm đam nghĩa tình”
Đó là những ca từ mà nhạc sỹ Đào Minh Tâm viết về con gái xứ Nẫu với niềm tự hào của người con đất Võ.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Bạch Lan
5. Biểu diễn võ thuật
Võ cổ truyền Bình Định là một di sản văn hóa phi vật thể, là bản sắc và nét đặc trưng văn hóa của một miền đất được danh là “Miền đất võ”. Võ Bình Định không chỉ là hình thức tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách trau dồi tâm tính, đạo lý. Vì vậy, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân Bình Định. Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ các lò võ nhằm khôi phục những giá trị Võ cổ truyền của từng môn phái. Nhờ vậy, các lò võ đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đã kích thích phong trào luyện tập và góp phần phát triển du lịch.
Tiết mục biểu diễn võ thuật
6. Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc ” mang hào khí của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ mùa xuân năm ấy tiến quân ra Bắc, đánh tan quân xâm lược với khí thế thần tốc và giành chiến thắng lẫy lừng vào dựng xây cuộc sống mới hôm nay. Đó là thần tốc vươn lên xây bao công trình, góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước để chào đón mùa xuân, chào năm mới và chào ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc” kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa của các diễn viên tạo không khí hào hùng, vui tươi, phấn khởi trong mùa xuân năm mới.
Biểu diễn:
- Hát: Các Nghệ sỹ: Duy Long, Anh Tuấn, Bạch Lan, Hồng Diễm.
- Múa: Các nghệ sỹ: Kim Tiển, Thuý Vân, Trà Giang, Thuý Kiều, Võ Nương, Bích Lĩnh.
Tiết mục hát múa "Mùa xuân âm vang thần tốc"
7. Trích đoạn Ca kịch Bài chòi “Vì nghĩa quên thân”, trích trong vở “Lời ru hai người mẹ”
Biểu diễn: Nghệ sỹ Chí Cường trong vai Vương Tùng
Nghệ sỹ Thành Việt trong vai Tiểu Quân
Nghệ sỹ Trung Hiếu trong vai Đao Phủ
Nghệ sỹ Nhuỵ Hảo trong vai Ngân Hà