CHẤT TRỮ TÌNH, LÃNG MẠN, TƯƠI MỚI QUA VỞ "CHUYỆN TÌNH CÔNG CHÚA THIÊN HƯƠNG"
Bài: Thục Nương; Ảnh: Hoàng Dũng
2023-12-27T20:59:13-05:00
2023-12-27T20:59:13-05:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/chat-tru-tinh-lang-man-tuoi-moi-qua-vo-chuyen-tinh-cong-chua-thien-huong-216.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/1chuyen-tinh-cong-chua-thien-huong.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ tư - 27/12/2023 20:45
Với các thể loại tuồng như dã sử, hiện đại, xuân nữ, thông thường đề tài tình yêu (đặt trong mối tương quan với lợi ích quốc gia, dân tộc) đầy chất lãng mạn, trữ tình được chú trọng khai thác ở những mức độ khác nhau nhưng vẫn phù hợp với tư tưởng, chủ đề và thông điệp của vở diễn. “Chuyện tình công chúa Thiên Hương” là vở tuồng dã sử, mang nội dung tương tự. Vở diễn nhằm ca ngợi tình yêu chân thành, kêu gọi hòa bình, hòa hợp giữa các dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, yên lành cho muôn dân giữa các nước láng giềng: Triệu, Ly Nhung, Yên bang.
Đây là vở tuồng được tác giả Đoàn Thanh Tâm phỏng theo kiệt tác “Công chúa Tu - Ran - Đốt” của tác giả người Italya - Cac - Lô - Gô - Xi” (nằm trong 100 kiệt tác của thế giới), kể về câu chuyện tình rất thú vị của nàng công chúa nước Triệu - Thiên Hương và chàng hoàng tử của xứ sở Yên bang - Vương Tố Đạt (đang ẩn mình trên lãnh thổ của Triệu quốc do đất nước đang lâm nguy, gian thần lộng hành).
Cảnh vở tuồng "Chuyện tình công chúa Thiên Hương"
Vốn là người thông minh, xinh đẹp tuyệt trần, đã làm bao hoàng tử say đắm nhưng Thiên Hương công chúa không tin vào tình yêu chân chính có thể tồn tại trên cõi đời này, bởi nàng đã từng chứng kiến những sự việc đau lòng diễn ra hàng ngày đối với phụ nữ. Số kiếp đàn bà bị bao gã đàn ông bất nhân, vô lương tâm chà đạp, xem như một thứ đồ chơi giải trí để thỏa cơn dục vọng thấp hèn. Đặc biệt là hình ảnh chị gái nàng chết thảm vì nghe theo tiếng gọi của con tim, si mê gả Vương công nước láng giềng và bị hắn ta phản bội sau khi lấy làm vợ. Vì thế, nàng quyết trả thù cho chị bằng việc ra những câu giảng đố hóc búa và sẽ chém đầu những kẻ đến cầu hôn nàng mà không giải được câu đố. Cho đến một ngày, nàng gặp được Hoàng tử của xứ sở Yên Bang - Vương Tố Đạt. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, công chúa Thiên Hương đã xiêu lòng trước chàng hoàng tử khôi ngô Vương Tố Đạt, nhưng vì niềm kiêu hãnh và lời thề nhất định không lấy chồng nên nàng cố tỏ ra bình thản và thách đố bằng những câu hóc búa về “mặt trời, thời gian và con người”.
Còn với hoàng tử Vương Tố Đạt, từ khi nhìn thấy bức họa hình của công chúa Thiên Hương trên tay người vợ của thầy mình, tâm hồn chàng đã choáng váng, mê man bởi sắc đẹp của nàng:
“Hỡi công chúa Thiên Hương kiều mị
Đôi mắt ngọc nhìn ta như có ý
Làn môi son như hé nụ cười duyên”.
Bằng trí thông minh hơn người và trái tim rung động thực sự của Vương Tố Đạt, chàng đã quyết định bước vào trò giảng đố, thi thố tài với công chúa Thiên Hương, mong chiếm được trái tim nàng và đang muốn nhờ sự trợ giúp của Triệu quốc lân bang để đánh bại bọn loạn thần, giành lại giang sơn cơ nghiệp của Yên bang. Chàng rất tự tin sẽ mang:
“Ngọn lửa tình để sưởi ấm bên mình
(Dẫu cho) Quả tim sắt cũng uốn mềm trước mặt!”
Và quả thật, Vương Tố Đạt đã giải được 3 câu đố hóc búa từ nàng Thiên Hương thông minh, xinh đẹp trước sự ngỡ ngàng, thán phục của mọi người.
Tuy vậy, sau khi vượt qua vòng thách đố, Thiên Hương công chúa vẫn không chấp nhận lấy hoàng tử làm chồng mà nàng định đập đầu tự sát. Vương Tố Đạt liền ra tay can ngăn và thử trí khôn của nàng bằng việc ra câu đố về tên tuổi và xứ sở của mình.
Với lòng kiêu hãnh của một công chúa tài sắc, Thiên Hương quyết tìm ra manh mối, nguồn gốc của Vương Tố Đạt nhờ sự hiến kế của tỳ nữ Phi Nga (vốn trước đây là công chúa của nước láng giềng Ly Nhung, do thua cuộc trong cuộc chiến nên nàng bị bắt sang nước Triệu làm người hầu cho công chúa Thiên Hương). Vì muốn được tự do trở về miền cố quốc nên tỳ nữ Phi Nga đã dùng kế sách hạ nhục thanh danh của Vương Tố Đạt khiến chàng phải nói ra sự thật.
Khi biết tung tích mình bị bại lộ, chàng hoàng tử xứ Yên Bang đã rút kiếm ra định tự vẫn để thử lòng công chúa Thiên Hương. Không màng hiểm nguy, Thiên Hương vội lao đến can ngăn và thú nhận đã có tình cảm với chàng từ thuở ban đầu:
“Phút gặp nhau em đã yêu chàng
(Nhưng) vì ngại dạ, duyên hay vướng nợ”.
Nhờ tài năng kiệt xuất và tình yêu nồng thắm của hoàng tử Vương Tố Đạt đã cảm hóa được trái tim “băng giá” của công chúa Thiên Hương, khiến nàng phải phá bỏ “lời nguyền” để đón nhận tình yêu. Hai người đã đến bên nhau bằng sự chân thành, lòng nhân ái và niềm tin vào tình yêu chân chính. Họ đã cùng “kết tóc xe tơ”:
“ Thề nước non chung chén rượu đượm nồng
Sắt cầm một mối tình chung
Loan phượng ba sinh mộng đẹp
Sông Ngân Hà bắc nhịp cầu ô
Bể tình gió đẩy sóng đưa
Vượt cơn thử thách chung đò ái ân”.
Hai nghệ sỹ trẻ Thái Phiên và Lương Quyên (hàng đầu) trong vở "Chuyện tình công chúa Thiên Hương"
Thôn qua mối lương duyên chồng vợ của công chúa nước Triệu - Thiên Hương và chàng hoàng tử xứ sở Yên Bang- Vương Tố Đạt đã xóa bỏ sự hận thù và mở ra mối bang giao bền chặt, lâu dài giữa các nước: Triệu - Ly Nhung - Yên Bang, đáp ứng lòng mong đợi của mọi người, được sống trong cảnh yên vui, non nước thanh bình.
“Vững tay tô điểm sơn hà
Bang giao hai nước đậm đà ngàn sau”.
Nếu như trước đây, nhất là trong tuồng cổ, vốn mang tính chất bi hùng, bạo liệt. Các lớp xung đột kịch thường được đẩy lên cao trào với các màn khiêu chiến, đánh nhau, xuất quân ra trận… nhằm bảo vệ ngai vàng, bảo vệ chế độ hoặc bậc trung thần nào đó… thì ở “Chuyện tình công chúa Thiên Hương”, kịch tính được giải quyết bằng những câu đố thử thách trí thông minh của con người, rất hiếm gặp trong Tuồng.
Đề tài tình yêu vốn đã rất hấp dẫn khán giả khi được khai thác ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau ở một số vở tuồng. Tuy nhiên, với “Chuyện tình công chúa Thiên Hương”, tác giả đã chú trọng khai thác tài sắc vẹn toàn của nàng Thiên Hương và cái chết ngang trái của người chị gái do sự phụ bạc trong tình yêu để mang đến cho khán giả một cách tiếp cận mới về đề tài tình yêu. Không chỉ chinh phục đối phương bằng sắc đẹp, tài năng mà còn cả trí thông minh hơn người, thông qua trò giảng đố là lớp chính của vở (lớp 3). Câu chuyện kể về mối tình tay ba giữa các nhân vật chính: Thiên Hương - Vương Tố Đạt - Phi Nga với những nút thắt - mở rất bất ngờ, đã lôi cuốn người xem bằng những tình tiết ngọt ngào, nhẹ nhàng nhưng không kém phần gay cấn, oái oăm, trắc trở trong tình yêu. Và cuối cùng là một cái kết có hậu cho cặp đôi trai tài gái sắc Thiên Hương - Vương Tố Đạt. Họ đã nên duyên chồng vợ và mở ra một chân trời mới, tạo mối gắn kết giữa các nước lân bang, chấm dứt chiến tranh, muôn người no ấm.
Thông qua vở tuồng “Chuyện tình công chúa Thiên Hương”, tác giả nhằm gửi gắm thông điệp ý nghĩa về hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc, và tình yêu đôi lứa chân chính luôn hiện hữu dù có “cách núi, ngăn sông”. Với lòng nhân ái, niềm tin và tình yêu chân thành thì con người sẽ xua tan đi mọi nỗi bất bình, bạo tàn và cả chiến tranh:
“Để cho muôn đời hoa nở dưới trời xanh
Để tiếng hát tình người trong sáng mãi
Bay lan xa trên trái đất yên lành”.
Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Đoàn Tuồng Đào Tấn) đã tiến hành dàn dựng mới vở tuồng “Chuyện tình công chúa Thiên Hương” của tác giả đầy tâm huyết- Đoàn Thanh Tâm. Đạo diễn - NSND Nguyễn Hoài Huệ; Nhạc sỹ - NSƯT Đinh Văn Nhân, NSƯT Đào Trung Nghĩa; Biên đạo múa - NS Kim Tiễn; Thiết kế mỹ thuật - Họa sỹ Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Vũ Long. Vở diễn được giới chuyên môn và đông đảo khán giả đón nhận nhiệt thành.
Khác với những vở tuồng trước đó, trong dàn dựng mới lần này, lãnh đạo đơn vị và ê kíp thực hiện thống nhất “ưu tiên” cho lớp diễn viên trẻ đảm nhận những vai chính của vở như: Vai Công chúa Thiên Hương do NS Lương Quyên đóng; vai Hoàng tử Vương Tố Đạt do NS Thái Phiên đóng; vai Công chúa Phi Nga do NS Minh Trang đóng… Việc tạo “đất diễn” cho lực lượng kế cận là cơ hội để họ trau dồi chuyên môn, nâng cao tay nghề thông qua những vai diễn trực tiếp, giúp họ ngày càng trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và tự tin hơn trên bước đường theo đuổi sự nghiệp Tuồng đầy vinh quang nhưng không kém phần chông gai và thử thách phía trước.
Hy vọng, biểu diễn vở tuồng “Chuyện tình công chúa Thiên Hương” đậm chất lãng mạn, trữ tình, nhẹ nhàng và lực lượng nồng cốt là dàn diễn viên trẻ, là dịp để công chúng mộ tuồng được thưởng thức, chiêm ngưỡng những gương mặt mới, mang nét thanh xuân và có sức cuốn hút riêng. Đó như một làn gió mới, tạo thêm hương sắc trên sân khấu Hát bội Bình Định.
Tác giả bài viết: Bài: Thục Nương; Ảnh: Hoàng Dũng