CÁC MÔ HÌNH NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG TUỒNG (HÁT BỘI)
Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Tư liệu
2023-10-23T04:43:51-04:00
2023-10-23T04:43:51-04:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/cac-mo-hinh-nhan-vat-tieu-bieu-trong-tuong-hat-boi-178.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_10/anh-vo-dao-tam-xuan-loan-trao.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ hai - 23/10/2023 04:28
Cũng như cuộc sống, thế giới nhân vật trong tuồng vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi mô hình nhân vật đại diện cho một dạng (kiểu) người khác nhau và có những tính cách, cử chỉ, điệu bộ, hóa trang, phục trang cũng không giống nhau giữa các nhân vật. Nhưng mô hình chung là mang tính ước lệ, cách điệu, tượng trưng và khái quát cao, đậm chất bi hùng kịch của tuồng.
Tiêu biểu trong tuồng là các mô hình như: đào, kép, tướng, lão, nịnh, mụ, … Trong mỗi kiểu mô hình nhân vật lại chia ra nhiều loại khác nhau tùy từng mô hình. Chẳng hạn như: Mô hình nhân vật đào có: đào chiến (đào võ), đào bi (đào thương), đào lẵng, đào điên… Mô hình nhân vật kép được chia ra rất nhiều dạng: kép văn, kép võ, kép văn pha võ, kép xéo, kép con… Hay mô hình nhân vật tướng bao gồm: tướng chính (tướng lớn, tướng gộc), tướng phụ (tướng nhỏ, tướng lác)…Đối với mô hình nhân vật lão có: lão văn, lão võ, lão tiều, lão chài…Nịnh cũng có nhiều dạng: Nịnh gộc (nịnh lớn), nịnh mụt (nịnh nhỏ)…
Nhân vật đào võ Đào Tam Xuân (phải) trong tuồng "Trảm Trịnh Ân"
Tuy vậy, ở mỗi mô hình nhân vật lại mang những đặc điểm, tính cách và hoàn cảnh xuất thân riêng giúp người xem có thể nhận biết được từng nhân vật khi xuất hiện trên sân khấu.
Mô hình nhân vật Đào: là các nhân vật nữ có tuổi đời còn trẻ (từ thanh niên đến trung niên). Đào võ: vũ đạo, nét mặt sắc sảo, động tác dứt khoát, hát vang, phong cách khỏe khoắn, nhanh nhẹn như các nhân vật Đào Tam Xuân (tuồng Trảm Trịnh Ân), Liễu Nguyệt Tiêm (tuồng Đào Phi Phụng)… Trái ngược với đào võ là đào bi: giọng hát mềm mại, mượt mà, múa yểu điệu, thướt tha như các nhân vật Nguyệt Hạo (tuồng Sơn Hậu), Điêu Thuyền (tuồng Phụng Nghi Đình)… Còn đào lẵng thì điệu bộ lả lướt, lẳng lơ, giọng uốn éo như các nhân vật Hồ Nguyệt Cô (tuồng Cổ miếu vãn ca), Đát Kỷ (tuồng Trầm hương các)… Đối với đào điên mang đặc điểm tính cách lúc tỉnh, lúc điên, mắt lanh, cười dài gây cảm giác rùng rợn cho người xem, tiêu biểu là các nhân vật Phương Cơ (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn), Loan Dung (tuồng Lý Phụng Đình).
Tiếp theo là mô hình nhân vật Kép: thường dùng để chỉ các nhân vật nam có tuổi đời còn trẻ (cũng từ thanh niên đến trung niên). Kép văn: phong cách tao nhã, múa mềm mại, giọng hát trong trẻo, tình tình điềm đạm, hiền hòa như Triệu Khánh Sanh (tuồng Diễn Võ Đình), Tiết Đinh Sơn (tuồng Đường chinh Tây). Kép võ thì tính cách thường mạnh mẽ, trung thực, múa khỏe, sắc sảo, giọng hát vang như các nhân vật Cao Hoài Đức (tuồng Trảm Trịnh Ân), Lã Bố (tuồng Phụng Nghi Đình)…Nếu đặc trưng trong hóa trang mặt tuồng là đôi mày và đuôi mắt được trang điểm xách ngược thì đôi mắt của kép võ mang đậm đặc trưng này. Kép võ trong nghệ thuật tuồng dù ở vị trí, địa vị nào cũng mang trọng trách trừ gian diệt ác, bảo vệ kẻ yếu. Còn kép văn pha võ thì phong cách hào hoa, múa sắc nét, chững chạc, hát nói mực thước, rất trung thành như Kim Lân (tuồng Sơn Hậu), Địch Thanh (tuồng Ngũ Hổ Bình Tây), Đào Phi Phụng (tuồng Đào Phi Phụng)…
Tùy thuộc vào tính cách và xuất thân nhân vật để giới chuyên môn chia ra các loại kép xéo khác nhau như: kép xéo xanh (chỉ những nhân vật tính cách bộc trực, thẳng thắn, thường có chức tước trong triều đình, múa gần giống kép võ nhưng ít chững chạc hơn, múa khỏe, hát to như Linh Tá (tuồng Sơn Hậu), Trương Liêu (tuồng Cổ Thành); Kép xéo đen: múa, hát gần giống kép xéo xanh, tiêu biểu là nhân vật Hoàng Phi Hổ (tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan); Kép xéo đỏ dùng để thể hiện những nhân vật trí tướng, trung can nghĩa khí như nhân vật Phàn Diệm khi trưởng thành (tuồng Sơn Hậu).
Ngoài ra, trong mô hình nhân vật kép còn có thêm kép rằn mang phong cách bạo liệt, hùng hổ, dữ dội; múa thô, khỏe; hát cộc, vang như các nhân vật Tiết Cương (tuồng Hộ sanh đàn), Trương Phi (tuồng Cổ Thành)… Kép con chỉ những nhân vật thiếu nhi, giọng hát trong trẻo; múa mướt, động tác đơn giản như Trịnh Ấn (tuồng Trảm Trịnh Ân), Đào Phi Long (tuồng Đào phi Phụng), Quách Hải Thọ (tuồng Bao công tra án Quách Hòe)…Mặt mày quy định của kép con phổ biến là màu đỏ nhạt, các họa tiết trên khuôn mặt không quá phức tạp và đôi mắt là điểm nhấn lớn nhất của nhân vật này.
Nhân vật kép võ Cao Hoài Đức (phải) trong tuồng "Trảm Trịnh Ân"
Mô hình nhân vật Tướng: chỉ các nhân vật nam hoặc nữ là quan võ trong triều đình, phần lớn là vai phản diện và cũng được chia ra các loại: Tướng lớn là những nhân vật có tính cách dữ dội, tàn bạo, hung ác như: Tạ Ôn Đình (tuồng Sơn Hậu), Tạ Kim Hùng (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn), Hạ Hầu Đôn (tuồng Cổ Thành)… Tướng nhỏ chỉ những nhân vật có hành động lăng xăng, lấc cấc, thái độ ba phải, chẳng hạn như Lôi Phong, Lôi Nhược (tuồng Sơn Hậu)…
Mô hình nhân vật Nịnh: thường chỉ các nhân vật phản diện, xu thời nịnh thế. Đó là các gian thần phản quốc, gia nhân phản chủ… và có nhiều loại khác nhau: nịnh gộc, nịnh mụt và nịnh chẩu…
Nịnh gộc là dạng nịnh lớn, có vị trí xã hội cao, tạo vây cánh lớn xung quanh mình, thường là những tên gian hùng, thâm hiểm, sâu kín như Tạ Thiên Lăng (tuồng Sơn Hậu), Cát Thượng Nguyên (tuồng Đào Phi Phụng), Đổng Trác (tuồng Phụng Nghi Đình), …Cách đi lại, đứng ngồi của loại nịnh này đều mang tính rình rập, có sự tính toán, luồn cúi bên ngoài, khi thị bên trong, lúc cần rất quyết đoán, lời nói không đi đôi với việc làm, hay múa mắt và múa râu. Đạo cụ thường dùng là cái quạt.
Nịnh mụt (nịnh nhỡ) là những kẻ có vây cánh nhỏ, không có nhiều thế lực, thường đơn độc và hay cậy nhờ người khác như nhân vật Trương Vô Khiếp (tuồng Giác oan), Phí Trọng, Vưu Hồn (tuồng Trầm hương các)…
Còn nịnh chẩu (chảu) là loại nịnh nhỏ, tính cách nông nổi, thiếu mưu mô, không có lập trường như Tạ Kim Ngô, …
Mô hình nhân vật Lão: chỉ những nhân vật nam lớn hơn tuổi trung niên (khoảng 70 - 80 tuổi) và có các dạng như: Lão văn: phong cách từ tốn, hát chậm rãi, mực thước như các nhân vật Đào Lệnh Công (tuồng Đào Phi Phụng), Lê Tử Trình (tuồng Sơn Hậu)…; Lão võ: múa tròn trĩnh, cứng mà thô; khi hát phát âm to và rõ, tiêu biểu như các nhân vật Tạ Ngọc Lân (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn), Phàn Định Công (tuồng Sơn Hậu)… ; Lão Tiều, Lão Chài có tính cách mộc mạc, chân chất giống người nông dân như nhân vật Tiều phu (tuồng Đường Chinh Tây)…
Nhân vật lão võ Phàn Định Công (giữa, hàng đầu) trong tuồng "Sơn hậu"
Mô hình nhân vật Mụ: là những nhân vật nữ lớn tuổi và có nhiều dạng khác nhau: Mụ quý tộc: múa chững chạc, mực thước, sắc sảo như nhân vật Đổng Mẫu (tuồng Sơn Hậu); Mụ ác như nhân vật Phàn Thị; Mụ tiều, Mụ chài: cử chỉ, điệu bộ, trang phục dân giã, gần gũi với đời thường.
Không những thế, trong tuồng còn có một số mô hình nhân vật thỉnh thoảng xuất hiện trong một số vở diễn như: Yêu đạo (là nhân vật phản diện, mang cốt chim, cốt nai, cốt cá, cốt rắn… tùy từng loại); Tiên (có thể là nam, nữ, già, trẻ khác nhau; có phép thần thông, hay xuất hiện cứu người lương thiện trong lúc gian khó); Hề (từ diện mạo bên ngoài đến cung cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, hát múa đều thể hiện sự méo mó, hài hước, chọc cười).
Có thể nói, với sự đa dạng về mô hình nhân vật trong tuồng đã góp phần đưa bộ môn nghệ thuật cổ điển, đắc sắc này có chỗ đứng hàng trăm năm nay trong lòng người mộ điệu gần xa. Bởi nó đã khái quát khá đầy đủ diện mạo, tính cách của những con người tiêu biểu trong đời sống thường nhật, thông qua nghệ thuật biểu diễn sân khấu với những mô hình nhân vật điển hình. Sân khấu chính là “hình ảnh thu nhỏ” của cuộc sống là vậy.
Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Tư liệu