BÀI CHÒI- LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT 'SỐNG MÃI" TRONG DÂN GIAN
Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng
2023-12-25T09:09:56-05:00
2023-12-25T09:09:56-05:00
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/bai-choi-loai-hinh-nghe-thuat-song-mai-trong-dan-gian-211.html
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/canh-vo-lam-sanhxuan-nuong.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
https://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ hai - 25/12/2023 08:56
“Rủ nhau đi đánh Bài chòi
Để con nó khóc đến lòi rốn ra”
Đó là câu ca dao lưu truyền trong nhân dân khi nhắc đến Bài chòi- loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta ra đời từ trò diễn xướng dân gian, được nhân dân cả nước nói chung và đặc biệt là nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung rất yêu thích. Đây vừa là một trò chơi dân gian vui nhộn đầy trí tuệ vừa là một trò diễn xướng mang tính ngẫu hứng, sáng tạo thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới nhằm gây hưng phấn, thích thú cho người chơi lẫn người xem với việc sử dụng các thẻ bài, 9 chòi và tiếng hô trầm bổng, nhịp nhàng, du dương của anh (chị) hiệu - nhân vật trung tâm của Bài chòi.
Từ một loại hình hô hát để đánh bài trong chòi do anh (chị) hiệu diễn xướng bằng sự sáng tạo độc đáo, thú vị theo lối dân gian, trải qua quá trình hình thành Bài chòi chiếu và Bài chòi từ “đất lên giàn” đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh. Chính sự phát triển đó đã nâng cao giá trị của Bài chòi đến gần gũi với công chúng từ nội dung kịch bản, hình thức biểu diễn đến giai điệu ngọt ngào của âm nhạc.
1. Vì sao Bài chòi có chỗ đứng vững chắc trong dân gian?
Một trong những lý do để nghệ thuật Bài chòi có được chỗ đứng vững chắc trong đời sống, sinh hoạt của người dân nói chung nằm ở tính hồn nhiên và dân chủ của nó. Sức lan tỏa và thuyết phục của Bài chòi ở chỗ nó không phân biệt già trẻ, gái trai hay địa vị xã hội mà bình đẳng với mọi người chơi và người nghe. Đối tượng phục vụ của Bài chòi là dân, là lính, là tất cả những ai yêu thích trò chơi này. Sự hồn nhiên là điểm thu hút rất lớn của Bài chòi thông qua những làn điệu dân ca có bản sắc, các điệu lý, điệu hò (lý con sáo, lý ngựa ô, hò chèo thuyền, hò giã gạo…) rất mộc mạc, gần gũi với quần chúng nhân dân.
Cùng với sự hồn nhiên, tính hài hước cũng là thế mạnh để Bài chòi “neo lại” trong lòng người dân lao động qua bao năm tháng. Thông qua những câu hô thai hài hước, dí dỏm, mang tính chọc cười có duyên của anh (chị) hiệu được bà con hưởng ứng và ủng hộ nhiệt thành. Những câu hô thai ấy dù không được ghi ra giấy nhưng vẫn lưu lại lâu bền trong trí nhớ của những người chơi hay nghe bài chòi. Nó có thể coi như một dòng văn học dân gian truyền miệng và sự tương tác với công chúng ở Bài chòi đã đạt đến đỉnh cao, tạo ra một “từ trường” đồng sáng tạo, có sức hút rất lớn trong nhân dân. Có thể nói, sự hồn nhiên, tính hài hước và dân chủ là một trong những bí quyết “trường thọ” của Bài chòi trong dân gian.
Cảnh vở Ca kịch Bài chòi đề tài dân gian "Lâm Sanh - Xuân Nương"
2. Động lực từ “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”
Sân khấu Bài chòi cũng không kém phần lôi cuốn người xem ở mọi lúc, mọi nơi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, mặc dù ngày đêm đạn bom rất ác liệt nhưng dân ca Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng đối với đồng bào và chiến sỹ vùng giải phóng của khu vực Nam Trung Bộ. Có những đêm diễn, pháo địch bắn cầm canh rơi gần điểm diễn nhưng bà con không bao giờ rời ánh đèn sân khấu, còn động viên các nghệ sỹ diễn cho hết kịch. Qua sân khấu Bài chòi, người xem không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà chính nơi ấy, họ gửi gắm lòng mình, chia sẻ niềm vui, soi rọi cuộc đời. Từ đó, tạo dựng trong lòng mỗi người dân niềm tin, sức mạnh và tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tính độc đáo của Bài chòi không chỉ phản ánh kịp thời các đề tài dân gian trên kịch bản sân khấu mà còn thể hiện sức hút của các làn điệu trữ tình mang tính gợi cảm thướt tha, mượt mà như làn điệu Xuân nữ; hùng dũng, mạnh bạo như điệu Cổ bản, Xàng xê; dịu dàng sâu lắng như điệu Hò quảng và các điệu lý, điệu hò,…Sân khấu Bài chòi hấp dẫn, lôi cuốn người xem không chỉ về nội dung, tính chất mà còn bởi những tiết tấu sâu lắng, làn điệu ngọt ngào, đằm thắm, thiết tha làm say đắm lòng người.
Cảnh vở Ca kịch Bài chòi đề tài lịch sử "Thanh gươm công lý"
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc nhưng Bài chòi vẫn luôn được nhân dân nuôi dưỡng và sẽ sống mãi trong dân gian, làng xã. Nó như một sợi dây vô hình neo giữ tâm hồn người Việt. Bài chòi tuy phát triển thành Bài chòi chuyên nghiệp nhưng vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động nông thôn và có một sức sống bất tận, trở thành một mạch nguồn âm ỷ, chỉ chực bùng cháy, tuôn trào cho thỏa lòng đam mê, nhiệt huyết của những nghệ nhân bài chòi khắp mọi nẻo quê.
Mặc dù hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, mở cửa các loại hình giải trí khác đang thịnh hành, có thể đến tận “đầu giường” của từng cá nhân nhưng người dân các tỉnh miền Trung vẫn không quên những giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn và những làn điệu trữ tình, sâu lắng của dân ca Bài chòi. Bằng chứng là cả vùng Nam Trung Bộ vẫn tồn tại 03 Đoàn ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa và hàng trăm hội diễn xướng Bài chòi dân gian ở khắc các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận liên tục hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa rộng khắp của bộ môn nghệ thuật này. Đặc biệt hơn là từ hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian địa phương, nghệ thuật Bài chòi đã lan tỏa khắp đất nước và vượt đại dương ra thế giới để trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Đó là tín hiệu đáng mừng và tiếp thêm “động lực” để loại hình nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian.
Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng