VŨ ĐẠO TRONG NGHỆ THUẬT TUỒNG

Thứ tư - 27/10/2021 05:05
VŨ ĐẠO TRONG NGHỆ THUẬT TUỒNG
         Tuồng là nghệ thuật của sự tổng hòa các yếu tố hát, múa, diễn…Trong đó múa (vũ đạo) đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong bộ môn nghệ thuật này. Nó đã trở thành hệ thống động tác, hệ thống ngôn ngữ để người nghệ sỹ lột tả tâm trạng, tính cách nhân vật và góp phần thể hiện nội dung lời hát, đưa đến cho người xem một cái nhìn tổng quan, khái quát và toàn diện về nhân vật trên sân khấu Tuồng.
         Múa Tuồng được các thế hệ diễn viên chắt lọc từ những động tác sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của con người và tiếp thu tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, tế lễ, hội hè và võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo tuồng theo một hệ thống từ đơn giản đến phức tạp. Vũ đạo Tuồng về cơ bản là những động tác hình thể của người diễn viên được cách điệu hóa, khoa trương hóa trên sân khấu và biểu diễn nhịp nhàng, cân đối với lời hát, tiết tấu, giai điệu, góp phần biểu hiện tính cách, tác phong nhân vật một cách rõ nét nhất.
          Trong mỗi lời hát của các nhân vật bao giờ cũng có nội dung nên múa tuồng là ngôn ngữ độc đáo, có khả năng bổ trợ, thể hiện rõ nội dung lời hát của nhân vật, giúp khán giả vừa nghe vừa nhìn. Ngoài ra, múa còn có khả năng bộc lộ tâm trạng nhân vật được sâu sắc, đầy đủ hơn mà lời nói hoặc câu hát không thể diễn tả hết được, góp phần làm cho sân khấu càng trở nên sinh động đối với người xem. Chẳng hạn, ở lớp “Hoàng Phi Hổ lăn trướng” (tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) khi nghe tin vợ mình là Giả Thị đã chết vì bị Trụ Vương làm nhục, nhân vật Hoàng Phi Hổ đã nhảy phóc qua bàn, lấy tay bịt kín miệng thế nữ không cho nói hết câu, sợ thiên hạ nghe được ảnh hưởng đến nhà Vua. Ông đã dùng hai mũi chân hia bê một vòng vào nhà trong hỏi han cặn kẽ. Khi biết rõ sự tình, Phi Hổ đã dùng động tác xiến, rồi lỉa ngang hia kết hợp với vẻ mặt sửng sốt, đau xót đến tột cùng để bộc lộ tâm trạng bất ngờ, bàng hoàng và thất vọng trước hung tin về người vợ yêu quý của ông.
          Ngoài việc góp phần thể hiện tâm trạng, vũ đạo Tuồng còn có chức năng khắc họa tính cách nhân vật thêm rõ nét và thể hiện không gian, thời gian trên sân khấu thông qua thủ pháp ước lệ (là đặc trưng của Nghệ thuật Tuồng). Ví dụ như: Thông qua một chiếc mái chèo bằng gỗ trong tay kết hợp với những động tác hình thể chao đảo, bồng bềnh của người diễn viên trên sân khấu thì khán giả hiểu là nhân vật đang chèo thuyền trên sông.

KIM LÂN (trái) VÀ LINH TÁ (phải) TRONG TUỒNG SƠN HẬU
 Ảnh: Hoàng Dũng                                                    Cảnh trong vở tuồng "Sơn hậu"
 
         Về cơ bản, đối với nam và nữ đều sử dụng các động tác múa cơ huấn, cơ bản tùy theo tính cách, hoàn cảnh, tình huống và loại nhân vật để thể hiện mỗi lúc một khác nhau. Riêng bộ chân thì diễn viên nam, nữ có sự khác nhau chút ít. Nữ thường sử dụng các động tác: dàn - ký - trả - ký. Còn nam thì sử dụng các động tác: co - dàn - ký - trả. Tương tự, đối với các động tác bê, lỉa, xiến thì diễn viên nam và diễn viên nữ đều dùng trong các tình huống tình cảm đạt đến độ cao trào, không diễn tả, bộc lộ thành lời. Nhưng động tác “xiến” thường ít dùng hơn “bê” và “lỉa” và chủ yếu là diễn viên nam hay dùng hơn diễn viên nữ. Động tác “bê” thường sử dụng khi sự kiện, tình huống đến bất ngờ, có đột biến trong cuộc đời nhân vật. Còn động tác “lỉa” và “xiến” dùng khi diễn tả nội tâm nhân vật.
         Đối với nghệ thuật hát Bội, thường kết hợp “lời đâu bộ đó”, nghĩa là hát thường kèm theo múa hoặc có yếu tố múa, bởi có khi lời hát và âm nhạc chưa chuyển tải hết được cảm xúc, tâm trạng nhân vật nên người diễn viên thông qua các động tác múa như múa tay, múa chân, múa mặt, múa mắt, múa vai… để truyền được cảm xúc tới người xem một cách đầy đủ, đong đầy nhất với “toàn thân đô thị nghệ” (người diễn viên không chỉ luyện tay chân mà phải luyện cả con người mình). Ví dụ, khi biểu diễn trích đoạn “Đào Tam Xuân loạn trào”, nhân vật Đào Tam Xuân diễn tả sự đau đớn trước nghe tin chồng và con mất, người diễn viên phải sử dụng kết hợp các vũ đạo: khi thì bê, khi thì lỉa, có lúc phải bê gối hoặc lăn mấy vòng tròn. Mười đầu ngón tay rung, cơ mặt thẫn thờ, bủn rủn tay chân ... nhằm thể hiện tâm trạng của người phụ nữ bàng hoàng, đột ngột gánh chịu nỗi đau quá lớn: mất chồng, mất con.
        Hoặc ngay trong tiết tấu nhạc, hát cũng làm cho người ta rạo rực muốn đi lại, thay đổi tư thế hay vận động cơ thể, đó cũng là nhu cầu và phản xạ tự nhiên của người diễn viên trên sân khấu. Hơn thế nữa, thế mạnh của sân khấu Tuồng là chất bi hùng, đã tạo ra “mãnh đất màu mỡ” để múa và hát có “đất diễn”. Múa trong sân khấu Tuồng ngoài góp phần thể hiện tâm hồn và tính cách của nhân vật với tính khoa trương, cách điệu hóa cao nhằm hỗ trợ, minh họa lời văn, kích thích tình cảm trong diễn xuất, có nơi, có lúc múa tuồng còn tách ra thành phương tiện diễn xuất độc lập, biểu hiện nhân vật như các trích đoạn “Mạnh Lương bắt ngựa”, “Thủy Định Minh câu cá”, “Châu Thương cấy râu”…
        Múa tuồng cũng là tín hiệu thông báo đặc của trưng bộ môn. Chẳng hạn như các động tác múa: tay khai, khán, chỉ, khoát,…; chân co, dàn, ký, trả… và tổ hợp múa bắt ngựa (bắt dây cương giằng ngựa, lên ngựa, quất ngựa, phi ngựa…) là đặc trưng của sân khấu Tuồng, có sự khác biệt so với múa Chèo, múa Cải Lương hay các loại hình nghệ thuật khác.
 
ÔN ĐÌNH (trái ngoài cùng) và LINH TÁ (phải trong cùng) TUỒNG SƠN HẬU
Ảnh : Hoàng Dũng                                    Cảnh trong vở tuồng "Sơn hậu"

 
        Đối với các vai tuồng theo mô hình nhân vật như đào, kép, tướng, nịnh, mụ, lão, ... đều có những bộ múa tương ứng tay không hoặc sử dụng đạo cụ nhằm hỗ trợ, làm rõ tính cách từng mô hình nhân vật. Bên cạnh đó, tuồng miền Trung (đặc biệt là tuồng Bình Định) đậm chất tinh hoa của võ thuật dân tộc nên động tác múa của diễn viên rất đẹp mắt, hài hòa, mạnh mẽ và tinh tế, dễ thu hút và hấp dẫn khán giả. Đạo cụ trong tuồng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, nó phối hợp với vũ đạo cách điệu hóa giúp thể hiện tính cách nhân vật hết sức rõ nét.
       Điều đặc biệt trong vũ đạo Tuồng là người diễn viên khi múa dù động tác đơn giản hay phức tạp đều phải tuân thủ những nguyên tắc, quy chuẩn nghiêm ngặt như: nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, phì sấu tương chế, thượng hạ tương phù (nghĩa là hành động bên trong, bên ngoài của nhật vật phải tương ứng, phải - trái phải cân đối, gầy béo bù sớt cho nhau, trên - dưới theo quy luật âm dương, tùy theo tính cách, tâm trạng nhân vật để sử dụng liều lượng vũ đạo cho đúng, cho phù hợp trong hoàn cảnh quy định).Với Nghệ thuật Tuồng, cái đẹp là phải cân đối, trọn vẹn, múa “tới bờ tới góc”. Bởi vậy mà múa trong tuồng phải chú ý tới vay trả, âm dương, chân nọ tay kia...Qua nhiều thế hệ giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng, các nghệ sĩ tâm huyết đã sưu tầm, sáng tạo và đúc kết thành hệ thống vũ đạo tuồng rất đa dạng, phong phú và độc đáo, mang tính quy chuẩn cao, vừa tạo nên đặc trưng riêng về thể loại, vừa góp phần tạo cho Tuồng một phong cách biểu đạt ngôn ngữ riêng, không thể trùng lặp với bất kỳ loại hình sân khấu truyền thống nào.
         Trải qua những bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Tuồng đã trở thành di sản quý báu trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Trong nghệ thuật tổng hợp ấy, có nơi, có lúc múa nổi lên và trở thành một trong những thành tố quan trọng cùng với hát, diễn… để biểu đạt nội dung kịch bản, tâm trạng, tính cách nhân vật, thể hiện không gian, thời gian vở diễn, đã tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của bộ môn Nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc ta.
                                           
 

Tác giả bài viết: Thúy Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây