Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, dòng tuồng Tiểu thuyết được hình thành giúp cho sân khấu Hát bội đứng vững trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều loại hình nghệ thuật mới: Cải Lương, Kịch nói…và dòng chảy “Âu hóa” vào nước ta, đồng thời, tạo cho sân khấu truyền thống một phong cách mới, trẻ trung, mượt mà, ướt át, hợp với bối cảnh lịch sử và thị hiếu người xem đương thời. Đến nay, dòng tuồng này vẫn có “sức sống” lâu bền và trở nên “ăn khách” nhất khi biểu diễn doanh thu của các đơn vị nghệ thuật Tuồng trong tỉnh Bình Định.
1. Đặc điểm, vai trò của dòng tuồng Tiểu thuyết
Sự suy thoái của chế độ phong kiến và quá trình xâm nhập của xã hội tư bản vào Việt Nam đầu thế kỷ XX đã khiến tuồng cổ gắn liền với đề tài “trung quân ái quốc” ngày càng thưa vắng dần khán giả. Trước tình thế đó, nghệ thuật tuồng phải chuyển biến, lùi về khu vực nông thôn, miền núi để biểu diễn. Các diễn viên còn bám trụ tại đô thị bắt đầu chuyển sang diễn các vở theo tiểu thuyết mới với nội dung chủ yếu là những câu chuyện tình yêu nam nữ đầy chất lãng mạn, tình tứ. Vở “Đông Lộ Địch” là tác phẩm tiêu biểu cho phong trào “tuồng cải cách”, mang tư tưởng cách tân rất lớn, là cột mốc lịch sử dẫn đến tuồng Tiểu thuyết ra đời.
Cảnh vở tuồng Tiểu thuyết "Viên ngọc quý"
Cách hát và diễn của tuồng Tiểu thuyết được điều chỉnh theo phong cách nhẹ nhàng hơn, tiêu biểu là làn điệu Xuân nữ của Cải Lương được đưa vào Tuồng một cách nhuần nhuyễn (nên còn gọi là tuồng Xuân nữ). Múa thì pha với Hý Khúc Quảng Đông, Triều Châu. Đạo cụ biểu diễn cũng được cải tiến, gần với thực tiễn hơn (kiếm không làm bằng gỗ như trước mà làm bằng sắt, thép…). Cũng như các thể loại tuồng khác, tuồng Tiểu thuyết khi biểu diễn đều có quy tắc, điệu thức của nó. Khi hát có cử chỉ, điệu bộ kèm theo, cách hát mùi mẫn, nhẹ nhàng, sử dụng những nhạc điệu êm dịu mang âm hưởng của nhạc Xuân nữ. Văn chương cũng đầy chất lãng mạn, phá cách, ít mang tính bác học, kinh điển như Tuồng cổ.
Với sự góp mặt của tuồng Tiểu thuyết đã đưa khối lượng kịch bản Hát bội thêm phần phong phú, nhiều vở diễn trải qua mấy chục năm đến nay vẫn được nhân dân ưa thích. Đồng thời, nó cung cấp nguồn tư liệu quý cho đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên cũng như những người làm công tác nghiên cứu có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu hơn về thể loại tuồng này.
Phong trào tuồng tiểu thuyết ra đời và phát triển đã góp phần làm nên tên tuổi của các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau như NSND Minh Đức, tứ đại danh ca Bình Định - các NSƯT: Hoàng Chinh - Long Trọng - Tư Cá - Ngọc Cầm, các nghệ sĩ tài năng như Hồng Thu, Thu An. Đặc biệt là giọng hát của NS Lệ Siềng đạt đến đỉnh cao của dòng tuồng này. Và tiếp theo là NSƯT Lệ Quyên rất được khán giả mến mộ.
2.“Sức sống”của tuồng Tiểu thuyết với thị hiếu của người mộ tuồng Bình Định
Sự thay đổi rõ rệt cả về mặt nội dung và nghệ thuật biểu diễn, tuồng Xuân nữ hiện nay đã hấp dẫn được số đông công chúng yêu tuồng khắp nơi. Các vở tuồng thuộc thể loại Tiểu thuyết chiếm một vị trí quan trọng trong biểu diễn doanh thu cũng như biểu diễn ra quân đầu năm của Đoàn tuồng Đào Tấn nói riêng và các Đoàn tuồng không chuyên trong Tỉnh nói chung. Hầu hết các tiết mục phục vụ nhân dân hàng năm chủ yếu là tuồng Tiểu thuyết như các vở: “Xử án Bàng Quý Phi”, “Viên ngọc quý”, “Tiêu Anh Phụng loạn trào”, “Giai nhân trong thời loạn”,“Nỗi oan tình”, “Tam hạ Nam Đường”… Loại tuồng này dù diễn đi diễn lại nhiều lần ở một hoặc các địa điểm khác nhau nhưng vẫn rất “ăn khách”.
Cảnh vở tuồng Tiểu thuyết "Tiêu Anh Phụng loạn trào"
“Sức sống bền bĩ”của tuồng Tiểu thuyết trong lòng những người yêu nghệ thuật tuồng Bình Định xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau.
Thứ nhất, dòng tuồng này vốn xuất phát từ các tiểu thuyết chú trọng đề tài tình yêu mượt mà, ướt át, và gần gũi với cuộc sống đời thường. Chất giọng của nghệ sỹ hát thể loại này thường tập trung “độ” ngọt ngào, sâu lắng, truyền cảm để dễ đi vào lòng người. Nó thực sự đã mang đến một “làn gió mới”, “hơi thở mới” cho khán giả yêu tuồng, được nhân dân nồng nhiệt đón nhận.
Thứ nữa, các vở tuồng tiểu thuyết thường có nhiều đào, kép cần đạt hai tiêu chí thiết yếu là “nhất thanh nhì sắc”, đáp ứng được “sở thích” của người hâm mộ. Diễn viên có sắc đẹp để hấp dẫn khán giả và có giọng hay để bùi tai khán giả.
Thêm vào đó là tâm lý của số đông dân chúng nhìn chung đi xem tuồng chủ yếu là với mục đích mua vui, giải trí, thư thả đầu óc sau những ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Dòng tuồng tiểu thuyết phần nào đã đáp ứng được thị hiếu ấy của khán giả.
Các vở tuồng tiểu thuyết dù ra đời cách đây hàng chục năm vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu khi đi biểu diễn doanh thu của các đoàn tuồng khu vực miền Trung nói chung và Đoàn tuồng Đào Tấn cũng không ngoại lệ. Nhiều năm nay, trên nhiều phương diện: nghiên cứu hay phục hồi, nâng cao vở, bên cạnh các thể loại tuồng khác, Nhà hát cũng chú ý đến thể loại tuồng tiểu thuyết như: xuất bản sách mới “Tuồng Xuân nữ”, nâng cao các vở “Tam hùng kiệt” , “Phụng Kỳ soán đế”, “Xử án Mộc Đài Sơn” để biểu diễn phục vụ nhân dân...
Thiết nghĩ, để đáp ứng kịp thời, đa dạng hơn nữa nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các đối tượng khán giả ngày càng “khó tính” của đất tuồng Bình Định, cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo có liên quan và sự phối hợp chặt chẽ, tâm huyết của những người làm nghề để có kế hoạch đào tạo bài bản, dài hơi đối với lực lượng diễn viên trẻ kế cận, có thể đảm nhận những vai diễn mẫu mực trong các vở tuổng cổ, lịch sử, dân gian và những vai chính trong các vở tuồng Tiểu thuyết đang “ăn khách” hiện nay.