Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttp://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ ba - 20/12/2022 03:23
Nhà Tây Sơn là một trong số ít triều đại phong kiến ở Việt Nam tồn tại khoảng thời gian ngắn nhưng đã lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống giặc ngoài xâm, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật sáng tác nên những áng văn hay, những vần thơ đẹp, ca ngợi những người con ưu tú của dân tộc. Trong đó, lĩnh vực nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, vùng “đất võ trời văn” Bình Định là quê hương của Tây Sơn tam kiệt và các tướng lĩnh tài ba dưới triều đại này. Vì thế, giới văn, nghệ sỹ của Tỉnh nhà đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, làm nên những tác phẩm sân khấu “để đời”, góp phần xây dựng hình tượng các anh hùng dân tộc trở nên bất tử, sống mãi với thời gian và là niềm tự hào của người dân xứ Nẫu. Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh với hai loại hình nghệ thuật Tuồng và Bài chòi đã dàn dựng rất nhiều vở diễn viết về các nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương Bình Định. Trong đó không thể thiếu là các vở đề cập đến Vương triều Tây Sơn vang bóng một thời, với hình tượng vua Quang Trung- Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh Tây Sơn bách chiến bách thắng, để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Cảnh vở tuồng "Trời Nam"
Trước tiên là thể loại Tuồng với thế mạnh là đậm chất bi hùng kịch, Nhà hát đã ưu tiên lựa chọn dàn dựng những vở diễn xoay quanh Vương triều Tây Sơn như: vở “Tây Sơn tụ nghĩa” (tác giả Tống Phước Phổ, đạo diễn NSƯT Hưng Quang, phục dựng NSƯT Hoàng Ngọc Đình) nói về buổi đầu khởi sự và tập hợp lực lượng tướng sỹ của phong trào nông dân Tây Sơn “áo vải cờ đào” đánh chiếm phủ Quy Nhơn với tài thao lược của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Hay vở “Quang Trung đại phá quân Thanh”(tác giả Trúc Đường, đạo diễn GS.Hoàng Chương) là hình ảnh vua Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh. Hoa đào thắm tươi cùng màu cờ đỏ bên áo chiến bào xạm đen khói súng đã làm kinh thành Thăng Long bừng sáng. Mùa xuân năm 1789 đã cứu dân tộc ta thoát khỏi họa xâm lăng, thống nhất sơn hà, mở ra một thời kỳ độc lập, hùng cường cho dân tộc ta. Vở diễn được tặng “Bằng khen Đặc biệt” chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V - năm 1980 (phục dựng năm 2015).
Cảnh vở Ca kịch Bài chòi '"Chói rạng sơn hà"
Tiếp đó là vở “Mặt trời đêm thế kỷ”(tác giả Lê Duy Hạnh - Võ Sỹ Thừa) cũng viết về vua Quang Trung- Nguyễn Huệ nhưng ở tầm toàn diện hơn khi đề cập đến tài năng, tình cảm của người anh hùng áo vải, đã lập nên những chiến công oanh liệt “Vào Gia Định đánh tan quân Nguyễn Ánh, ra Thăng long diệt Trịnh đức độ chói ngời”. Những nét đột phá trong tâm hồn, những suy tưởng lo âu và day dứt bi thương giữa nghĩa nước tình nhà trong sâu thẳm trái tim của vị tướng cầm quân Quang Trung- Nguyễn Huệ được tác giả và đạo diễn khai thác triệt để và công phu. Vở diễn đã gây tiếng vang lớn khi biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thức VI (năm 1986) tại thủ đô Hà Nội. Đến năm 1999, Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) tiếp tục lựa chọn vở “Trời Nam”(tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSƯT Hoàng Ngọc Đình) dàn dựng, hướng đến hình ảnh vua Quang Trung- Nguyễn Huệ chèo lái “con thuyền” dân tộc vượt qua bao khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước sau khi thoát khỏi họa ngoại xâm. Tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân Việt được kết tinh thành hồn nước đã làm cho Trời Nam bừng sáng. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, kẻ thù phải nể phục.Đó là niềm tự hào của chúng ta hôm nay. Còn với vở “Đêm sáng phương Nam”(tác giả Văn Trọng Hùng), hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ xuất hiện không chỉ là một vị tướng lừng danh đã từng chinh Nam, phạt Bắc mà ông còn là người có tài thu phục nhân tâm giúp nghĩa quân Tây Sơn đánh bại quân Xiêm trong trận Rạch Gầm- Xoài Mút, đập tan mưu đồ thôn tính vùng đất Gia Định của bọn xâm lược, bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam Bộ. Theo lời của Đạo diễn- NSƯT Hoàng Ngọc Đình: “Đêm sáng phương Nam” là vở tuồng lột tả hành trình chinh phục lòng dân phương Nam của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ để có chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút, giữ yên được cõi bờ non nước.…” Thêm vào đó là các vở tuồng ca ngợi các danh tướng thời Tây Sơn đã có công lao to lớn trong việc giúp vua Quang Trung giành và giữ vương triều Tây Sơn thịnh trị trong một thời gian dài như cặp vợ chồng dũng tướng Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu. Nhưng sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, triều Tây Sơn ngày càng suy yếu. Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng chồng, con và các tướng lĩnh trung thành đã dũng cảm chống chọi với kẻ thù với bao niềm chua xót. Thậm chí họ phải hy sinh tình riêng và cả tính mạng bản thân để giữ tròn khí tiết với Tây Sơn và Tiên đế, đã để lại nhiều cảm xúc, niềm xót thương trong lòng người mộ điệu, khi tái hiện hình ảnh hiên ngang, bất khuất của vị nữ tướng tài ba của đất Tây Sơn tam kiệt trong vở “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” (tác giả Lê Duy Hạnh). Vở diễn giành Huy chương Vàng danh giá tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Cảnh vở Ca kịch Bài chòi "Cô thần"
Đối với loại hình Ca kịch Bài chòi cũng đã dành nhiều “đất diễn” cho đề tài lịch sử về vương triều Tây Sơn oanh liệt. Với thế mạnh là những làn điệu ngọt ngào, sâu lắng, bay bổng, dễ đi vào lòng người như: Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê, Hò quảng….nghệ thuật Bài chòi đã chú trọng khai thác thế giới nội tâm nhân vật, gần gũi với cuộc sống, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem như vở: “Anh hùng với giai nhân”(tác giả Văn Trọng Hùng - Sỹ Chức). Cuộc hôn nhân giữa người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ và nàng công chúa khuê các xứ Bắc Hà - Ngọc Hân là cuộc hôn nhân không bình thường vì được tác hợp bởi âm mưu không trong sáng của những thế lực chính trị thời Lê suy Trịnh nát. Nhưng là những con người có tình cảm lớn, họ đã vượt qua ngăn cách về tuổi tác, về không gian, về thân thế để rồi cùng tìm hiểu nhau mà đi tới hòa hợp, hạnh phúc.Tình yêu trong sáng của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa ngày càng gắn bó, mặn nồng, tha thiết, vươn tới sự cao thượng và trở thành thiên diễm tình tuyệt đẹp, thắm đượm tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước non sông tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Vở diễn không đi sâu minh họa chiến công của người anh hùng áo vải mà nêu bật lên chủ đề lớn lao của cuộc sống: tình yêu con người, tình yêu lứa đôi chân chính và tình yêu quê hương đất nước có thể vượt qua tất cả những khó khăn, sóng gió để trở thành một biểu tượng đẹp trong cõi đời này. Hay vở Ca kịch Bài chòi “Khúc ca bi tráng” (tác giả kịch Văn Trọng Hùng, đạo diễn NSND Hoài Huệ) lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn thoái trào của nhà Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh, xoay quanh các nhân vật ở hai chiến tuyến: các tướng lĩnh nhà Tây Sơn (Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân) và danh tướng triều Nguyễn (Võ Tánh, Ngô Tùng Châu). Vở diễn ca ngợi những tấm gương nghĩa khí mà cái chết của họ đã trở thành bất tử. Võ Tánh và Trần Quang Diệu là những bậc trung thần, gặp nhau ở nhân cách cao cả: “Cả một đời vì trăm họ giang sơn Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước” Từ chỗ đối địch nhau ở hai chiến tuyến, hai võ tướng Trần Quang Diệu và Võ Tánh trở thành bạn của nhau. Võ Tánh tuẫn tiết, Trần Quang Diệu cảm kích, cho an táng Võ Tánh theo đại lễ và khắc bia thờ “song trung” là hành động đẹp, đáng để chúng ta hôm nay chiêm nghiệm, suy ngẫm. Trước sự trả thù tàn bạo của vua Gia Long - Nguyễn Ánh, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân hiên ngang trước cái chết là những “khúc ca bi tráng” được khắc họa rất xúc động, tạo nhiều cảm xúc cho người xem. NSƯT Băng Châu - người thể hiện thành công vai nữ tướng Bùi Thị Xuân trong vở Ca kịch Bài chòi “Chói rạng sơn hà”(tác giả Sỹ Chức)với tấm Huy chương Vàng cá nhân đầu bảng tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019 chia sẻ: “Nữ tướngBùi Thị Xuân là một vai diễn khó.Với nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc khác nhau: nhiều đoạn nhân vật giằng xé nội tâm, đan xen buộc tôi phải đào sâu suy nghĩ, tìm cách thể hiện tâm trạng, hình ảnh, tính cách nhân vật trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Khán giả xem có thể cảm nhận được từng góc cạnh của nhân vật mà vẫn hài hòa duy nhất một xác thân, cùng niềm thương cảm và kính trọng người Nữ tướng, giữ được trọn vẹn nghĩa nước tình nhà, tinh thần hi sinh hiên ngang, không khiếp sợ trước kẻ thù dù phải chịu cảnh mất chồng, mất con...”. Một cách tiếp cận khác về triều đại Tây Sơn trong vở Ca kịch Bài chòi “Cô thần” (tác giả Văn Trọng Hùng) ở giai đoạn cuối của vương triều, vén bức màn lịch sử, góp phần giải thích nguyên nhân sụp đổ của vương triều Tây Sơn: gian thần lộng hành, vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, nhu nhược, muôn dân lầm than, thống khổ. Trung thần Trần Văn Kỷ- một mưu sỹ tài ba đã giúp Tây Sơn bao việc lớn cũng đành bất lực trước thế cuộc và gieo mình xuống dòng Hương Giang để giữ tròn khí tiết với Tây Sơn tam kiệt: “Minh quân đã tựa khói mây Tâm giao tri kỷ cũng bay về trời Văn quan võ tướng rối bời Mượn dòng sông lạnh trọn đời trung can” Có thể nói, thông qua ngôn ngữ sân khấu mềm mại, lý giải đa chiều, khách quan của nhiều tác giả kịch bản nổi tiếng và bàn tay tài hoa của những đạo diễn có tầm, đã phác họa, khái quát khá toàn diện, phong phú “bức tranh” về vương triều Tây Sơn hào hùng, oanh liệt, đậm chất nghệ thuật truyền thống, góp phần làm tốt sứ mệnh đối với các bậc tiền nhân, ngợi ca những anh hùng dân tộc trên quê hương Bình Định.