TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG NGHỆ THUẬT TUỒNG (HÁT BỘI)
Bài: Thuý Hường; Ảnh: Hoàng Dũng
2023-12-07T05:43:00-05:00
2023-12-07T05:43:00-05:00
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/tinh-huynh-de-trong-nghe-thuat-tuong-hat-boi-191.html
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/anh-vo-tuong-co-thanh.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 07/12/2023 05:13
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, sân khấu Tuồng lấy diễn viên làm trung tâm và chủ yếu khai thác các mối quan hệ xung quanh con người. Trong đó, chủ đề “quốc - quân” chiếm vị trí chủ đạo là “mãnh đất màu mỡ” để lòng trung quân ái quốc, nghĩa “chúa – tôi” hay tình huynh đệ được “nảy nở và đơm hoa kết trái”. Huynh đệ là từ Hán Việt chỉ mối quan hệ anh em cùng dòng tộc, huyết thống. Ngoài ra còn chỉ mối quan hệ xã hội giữa những người ngang tuổi hoặc có cùng chí hướng sát cánh bên nhau để thực hiện một nhiệm vụ, mục tiêu nào đó mà không phân biệt giới tính như anh em kết nghĩa hay tình bằng hữu… Trong phạm vi một bài viết ngắn, tác giả chỉ đề cập đến tình bạn, tình huynh đệ kết nghĩa trong Tuồng.
Cảnh trong vở tuồng "Cổ thành"
Với vở tuồng “Cổ Thành” - một tác phẩm nổi tiếng của Hậu tổ tuồng Đào Tấn đã ca ngợi khí tiết trung liệt, lòng cao thượng, thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình trước sau như một của Quan Vân Trường (Quan Công) - người anh hùng kiệt xuất thời Tam Quốc đối với hai anh em kết nghĩa Lưu Bị và Trương Phi. Ba anh em đã cùng nhau thề nguyền “đồng sinh đồng tử”, sống chết có nhau. Sau một lần thua trận bởi quân của Tào Tháo, ba anh em mỗi người chạy một nơi. Quan Vân Trường bị vây ở đền Thổ Sơn. Trong tình thế “ngộ biến tùng quyền” buộc ông phải tạm đầu hàng Tào Tháo để bảo toàn tính mạng cho Nhị tẩu. Với tính khí nóng nảy, bộc trực, Trương Phi đã vội nghi ngờ Quan Công bội ước, phụ lời thề năm xưa. Tuy vậy, khi gặp lại Trương Phi ở Cổ Thành, Quan Công không một lời minh oan cho mình mà thể hiện tấm lòng thủy chung son sắc bằng việc chém tướng Thái Dương của quân Tào. Từ đó, mọi hiểu nhầm của Trương Phi về người anh kết nghĩa Quan Vân Trường được hóa giải. Tình huynh đệ lại được gắn kết như xưa trong sự bao dung, rộng lượng suy xét của bậc anh hùng đầy nghĩa khí - Quan Công.
Hai anh em kết nghĩa Triệu Hổ - Triệu Long trong tuồng “Phụng Kỳ soán đế” cũng đưa đến cho người xem những màn, lớp thật xúc động, cảm phục về tình huynh đệ keo sơn, gắn bó. Trên đường về thăm nhà, cảm thương với hoàn cảnh của Triệu Hổ (đang mang trọng bệnh) nên chàng trai Triệu Long đã mời Triệu Hổ về nhà mình ở lại để tiện chăm sóc. Được Tiên ông giải nạn, Triệu Hổ đã khỏi bệnh, ra sức rèn đức luyện tài. Hai anh em Triệu Hổ- Triệu Long vâng mệnh triều đình cùng nhau “bình Phiên, trừ thảo khấu”, giúp vua chiêu an trăm họ và nghĩa tình huynh đệ vẫn trọn vẹn trước sau.
Nhân vật Cao Hoài Đức (phải) trong vở "Đào Tam Xuân loại trào"
Hay người sống tình nghĩa, có trách nhiệm, luôn bảo vệ công lý, lễ phải như nhân vật Cao Hoài Đức trong tuồng “Đào Tam Xuân loạn trào”. Khi biết tin em trai kết nghĩa Trịnh Ân (một người cương trực, thẳng thắn, sống vì chính nghĩa) bị tên gian nịnh Hàn Phụng dẫn ra pháp trường giết, Cao Hoài Đức vội vàng vào triều gặp vua Tống (cũng là người anh kết nghĩa với ông) hỏi cho ra sự thể và diệt Hàn Phụng để trả thù cho Trịnh Ân.
Đỉnh cao về tình bạn, tình huynh đệ trong tuồng không thể không nhắc đến sự chân thành, thủy chung son sắc giữa hai nhân vật điển hình Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá trong vở “Sơn Hậu”. Xuất phát từ tấm lòng lo cho cơ ngiệp Tề trào và mong muốn khôi phục lại giang sơn, Kim lân và Linh Tá đã đồng sức đồng lòng, cùng nhau đặt bàn hương án, uống cạn chén rượu và cắt huyết ăn thề.
Khi sự việc che giấu mẹ con Thứ phi tại nhà mình bị bại lộ, Kim Lân vô cùng lo lắng. Nhưng được sự động viên, khuyên nhủ chân thành của người bạn, người anh cùng chí hướng Linh Tá, Kim Lân đã làm theo nhưng nhìn vào tương quan lực lượng giữa hai bên, quân Tạ tặc đông binh, đông tướng còn bạn mình chỉ có một người một ngựa, Kim Lân không khỏi xót xa và lo lắng cho tính mạng của người bạn chí cốt. Linh Tá lại tỏ ra rất lạc quan, quả quyết:
“Sức này dù xô ngã
Yêng chạy đã xa đường
Cảm nhận được tấm chân tình, sự trông đợi và tin tưởng của người bằng hữu Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân đã vội vàng đưa mẹ con Thứ phi lên đường, còn Linh Tá ở lại cản đường quân giặc và anh bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu. Tuy Linh Tá chết nhưng tinh thần bất khuất của người anh hùng không chết. Tình bạn chiến đấu cao cả, tử sinh với Kim Lân luôn còn. Anh vẫn cố sức cầm cự và tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu để cho Đổng Kim Lân chạy được xa đường. Và giữa đêm khuya, rừng vắng, Kim Lân bị lạc đường thì hồn Linh Tá hóa thành ngọn lửa thiêng soi đường cho Kim Lân vượt núi băng rừng để sang vùng căn cứ Sơn Hậu. Khi Kim Lân đến được vùng Sơn Hậu cũng là lúc trời sáng, tiếng gà gáy vang, hồn Linh Tá biến mất. Kim Lân đã nén nỗi đau, để lại người bạn tri kỷ phía sau và tìm đến nơi căn cứ của nghĩa quân để gây dựng lại lực lượng phục thù.
Nhân vật Kim Lân (trái) và nhân vật Linh Tá (phải) trong tuồng "Sơn hậu"
Tình huynh đệ chân thành, thủy chung, đến chết vẫn còn có nhau của Kim Lân và Linh Tá đã “khắc cốt ghi tâm”, thấm đẫm trong lòng nhân dân qua nhiều thế hệ đến mức nếu thấy một đôi bạn trẻ kết giao chí thân là người ta ví "hai đứa này như Lân với Tá".
Tóm lại, cuộc sống muôn màu đã được sân khấu phần nào phản ánh, xây dựng thành những hình tượng điển hình. Tình huynh đệ trong Tuồng cũng là một khía cạnh với nhiều mảng màu khác nhau rất hấp dẫn, thú vị và gần gũi với đời sống hằng ngày đã được sân khấu khai thác, truyền tải tới người xem dưới nhiều góc độ, nhiều chiều để họ có cái nhìn khách quan, tổng quát và có cách lựa chọn hợp lý trong các mối quan hệ về tình anh em, đồng chí, đồng nghiệp. Sân khấu là “thánh đường nghệ thuật” nhưng mãi đồng hành với cuộc sống.
Tác giả bài viết: Bài: Thuý Hường; Ảnh: Hoàng Dũng