TÌM HIỂU THỂ LOẠI TUỒNG ĐỒ (TUỒNG HÀI)
Bài: Thuý Hường; Ảnh: Công Phượng
2023-12-28T03:55:24-05:00
2023-12-28T03:55:24-05:00
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/tim-hieu-the-loai-tuong-do-tuong-hai-219.html
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/1anh-ngheu-so.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 28/12/2023 03:41
Tuồng là môn nghệ thuật truyền thống rất độc đáo và đa dạng về thể loại. Ngoài các dạng cơ bản như Tuồng thầy, Tuồng pho, Tuồng văn, Tuồng võ, Tuồng tiểu thuyết … còn có thể loại Tuồng đồ (Tuồng hài) mang lại tiếng cười phê phán, đả kích, chế giễu sâu cay, đã làm nên diện mạo đặc sắc cho loại hình sân khấu này và thu hút người xem với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Chữ “đồ” có nhiều nghĩa khác nhau, theo lý giải của Giáo sư Đặng Thai Mai: Chữ “đồ” với nghĩa là học trò (môn đồ, đồ đệ) khi ghép với chữ tuồng thành “Tuồng đồ” tương phản với Tuồng thầy do các thầy hay nhà bác học viết ra (“Nghệ thuật tuồng nhận thức từ một phía”- PGS Tất Thắng). Còn theo quan niệm của GS. Hoàng Châu Ký: Tuồng đồ là những vở thuộc loại đồ ngôn, đồ thuyết. Tác giả Lê Ngọc Cầu trong cuốn “Tuồng hài”đã trích cách gọi của người xưa cho rằng: “Tuồng đồ có ý nghĩa rộng lớn hơn tuồng hài. Tuồng hài là một thể loại nằm trong Tuồng đồ”. Giới nghiên cứu nói chung thì quan niệm Tuồng đồ là loại Tuồng hài (tuồng gây cười), được xây dựng trên cảm hứng hài kịch, thiên về châm biếm, đả kích, không bị ràng buộc vào những điển luật nghiêm ngặt như Tuồng thầy, ngôn ngữ mộc mạc, bình dân, lối diễn tự do, ít khoa trương cách điệu, gần gũi với cuộc sống đời thường. Do đó, có người coi Tuồng đồ như một dạng kịch nói dân tộc. Đến nay có những vở Tuồng hài tiêu biểu đã trở nên quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của những người mộ tuồng như “Nghêu Sò ốc Hến”, “Trương Đồ Nhục”, “Trương Ngáo đúc chuông”, “Giáp Kén Xã Nhộng”, …
Cảnh vở tuồng hài "Nghêu, Sò, Ốc, Hến"
Về mặt cấu trúc, Tuồng hài thường là những vở ngắn gọn, ngôn từ ít thành phần Hán Việt, nếu có thì cũng được hiểu một cách nôm na, sai lệch để gây cười. Lời văn giàu tính tả thực, giản dị, nhiều câu không khác gì ca dao - tục ngữ:
“Áo dày chớ nại quần thưa
Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm”
(Lời ông lão ve vãn cô gái mười lăm)
Tuồng hài cũng ít khi có tên tác giả và chỉ có bản chép tay hoặc truyền miệng. Đây cũng là loại tuồng nặng về mặt ứng diễn nên có thể phát huy cao độ khả năng ứng diễn của diễn viên. Chính vì vậy mà các vở tuồng hài ở các tỉnh khác nhau cũng có những bản khác nhau. Có khi cùng một địa phương và cùng một vở diễn nhưng mỗi đoàn diễn mỗi kiểu.
Khác với Tuồng thầy chủ yếu đề cập đến chuyện vua quan triều đình, quốc gia đại sự thì Tuồng đồ đã vẽ nên một bức tranh sinh động về hiện thực xã hội bình dân với những chuyện sinh hoạt đời thường, nơi hằng ngày diễn ra những thói hư tật xấu của một bộ phận có chức quyền bị tha hóa biến chất, lưu manh, đĩ điếm, chỉ biết đến tiền mà làm lệch hẳn cán cân công lý hay các thành phần đáng khinh bỉ như phù thủy, thầy bói loại buôn thần bán thánh...Còn những con người thấp cổ bé họng thì bị trù dập, chà đạp. Có thể nói, Tuồng đồ mang đậm tính dân gian, lấy đề tài và tích truyện từ cuộc sống nông thôn Việt Nam. Tuồng đồ đã thể hiện thái độ trước cái xấu, cái phi đạo đức trong đời sống xã hội với tất cả sự sinh động, đa dạng và điển hình. Tiếng cười trong tuồng hài đã góp một tiếng nói có trọng lượng, một hành động có hiệu quả nhằm lên án cái bảo thủ, lạc hậu, suy đồi, không phù hợp với thời đại và thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Vở tuồng “Nghêu Sò ốc Hến” là một điển hình trong việc phê phán những hủ tục, tệ nạn và thói hư tật xấu thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là những kẻ có chức sắc, địa vị như thầy Đề, quan Huyện, xã Trưởng… Cái thói ăn của đút lót và hám gái của lũ quan tham. Những trò bói toán gian manh, cùn liều của thầy Nghêu, thói ăn trộm và đánh bạc của Trần Ốc, hay buôn bán phi pháp của Thị Hến… đều được Tuồng hài tái hiện rất sinh động thông qua nghệ thuật diễn xuất của diễn viên và tiếng cười châm biếm, đả kích, chế giễu sâu cay. Có thể nói, những nhân vật trong Tuồng hài cùng các tình huống, những vấn đề được đặt ra rất gần gũi và vẫn hiện hữu đâu đó xung quanh chúng ta. Với việc xây dựng tính cách nhân vật điển hình, độc đáo và thủ pháp gây cười, vở tuồng hài “Nghêu Sò ốc Hến” đã mang lại hiệu ứng tốt, đậm dấu ấn của nghệ thuật dân gian đương đại.
Một tệ nạn khác của xã hội được Tuồng đồ “để mắt” là tệ nạn quan liêu tắc trách, không cẩn trọng trong công việc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trong vở tuồng “Trương Đồ Nhục”. Cái đám Quỷ Sứ, Thổ Địa tham ăn, tắc trách bắt nhầm thiền sư Trương Hòa Thượng với Trương Đồ Nhục dẫn đến “kẻ đáng chết thì không bắt chết, lại đi bắt kẻ đáng sống…”.
Rõ ràng, bức tranh biếm họa do Tuồng hài vẽ nên có sự góp mặt đầy đủ các thành phần: từ những kẻ trộm cắp đến những bọn bịp bợm, lừa lọc thuộc hàng ngũ có chức sắc, quyền hành. Đó là thái độ phê phán, chế giễu rõ nét, quyết liệt của Tuồng hài đối với những mặt trái của xã hội. Trong Tuồng hài, bằng sự vận dụng tinh tế, điêu luyện và sáng tạo của các nghệ sĩ đã tạo nên những lớp diễn, vai diễn mang lại tiếng cười có giá trị cao về nội dung cũng như nghệ thuật, khéo léo dẫn người xem liên tưởng đến những tồn tại, hạn chế của cuộc sống hiện thực. Một bộ phận có địa vị, “có tiền sinh tật” trai gái, lừa lọc, lạm quyền.
Cảnh lính lệ đánh xã Trưởng trong tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến"
Cùng với Chèo cổ, Tuồng hài cũng có những nguyên tắc riêng trong sử dụng các thủ pháp gây cười. Cũng là chế giễu, phê phán nhưng cấp độ của tiếng cười mạnh mẽ hơn. Nếu như tiếng cười trong các vở Chèo cổ vừa vui vẻ nhẹ nhàng, châm biếm, chế giễu mang tính giáo huấn thì tiếng cười trong Tuồng hài luôn tỏ thái độ nghiêm khắc, mãnh liệt hơn. Thầy bói trong Chèo cổ là kẻ bịp bợm nhưng không lộ rõ một cách trắng trợn mà xen lẫn đùa giỡn, giễu cợt. Thầy không biết xem bói nên “nếu bói hỏng…thì bói bù quẻ khác” còn thầy bói trong Tuồng hài lộ rõ thói bịp bợm, lưu manh, xảo trá. Thầy cũng không biết xem bói nhưng lợi dụng việc xem bói để đi ăn cắp, trục lợi…Tiếng cười trong Tuồng hài đã vượt qua sự chế giễu thông thường để phê phán gay gắt thói hư tật xấu của tầng lớp cường quyền trong xã hội phong kiến thông qua tính cách, tình huống, hoàn cảnh kịch hay các biện pháp ngôn ngữ. Tiếng cười lúc ẩn, lúc hiện nhưng luôn thường trực trong Tuồng đồ và là đặc trưng của thể loại này. Nó đã thấm sâu vào huyết quản của người sáng tạo và trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với khán giả. Tuồng hài thực sự là một kho tàng vô giá, một di sản của cha ông để lại mà chúng ta có quyền tự hào, nó như vì sao lấp lánh trên màn trời của nghệ thuật truyền thống.
Trong giai đoạn hiện nay, khi nghệ thuật Tuồng đang gặp khó khăn về cách thức để lôi cuốn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau thì việc tích cực khai thác thể loại Tuồng hài hoặc đưa yếu tố hài hước vào Tuồng là việc làm cần thiết và cũng là một cách tiếp cận với công chúng nhằm “kéo” họ “ở lại” với Tuồng như một thời hoàng kim vốn có của nó.
Tác giả bài viết: Bài: Thuý Hường; Ảnh: Công Phượng