TÌM HIỂU MÔ HÌNH KÉP CON TRONG TUỒNG (HÁT BỘI)

Thứ hai - 25/12/2023 03:41
Thế giới nhân vật trong Tuồng vô cùng phong phú và đa dạng với đủ các dạng vai kép, đào, tướng, lão, nịnh…Trong đó có vai kép con (thiếu nhi) góp phần làm “giàu” thêm bảng phân vai và tạo thêm màu sắc, đường nét cho các vở tuồng cổ, tiểu thuyết, dân gian và hiện đại.
 Các nhân vật thiếu nhi trong Tuồng tùy từng vở diễn để đóng vai trò là nhân vật chính hay phụ nhưng kép con chủ yếu là nhân vật chính thứ như Phàn Diệm (tuồng Sơn hậu), Trịnh Ấn (tuồng Trảm Trịnh Ân), Đào Phi Long (tuồng Đào Phi Phụng), Triệu Hùng Nhi (tuồng Dương Chấn Tử) …
 Xuất phát từ tuồng tích và bối cảnh lịch sử của các vở diễn mà sự xuất hiện của vai kép con trong một số vở diễn là bắt buộc phải có như trường hợp của Trịnh Ấn, Phàn Diệm, Phượng Cơ … Đây cũng là các nhân vật mẫu của loại hình kép con trong tuồng cổ. Sau này, các tác giả phát triển thành các dạng nhân vật kép con khác nhau trong một số vở diễn như nhân vật Điền Đơn (tuồng Chung Vô Diệm), Lý Định Đô (tuồng Ánh sáng tình yêu) là dạng vai kép con phát triển từ mô hình kép con võ Phàn Diệm. Hay các nhân vật Đào Phi Long (tuồng Đào Phi Phụng); Trịnh Đồng (tuồng Nỗi oan tình) là dạng vai kép con phát triển từ mô hình kép con Trịnh Ấn...

TRỊNH ẤN TUỒNG TRẢM TRỊNH ÂN


                          Nghệ sỹ Thái Phiên (trái) vào vai kép con Trịnh Ấn trong tuồng "Trảm Trịnh Ân"

  Sau khi Phàn Định Công (cha Phàn Diệm) vì tức giận bọn gian thần tiếm ngôi, ngã ngựa và thổ huyết chết, Phàn Diệm đã nghe theo lời khuyên của cha chạy trốn về miền Sơn Hậu tập hợp nghĩa sĩ phò vua diệt tặc. Từ mô hình ấy, các vở tiểu thuyết tuồng cổ và  tuồng tiểu thuyết như “Chung Vô Diệm”, “Ánh sáng tình yêu” xây dựng các nhân vật kép con tương tự. Điền Đơn là con của Chung Vô Diệm và Tề Tuyên Vương. Vì muốn trả thù cho các đồ đệ mà Lộc Lực đại tiên lập trận âm hồn để hại Chung Vô Diệm. Trong tình cảnh éo le ấy, Mộc Trù Chơn Quân đã trao tín vật cùng bảo bối Tiên gia cho Điền Đơn để hạ sơn cứu mẹ. Điền Đơn đã phá tan trận âm hồn, cứu Chung Vô Diệm thoát nạn. Đối với vở tuồng “Nỗi oan tình”, vận dụng mô hình kép con Trịnh Ấn trong tuồng cổ, tác giả Doãn Hoàng Giang đã xây dựng nên kép con Trịnh Đồng rất thành công ở dạng tuồng tiểu thuyết.
Vai kép con trong Tuồng tuy tuổi nhỏ nhưng chí lớn và trở thành những bậc anh hùng hào kiệt, giúp ích cho đất nước. Điển hình là nhân vật chính Trần Quốc Toản trong vở tuồng cùng tên. Trần Quốc Toản thuộc dòng dõi nhà Trần, mồ côi cha từ bé, được mẹ nuôi ăn học. Năm ấy, Toản tóc đương để chỏm trái đào, miệng còn thơm sữa nhưng đã thấy nước mất là một điều sỉ nhục. Toản đến triều xin vua đi đánh giặc nhưng ai cũng chê Toản nhỏ, Toản uất ức, bóp nát quả cam đương cầm trong tay mà không hề hay biết, nghiến răng hậm hực ra về, rèn kiếm, mộ binh, thêu cờ phá giặc. Tầm thước Toản không cao hơn lưng ngựa giặc nhưng Toản đã chiến thắng. Và mỗi lần nhìn nước trong non, đôi mắt Toản lại sáng rực lên như những dòng thơ trong quốc sử diễn ca:
                             “Hoài văn tuổi trẻ, chí cao
                               Cờ thêu sáu chữ quyết vào lập công
                             Trên trang sử Việt lẫy lừng
                              Còn in bóng vị anh hùng thiếu niên”
 Sự đa dạng trong thành phần xuất thân và hoàn cảnh gia đình dẫn đến tính cách và hành động cũng khác nhau của từng đứa trẻ trong Tuồng. Các nhân vật Quách Hải Thọ (tuồng Bao Công tra án Quách Hòe), Hổ Thành Nhân (tuồng Hổ Thành Nhân) xuất thân từ gia đình nông dân, sống vất vả nên tính cách thật thà, chất phác. Còn các nhân vật như Trần Quốc Toản, Điền Đơn, Trịnh Ấn hay Lý Định Đô… là con cháu dòng dõi quan lại, quý tộc hay con vua, cháu chúa nên tính cách và hành động chững chạc, già dặn… Hay loại con thần, con thánh như Na Tra (tuồng Phong Thần)  thì chỉ có điệu bộ, cử chỉ và giọng nói là trẻ con còn tài trí và sức mạnh hơn cả người lớn. Vì thế, người diễn viên muốn diễn tốt dạng vai kép con thì cần hiểu xuất xứ, nguồn gốc, bối cảnh lịch sử của nhân vật và thể loại tuồng để có cách diễn xuất phù hợp. Nếu là nhân vật kép con trong tuồng cổ thì cách múa, hát cầu kỳ, phức tạp hơn nhân vật kép con trong tuồng lịch sử hay tuồng hiện đại (các động tác múa, hát nhẹ nhàng, đơn giản). Một điều hết sức đặt biệt là dạng vai kép con không có hoặc rất hiếm loại nịnh.Và mỗi khi đã là trẻ con gian nịnh, độc ác, cậy quyền, cậy thế thì lại thuộc dạng mô hình nhân vật khác là công tử Bột.

Na Tra tuồng phong thần


                            NSƯT Kim Thành (áo đỏ, ở giữa) vào vai kép con Na Tra trong tuồng "Phong thần"
 Thường xuất hiện với tư cách là vai chính thứ nhưng đã có nhiều diễn viên đóng kép con trở thành “sở trường” như NSND Ngô Thị Liễu, NS Kim Thu, NSƯT Kim Thành để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật tuồng. NSƯT Kim Thành - người chuyên đóng vai kép con cho biết: “Dáng người nhỏ nhắn và chất giọng trẻ là một lợi thế để tôi thường được đạo diễn tin tưởng giao dạng vai này nhưng để diễn nhập vai thì không hề dễ bởi tuổi đời của người diễn viên lớn hơn nhiều so với tuổi nhân vật. Vì thế, người diễn viên phải chịu khó nghiên cứu, quan sát hành động của các em thiếu nhi trên thực tế để áp dụng sao cho phù hợp với các dạng vai khác nhau.”
Như vậy, mô hình kép con trong Tuồng là một phần quan trọng trong hầu hết các thể loại tuồng khác nhau. Dạng nhân vật này làm sinh động dàn vai diễn, tạo thêm tình tiết, màu sắc cho vở diễn và góp phần đưa sân khấu gần gũi hơn với cuộc sống.
 

Tác giả bài viết: Bài: Thục Nương; Ảnh: Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây