THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT HÁT BỘI (TUỒNG) CÙNG VỚI MÙA XUÂN

Thứ sáu - 30/12/2022 02:35
THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT HÁT BỘI (TUỒNG) CÙNG VỚI MÙA XUÂN
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu hát Bội (tuồng, hát Bộ) nhất là ở các vùng nông thôn trong tỉnh lại rộn ràng không khí của ngày xuân với các sô diễn dày đặc của các Nhà hát chuyên nghiệp cấp tỉnh và Đoàn nghệ thuật nghiệp dư của địa phương. Nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công các đoàn dường như đã quen thuộc với lịch diễn trong giai đoạn này, đem lời ca, tiếng hát của mình để phục vụ bà con nhân dân vui chơi, đón Tết.
Đầu tiên phải kể đến đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật vào thời khắc Giao thừa với các hoạt cảnh, trích đoạn có nội dung vui tươi, phô diễn được nét độc đáo của nghệ thuật hát Bội - loại hình nghệ thuật không thể thiếu của Văn hóa Bình Định với những tiết mục gần gũi, quen thuộc như: Ca ngợi những thắng lợi trong lao động, sản xuất hoặc những chiến công hiển hách của các anh hùng hào kiệt trong lịch sử dân tộc….
Tiếp đến là các vở diễn đầu xuân tại các địa phương trong tỉnh đã được đặt hàng trước. Phần lớn là các tiết mục được đề cập đến đó là tình yêu, tình người và “xôm” trò trong kết cấu màn, lớp, thu hút người xem với tâm trạng hứng khởi, vui vẻ như: “Giai nhân trong thời loạn”, “Tam hùng kiệt”, “Nỗi oan tình”… cùng những làn điệu Xuân nữ ngọt ngào, tươi mới, dễ đi vào lòng người vào dịp đầu năm. Ở mảnh đất Nam Trung Bộ nói chung và Bình Định nói riêng này, mùa xuân là dịp để sân khấu hát Bội có thể “đỏ đèn” thường xuyên hơn mọi ngày. Các nghệ sỹ hát Bội có dịp được rong duỗi, thăm lại các làng, xã, huyện  trong tỉnh để biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho nhân dân với các chương trình, tiết mục, vở diễn đa dạng, được đông đảo công chúng nồng nhiệt đón nhận.

CẢNH VỞ TUỒNG TAM HÙNG KIỆT
                                                                   
                                                            Cảnh vở tuồng "Tam hùng kiệt"

Cùng với các nghệ sỹ, nhạc công của các đoàn tuồng chuyên nghiệp, các nghệ nhân hát Bội không chuyên cũng “sốt sắng” không kém khi mỗi độ xuân về. Sau một thời gian  mưu sinh kiếm sống với đủ các nghề khác nhau, cứ đến mùa xuân, các “nghệ nhân chân đất” tập hợp lại thành phường, đội cùng biểu diễn các vở tuồng mà bà con nhân dân tại nhiều địa phương yêu thích. Họ hóa thân vào những nhân vật đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Tuồng. Đó là những Quan Công, Lữ Bố, Điêu Thuyền, Trương Phi… mà khán giả mộ điệu đã thuộc làu làu từng cử chỉ, điệu bộ, động tác, câu hát nhưng họ vẫn háo hức đón xem  như chưa từng xem bao giờ vào những dịp đầu xuân năm mới. Hoặc các vở diễn mang nội dung, thông điệp khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, gởi gắm những giá trị chân lý, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
 Từ xa xưa, niềm đam mê hát Bội của người dân Bình Định đã được dân gian truyền tai nhau:“Má ơi đừng đánh con đau/ Để con hát Bội làm đào má coi”. Hay “Nghe tiếng trống chiến, không khiến cũng đi/ Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”.
 Với người dân Bình Định, hát Bội là “món ăn” tinh thần đặc sắc, không thể thiếu đối với vùng đất này. Mùa xuân là thời gian khán giả mộ điệu tìm đến để thưởng thức bộ môn  nghệ thuật truyền thống lâu đời này. Công chúng yêu nghệ thuật hát Bội được “đắm mình” trong những lời ca, tiếng hát mang hương vị riêng của vùng “đất Võ trời Văn”. Vì thế, những người con Bình Định dù đang ở xa quê hương họ vẫn không quên những kỷ niệm đẹp khi xem hát Bội trong những ngày Tết. Họ vẫn luôn tìm về với tiếng trống Chầu gần gũi, quen thuộc trên hàng trăm năm. Mỗi khi nghe tiếng trống giục, như một thói quen, bà con già trẻ, nhất là ở các làng quê thường lũ lượt kéo nhau đổ về nơi có tiếng trống giục để xem và nghe hát. Đến nay, tuy không còn giữ được nguyên vẹn như trước đây nhưng niềm đam mê ấy vẫn được duy trì trong những dịp lễ, tết, hội hè và đặc biệt là vào mùa xuân. Sự say mê thưởng thức nghệ thuật hát Bội của khán giả khắp nơi, sẽ tiếp thêm động lực để các nghệ nhân, nghệ sỹ “cháy hết mình với ngọn lửa đam mê”, góp phần đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống hát Bội khởi sắc hơn cùng với mùa xuân.
         

Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ; Ảnh: Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây