"QUAN KHIÊNG VÕNG"- NÉT ĐẸP VỀ MỘT HIỀN NHÂN BÌNH ĐỊNH

Chủ nhật - 24/12/2023 21:29
Với sân khấu nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng, lịch sử luôn là một đề tài hóc búa. Bởi lẽ để đạt được thành công ở đề tài này đòi hỏi trong quá trình lao động nghệ thuật, người nghệ sỹ cần phải khéo léo, tinh tế kết hợp hài hòa giữa độ nhạy bén, sự phóng khoáng của tư duy sáng tạo nghệ thuật với những gì đã định sẵn trong lịch sử. Và những nét khắc họa đẹp về danh nhân miền đất võ Lê Đại Cang trong vở kịch Quan khiêng võng của tác giả Văn Trọng Hùng là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó. 
Lê Đại Cang là một danh nhân tài hoa uyên bác của miền đất địa linh nhân kiệt Bình Định. Mặc dù tài đức vẹn toàn nhưng cuộc đời của ông lại gặp phải nhiều thăng trầm, biến cố. Hơn 70 tuổi đời với khoảng trên 40 năm làm quan triều Nguyễn, ông đã kinh qua nhiều chức vụ như: Tri huyện, Chủ khảo trường thi, Tổng đốc, Tham tán đại thần,… thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, chính trị, quân sự… Trong suốt khoảng đời làm quan, Lê Đại Cang đã liên tục nếm trải biết bao sóng gió, trắc trở hết thăng chức đến giáng chức, lại phục chức rồi điều chuyển... Từ Tuyên Quang tới Hà Tiên, lúc ở chốn phồn hoa đô hội Hà thành, khi tới nơi biên ải Tây Nam,… bước chân ông cứ lận đận long đong khắp mọi miền tổ quốc. Trong trang sử triều Nguyễn, cuộc đời Lê Đại Cang cũng được ghi chép khá đầy đủ, chi tiết (theo thống kê lên tới hơn 200 đoạn với hàng vạn chữ). Tuy nhiên khi tiến hành hệ thống, ta thấy các sự kiện về cuộc đời của vị danh nhân ở xứ sở này hiện lên lại có sự tản mạn và phân tán nhất định. Đây chính là những thử thách lớn đối với các tác giả có tâm ý muốn tìm hiểu, khai thác, dựng kịch về ông, trong đó có cả nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng. Đắm mình vào trang sử vàng của dân tộc, tìm hiểu về Lê Đại Cang, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người bị cuốn hút bởi công trạng và những khấp khểnh quanh co trong suốt quãng đời làm quan triều Nguyễn của ông. Khác với xu hướng đó, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng thấy trong sâu thẳm những sự kiện lịch sử kia hiện lên hình bóng Lê Đại Cang - một con người có tài hoa nhân cách lớn:
Một đời vì trăm họ
Không thẹn với non sông
Đại quan hay lính võng
Cũng nhẹ tựa lông hồng
Cởi áo về cửa Phật
Kinh kệ sắc sắc không
Vẫn không thôi dân nước
Xanh ngắt một dòng trong!(1)

CẢNH 6 LÊ ĐẠI CANG LÀN LÍNH KHIÊNG VÕNG TRONG VỞ QUAN KHIÊNG VÕNG
   
                                            NSND Minh Ngọc (hàng đầu) vai Lê Đại Cang trong vở tuồng "Quan khiêng võng" 
   
   
                    
Để lột tả trọn vẹn con người danh nhân Lê Đại Cang, tác giả đã hướng ngòi bút của mình về khoảng thời gian nửa cuối chặng đường quan nghiệp của nhân vật (khoảng năm 1828), bắt đầu kể từ khi ông ra Bắc làm quan lần thứ hai, đảm trách quản lý Nha đê chính Bắc thành cho đến những giây phút cuối đời trên quê hương Bình Định (năm 1847). Đây là quãng thời gian mà danh nhân Lê Đại Cang gặp nhiều sóng gió nhất và cũng là lúc những phẩm chất cao quý của ông được bộc lộ rõ nét nhất. Dữ kiện được tác giả khai thác đều là những sự kiện lịch sử tiêu biểu, có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời nhân vật như: việc đắp đê Bắc thành (1828); làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Hà Nội - chấm thi cao Bá Quát (1831); chém đầu kẻ cậy có gia thế lớn mà phóng hỏa đốt nhà người dân (1831); bị giáng chức từ đại quan xuống lính khiêng võng (1833); tập hợp binh mã phối hợp với quân triều đình lấy lại thành An Giang từ tay Lê Văn Khôi và quân Xiêm (1833 - 1834); lãnh mệnh bảo hộ Cao Miên (1834); bị cách chức và lãnh án trảm giam hậu và bị bắt khiêng võng lần thứ hai (1838) và cuối cùng là sau khi đã đi tu, phút cuối đời dăn lại vài lời cho con cháu (1847).
Từ những dữ kiện lịch sử mang tính đặc thù về cuộc đời Lê Đại Cang, bằng niềm đam mê và sự tinh tế của người cầm bút, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng đã khéo léo đưa ông - một nhà nho tài hoa của thế kỷ thứ 19 trở về với thế giới hôm nay một cách rất chân thực, sống động.
Để làm bật lên sự tài hoa, uyên bác về văn chương thi phú, cũng như khí chất bất phàm của Lê Đại cang, ngay đầu tác phẩm, tác giả đã mở ra trước mắt chúng ta hình ảnh nhân vật đọc sách của Đặng Đức Siêu tại phủ gia ở Thăng Long. Giữa mảnh đất ngàn năm văn hiến của dân tộc, với dáng vẻ ung dung, tự tại nhân vật đã thốt lên:
Lê Đại Cang:                 Ngọc dầu tan, vẻ trắng nào phai
                                       Trúc dẫu cháy tiết ngay vẫn để!
                                       Hay a! Hay a!
                                       Văn của thầy mạnh tựa vạn hùng binh
                                      Người viết về Võ Tánh tướng quân mà sức lay bao dũng tướng!(2)
Chi tiết kịch, đặc biệt là ý nghĩa của hai câu thơ mà nhân vật đọc lên đã tạo ra một ấn tượng rất mạnh đối với người thưởng thức. Nó gợi ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm, liên tưởng: Ngay cả ngọctrúc mặc dù đã bị phá hủy mà vẫn giữ cho mình vẻ trắng, tiết ngay huống chi là con người? Nghe những lời bình tâm đắc ấy, chúng ta có cảm giác như những phẩm chất cao quý của sự vật được nói đến chính là của quan Hình tào Lê Đại Cang. Đây là Thủ pháp gián tiếp trong xây dựng nhân vật - một trong những thủ pháp viết kịch khá đặc trưng đã được tác giả sử dụng rất đắt. Đó chính là sự tinh tế của ngòi bút Văn Trọng Hùng trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật.
Không dừng lại ở đó, tài văn chương và cốt cách thanh cao của nhân vật Lê Đại Cang còn tiếp tục hiện lên rất rực rỡ ở một số màn lớp khác, đặc biệt là màn thứ hai - Dinh Thập bát Hoàng tử. Đây một trong những lớp kịch khá tiêu biểu của vở. Mặc dù là người tài trí, lại ở vị thế của một vị quan đương triều nhưng Lê Đại Cang lại hạ mình để đi đến nhà diện kiến Thập bát Hoàng tử nhà Lê - danh sĩ uyên bác quyền quý của triều Lê đã sa cơ thất thế, đang sống cuộc đời ẩn dật, an phận thủ thường làm con dân nhà Nguyễn. Trước Lê Ngọc Ẩn không quyền hành tước vị nhưng Lê Đại Cang, một mệnh đại quan đương triều lại giữ thái độ hết sức từ tốn, khiêm cung. Nếu việc bày tỏ hiểu biết về đạo thánh hiền, cũng như lý giải tường tận nguyên do chấm đậu bài thi của Cao Bá Quát nói lên tài năng xuất chúng của Lê Đại Cang thì thái độ khiêm nhường cung kính kia chính là sự thể hiện tuyệt vời của những phẩm cách cao quý trong con người ông. Những vẻ đẹp thanh tao ấy của Lê Đại Cang đã khiến cho cha con Quận chúa Ngọc Phiên có sự chuyển biến rất lớn trong tâm tư tình cảm. Từ lạ hóa thân quen, từ hờn trách đến mến yêu, cảm tài phục đức. Và sau này những tình cảm tốt đẹp ấy đã trở thành sợi tơ hồng gắn kết Lê Đại Cang và Ngọc Phiên nên duyên nên phận. Đúng là nhún mình như thể nhún du/ càng nhún càng bổng càng ru càng mềm. Lê Đại Cang càng khiêm cung trước Lê Ngọc Ẩn thì nhân cách và khí chất lại càng bổng, càng cao hơn trong mắt công chúng yêu nghệ thuật. Có anh hùng mới trọng anh hùng, Lê Ngọc Ẩn càng mang trong mình những vẻ đẹp uyên bác, thanh cao của một trí thức Bắc Hà thì hình ảnh Lê Đại Cang càng hiện lên rực rỡ hơn trong tâm thức người đọc. Đây là thủ pháp viết kịch độc đáo với dụng ý khá sâu sắc của tác giả Văn Trọng Hùng trong việc lột tả con người và nhân cách của Lê Đại Cang.
Không chỉ tài hoa về thơ văn, Lê Đại Cang hiện lên trong tác phẩm còn là một vị đại tướng tài ba dũng mãnh. Tiêu biểu như đoạn ông trực tiếp chỉ giáo đao pháp, thao luyện binh ở màn một; hay việc tập hợp, chiêu mộ, chỉ huy binh lính phối hợp chiến đấu cùng với quân triều đình để đánh đuổi giặc Xiêm, dẹp quân phản loạn Lê Văn Khôi, lấy lại thành An Giang ở màn tám - Lê Đại Cang với thân phận lính tiền quân.
Khi bước vào thế giới nghệ thuật Quan khiêng võng, chúng ta thấy nhân vật Lê Đại Cang ngoài tài năng văn võ song toàn, đức tính kiêm nhường nhã nhặn, còn là một người có nhân cách lớn.
Với đất nước và muôn dân, ông luôn là vị quan mẫu mực, tâm nguyện cả đời vì trăm họ. Trong lớp ba - Lê Đại Cang ở đê, việc đắp đê Bắc thành thiếu kinh phí, ông đã truyền lệnh lấy tiền làm Dinh Tổng trấn của mình để lo chuyện làm đê chỉ với suy nghĩ: Dinh Tổng trấn dẫu có rách nát vẫn điều hành được/ Nhưng đê không vững vàng trăm họ sẽ lầm than! Trước cảnh bất bình, vị thanh quan ấy không vì giữ chiếc mũ ô sa mà chịu khuất phục cường quyền tàn bạo. Khi xét xử vụ án đốt nhà người dân, ông luận án nghiêm minh đúng người đúng tội. Chiểu theo phép nước, Lê Đại Cang đã lệnh đem tên Nguyễn Đại – Cháu của tên đại quan gian nịnh triều đình Nguyễn Thiện ra xử chém vì tội cậy quyền thế hà hiếp đốt nhà dân lành; bắt tên Tri phủ Nguyễn Hiền giam vào ngục bởi tội bao che cho người thân làm điều phạm pháp. Lúc nhận lệnh thảo phạt cha con loạn thần Lê Văn Duyệt, với những hiểu biết của mình về con người của Tả tướng Lê Văn Duyệt, ông đã tìm hiểu sự tình, suy xét trước sau để hóa giải tình hình mong sao tránh làm tổn hại đến vị tướng tốt như Lê Văn Duyệt nhưng cũng tránh cho mình khỏi phạm phải luật lệ triều đình. Bởi vậy nên gặp quân của Lê Văn Khôi, ông đã dùng lời lẽ phân giải về việc làm sai của họ mà không động binh trước. Triều đình giao cho Lê Đại Cang làm Tham tán đại thần trấn thủ Chân Lạp, ông thà chấp nhận bị quy chụp tội khinh lờn phép nước mà nhất quyết không sang đóng quân ở nước người. Bởi lẽ ông sợ rằng nếu làm như vậy thì việc bảo hộ Chân Lạp của triều đình sẽ mất đi tính chính nghĩa và dễ bị hiểu lầm là hành động xâm lược lân bang. Ở Lê Đại Cang, tấc lòng trung nghĩa với non sông luôn bất biến. Với vị hiền nhân ấy mũ mão cân đai, chỉ là vật ngoài thân, quan tước dù có hay không cũng chẳng thể làm cho tấm lòng son kia phai nhạt. Vậy nên dù bị giáng chức, thậm chí còn bị tên gian thần Nguyễn Thiện làm nhục, bắt phải khiêng võng cho hắn thì với Lê Đại Cang cũng vẫn ngạo nghễ như thường. Dưới ngòi bút sắc sảo của tác giả Văn Trọng Hùng, tấm lòng trung nghĩa của nhân vật Lê Đại Cang đã được đẩy lên đến tận cùng qua hai lần khiêng võng ở màn thứ bảy và màn thứ mười.
Lê Đại Cang:         Khiêng võng!
                               Khiêng võng!
                               Ha…ha…
                              Cách quan làm lính ta đã nghe qua
                              Cách quan làm lính khiêng võng thì…
                             Chỉ một mình ta!
                             Chỉ một mình ta!
                            Ha… ha…
                            Ừ khiêng võng
                           Thì ta khiêng võng!
                          “Ừ, khiêng võng thì ta khiêng võng
                           Đại quan là ta lính khiêng võng cũng là ta
                           Người quân tử cũng là người nhưng có khác
                          Từ đại thần xuống khiêng võng cũng như không
                          Ừ! Khiêng võng thì ta khiêng võng!” (3)

NHÂN VẬT LÊ ĐẠI CANG ( người ngồi giữa) LÀM QUAN TỔNG TRẤN BẮC HÀ (VỞ QUAN KHIÊNG VÕNG)


                                                                  Cảnh vở tuồng "Quan khiêng võng"

Có thể nhận thấy đây là đoạn tác giả đã tập trung khá nhiều bút lực để khắc họa nhân vật. Trước sự thay đổi đột ngột của hoàn cảnh sống, mặc dù đang từ vị trí quan đại thần bỗng chốc trở thành lính khiêng võng nhưng ở nhân vật Lê Đại Cang vẫn luôn toát lên phong thái thung dung tự tại của bậc chính nhân quân tử. Việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật để làm nổi bật được thần thái đó của nhân vật quả là điều không dễ. Chắc hẳn khi được đưa lên sân khấu, với sự cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là âm nhạc và tài diễn xuất của diễn viên, hình ảnh nhân vật sẽ để lại ấn tượng rất mạnh trong lòng người xem.
Đã trung nghĩa, cả đời trung nghĩa, Lê Đại Cang thuộc tuýp người như vậy. Ngay cả ở cái tuổi cổ lai hy, sau khi trút bỏ áo mão cân đai hồi hương, gửi thân chốn cửa thiền, tấm lòng trung nghĩa và nỗi niềm ưu thời mẫn thế của ông vẫn không suy chuyển. Điều này được thể hiện rất rõ qua những lời dặn lại con cháu trước lúc lâm chung trong màn cuối của vở. Ông chỉ vào hai món tài sản lớn để lại cho con cháu là cây đại đao và chiếc đòn khiêng võng mà căn dặn rằng: Luyện đao, trau dồi võ nghệ là việc nên làm để giữ mình, cứu người, cứu nước và tuyệt đối không được lạm sát người vô tội; chiếc đòn khiêng võng là kỷ vật lúc ông bị giáng chức xuống làm binh, các con cháu hãy giữ lấy mà rèn luyện ý chí. Với sự học, ông dặn con cháu hãy luôn cố gắng dùi mài. Tuy nhiên việc học là để làm người chứ không phải chăm chăm nhằm vào mục đích để được làm quan. Nếu có làm quan thời nên nhớ quan trường là nơi cay nghiệt, là thân bất vô kỷ, là dễ rước oán thù; dân rất cần quan nhưng phải là quan tốt. Và nhân vật cũng đưa ra khái niệm quan tốt là: Đức kia phải lớn! Tài nọ phải cao! Lòng này phải sạch! Và để có được những điều này thời rất khó. Nếu trong lòng mong được tiến thân để vơ vét của dân, thì đó là loài sâu mọt làm nhục gia phong tổ tiên. Ông dặn: Nếu tu dưỡng tốt thì ít nhất phải năm đời mới nảy mực cầm cân!
Bao giờ cũng thế, khi tìm đến tác phẩm của nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng, suy nghĩ của người thưởng thức luôn bị hút vào vỉa trầm tích ẩn sau lớp vỏ ngôn từ - điều mà PGS. TS Hồ Thế Hà gọi là vùng thiêng ẩn ngữ mà ông đã thai nghén thành. Quan khiêng võng với những nét khắc họa đẹp về hiền nhân Lê Đại Cang cũng vậy. Những lời nhân vật nói, hành động nhân vật làm trong kịch không chỉ đơn thuần cho ta thấy được tài năng, nhân phẩm, cốt cách thanh tao của tiền nhân mà còn gợi cho chúng ta những liên tưởng suy tư về những gì đang diễn ra ở cuộc sống thực tại. Đó cũng như một tấm gương sáng để lớp người hôm nay và mai sau soi mình ngẫm ngợi. Đây chính là giá trị nhân văn lớn của tác phẩm.
 

(1 ) Quan khiêng võng, bài Khai từ, Kịch bản lưu Nhà hát tuồng Đào Tấn, trang 2.
(2 ) Quan khiêng võng, bài Khai từ, Kịch bản lưu Nhà hát tuồng Đào Tấn, trang 2.
(3) Quan khiêng võng, bài Khai từ, Kịch bản lưu Nhà hát tuồng Đào Tấn, trang 41.

Tác giả bài viết: Bài: Lê Công Phượng; Ảnh: Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây