NHỮNG GIAI THOẠI KHÓ QUÊN VỀ NIỀM ĐAM MÊ NGHỀ CỦA CÁC THẦY TUỒNG (HÁT BỘI)

Thứ sáu - 22/12/2023 05:22
Thành quả và vinh hạnh của mỗi người có được không phải đến một cách tự nhiên mà là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Ở bất cứ một ngành nghề nào cũng cần có  đam mê. Nhưng đối với nghệ thuật tuồng, ngoài năng khiếu bẩm sinh, niềm đam mê và sự khổ luyện chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Bởi đây là bộ môn nghệ thuật bác học, mang tính quy chuẩn cao, được ví như “khuôn vàng thước ngọc”. Các thầy tuồng tài danh như: NSND Ngô Thị Liễu, NSND Võ Sỹ Thừa, NSND Đinh Quả, NSƯT Hoàng Chinh…luôn ẩn chứa một “tình yêu vô biên” với nghề ngay từ thuở bé, là một minh chứng sống động, xác thực.
Đối với NSND Ngô Thị Liễu, niềm đam mê nghề được nhen lên thành ngọn lửa rực hồng ngay từ cái buổi đầu gặp gỡ nghệ thuật tuồng. Lòng cô bé Liễu thuở ấy cứ rạo rực, bồi hồi khi đến rạp, xem xong về nhà không ngủ được, hễ nhắm mắt là thấy nhân vật tuồng múa hát trong giấc mơ. Lúc biết diễn tuồng rồi, cô bé Liễu có thể hát ở mọi lúc mọi nơi: rửa bát, quét nhà, đi chợ, giữ em, nằm trên giường vẫn còn hát. Có lần, Liễu đang nằm ngủ với em trên võng, thấy mình trong vai Liễu Nguyệt Tiêm gặp Đào Phi Phụng giáp chiến, liền cất lên:
                                “Đó dù khoe hăm hở tài trai
                            Đây cũng biết lẫy lừng sức gái (chớ!)

NSND NGÔ THỊ LIỄU VÀO VAI MÔNG TƯỜNG TRONG TUỒNG GIÁC SANH


                                                 NSND Ngô Thị Liễu vai Mông Tường trong tuồng "Giác Sanh"

Đứa em giật mình khóc thét lên nên Liễu bị mẹ mắng:“Mồ tổ cái đồ hư! Đam mê hát xướng cho lắm vô!” Lúc ấy, Liễu vừa xấu hổ vừa lo, chỉ biết cười cho mẹ đỡ giận. Liễu gặp tuồng như gặp người yêu. Khi bị cha mẹ ngăn cấm thì Liễu buồn đến héo cả ruột gan, chẳng kém một ông bầu gánh gặp hồi xúi quẩy, vỡ nợ trắng tay. Vắng tuồng, Liễu tưởng chừng không thể nào sống nổi. Đêm đêm, cô bé thầm khóc một mình giữa buổi canh gà chợt tỉnh. Liễu tìm thanh tre làm kiếm, rồi tự tập múa, hát một mình và sắm một lúc hai, ba vai. Liễu như bị tuồng bắt mất hồn, hễ nghe tiếng trống tuồng rung lên là cô bé đứng ngồi không yên. Dù bị nhốt trong buồng khóa trái cửa nhưng Liễu vẫn bò ra khỏi giường, nín thở, rón rén, chui vách ra ngoài rồi chạy một mạch đến rạp hát mặc cho mưa gió dọc đường ướt hết cả quần áo và sau đó bị những trận đòn roi nhớ đời. Cứ có tiếng trống chầu là bao nhiêu buồn bực lại tiêu tan hết, Liễu thấy lòng mình phơi phới, háo hức trong lòng.
Chính lòng say mê nghệ thuật tuồng một cách cuồng nhiệt, cháy bỏng đã góp phần rất lớn đưa NSND Ngô Thị Liễu “gặt hái” nhiều thành công trên bước đường chinh phục bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đặc biệt là những vai sở trường kép con, đào chiến… đã đi vào tâm thức của bao thế hệ diễn viên cũng như người mộ điệu. Là người giỏi nghề, NSND Ngô Thị Liễu được bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Giám đốc đầu tiên của Nhà hát tuồng Việt Nam và vinh dự được gặp Bác, diễn cho Người xem nhiều lần.
Duyên nghiệp của NSND Võ Sỹ Thừa là một minh chứng tiêu biểu về vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và giữ vững niềm đam mê nghề. Năm 1965, khi Tổ quốc cần, NSND Võ Sỹ Thừa đang là một diễn viên tuồng tài năng tỏa sáng vẫn sẵn sàng tham gia vào quân ngũ, góp phần giải phóng quê hương. Ông đã bị địch bắt và tra tấn dã man suốt 7 năm ròng trong nhà lao Mỹ - Ngụy nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người nghệ sĩ - chiến sĩ Cách mạng. Ông cùng các bạn tù đã dùng nghệ thuật Tuồng như một thứ vũ khí tinh thần sắc bén để chống lại kẻ thù. Trong tù, không có phục trang, đạo cụ và nhạc cụ, họ dùng hộp, ống đựng bơ làm trống, dùng lon sữa bò làm đàn nhị và lấy sợi bao tải làm đây cung đàn. Sân khấu biểu diễn là sàn xi măng sân nhà tù với những vở tuồng lịch sử như: Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản... NSND Võ Sỹ Thừa mượn tuồng chửi giặc và cổ vũ tinh thần đấu tranh của chiến sĩ ta. Đối mặt với quân thù, ông cùng các bạn tù đã làm cho bọn giặc khiếp đảm dù họ không có phấn son, cân đai, mũ mãng, …Ông đã bị quân giặc bẻ răng để không thể hát được nữa nhưng ông vẫn hát. Cũng trong tù, tuy không có giấy mực, nhưng NSND Võ Sỹ Thừa đã sáng tác được các vở tuồng như: “Ngục lửa”, tuồng hài “Con chó vện”….
  Xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với nghề đã giúp NSND Võ Sỹ Thừa có một nghị lực làm việc phi thường. Trong một lần tập luyện, ông bị gãy tay, phải bó bột 3 tháng trời nhưng ông không hề ngưng nghỉ mà vẫn hoàn thành vai diễn Trần Quang Diệu (tuồng Bà đô đốc áo đỏ) rất thành công chỉ với một tay cầm Siêu xung trận mà khán giả không hề biết.
NSND VÕ SỸ THỪA VÀO VAI lÊ LỢI TRONG TUỒNG LAM SƠN KHỞI NGHĨA

                                  NSND Võ Sỹ Thừa vai Lê Lợi trong tuồng "Lam Sơn khởi nghĩa"

Hay “Đệ nhất danh ca Bình Định”- NSƯT Hoàng Chinh vốn nổi tiếng qua câu ca dao:                                       Đi xem thời ngại tốn tiền
                  Không đi lại nhớ Lệ Siềng, Hoàng Chinh
Nhưng ít ai biết rằng, thời còn bé, ông đã từng bị cha ngăn cản khắt khe, không muốn con theo nghề hát mà phải đi học chữ Quốc ngữ lẫn Hán văn để tiến thân theo con đường chữ nghĩa. Vì thế, có lần Hoàng Chinh lén đi học hát Bội nên bị cha lấy dây trói lại ở cối xay. Ông phải nhờ anh giúp việc trong nhà mở dùm mới thoát ra được. Cũng từ đó, niềm đam mê nghệ thuật tuồng trong NSƯT Hoàng Chinh như “đốm lửa chờ ngày bùng phát”. Ông đã trốn nhà theo các gánh hát nổi tiếng ở địa phương để học nghề. Hơn nữa, ở NSƯT Hoàng Chinh hội tụ đủ các yếu tố “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” nên ông sớm trở thành một kép hát lừng danh, một thầy tuồng lão luyện, được nhân dân yêu mến xếp hàng thứ nhất trong tứ đại Danh ca Bình Định.
Còn NSND Đinh Quả luôn được bao thế hệ học trò hôm nay nhắc đến trong vai trò là một người thầy chủ nhiệm khoa Tuồng nhiều năm trên đất Bắc và cả quê hương Bình Định, với phương pháp đào tạo diễn viên rất sư phạm, bài bản, tận tình nên mang lại chất lượng, hiệu quả cao. Đặc biệt, ông nổi tiếng nghiêm khắc và có phần “khó tính” khi dạy con cũng như học trò. Vì thế, ban đầu một số người tỏ ra khó chịu và phản ứng với cách dạy của thầy. Có trường hợp, diễn viên giả vờ ốm để không phải lên lớp trả bài theo yêu cầu của thầy sau mỗi ngày tập luyện. Biết được sự tình, thầy Đinh Quả đã báo cho người phụ trách nấu nướng hồi ấy (sống tập thể thời bao cấp) nấu cháo cho “người ốm” mấy ngày liền. Vậy là người học trò ấy phải tự nguyện đến xin lỗi thầy và quay trở lại học nghề nghiêm túc hơn. Khi trưởng thành, làm được nghề, học trò “ốm” năm xưa rất biết ơn thầy. Nhờ sự nghiêm khắc của thầy ngày nào mà về sau họ đã trở thành nghệ sĩ tuồng tài giỏi.
Có thể nói, để trở thành những bậc thầy về nghệ thuật tuồng, mỗi người sẽ chọn cho mình một phương pháp tôi luyện riêng. Nhưng ở các thầy Tuồng thường có một điểm chung, đó là “ngọn lửa” tình yêu nghề luôn “cháy mãi trong tim”. Họ mong muốn truyền ngọn lửa đam mê ấy cùng vốn nghề quý tích lũy bao năm cho các thế hệ tiếp nối, như lời của cố NSND Võ Sỹ Thừa khi về già đã từng trăn trở: “Giờ đây khi tuổi đã xế chiều, không còn sức lực để vùng vẫy trên sân khấu nữa, tôi rất băn khoăn chưa biết làm thế nào để trao lại hết cái vốn nghề cho thế hệ trẻ. Đừng để lớp bụi thời gian phủ lấp những viên ngọc quý của cha ông…”. Quả thật, niềm đam mê nghề của các thầy Tuồng đã trở thành những giai thoại khó quên, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay học tập.

Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây