MÙA XUÂN VỚI NGHỆ THUẬT TUỒNG (HÁT BỘI)

Thứ năm - 21/12/2023 05:38
                                                         
 Xuân - mùa của nghệ thuật Tuồng
Mùa xuân ở miền đất võ trời văn Bình Định cũng là mùa của lễ hội cổ truyền. Trong đó bao gồm nhiều loại hình lễ hội khác nhau như: lễ hội lịch sử (Đống Đa – Tây Sơn, chợ Gò Tuy Phước); lễ hội dân gian (Đổ Giàn An Thái), lễ hội làng nghề (Làng Rèn Phương Danh; Làng đúc đồng Bằng Châu ở thị xã An Nhơn) hay lễ hội cầu ngư ở Phước Thuận, Đề Gi,… Bên cạnh đó là những ngày lễ tâm linh mang tính phong tục truyền thống như Lễ Thanh Minh…được tổ chức ở hầu hết các địa phương trong tỉnh vào thời điểm đầu năm. Vốn yêu nghệ thuật, đặc biệt là Tuồng, nên chẳng biết tự bao giờ, trong các dịp sinh hoạt hội hè của người dân xứ Nẫu không thể thiếu vắng những đêm rộn ràng tiếng trống chầu, trống chiến; những điệu hát Khách, hát Nam.
vở TIÊU ANH PHỤNG


                                                                  Cảnh vở tuồng "Tiêu Anh Phụng loạn trào"

Là một phần quan trọng của lễ hội, Hát bội đảm nhận những vai trò lớn thuộc cả hai phần “Lễ” và “Hội”. Thông thường mỗi lễ hội sẽ có hai, ba đêm hát (tùy theo yêu cầu của mỗi địa phương). Trong đó có: một đêm hát Lễ hay còn gọi là hát cúng - tức là hát để dâng lên thần linh, còn các đêm sau đó là phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Đối với phần hát Lễ, các vở được chọn đa số là tuồng cổ mẫu mực, nghiêm trang, tráng lệ, hào hùng như: Cổ Thành, Sơn HậuHuê Dung Lộ. Ở phần hát Hội phục vụ nhân dân, thường là những vở tuồng mộc mạc, đượm chất tình mang tính dân gian (Thạch Sanh, Nỗi oan tình) hay chất tiểu thuyết (Tam hùng kiệt, Nợ nước tình nhà, Tam hạ Nam Đường,…).    
Chất xuân trong Tuồng
Mùa xuân vốn là mùa của vạn vật sinh sôi, trăm hoa đua nở,… cái không khí ấm áp tràn trề sức sống ấy của thế giới tự nhiên vô hình chung đã trở thành hồn cốt làm nên những kiệt tác nghệ thuật cho muôn đời. Với nghệ thuật tuồng cũng vậy. Ngay từ tiếng trống chầu khai đêm diễn  đầu năm đã mang hơi thở của mùa xuân. Trống khai chầu mùa xuân thường điểm ba tiếng - luật cầm chầu gọi là Xuân tam, lấy theo ý nghĩa của câu thành ngữ Hán - Việt Tam dương khai thái của người xưa.
Không biết tự bao giờ, mùa xuân được lấy để đặt tên cho một trong những làn điệu đặc trưng của nghệ thuật tuồng, đó chính là Nam xuân. Sau này, đến những năm đầu thế kỷ XX có thêm làn điệu Nam xuân nữ.
Nói về làn điệu Nam xuân trong tuồng, những người yêu nghệ thuật đều biết đây là một làn điệu cơ bản trong hệ thống hát Nam của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Hát Nam xuân có tính chất vui vẻ, tươi tắn,… Cách hát hơi nhanh, thường dùng cho các trường hợp nhân vật đang dạo chơi ngắm cảnh hoặc lúc chia tay. Riêng với trường hợp trong hoàn cảnh chia tay, hát Nam xuân được dùng cốt là để khích lệ động viên tinh thần người đi mà đa phần là ra đi vì chí lớn. Ví như câu hát Nam của Lê Lợi và các tướng lĩnh tiễn Lê Lai lên đường ra trận đối đầu với giặc Minh trong vở Sao khuê trời Việt:
Lê Lai: (Nam) Thần đây!
                           Tử sinh bao quản thân nầy
                           Quyết đem gan óc đắp xây sơn hà
Mọi người:  Lê huynh ơi!
                           Dấn mình giữa cuộc can qua
                    Nay Lê huynh chết đây là…
                           Trăng sao rạng tiết nước nhà nêu gương
                           Chúa tôi vẹn nghĩa đôi đường
Lê Lai: (Nam)    Phút giây nhìn mặt (thưa thưa)
                   Vội vàng chia tay…

sao khuê trời Việt


                                                                      Cảnh vở tuồng "Sao Khuê trời Việt"

 Đối với làn điệu Nam Xuân nữ, đây là thành quả sáng tạo rất đặc biệt của các nghệ sỹ bậc thầy trong những năm đầu thế kỷ XX. Làn điệu này là sự kết hợp khéo léo giữa hát Nam của nghệ thuật tuồng mà tiêu biểu là Nam ai với chất Xuân nữ của nghệ thuật Cải lương. Vậy nên làn điệu Nam xuân nữ trong tuồng nghe rất ngọt ngào và mùi mẫn. Làn điệu này hay dùng trong các tình huống chia tay, đặc biệt là trong các tình huống chia tay của các cặp trai tài gái sắc.
Không chỉ có tiếng trống chầu và làn điệu, khi nhắc đến hương sắc mùa xuân trong tuồng sẽ rất thiếu xót nếu không đề cập tới cảnh xuân và tình xuân trong các vở diễn. Cũng giống như thi ca, mùa xuân chính là một trong những chất liệu tuyệt hảo để làm nên những câu tuồng bất hủ. Trong vở Trầm hương các, chỉ với một câu hát Nam, Đào Tấn đã họa nên một bức tranh chữ tuyệt đẹp về mùa xuân:
                                             Gió hương thổi lọt hoàng bào
                                             Kiều mai tuyết điểm động đào sương giăng
Hình ảnh Trụ vương phong lưu, hào hoa, đa tình,… hiện lên trên nền cảnh tuyệt mỹ với cây cầu, hàng mai điểm tuyết và động đào mờ ảo, huyền bí trong sương. Người và cảnh hòa quyện vào nhau, sự tươi tắn, thơ mộng, gợi tình của cảnh xuân cộng hưởng với “sinh lực xuân thì” tràn trề của nhân vật trữ tình không chỉ tạo nên một bức thi họa trác tuyệt về mùa xuân mà còn lột tả một cách đầy đủ nhất về con người Trụ vương. Hơn thế nữa, câu hát này còn gợi cho người đọc liên tưởng đến nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của nhà Trụ sau này.
Không chỉ ở tuồng cổ, trong tuồng lịch sử sau này, chất xuân cũng luôn là nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật. Trong vở tuồng Trưng nữ vương đề cờ, khi diễn tả tâm trạng ngóng trông của Trưng Trắc đối với Thi Sách, tác giả Tống Phước Phổ cũng đã mượn đến mùa xuân:
Trưng Trắc:                     Ngóng Thuận Thành ngàn dặm xa xa
                                       (Khi chồng tôi ra đi)
                                                Cúc trước thềm vừa mới tàn hoa   
                                       (Nhưng đến hôm nay)             
                                                Mai đầu núi đã chừng nở nhụy
                                       (Mà vẫn chưa thấy về)
QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THAN

 
                                                           Cảnh vở tuồng "Quang Trung đại phá quân Thanh"

Mượn hoa mai - một trong những loài hoa tượng trưng cho mùa xuân, kết hợp với hình ảnh của hoa cúc trước đó để diễn tả khoảng thời gian vợ chồng ly biệt. Sự xuất hiện của mùa Thu và mùa Xuân ở đây không chỉ đơn thuần là để diễn tả thời gian mà sâu thẳm trong đó là nỗi lòng ngổn ngang lo âu, bộn bề thương nhớ của Trưng Trắc với chồng. Thời gian càng trải dài, sắc mai càng thắm thì nỗi lòng thương nhớ, lo âu của nhân vật trữ tình càng trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết. Mượn cảnh tả tình, một thi pháp rất quen thuộc trong thi ca. Thế nhưng, dưới ngòi bút tinh tế của tác giả, tâm tư, tình cảm của nhân vật cứ hiển hiện ngày một rõ nét qua từng lời kịch và thấm dần vào tâm hồn khán giả.
Cũng bắt nguồn từ những cảm hứng bất tận về trang sử vàng của dân tộc, bằng chất liệu nghệ thuật sân khấu, tác giả Trúc Đường và đạo diễn Hoàng Chương đã dựng lại một cách chân thực và sinh động về chiến thắng huy hoàng của đoàn quân Tây Sơn anh hùng trước 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789) với vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh. Trước sức mạnh như vũ bão của ngọn cờ đại nghĩa Tây Sơn, đứng đầu là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, giặc Mãn Thanh đã phải hứng chịu nhiều trận thất bại, hao tổn nhiều binh tướng. Cuối cùng bọn giặc xâm lăng buộc phải lũ lượt xếp giáp quay đầu kéo tàn binh về nước. Khung cảnh hoành tráng ở màn kết của vở với đại kỳ Tây Sơn tung bay trên nền hoa đào rực rỡ ở Thăng Long cùng sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân chính là một minh chứng rõ nét nhất về sắc xuân trong Tuồng.
                                                                                     
  

Tác giả bài viết: Bài: Lê Công Phượng; Ảnh: Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây